Người bị “bỏ bùa” bởi những mâm xôi vàng ở Mù Căng Chải

Summer Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Những bức ảnh đạt giải thưởng lớn của nghệ sĩ nhiếp ảnh Thanh Miền hầu hết là chụp ruộng bậc thang. Chuyện của gã lang thang bị ruộng bậc thang ở Mù Căng Chải “bỏ bùa”suốt hơn 30 năm qua này rất thú vị.
Người bị “bỏ bùa” bởi những mâm xôi vàng ở Mù Căng Chải
Tác phẩm “Nắng sớm”

Xem Video: Người bị “bỏ bùa” bởi những mâm xôi vàng ở Mù Căng Chải

“Người Mông ở Mù Căng Chải ra ngắm nghía tôi đông lắm”

Anh Nguyễn Thanh Miền (quê Yên Bái) xuất thân là lính trận, chuyển ngành sang lái xe ôtô, đến năm 2008 mới thôi vai trò là một lái xe của Báo Yên Bái. Bây giờ, anh vẫn là một cán bộ hành chính của báo, tuy nhiên, hễ cứ “ăn trộm” được một ngày rảnh rỗi, là anh xách xe máy, khoác máy ảnh lên đường.

Ảnh của anh, cả đời dường như chỉ chụp về tỉnh Yên Bái, giải thưởng rất nhiều, từ giải Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam, giải Báo chí Quốc gia về mảng ảnh, ảnh “Khoảnh khắc vàng” của Thông tấn xã Việt Nam, in sách ảnh “Yên Bái, quê tôi miền sơn cước” (NXB Thông tấn), lại có ảnh treo ở các nơi sang trọng tầm quốc gia và quốc tế…Các bức ảnh đều chụp về ruộng bậc thang và hồ Thác Bà. Thanh Miền bảo, ký ức bằng hình ảnh của anh về miền sơn cước tươi đẹp nuôi dưỡng anh đã được chạy theo hình cong xoáy của những thửa ruộng bậc thang. Ở đó có những con người cần cù, sáng tạo và lãng mạn, cấy cày xong là họ nhẩn nha ngắm kỳ quan quốc gia ruộng bậc thang tuyệt mỹ quê mình.

Anh từng tiếc nuối vì để lỡ nhiều khoảnh khắc tuyệt diệu của thiên nhiên miền sơn cước. Tiếc một ban mai mây sà xuống rừng già Chế Tạo, tiếc chiều mùa thu nắng vàng như mật ong ở La Pán Tẩn hay đánh rơi mất một khoảnh khắc yên bình kỳ diệu khi hàng ngàn con chim tụ về vùng Hạ Hòa… “Giá mà tôi biết phân thân ra làm năm bảy con người để ngắm và bấm máy thì tuyệt vời biết bao”, anh nói. Và câu chuyện của chúng tôi bắt đầu, đời thường mà mơ mộng kiểu đó.

– PV: Dù thế nào thì anh vẫn chủ yếu được biết đến với danh hiệu “NSNA chuyên chụp ruộng bậc thang” ở Mù Căng Chải…

– NSNA Thanh Miền: Hồi đầu đi chụp ruộng bậc thang, ít người để ý lắm. Cũng chả có mấy du khách đến ngắm đâu. Các góc rừng có ruộng đẹp, đến người Yên Bái bấy giờ cũng không ai biết. Khi tôi mò mẫm tìm ra các tuyệt tác gọt đẽo núi thành ruộng bậc thang tròn tít, vằn vện, từng bậc từng bậc cao dần lên tít trên trời rồi tôi đặt tên là “Mâm xôi vàng”. Tôi chụp, ai cũng ngạc nhiên, tôi mới đưa vài nghệ sĩ đi lên chụp.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Thanh Miền

Lúc đầu chúng tôi lên chụp ảnh, người Mông ở Mù Căng Chải ra xem đông lắm. Người ta lạ với cái người đeo nhiều máy móc, ống kính dài như khẩu súng, lại lạ mấy ông người Kinh cứ đi lang thang ngắm nghía, mặt đầy “âm mưu”. Lúc trước, tôi chỉ có cái máy Zen-nit cũ của Liên Xô, chụp phim. Ruộng bậc thang hồi đó đẹp và hoang sơ vô cùng, bà con đi ra ruộng nhiều như đi hội, họ hồn nhiên lắm. Dù nghèo, có chuyến tôi cắn răng mua phim đắt đỏ. Đi 2 ngày thứ 7 đến chủ nhật mà đốt hết 15 cuốn phim. Đi từ Tú Lệ lên Mù Căng Chải, qua đèo Khau Phạ lại ngược đi xuống, các gương mặt hồn hậu, các cô gái thơ ngây tắm suối ở mỏ nước kè đá cổ, mùa cấy, ruộng bậc thang nào cũng lênh láng nước. Mặt núi, mặt đất như được tráng gương lóng lánh…

– Ảnh của anh mộc mạc, diễn tả phong cảnh của non sông gấm vóc rất giản dị. Ai xem cũng hiểu, trông thấy là thích. Vậy, quan điểm sáng tác của anh là gì?

Tôi thấy vẻ đẹp thiên nhiên và muốn truyền tải nó vào trong bức ảnh của mình. Thêm các yếu tố mây trời, chim chóc bay ngang được thì tốt. Muốn vậy phải dụng công “rình” và “chộp”. Tôi nghĩ, sắp đặt quá thì không tốt. Cái gì cũng phải hiện thực, không nên gượng ép. Muốn thế cần công phu để nắm bắt được các biến ảo của thiên nhiên vùng cao. Tôi đi nhiều, có ngày thấy mưa nhưng tôi vẫn đi, bởi có khi lên núi đó cũng là lúc trời sẽ nắng.

Có lần đến Tú Lệ, tôi đeo máy ảnh đi dự lễ hội dân gian của bà con miền rừng hẳn hoi, lúc đó mình là lái xe lại là người chụp ảnh của báo, vậy mà mải chơi, mải chụp các sơn nữ mà bỏ phí mất khoảnh khắc tuyệt vời. Hôm đó, đàn chim lợn dăm bảy con, chúng chao nghiêng, mắt tròn, đậu xuống và nhìn chúng tôi. Tôi cứ nghĩ: Rồi sẽ gặp lại chúng nó, chụp sau, cứ thẩn thơ đi lễ hội đã. Sau này, dù 20 năm trôi qua rồi, mỗi lúc nghĩ đến tôi vẫn tiếc.

Giá mà tôi phân thân thành 5 đến 10 “thằng Thanh Miền” được

– Tôi nghe tin anh hay phóng ảnh tặng bạn bè treo trong nhà, nhưng như thế tốn lắm. Anh là nghệ sĩ nghèo, nhiều người đặt mua ảnh thì cũng phải thức giấc “trở về thực tại”, gửi bán lấy tiền làm lộ phí đi lang thang chứ, đúng không?

Tác phẩm “Vân núi”

Đúng. Nhiều người mua, họ đến nhà chọn, nhờ mình in và đóng khung, hoặc họ đặt mua qua điện thoại.  Có khi tôi gửi ôtô khách hoặc bưu điện cho họ. Người Lạng Sơn và người phía Nam mua nhiều. Một bức ảnh phóng to cỡ 50cm x 75cm giá khoảng 600 nghìn đồng, 60 x 90cm thì 1,5 triệu đồng. Có người bắt phóng ảnh rồi cuộn tròn vào gửi đi tận tỉnh Bình Dương. Vừa rồi chị Hoàng Hạnh, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái, nay là Phó Ban Chỉ đạo Tây Bắc treo ở phòng khách nhà chị ấy nhiều ảnh do tôi chụp, bạn bè đồng nghiệp từ các tỉnh đến chơi, ai cũng xin số của tôi và đặt mua ảnh. Nhiều người họ muốn in ảnh to quá, vẫn nét thôi, nhưng phải in bằng bạt, không đẹp như in bằng giấy. Tôi thấy họ quý mình thì rất mừng, bán ảnh được đồng nào thêm đồng ấy để đi sáng tác, chứ giàu có gì đâu.

Hôm vừa rồi có người quý ảnh của tôi đã “rước” bức “Dát vàng” (nắng vàng trên ruộng bậc thang vàng, khiến núi Mù Căng Chải như được dát vàng) về treo trong phòng làm việc của một lãnh đạo Trung ương, tôi rất tự hào. Tỉnh Yên Bái này thì Tỉnh ủy, Ủy ban và nhiều phòng lãnh đạo, các huyện thị, gia đình một số cán bộ, nhiều nhà hàng, quán xá, có chỗ thì tặng có chỗ thì bán, họ treo ảnh của tôi nhiều lắm. Có bức in to cỡ 1,2m x 2,1m, giá bán tới 5,5 triệu đồng. Có bức 8 triệu đồng, họ vẫn đặt mua.

– Nhiều người có lý khi cho rằng, các bức ảnh của Thanh Miền đã góp phần không nhỏ, âm thầm quảng bá du lịch ruộng bậc thang cho Yên Bái. Anh có hay nghe phản hồi từ phía người xem ảnh không?

Họ bảo ảnh mình chụp có hồn. Chả biết họ có “nịnh” mình không. Chỉ biết là tôi mê phong cảnh và con người Yên Bái nói chung và vùng cao Yên Bái nói riêng thật sự. Tiền thì ai cũng thích nhưng nhiều lúc không phải vì tiền, các bức ảnh phóng to 60cm x 90cm tôi vẫn tặng thoải mái. Thấy cảnh vật và cuộc sống nơi này nó quá đẹp thì mê thôi. Tôi cảm phục sự kỳ công của người Mông trong việc vượt qua những khắc nghiệt của núi non hiểm trở, để làm nên các kiệt tác ruộng bậc thang cho nhân loại! Tất nhiên, họ làm trước mắt là vì sinh kế, vì cái dạ dày của họ, nhưng bàn tay khéo léo và kinh nghiệm lâu đời canh tác trên đất dốc đã giúp họ có được các tác phẩm nghệ thuật trở thành tài sản quốc gia kia.

– Trước khi về Báo Yên Bái, từng nghèo đói, từng sang Đức xuất khẩu lao động nhưng không mang được cái xe máy nào về, tức là đời thăng trầm lắm rồi, bây giờ nghĩ lại, điều gì làm anh vui thú nhất?

Tôi vui nhất là khi lạc vào những nơi đẹp kỳ diệu, ví dụ như ruộng bậc thang, hồ Thác Bà, hay rừng hoa ban Trạm Tấu. Tôi có lần đã tiếc, nếu tôi sống ở Mù Căng Chải lâu hơn, ở đó đủ sáng trưa chiều tối thì ánh sáng sẽ đi vào ảnh của tôi sướng lắm. Những lúc ấy, tôi muốn phân thân mình ra làm 5 đến 10 “thằng” Thanh Miền để chạy khắp nơi này nơi khác mà chụp ấy. Góc này đẹp, chạy góc kia nhanh kẻo nó hết rồi. Các địa điểm ấy mình nhẵn rồi, biết hết mọi đường đi lối lại, góc nào bấm máy đẹp vào buổi nào và vào mùa nào. Xưa thì ít ai biết, giờ có tiền, khách du lịch lên đến Mù Căng Chải là xe ôm họ đưa tới các vị trí “đẹp”, đứng ở đó sẽ có ảnh giống giống ảnh chúng tôi chụp ngay. Điều đó quả là rất tuyệt vời.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật