NSƯT Ngọc Khánh: “Phù thủy” kèn Sona

Kute Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Sau mấy mươi năm cùng cây kèn Sona (kèn bầu) miệt mài cống hiến cho ngành nghệ thuật sân khấu tuồng truyền thống, nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Nguyễn Ngọc Khánh tự hào là một trong những nghệ sĩ “đóng đinh” tên tuổi với cây kèn đặc biệt này.
NSƯT Ngọc Khánh: “Phù thủy” kèn Sona
NSƯT Ngọc Khánh và cây kèn Sona.

1.Ánh mắt rưng rưng nhìn vào cõi xa xăm, NSƯT Ngọc Khánh nhắc lại cái ngày cách đây hơn 50 năm. Khi đó Ngọc Khánh vừa tròn 8 tuổi, thấy con trai mình bị tiếng sáo trúc quyến rũ cứ như phải “bùa mê thuốc lú”, người cha đã tự tay làm tặng một cây sáo trúc. Kể từ đó, cây sáo trúc trở thành một phần hơi thở của Ngọc Khánh.

Năm 1968, trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt, đoàn Tuồng Liên khu V về sơ tán tại làng Dương Cốc với đủ mặt các cây đa, cây đề lừng lẫy trong ngành tuồng Nam và tuồng Bắc. Thế rồi vào một đêm trăng suông huyền ảo như cổ tích nọ, Ngọc Khánh bị ma lực của cây kèn Sona trong dàn nhạc tuồng quyến rũ tới lạ kỳ. Khi đoàn tuồng Liên khu V mở lớp đào tạo nghiệp vụ cho gánh tuồng nghiệp dư làng Dương Cốc, Ngọc Khánh là một thành viên của khóa bồi dưỡng với tư cách một tay chơi sáo.

Năm 17 tuổi, Ngọc Khánh chia tay gia đình, vào học Trường Nghệ thuật - Sân khấu Việt Nam, nay là Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, với tư cách của một môn sinh ngành nghệ thuật truyền thống.

Ngày ra mắt thầy học để chính thức nhập môn, khi thầy giáo Văn Bá Anh đặt trên bàn 5 cây kèn cùng một số nhạc cụ khác nhau và hỏi Ngọc Khánh sẽ chọn thứ nhạc cụ nào để làm người bạn đồng hành, Ngọc Khánh liền chỉ vào cây kèn Sona, một trong những loại nhạc cụ đặc biệt cơ bản của nghệ thuật tuồng truyền thống. Sự lựa chọn đầy bất ngờ đó của trò trẻ khiến cho thầy Văn Bá Anh không khỏi lấy làm sững sờ vì ông biết, Ngọc Khánh từng rất có duyên với cây sáo trúc từ lúc còn để chỏm.

Ngọc Khánh bảo rằng cho tới bây giờ, ông vẫn nghĩ đó là quyết định đúng đắn nhất của đời mình. Sau bốn năm bị cây kèn Sona mê hoặc trên ghế nhà trường, và cũng chính nhờ nó mà Ngọc Khánh tốt nghiệp đại học với tấm bằng xuất sắc. Đã tưởng với cái “cần câu cơm” là tấm bằng đại học loại giỏi, Ngọc Khánh sẽ có cơ hội làm nên những điều kỳ diệu với câu chuyện “cơm - áo - gạo - tiền” cũng như với đời sống nghệ thuật. Nhưng rồi rốt cuộc, Ngọc Khánh lại vẫn chưa thể có cơ hội cùng với cây kèn Sona toàn tâm toàn ý mà “tung hoành” trên sân khấu nghệ thuật tuồng truyền thống cũng như các loại hình nghệ thuật khác.

Là “anh trưởng” của sáu người em ruột, Ngọc Khánh phải bươn chải kiếm thêm đồng tiền bát gạo phụ giúp cha mẹ  bằng cách lập gánh hát riêng và mở lò dạy võ thuật.

Làm đủ việc, đủ nghề lương thiện để mưu sinh, nhưng chưa lúc nào Ngọc Khánh sao nhãng cây kèn Sona. Chính những âm thanh thần diệu của cây kèn Sona đã tạo ra một thứ xung lực đầy năng lượng giúp Ngọc Khánh tự tin đối mặt, vượt qua những tháng ngày cơ hàn bĩ cực ấy của bản thân, gia đình.

2. Sau đôi ba bận “nhảy việc” qua các dàn nhạc tuồng truyền thống chỗ này chỗ kia, cuối cùng thấy không thể chỉ vì “đồng tiền bát gạo” mà cây kèn Sona phải trong tình trạng “ngủ yên” trong hộp kéo dài, Ngọc Khánh quyết định tìm về đoàn Tuồng Trung ương, lúc bấy giờ bắt đầu nổi đình nổi đám.

Kể từ thời điểm đó, ngoài thời gian mưu sinh tại các võ đường truyền thống với tư cách một ông thầy, Ngọc Khánh nỗ lực tầm sư học đạo. Anh học cả tuồng Bắc, tuồng Nam. Và nữa, Ngọc Khánh học cả sáo trúc và đàn nhị. Lúc bấy giờ, hầu hết các vị nhạc sư của ngành âm nhạc dân gian đều đã thuộc thế hệ “xưa nay hiếm”, thế nên Ngọc Khánh tìm mọi cách dồn hết công sức và tâm huyết, khát vọng tuổi trẻ của mình để tiếp thu cho được cái hay, cái đẹp trong từng ngón đàn, cách thổi bộ hơi…

Nói về nghệ thuật biểu diễn bộ hơi trong sân khấu tuồng truyền thống nói riêng và nghệ thuật âm nhạc nói chung, Ngọc Khánh chia sẻ, cái khó nhất trong quá trình chơi kèn Sona chính là khâu kỹ thuật lấy hơi, nhả hơi. Nếu không phải người thật sự đam mê và có khát vọng chinh phục kèn Sona và có kỹ năng cần thiết tối thiểu thì những việc đó khó mà trở nên hài hòa được. Rồi nữa là khoản bấm các nốt kèn nhất định phải đạt đến độ tinh tế, điêu luyện thì may ra mới tạo được cái duyên riêng của mình. 

Vì tình yêu đặc biệt với cây kèn Sona mà Ngọc Khánh đã được các thầy học truyền thụ những thao tác kỹ thuật mang tính bí truyền đạt tới trình độ tinh xảo điêu luyện bậc nhất. Bởi thế, Ngọc Khánh luôn rất tự tin trong bất kỳ hoàn cảnh nào khi đẩy tiếng kèn Sona đầy ma mị của mình tới những âm vực cao nhất. Và đồng thời, thả tiếng kèn tới âm thấp tột cùng, trầm như trầm tích phù sa nơi đáy sông, tạo cơ hội cho diễn viên bừng sáng với chất bi - hùng của nghệ thuật tuồng cổ. 

Cùng là cây kèn Sona của sân khấu tuồng truyền thống nhưng với Ngọc Khánh nó lại trở nên “khác người” hoàn toàn. Bởi ông có cách chơi độc nhất vô nhị với kỹ năng xử lý hơi cộng với kỹ thuật xử lý cấu trúc, giai điệu và cùng với đó là một vốn sống cực kỳ phong phú, sinh động.

NSƯT Ngọc Khánh cùng dàn nhạc Nhà hát tuồng Việt Nam biểu diễn tại Nhà hát lớn Hà Nội phục vụ khách nước ngoài.

3.  Ngọc Khách bảo rằng khi chơi Sona ông luôn luôn xử lý lòng bản với nhiều ngón lạ khác người ở sự mềm mại, ngọt ngào, rõ ràng, nét,… ở nhiều phong cách khác nhau. Những yếu tố cơ bản đó đã khiến những người  trân quý tiếng kèn Sona “ma mị” của Ngọc Khánh trân trọng tặng anh danh xưng: “Khánh kèn”.

Đã từng bị tiếng kèn Sona “ma ám” của Ngọc Khánh làm cho mê mẩn khi xem anh độc tấu hai tác phẩm âm nhạc hiện đại “Trước ngày hội bắn” và “Cô gái lên nương” cùng với đoàn ca múa Hà Tây (cũ) cho nên lần ấy, khi làm vở “Rừng thức” cho Nhà hát tuồng Việt Nam, NSND - đạo diễn Ngọc Phương (âm nhạc Trọng Đài) lập tức mời nghệ sĩ  cộng tác.

Ngọc Khánh xúc động kể, khi ấy ông đã xem việc mình được mời cộng tác là một thách thức lớn đối với cây kèn Sona. Bởi lẽ trước đó, các nghệ nhân nổi tiếng cũng chưa từng một lần trải qua thử thách này, vì chưa ai thổi kèn Sona mang âm điệu vùng rừng Tây Nguyên, và bản thân ông cũng không là trường hợp ngoại lệ. Nhưng Ngọc Khánh xem đó là một thử thách lại vừa là một công trình nghiên cứu thử nghiệm.

 Sau nhiều đêm trăn trở, Ngọc Khánh mạnh dạn khắc phục mặt hạn chế và tính năng của cây kèn Sona bằng việc khoét thêm nốt cho phù hợp với thang âm nhạc Tây Nguyên. Cuối cùng, cây kèn Sona cải tiến của Ngọc Khánh đã giúp cho vở diễn “Rừng thức” thành công rực rỡ trong cuộc Liên hoan sân khấu tuồng toàn quốc năm đó. Và khi phần âm nhạc của vở diễn được trao giải thưởng, nhạc sĩ Trọng Đài đã trân trọng mời Ngọc Khánh lên nhận phần thưởng vì: “anh mới xứng đáng đứng vào vị trí vinh quang của mình”.

Sau thành công ngoài sự mong đợi nói trên, nghệ sĩ Ngọc Khánh còn có thêm nhiều cơ hội khẳng định với những người trong và ngoài ngành âm nhạc rằng, cây kèn Sona của mình không chỉ đóng khung giá trị của nó chỉ riêng với lĩnh vực sân khấu truyền thống mà hơn thế, nó còn mang lại những giá trị đích thực trên sân khấu kịch nói đương đại nữa. 

Đó là lần NSND - đạo diễn Hoàng Giang dựng vở “Giấc mộng đêm hè” cho Nhà hát kịch Việt Nam. Sau khi có được sự đồng thuận tuyệt đối với đạo diễn, tác giả âm nhạc của vở diễn là cố nhạc sĩ Phó Đức Phương đã mời Ngọc Khánh hợp tác. Lúc đầu, không ít người cho đó là sự “dở hơi” vì từ thượng cổ, chưa từng xuất hiện tiếng kèn Sona truyền thống trong bất kỳ vở diễn đương đại nào.

Ấy thế mà Ngọc Khánh đã làm được điều “lạ đời” chưa từng thấy đó. Tiếng kèn Sona của ông đã có công lớn góp nên sự thành công ngoài sức tưởng tượng của vở diễn. Cũng với vở diễn đó, ngoài tiếng kèn Sona đầy chất “phù thủy”, Ngọc Khánh còn đưa thêm một số nhạc cụ khác vào như tù và; quả bầu đất;… của Trung Quốc vào minh họa. Cách làm “không giống ai” của Ngọc Khánh đã làm gia tăng hiệu quả thành công của âm nhạc lên bội phần.

Rồi khi NSND - đạo diễn Lê Hùng dựng vở “Dưới cát là nước” để Nhà hát kịch Quân đội tham gia Liên hoan sân khấu thể nghiệm quốc tế đã tức thì nhớ ngay tới Ngọc Khánh. Bằng việc sử dụng chất liệu dân ca các vùng, miền khác nhau, tiếng kèn Sona của Ngọc Khánh đã hoàn toàn chinh phục hội đồng giám khảo và người xem. 

Những ngày vở “Dưới cát là nước” được mang biểu diễn tại Nga, ngoài việc chinh phục các tầng lớp khán giả nước chủ nhà, tiếng kèn Sona của Ngọc Khánh đã khiến cho những nghệ sĩ có tên tuổi của Nga thật sự “tâm phục, khẩu phục” bởi giá trị vi diệu của nhạc cụ cổ truyền thuần Việt trên sân khấu đương đại.

Tiếng kèn Sona đầy biến ảo, huyền diệu và gần như độc nhất vô nhị của NSƯT Ngọc Khánh không chỉ làm mê hoặc những người yêu sân khấu tuồng truyền thống đồng thời khẳng định được vị trí riêng có của nó trên sân khấu kịch hiện đại mà nó còn quyến rũ người ta qua các làn điệu dân ca trữ tình, lãng mạn mang chất vùng - miền trong cả nước khiến biết bao vị khách nước ngoài thêm ngưỡng mộ cây kèn Sona thuần Việt.

NSƯT Ngọc Khánh và học trò.

4. Sau nhiều năm thăng hoa cùng cây kèn Sona trên các sân khấu lớn trong và ngoài nước, nay NSƯT Ngọc Khánh đã rời ánh đèn sân khấu. Song hằng ngày ông vẫn mở rộng cánh cửa ngôi nhà mình để hoan hỉ đón khách bốn phương tới thưởng lãm tiếng kèn Sona thần diệu. 

Cùng với đó, nghệ sĩ Ngọc Khánh còn tham gia công tác giảng dạy, đào tạo tại nhiều trường nghệ thuật của Trung ương và Hà Nội. Đó là cách để gửi gắm những ngón nghề bí truyền đặc biệt mà ông chắt chiu dành dụm được sau quá nửa đời người miệt mài cho những hạt giống kèn Sona tiềm năng trong tương lai với một mong ước giản dị: tiếng kèn Sona sẽ mãi mãi giữ vai trò thắp lửa trên sân khấu tuồng truyền thống và các loại hình nghệ thuật dân ca, dân vũ dân gian và cả với đời sống kịch đương đại. 

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật