Sứ mệnh gìn giữ hòa bình của LHQ đối diện thách thức kép từ COVID-19

Kute Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Với 110.000 binh sĩ gìn giữ hòa bình được triển khai ở trên trên 10 nước trong bối cảnh cả thế giới đang bị dịch COVID-19 hoành hành, Liên hợp quốc (LHQ) phải đối mặt với thách thức kép: Giữ an toàn cho các nhân viên và quan trọng hơn là tìm cách thuyết phục nước sở tại không đề nghị số nhân viên này về nước.
Sứ mệnh gìn giữ hòa bình của LHQ đối diện thách thức kép từ COVID-19
Lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ tuần tra tại thị trấn Abyei, Sudan. Ảnh: AFP/ TTXVN.

Đang có một nỗi lo ngại mang tên “hiệu ứng chạy loạn” - theo cách nói của một nhà ngoại giao với hãng tin AFR. Theo đó, các nước gửi quân nhân tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình có thể sẽ nêu quan ngại về việc binh sĩ không chấp nhận lưu lại điểm nóng, hoặc các nước sẽ không để binh sĩ của mình ở lại những nơi này bởi nếu bị nhiễm bệnh, họ sẽ không được chăm sóc, chữa trị tốt.

Ngày 8/4, Phó Tổng thư ký LHQ phụ trách hoạt động gìn giữ hòa bình Jean-Pierre Lacroix cho biết, tính đến thời điểm này LHQ vẫn chưa nhận được bất kỳ đề nghị nào về rút lực lượng gìn giữ hòa bình do dịch COVID-19, ông nhấn mạnh đây chính là thời điểm để các bên thực hiện cam kết tập thể về gìn giữ hòa bình.

Để đối phó với dịch COVID-19 tại các nước lính mũ nồi xanh đồn trú, ngày 6/3, LHQ đã ra quyết định dừng hoạt động luân chuyển, thay quân tại các vùng xung đột nơi LHQ thực hiện sứ mệnh gìn giữ hòa bình. Đến tuần này, LHQ lại kéo dài thời hạn đóng băng chuyển quân tới ngày 30/6 và áp dụng cho tất cả các nước có hiện diện của lực lượng gìn giữ hòa bình.

Nhiều tuần nay, các biện pháp cách ly được áp dụng trên toàn thế giới cũng có hiệu lực tại doanh trại trong các phái bộ gìn giữ hòa bình của LHQ. Cùng lúc, LHQ còn thực hiện các biện pháp giám sát ngăn ngừa, không để binh sĩ lây nhiễm sang cho đồng nghiệp và người dân địa phương. 

Thực tế, LHQ vẫn còn nhớ bài học về điều quân từ Haiti – số được triển khai sau trận động đất năm 2010, sang Nepal. Chính số binh sĩ này là nguồn gây bệnh tả ở địa phương, khiến 10.000 người Nepal thiệt mạng. “Chúng tôi làm tất cả những gì có thể để tránh biến binh sĩ thành nguồn lây nhiễm”, ông Lacroix bày tỏ, đồng thời nhấn mạnh các quy định về vệ sinh phòng dịch nghiêm ngặt, giãn cách vật lý tại những địa điểm có quân đồn trú của LHQ.

Khi châu Phi, khu vực phần lớn còn khá an toàn trước đại dịch, đang hồi hợp chờ đón những hậu quả nặng nề trong vài tuần tới, mục tiêu mà LHQ đặt ra là tiếp tục duy trì hoạt động gìn giữ hòa bình tại lục địa đen, với các điểm nóng như Mali, Cộng hòa Trung Phi, Nam Sudan và Cộng hòa Dân chủ Congo. Một nhà ngoại giao giấu tên cho biết, các biện pháp chống dịch COVID-19 đã ảnh hưởng tới hoạt động gìn giữ hòa bình, nhưng vẫn phải tiếp tục duy trì vì “sẽ là thảm họa nếu chiến dịch sụp đổ sau khi quân của LHQ được rút đi”.

Ngày 23/3, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres kêu gọi một lệnh ngừng bắn ở tất cả các vùng xung đột trên thế giới, nêu cụ thể các trường hợp ở Yemen hay Syria. Lời đề nghị này chưa được hưởng ứng trên thực địa, nhưng nó hàm chứa một thông điệp: Các nước cử quân tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình cần giữ binh sĩ của mình đang ở đâu ở nguyên đó.

Hôm 7/4, Liên minh châu Âu - khu vực đóng góp một lượng lớn binh sĩ, sĩ quan cảnh sát trong các phái bộ của LHQ, lên tiếng ủng hộ ý tưởng giữ nguyên trạng lực lượng gìn giữ hòa bình, cam kết sẽ không rút quân khỏi các chiến dịch của LHQ. “Chúng tôi muốn nhấn mạnh, bất chấp dịch bệnh hoành hành đang gây sức ép lớn đối với châu Âu, hơn lúc nào hết châu Âu duy trì cam kết mạnh mẽ đối với nhiệm vụ mà các nhân viên gìn giữ hòa bình đang thực thi trên toàn thế giới. LHQ cần tiếp tục các chiến dịch này để hỗ trợ các nước bản địa trong thời điểm đặc biệt thách thức như hiện nay”, EU chuyển thông điệp tới Tổng thư ký LHQ Guterres.

Một số nhà ngoại giao LHQ kỳ vọng biện pháp ứng phó của châu Phi trước dịch bệnh sẽ khả quan và châu lục này tiếp tục cho binh sĩ của LHQ lưu lại. Từng có quãng thời gian trải qua nạn dịch Ebola từ năm 2013-2016 và dịch sởi vẫn đang tồn tại ở Cộng hòa Dân chủ Congo, các nước châu Phi có sự chuẩn bị tốt hơn về tinh thần và cả hệ thống y tế trước đại dịch.

Ông Lacroix thì cho rằng COVID-19 sẽ ảnh hưởng rất lớn tới các nước có lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ đồn trú, do hạ tầng yếu kém, các mạng lưới chăm sóc y tế tàn tạ bởi chiến tranh. Tuy nhiên, ông vẫn thể hiện niềm lạc quan khi nhìn nhận LHQ đã có sự chuẩn bị trước một bước đối với dịch bệnh tại những nơi có triển khai sứ mệnh gìn giữ hòa bình.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật