Liệu có chỉ là một lời nguyện cầu?

Kute Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Từ một góc nhìn thực tế, việc Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân của Liên Hiệp Quốc chuẩn bị chính thức có hiệu lực có lẽ cũng không khác gì việc một đám đông nghèo khổ đòi hỏi thiểu số giàu có tự tay hủy hoại một trong những thứ tài sản giá trị nhất của mình.
Liệu có chỉ là một lời nguyện cầu?
Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân của LHQ đã đủ điều kiện có hiệu lực

Đó là một ý tưởng rất đẹp và đầy tinh thần nhân văn. Tuy nhiên, từ một góc nhìn thực tế, lạnh lùng và có thể cho là tàn nhẫn, việc Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân (Treaty on the prohibition of nuclear waepons/TPNW) của Liên Hiệp Quốc chuẩn bị chính thức có hiệu lực vào đầu năm 2021, sau khi được 50 quốc gia phê chuẩn, có lẽ cũng không khác gì việc một đám đông nghèo khổ đòi hỏi thiểu số giàu có tự tay hủy hoại một trong những thứ tài sản giá trị nhất của mình.

Một chương lịch sử

Theo thông báo chính thức từ Liên Hiệp Quốc (LHQ) ngày 24-10, Honduras đã trở thành quốc gia thứ 50 phê chuẩn TPNW. Nhờ vậy, TPNW đã hội đủ điều kiện để có thể có hiệu lực sau 90 ngày, dự kiến từ tháng 1-2021.

Trên tài khoản Twitter, tổ chức Chiến dịch Quốc tế Xóa bỏ vũ khí hạt nhân (ICAN), vốn đóng vai trò chủ chốt thúc đẩy LHQ thông qua TPNW và được trao giải Nobel Hòa bình năm 2017, cũng thông báo Honduras trở thành quốc gia thứ 50 phê chuẩn TPNW, kích hoạt hiệp ước có hiệu lực và tạo nên "lịch sử". "Chúng ta có thể mong đợi các công ty ngừng sản xuất vũ khí hạt nhân và các tổ chức tài chính ngừng đầu tư vào những công ty này", ICAN hồ hởi nhận định. Và giám đốc điều hành của họ - Beatrice Fihn - gọi đây là "chương mới trong tiến trình giải trừ vũ khí hạt nhân". "Cuộc vận động kéo dài hàng thập kỷ đã đạt được điều mà nhiều người nói là không thể, đó là cấm vũ khí hạt nhân", bà nhận xét.

Ở một diễn biến khác, trong một thông cáo, Chủ tịch Ủy ban Chữ thập Đỏ Quốc tế (ICRC) Peter Maurer tuyên bố sự kiện này là "chiến thắng của nhân loại và hứa hẹn một tương lai an toàn hơn".

TPNW là gì?

Đó là một Hiệp ước cấm sử dụng, phát triển, thử nghiệm, bố trí, dự trữ và đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân được Đại hội đồng LHQ thông qua ngày 7-7-2017 với sự ủng hộ của 122 quốc gia thành viên. Tính đến ngày 24-10, đã có 84 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia ký kết hiệp ước, và 50 quốc gia thông qua, trong đó có Việt Nam.

Cơ sở để TPNW được thai nghén và chào đời chính là những ký ức đầy nỗi đau của những nhân chứng sống vẫn luôn được kể lại suốt 75 năm qua, từ khi sức tàn phá khủng khiếp của vũ khí hạt nhân được chứng thực bằng hai quả bom nguyên tử mà quân đội Mỹ dội xuống Hiroshima và Nagasaki (Nhật Bản), những ngày cuối cùng của chiến tranh thế giới lần thứ hai.

 Những người may mắn sống sót sau các sự kiện kinh hoàng này đã phải sống hàng chục năm với những ký ức đau đớn, với sự tức giận và cả nỗi sợ hãi gặm nhấm. Họ đã phải chứng kiến người thân lần lượt qua đời, từng người từng người một, vì nhiễm phóng xạ.

Và mỗi lần như vậy, họ lại tự hỏi liệu mình có phải là người tiếp theo? Nhu cầu chia sẻ tâm tư, bày tỏ quan ngại về hiểm họa bom nguyên tử và nguyện ước về một thế giới không còn vũ khí hạt nhân càng trở nên cấp thiết hơn, khi đa phần họ đều đã trên 80 tuổi.

Lắng nghe họ, và cùng họ chứng kiến cả một chặng đường dài đầy vật vã đau thương, cộng đồng quốc tế đã không ngừng nỗ lực nhằm giải trừ quân bị nói chung và vũ khí hạt nhân nói riêng, để những thảm kịch tương tự Nagasaki hay Hiroshima không bao giờ tái diễn. Có thể liệt kê những thành quả như một loạt các hiệp định quốc tế đã được ký kết gồm Hiệp ước về cấm phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) - được ký năm 1968 và hiện có tới 190 quốc gia tham gia; Hiệp ước về hạn chế tên lửa đạn đạo giữa Mỹ và Liên Xô năm 1972 (ABM); Hiệp ước về cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược giữa Mỹ và Nga (START-1 ký năm 1990 và START mới ký năm 2010); Hiệp ước cấm thử vũ khí hạt nhân toàn diện (CTBT ký năm 1995)…

Và cũng phải nhấn mạnh, đã có những lần thế giới "gò được cương bên miệng vực", dừng lại được trước nguy cơ tự hủy diệt chính mình bằng những thứ vũ khí khủng khiếp nhất, như những gì hai siêu cường Liên Xô và Mỹ đã thực hiện trong cuộc khủng hoảng tên lửa ở Cuba năm 1962.

Vấn đề là, những nỗ lực ấy rõ ràng là chưa đủ, để xua tan đi một bóng ma ám ảnh.

Hai quả bom nguyên tử của Mỹ ném xuống Nhật Bản năm 1945 vẫn để lại di họa tới ngày nay.

Luật chơi nằm trong tay kẻ mạnh

Ngay cả khi chiến tranh Lạnh đã kết thúc tới 30 năm, theo báo cáo của viện Nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), kho dự trữ vũ khí hạt nhân toàn cầu vẫn ở mức 13.400 đầu đạn. Hai cường quốc hạt nhân Mỹ và Nga vẫn liên tục nâng cấp và làm mới kho vũ khí của mình. Bởi vậy, số lượng đầu đạn hạt nhân của hai nước này tuy giảm, song lại có mức độ nguy hiểm cao hơn nhiều. Theo số liệu của Bộ Ngoại giao Mỹ và SIPRI, tính đến tháng 7-2019, Trung Quốc sở hữu 290 đầu đạn hạt nhân, trong khi số liệu của Ấn Độ và Pakistan lần lượt là 140 và 160 đầu đạn.

quan hệ giữa các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân căng thẳng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ kích hoạt chiến tranh hạt nhân. Tại châu Á, căng thẳng ở mức đáng báo động giữa hai quốc gia hạt nhân là Trung Quốc và Ấn Độ sau cuộc giao tranh ngày 15-6 vừa qua tại thung lũng Ladakh Galwan, khiến 20 quân nhân Ấn Độ thiệt mạng; hay quan hệ căng thẳng giữa Ấn Độ và nước láng giềng sở hữu vũ trang hạt nhân khác là Pakistan (được cho là đã tiệm cận "miệng hố chiến tranh" vào năm 2019 sau những vụ đụng độ tại vùng lãnh thổ tranh chấp Kashmir), hay bất cứ động thái căng thẳng nào trên bán đảo Triều Tiên… đều khiến cả thế giới nín thở.

Thực tế còn đáng lo ngại hơn trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp hiện nay và cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, nhiều thỏa thuận quốc tế về cắt giảm vũ khí hạt nhân đang bị đe dọa phá bỏ. Chúng ta đã thấy nước Mỹ rút khỏi Hiệp ước kiểm soát các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) ký với nước Nga, và cũng chỉ mới đây thôi, những tín hiệu tích cực đầu tiên mới được hai siêu cường này thắp lại, về tương lai của Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START).

Trở lại với TPNW, trái ngược với sự đồng thuận của đông đảo các quốc gia thành viên LHQ, có 5 nước vẫn thờ ơ và lựa chọn đứng ngoài cuộc chơi: Mỹ, Nga, Anh, Pháp và Trung Quốc. Đó là 5 cường quốc hạt nhân, cũng chính là 5 thành viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ. Câu hỏi đặt ra là: Một Hiệp ước do LHQ chủ trì, sẽ có hiệu lực đến đâu, và đạt tính khả thi đến mức độ nào, khi 5 thành viên có quyền phủ quyết trong tay lại cùng nhau ngoảnh mặt?

Ở đây, có lẽ cần phải nhắc đến một động thái bên lề: Trước khi TPNW được quốc gia thứ 50 thông qua, hãng AP đã từng đăng tải một thông điệp từ Nhà Trắng từ năm 2017, rằng "năm cường quốc hạt nhân cũng như cả khối đồng minh NATO của nước Mỹ nhất trí về những hệ lụy tiềm tàng của Hiệp ước (TPNW)". Thông điệp ấy nhấn mạnh rằng TPNW "đảo ngược tiến trình kiểm soát và giải trừ vũ khí hạt nhân", và rằng dù thấu hiểu tất cả những lý do cao đẹp của TPNW, thì hiệp ước ấy "vẫn là một sai lầm chiến lược". 

Cơ sở lập luận của nước Mỹ nói riêng cũng như các cường quốc hạt nhân nói chung là gì? Nhìn vào cách nước Mỹ không ngừng gia tăng sức ép với Iran hay CHDCND Triều Tiên, có thể hiểu: Cho dù bất cứ lý do nào được đưa ra, về tính trách nhiệm hay sự nguy hiểm của việc sẽ có nhiều quốc gia sở hữu và sử dụng vũ khí hạt nhân như một công cụ răn đe hoặc vũ khí tấn công chiến lược, vấn đề cốt lõi vẫn là "Câu lạc bộ cường quốc hạt nhân" không sẵn sàng kết nạp thêm thành viên mới. Nói cách khác, ngoại trừ những quốc gia đã được trao sự tin cậy, phát triển vũ khí hạt nhân là cuộc chơi mà phần còn lại của thế giới không nên thử dấn thân vào.

Cũng dễ hiểu thôi. Nói như một câu cách ngôn ưa thích của người Mỹ: "Nếu muốn hòa bình, hãy chuẩn bị cho chiến tranh", thứ vũ khí hủy diệt ấy lại cũng chính là sự bảo đảm cho vị trí siêu cường của nước Mỹ, và cũng chính là sự bảo đảm cho vị thế của bốn thành viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ còn lại. Không ai muốn vị trí ấy của mình bị thách thức, cho dù là khi xuất hiện những "kẻ thách thức" như Iran hoặc CHDCND Triều Tiên, hay bị đe dọa: "bình đẳng" theo cách mà TPNW đang hướng tới.  

Họ thích những định chế kiểm soát lẫn nhau mang tính "nội bộ’’, như INF hay New START hơn. Thế nên, cũng như Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu toàn cầu năm 2015, sẽ còn chồng chất gian nan chắn trước tiến trình hiện thực hóa của TPNW…

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật