Thâm cung bí sử (221 - 2): Số phận con người

Baoanh Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Hồng Trâm nói với tôi: “Có lẽ em phải xin thôi học. Thật tiếc nhưng đành phải thế“. “Không nên thôi học. Chẳng có ngôi trường nào đào tạo ra được nhà văn, nhà thơ đâu.
Thâm cung bí sử (221 - 2): Số phận con người
Ảnh minh họa

Nhưng ở đây chúng ta sẽ được giao lưu với những nhà văn hóa hàng đầu, các Giáo sư hàng đầu. Và điều đó là rất cần thiết. Vả lại Hội nhà văn tập trung những cây bút xuất sắc về đây là để chúng ta có không khí và môi trường văn học. Đó là những điều rất cần thiết". "Em cũng biết thế nhưng em không thể theo học được. Em không có lương thì lấy gì ăn để học". "Giống như em, anh cũng không có lương". "Anh là sĩ quan quân đội, nhất định phải có lương chứ". "Nhưng anh đã xin về hưu sớm và biếu mẹ sổ hưu rồi".

Một người bạn của tôi nói: "UNESCO muốn làm một bộ phim tài liệu về văn hóa trong các nghề cổ truyền của người Việt. Mình nghĩ là cậu làm được. Hãy làm đi. Thành lập một đoàn làm phim. UNESCO cử ba người sang Hà Nội để làm bộ phim này, gồm một quay phim, một phiên dịch và một nhân viên kế toán. Cậu phải viết kịch bản và lời bình của bộ phim". Tôi vui vẻ nhận lời. Tôi nói với Hồng Trâm về việc này. Hồng Trâm nói: "Hay quá, cho em tham gia với". Thế là đoàn làm phim ra đời.

Chúng tôi phải thuê một chiếc ô tô và thuê luôn cả lái xe. Chúng tôi phải đi các làng nghề, làng Mộc Thiết Úng, làng Tiện Nhị Khê, làng thêu ở Thường Tín, làng Chạm Bạc ở Thái Bình, làng Khảm Trai ở Hà Nam, làng Gốm Sứ Bát Tràng, vv. Hồng Trâm được giao việc hậu cần, lo ăn uống cho đoàn làm phim. "Em sẽ cho các đồng nghiệp nước ngoài ăn toàn những món thuần Việt. Ẩm thực cũng là nghề và cũng là văn hóa mà anh". Đúng vậy. Ẩm thực cũng là văn hóa, phở Hà Nội, bún thang Hà Nội, chả cá Lã Vọng, và bún ốc, bún chả vv. Chỉ riêng Hà Nội, chúng tôi có nhiều nơi để ăn và làm phim. Ba nhân viên UNESCO đi làm rất hào hứng. Chúng tôi đi quay 6 tháng trời. Tôi thức trắng một tuần viết lời bình của bộ phim. Hồng Trâm đọc lời bình và nói: "Theo em lời bình không nên dài quá, vì còn phải dịch ra tiếng Anh. Nên viết ngắn gọn, xúc tích và không sáo mòn. Lời bình của anh có một số đoạn sáo mòn". Tôi viết lại toàn bộ lời bình bộ phim. Và Hồng Trâm gật đầu: "Lần này thì được rồi". Bản quyền bộ phim này thuộc về UNESCO. Tôi và Hồng Trâm chỉ được nhận tiền thù lao. Rồi bộ phim được nghiệm thu và tôi với Hồng Trâm nhận được một khoản tiền thù lao. Hồng Trâm mừng lắm. "Thế là chúng mình lại có tiền ăn học rồi".

Có tiền làm phim, Hồng Trâm muốn đi du lịch. "Em đi Hội An anh nhé! Em chưa biết Hội An". "Em đi với ai?" "Em đi cùng Vân Khanh. Nhà Vân Khanh ở Hội An mà". "Thế thì đi đi, nhưng đừng lâu quá". "Chúng em chỉ đi một tuần thôi. Anh! Em muốn nói điều này. Nhưng thôi, để lúc khác vậy". "Còn anh thì sẽ nói ngay bây giờ. Anh yêu em!". Trâm ôm chặt tôi và thì thầm: "Em yêu anh nhiều lắm". Bảy ngày sau Trâm ra Hà Nội và công bố bài thơ "Cực Đoan".

Sao tình yêu

Không như Hội An

Lãng đãng con đường tôi về cổ tích

Tôi chạm ngón chân trần phố cổ

Tôi uống nước giếng Chàm

Sao tình yêu không là ngọn lửa hồng

Ngợp đáy đêm mưa tôi vẫn tìm ra lửa

Cái thực rồi thực hơn lần nữa

Tôi lùa tay nhận vết bỏng về mình

Nhưng tình yêu. Tình yêu ấy là anh

Gần gũi thế. Hẳn là anh có thực

Nhưng anh không là lửa

Không cổ tích Hội An

Và suốt đời. Suốt đời tôi gió

Đó là cách Trâm nói về tình yêu. Tôi nói: "Giọng thơ của em rất sang. Gương mặt của em cũng sang. Chắc ngày xưa em không phải là con nhà nghèo". "Anh nói đúng. Tuổi niên thiếu em sướng lắm. Bố em làm nước mắm rất ngon, làm ra bao nhiêu bán hết bấy nhiêu. Như thế thì làm sao em không sung sướng.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật