Xuất khẩu sợi gặp khó vì tỷ giá đồng Nhân dân tệ

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Xuất khẩu sợi Việt sang Trung Quốc đang gặp khó vì Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ.
Xuất khẩu sợi gặp khó vì tỷ giá đồng Nhân dân tệ
7 tháng qua, giá xuất khẩu sợi sang Trung Quốc giảm gần 10% so với cùng kỳ năm trước.

Cứ với 1% tỷ giá USD/CNY giảm, thì tương đương giá sợi xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc mất 3 cent Mỹ/kg.

Trung Quốc là thị trường tiêu thụ chủ yếu của xơ sợi dệt Việt Nam, chiếm 56% trong tổng lượng và chiếm 57,2% trong tổng kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên, theo nhiều doanh nghiệp sợi, hiện nay, phía đối tác Trung Quốc đang ép giá doanh nghiệp xuất khẩu sợi từ Việt Nam, để giảm bớt thiệt hại từ biến động tỷ giá giữa đồng USD với đồng Nhân dân tệ.

Giá bán “tụt dốc”

Theo bà Vũ Phương Diệp, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Damsan, trước đây, mỗi tháng doanh nghiệp của bà xuất khẩu sang Trung Quốc khoảng 1.400 tấn sợi nhưng hiện tại số lượng sụt giảm mạnh. Thậm chí, trong tháng 9 tới, Damsan còn chưa ký được bất kỳ đơn hàng nào. Nguyên nhân do giá bán đã giảm mạnh không bù được chi phí sản xuất. Hiện nay, sợi chỉ bán được với giá 2,4 USD/kg thay vì 2,8 USD/kg như trước đây.

“Hiện tại, chúng tôi không biết cả 2 bên Mỹ và Trung Quốc sẽ có những hành động nào để làm gia tăng căng thẳng hay không. Một khi căng thẳng gia tăng thì các mặt hàng chúng tôi sản xuất để đi thị trường Trung Quốc thì sẽ không tiếp tục được nữa", bà Diệp lo lắng.

Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong 7 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu xơ sợi dệt đã chứng kiến mức giảm giá gần 8% so với cùng kỳ năm trước do tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Giá xuất khẩu sợi trung bình 7 tháng qua đạt 2.531 USD/tấn, giảm gần 8% so với cùng kỳ.

Trong đó, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ chủ yếu của xơ sợi dệt Việt Nam, chiếm 56% trong tổng lượng và chiếm 57,2% trong tổng kim ngạch xuất khẩu. Sản lượng xuất khẩu sang Trung Quốc 7 tháng qua đạt 531.230 tấn, kim ngạch trên 1,37 tỷ USD, giá 2.584 USD/tấn. Điều đáng nói, giá xuất khẩu sang Trung Quốc giảm gần 10%. Xuất khẩu sợi sang Đài Loan chứng kiến sự sụt giảm mạnh nhất 30% cả về lượng và kim ngạch.

Theo Hiệp hội Bông Sợi Việt Nam (VCOSA), tình hình xuất khẩu sợi những tháng cuối năm được dự báo chưa có nhiều khởi sắc, nhất là về giá do các nhà nhập khẩu tiếp tục mua hàng cầm chừng để thăm dò thị trường.

Trên thực tế, giá sợi xuất khẩu của Việt Nam có biểu hiện lao dốc từ cuối năm 2018, đặc biệt là đơn giá xuất khẩu sang Trung Quốc, vốn là thị trường nhập khẩu sợi lớn nhất của Việt Nam liên tục giảm.

Thêm thiệt hại vì đồng Nhân dân tệ mất giá

Hơn nữa, doanh nghiệp xuất khẩu sợi của Việt Nam không chỉ bị giảm giá bán mà còn chịu thêm thiệt hại do Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ Trung Quốc (CNY). Cụ thể, từ tháng 6/2018 đến cuối năm 2018, đồng CNY mất giá 7,8% so với USD, tỷ giá USD/CNY giảm từ 6,4 xuống còn 6,95 trong khi tỷ giá USD/VND vẫn giữ giá. Điều này dẫn đến giá sợi của Việt Nam xuất khẩu vào Trung Quốc cao hơn rất nhiều so với trước đây.

Nếu tính giá sợi xuất khẩu trung bình tháng 6/2018 khoảng 3 USD/kg, thì giá sợi cuối năm 2018 trượt theo tỷ giá đắt hơn khoảng 23 cent Mỹ. Quý 1/2019, tỷ giá USD/CNY có tăng nhẹ lên 6,75 nhưng đến đầu tháng 6/2019 lại giảm xuống 6,9 USD/CNY.

Như vậy, nếu doanh nghiệp xuất khẩu sợi sang Trung Quốc ký hợp đồng theo CNY thì ngoài việc giá bán bị ép giảm theo thị trường còn bị thiệt hại do đồng CNY mất giá.

Ngành dệt may tính toán, nếu tỷ giá USD/CNY giảm 1%, tương đương giá sợi xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc mất 3 cent Mỹ/kg.

Trong khi đó, đồng tiền của các quốc gia cạnh tranh thị phần xuất khẩu sợi với Việt Nam như Ấn Độ, Pakistan cũng mất giá. Tính từ đầu năm 2018 đến hết tháng 6/2019, đồng Rupee của Ấn Độ giảm 8,62%, đồng Rupee Pakistan giảm 14,4%, đồng Lira giảm 38,27%. Điều này dẫn đến, giá sợi xuất khẩu của các nước này lại càng cạnh tranh hơn so với Việt Nam.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng đồng Nhân dân tệ giảm giá trong khi Việt Nam đồng ổn định sẽ tác động mạnh đến xuất khẩu. Hàng Việt Nam xuất khẩu sang Trung quốc sẽ đắt đỏ hơn. Điều này sẽ làm giảm tính cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam bởi các nhà nhập khẩu Trung Quốc sẽ ép giá các doanh nghiệp Việt.

Bên cạnh đó, nếu Nhân dân tệ giảm giá quá mạnh, nhiều công ty Việt nhìn thấy biên lợi nhuận cao sẽ chuyển sang mua hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc để bán vào nội địa thay vì tập trung đầu tư máy móc, công nghệ để nâng cao tỉ lệ nội địa hóa.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật