Huyền tích về tòa tháp Chăm duy nhất thờ vị Vua được phong thần

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Tháp Po Romé ở làng Hậu Sanh, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận là một trong những tháp xây dựng muộn nhất của người Chăm khi ra đời vào thế kỷ 17. Điều đặc biệt là đây không phải tòa tháp thờ thần như phần lớn các tháp Chăm khác mà là thờ vua Po Rome- một trong những vị vua được người Chăm phong thần.
Huyền tích về tòa tháp Chăm duy nhất thờ vị Vua được phong thần
Po Romé là tòa tháp Chăm duy nhất thờ một vị vua hóa thần

Vị Vua cuối cùng của vương quốc Chăm-pa 

Theo sử liệu của vương quốc Champa cũ, có nhiều giai thoại về cuộc đời vị hoàng đế cuối cùng là vua Po romé và 3 người phụ nữ, một là công chúa Chăm, một là công chúa Ê Đê, và một là công chúa Ngọc Khoa, con của chúa Nguyễn như trong bài ca Chiêm Thành Ni Danak Po Romé có câu: “Vua Po Romé có 3 vợ: 2 người giống da sậm và 1 người Việt Nam…”. Tuy nhiên trong 3 người vợ đó, chỉ có công chúa Ê Đê H Drah Jan Kpă – con gái cưng của một tù trưởng Ê Đê, là người đã sinh ra con cái cho vua Po Romé.

Tháp Po Romé, tiếng Chăm là “Bimong Po Romé” được xây dựng từ thế kỷ 17, thờ vị vua Po Romé, vị vua cuối cùng của vương quốc Champa, là di tích được xếp hạng quốc gia hiện nay, là một trong những di tích văn hóa quan trọng của dân tộc Chăm.

Theo nguồn sử liệu thì vua Po Romé thuộc tộc người Churu, thuở nhỏ tên là Jakathaot. Po Romé sinh ra trong một gia đình khá giả ở Panduranga bởi người mẹ đồng trinh. Vì chưa có chồng mà có con, nên mẹ con Po Romé bị ông bà ngoại đuổi khỏi nhà, lang thang từ làng này sang làng khác.

Po Romé lớn lên vượt qua những lời dị nghị và trở thành một chàng trai tuấn tú, tài trí phi phàm. Định mệnh đã đưa đẩy chàng làm mục đồng cho vua Po Mưh Taha. Po Romé có tài bắn cung, mỗi chiều đi về, chàng mang về những thỏ, sơn dương…Truyền thuyết kể là, trưa nọ, ham mê theo dấu chân nai, chàng đi mãi vào rừng đến mệt lả rồi nằm nghỉ dưới gốc cây cao.

Đang thiu thiu ngủ, mở mắt ra chàng nhìn thấy hai cục than lửa đỏ lựng giữa tán lá: một con rồng khổng lồ đang nhìn đăm đắm mình, chàng hoảng hốt bỏ chạy và lạc đường, mãi tối mò mới tìm đến nhà. Sáng sau khi thức dậy, thần sắc Po Romé hoàn toàn đổi khác: phương khi, oai vệ lạ thường.

Lúc này, vua Po Mưh Taha đã già nhưng chưa tìm được người nối ngôi, vì ông chỉ có một người con gái. Một hôm, nghe thấy tiếng Po Romé đuổi chó su nhà, vị chiêm tinh của vua Po Mưh Taha bảo đấy chính là giọng vua tương lai của Champa.

Tượng vua Po Romé được thờ trong tháp Po Romé

Khi xem kỹ tướng mạo Po Romé, vị chiêm tinh tiến cử chàng lên nhà vua và được chấp thuận. Công chúa Bia Than Cih được gả cho Po Romé. Vài tháng sau, Po Romé lên ngôi vua trị vì đất nước, sau khi lên ngôi vua lấy tên hiệu là Po Romé, trị vì vương quốc Champa (1627 – 1651).

Po Romé là vị vua có nhiều công trạng đối với sự nghiệp phát triển của dân tộc Chăm nên khi mất, ông được cộng đồng người Chăm tôn thờ như một vị thần. Tháp Po Romé cũng là tháp duy nhất thờ Vua Po Romé chứ không thờ các vị thần như các tòa tháp cổ khác.

chu‌yện tìn‌h diễm lệ của nàng công chúa Chăm-pa

Po Romé là một vị vua có nhiều công lớn với dân tộc Chăm và cũng là một người đàn ông rất say mê nhan sắc. Sau khi kết hôn với người vợ đầu Bia Than Cih (người Chăm Bàni), Bia Than Cih không có con, điều đó làm vua Po Romé hết sức đau buồn, ông cất công đi tìm thuốc chữa cho hoàng hậu có người nối dõi.

Trên đường đi tìm thuốc, vua Po Romé đến xứ sở của người Ê đê, ông tình cờ gặp và say đắm nàng công chúa Ê đê xinh đẹp H Drah Jan Kpă. Công chúa này là con gái cưng của một vị tù trưởng người Ê đê. Trong tiếng Ê đê, H Drah Jan Kpă có nghĩa là công chúa Hạt mưa, vì thế vị công chúa này còn có tên gội khác là công chúa Hạt mưa.

Ban thờ tượng nàng H Drah Jan Kpă trong tháp, cạnh tượng thờ vua Po Romé

Nàng H Drah Jan Kpă được vua rước về kinh thành, trở thành thứ hậu Bia Than Can của Po Romé. Sau này, vua Po Romé còn có thêm một người vợ là công chúa Ngọc Khoa – con chúa Nguyễn, gọi là nàng Bia Ut, nhưng chỉ có nàng Bia Than Can là người duy nhất sinh cho vua Po Romé những đứa con kháu khỉnh.

Theo sử liệu của người Chăm, khi công chúa Hạt mưa về kinh thành, nàng đã chinh phục các thần dân của vua Po Romé và tiếp tục sinh cho Vua những đứa con nỗi dõi cho hoàng tộc Chăm, đúng như cái tên công chúa Hạt mưa – cái tên của sự đâm chồi, nảy lộc của nàng.

Sau này vua Po Romé vẫn cưới thêm một người vợ, là công chúa Ngọc Khoa - con gái của chúa  Nguyễn Phúc Nguyên. Truyền thuyết cho rằng, sau này do say mê nhan sắc của thứ hậu Ngọc Khoa nên vua Po Romé dần bỏ quên chuyện chính sự. Ông trở thành vị vua cuối cùng của vương quốc Champa.

Vua Po Romé chết đúng vào lúc vương quốc Champa sụp đổ. Theo tục lệ Champa xưa, những người vợ của vua phải lên giàn hỏa thiêu cùng chồng, để theo hầu hạ vua. Nhưng trong những người vợ vua, chỉ có công chúa Hạt mưa – thứ phi Bia Than Can là dũng cảm nhảy vào lửa chết theo chồng.

Để tưởng nhớ công chúa Hạt Mưa- vị thứ hậu chung thủy và dũng cảm, nhân dân Champa đã lập một ngôi tháp phụ, bên cạnh tháp Po Romé. Sau này khi ngôi tháp sụp đổ, tượng bà được đưa vào tháp chính, bên cạnh tượng vua Po Romé.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật