Cách mạng tháng Tám qua những trang báo Việt Nam độc lập

Baoanh Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
“Ngày 19 tháng 8, 20 vạn dân thành phố Hà Nội diễu qua các phố hoan nghênh Chính phủ lâm thời”, báo Việt Nam độc lập ra ngày 20/9/1945 viết.
Cách mạng tháng Tám qua những trang báo Việt Nam độc lập
Báo Việt Nam độc lập cho biết các diễn biến của cuộc Cách mạng tháng Tám. Ảnh tư liệu TTXVN.

Số báo Việt Nam độc lập số 226 ra ngày 20/8/1945 đã đăng lời hiệu triệu đồng bào ngay trên trang đầu “Giờ khởi nghĩa đã đến”. Sau khi điểm qua tình hình quốc tế và trong nước, báo kêu gọi:

“Ngày giải phóng của 25 triệu đồng bào đã tới!

Tiếng súng giết giặc cứu nước đã vang lừng khắp nơi.

Bọn Nhật ở Đông Dương đã bị cô lập, hết sức hoang mang.

Chúng đang ngắc ngoải đợi ngày tổng khởi nghĩa của dân Đông Dương tiêu diệt chúng như một bầy thú dữ hết đường trốn chạy.

Hỡi hết thảy đồng bào! Hỡi những ai yêu nước thương nòi! Hãy mau hưởng ứng Việt Minh dưới ngọn cờ đỏ chỉ đạo sao vàng năm cạnh, mau đứng lên Cướp chính quyền thành lập một Chính phủ Lâm thời Nhân dân hết sức rộng rãi trên nền tự do Tân dân chủ.

Lúc này ai còn do dự là có tội với quốc dân. Chúng ta phải tự quyết định sự giải phóng của chúng ta”.

Số báo này đăng bài thơ tuyên truyền nhan đề “Cướp ngay chính quyền” với những câu thơ sục sôi khí thế cách mạng:
Việt Minh hiệu triệu toàn dân
Lập ngay Chính phủ Nhân dân của mình.
Hỡi công, nông, sĩ, thương, binh
Mau mau hưởng ứng Việt Minh hô hào.
Ngọn cờ Độc Lập nêu cao
Thi hành dân chủ Đồng bào tự do!
Hạnh phúc, bình quyền, ấm no…

Rất tiếc, số báo 227 hiện đã bị thất lạc. Hiện chúng ta chỉ còn nắm được tường thuật về cuộc Cách mạng tháng Tám qua những dòng tin của báo Việt Nam độc lập trên số 228, ra ngày 20/9/1945.

Số báo này, trên trang nhất đăng bài xã luận “Kiên quyết chống mọi âm mưu xâ‌m lượ‌c”, tiếp sau là danh sách Chính phủ Lâm thời nước Dân chủ Cộng hòa Việt Nam do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.

Cùng với đó là một số tin vắn như “Vua Bảo Đại đã thoái vị, giao chính quyền cho Việt Minh”, “Quân Pháp đã được phép của Đồng Minh vào đóng ở Đông Dương thay chân cho quân Anh, Tàu”, “30 vạn nhân dân Hà Nội biểu tình ngày 25/8 hoan nghênh phái bộ Đồng Minh”.

Đặc biệt, chùm tin “Khắp xứ tổ chức những cuộc biểu tình khổng lồ hoan nghênh Chính phủ Lâm thời” cho chúng ta những thông tin quan trọng về diễn biến của cuộc cách mạng tháng 8 lịch sử trên cả nước:

Hà Nội: Ngày 19 tháng 8, 20 vạn dân thành phố Hà Nội đã rộn rịp từ sáng sớm sắp sửa một cuộc biểu tình lớn lao. Một rừng cờ đỏ sao vàng phất phới tung bay xen lẫn những khẩu hiệu “Ủng hộ Việt Minh”, “Nước Việt Nam của người Việt Nam”, “Đả đảo chính sách thực dân Pháp”… Tiếng hô của 20 vạn dân đi diễu qua các phố hoan nghênh Chính phủ lâm thời cách mạng.

Bắc Ninh: 5 vạn người ngày 19/8 họp một cuộc biểu tình chưa từng có trong tỉnh này, hoan nghênh Việt Minh, hô Việt Nam độc lập và những khẩu hiệu khác ủng hộ nền Độc lập Việt Nam và Chính phủ nhân dân cách mạng.

Hưng Yên: Toàn dân tỉnh Hưng Yên ngày 22/8 trên 30 vạn người biểu tình hoan nghênh Việt Minh, đả đảo Chính phủ Nam triều, đánh đổ ông Tỉnh trưởng bù nhìn tay sai cho Pháp, thành lập một Ủy ban nhân dân cách mạng…

Sài Gòn: Quá sức tưởng tượng của mọi người, ngày 26/8 (thực tế là ngày 25/8, có lẽ báo nhận thông tin sai) Sài Gòn đã tổ chức một cuộc biểu tình khổng lồ nhất trong lịch sử tranh đấu cách mạng Việt Nam. Một cuộc biểu tình có hơn một triệu người tham dự. Trong cuộc biểu tình này anh em Việt Minh trong Nam Kỳ tuyên bố Ủy ban Chính quyền Nhân dân cách mạng đã thành lập. Trong các bản tuyên bố, có một bản của Đảng cộn‌g sả‌n ở trong Nam. Âm nhạc cử cả bài ca Quốc tế.

Huế: 15 vạn dân Kinh đô Huế ngày 23/8 biểu tình lật đổ chính quyền Nam triều, thành lập Ủy ban nhân dân cách mạng... Các công sở quan trọng của Triều đình Huế bị niêm gác.

Cùng với đó là tin về cuộc biểu tình ở Hải Dương, Hải Phòng và một tin dài về 4.000 thanh niên và thiếu niên châu Trần Phú, Cao Bằng biểu tình hoan nghênh Chính phủ Lâm thời.

Số báo tiếp theo còn lưu trữ được là số 230 ra ngày 10/10/1945 đăng tin tổng kết “Tuần lễ vàng” với kết quả cập nhật ở Hà Nội quyên được 2.549 lạng vàng và 2.551.000 đồng, cùng 9.200 tấn thóc. Hải Phòng quyên được 626 lạng vàng, 590 lạng bạc. Nam Định: 252 lạng vàng. Hà Tĩnh: 163 lạng vàng. Huế 200 lạng và Quảng Trị 250 lạng vàng.

Báo cũng đưa tin: “Tấm ảnh của Hồ Chủ tịch đã bán đấu giá theo lối Mỹ được 1.468.000 đồng”.

Họa bản tuyên truyền của báo Việt Nam độc lập, ra ngày 25/3/1945.

Xuất bản số đầu tiên (đánh số 101) ngày 1/8/1941, báo Việt Nam độc lập là cơ quan tuyên truyền của Việt Minh tỉnh Cao Bằng. Khi căn cứ cách mạng được mở rộng, báo trở thành cơ quan của Liên tỉnh hội Việt Minh Cao Bằng – Bắc Cạn (từ số 229 đến 286), và từ số 287 là cơ quan của 3 tỉnh Cao – Bắc - Lạng. Báo tồn tại đến sau cách mạng tháng Tám, số cuối cùng lưu trữ được ra ngày 10/12/1945, số báo tuyên truyền cho cuộc bầu cử Quốc hội khóa I của nước Việt Nam DCCH.

Báo in trên đá theo nét viết tay trên khổ 20 x 30cm, là khổ giấy thông thường của vở học sinh để dễ mua, gọn nhẹ. Lãnh tụ Hồ Chí Minh là “Tổng biên tập”, cũng là phóng viên, người viết nhiều bài nhất cho báo, nhiều khi còn là “họa sĩ” minh họa các bài, vẽ tranh tuyên truyền, tham gia in báo trên đá.

Tập hợp tất cả các số báo Việt Nam độc lập còn lưu trữ được đã được Bảo tàng Cách mạng Việt Nam và NXB Lao động xuất bản thành sách.

Khi lãnh tụ Hồ Chí Minh sang Trung Quốc, ông Phạm Văn Đồng trực tiếp chỉ đạo báo cho đến tháng 4/1945.

So với các tờ báo cách mạng, bí mật, bất hợp pháp ấn hành trong thời kỳ thuộc Pháp, Việt Nam độc lập là tờ báo được phát hành lâu nhất.

Bảo tàng cách mạng Việt Nam đã tập hợp được 156 số báo (thiếu 15 số), và xuất bản thành tập sách Báo Việt Nam độc lập 1941-1945 (NXB Lao động, 2000).  

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật