Bản tình ca mê đắm

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Nên với tâm hồn mướt mát lãng mạn, Nguyệt Liễu nghiện nhạc Trịnh Công Sơn cũng là điều dễ hiểu. Nhưng Liễu không thể ngờ, và cũng chẳng ai ngờ nổi rồi sau này, những giai điệu liêu trai, lời giới thiệu mê mị ấy đã cuốn Liễu đi vào một “khung trời tình ái” chẳng thấy hoa bướm đâu, chỉ thấy thật hoang dã, khổ ải.
Bản tình ca mê đắm
Minh họa: Đỗ Dũng

Trở đi trở lại thành phố Hồ Chí Minh cũng đến dăm lần, nhưng thời gian quá eo hẹp và không chủ động được nên phải đến gần hai chục năm, năm 2000, tôi mới có điều kiện để đi tìm lại Liễu, cô bạn cũ học cùng lớp 8, lớp 9 trường Hoàng Diệu. Có lẽ Bích Loan học cùng lớp 10 Lê Quý Đôn chính là một trong các thiên quý nhân của tôi nên chẳng quản vất vả lần tìm qua nhiều nơi Loan đã kiếm được giùm tôi cái địa chỉ của Liễu. 

“Mình phải tìm đến cơ quan cũ của Liễu, rồi hỏi tìm đến nhà ông lái xe già. Ông ấy kể cha mẹ Liễu đã mất cả. Còn địa chỉ của Liễu, có một lần ông chở hộ cái giường cho Liễu hôm lần đầu tiên nó có nhà mới nên vẫn còn nhớ. Nhưng cũng đã khá lâu, có đến dư chục năm rồi…”. Với bản chất đặc biệt nhân hậu, hào hiệp, Loan nồng nhiệt: “Cứ đi thôi! Hy vọng bạn ấy vẫn ở đó! Mà không thì đường ở mồm!”.

Chúng tôi đi tìm cô bạn gái, Vũ Tôn Nữ Nguyệt Liễu. Cái tên thật dài dòng, có nghĩa: gió đưa nhành liễu trong đêm trăng - một cái tên thật đẹp, thật yểu điệu, khuê các nhưng nghe cứ buồn buồn. Và cái đẹp, cái buồn ấy dường như cũng vương khắp trên hình hài, diện mạo của Vũ Tôn Nữ Nguyệt Liễu.

Liễu sinh ra trong một gia đình có mẹ mang dòng dõi Tôn Nữ cao quý xa xưa, bố là một ông bầu thể thao, trưởng tôn họ Vũ Hữu dòng họ máu mặt ở Hà Nội. Liễu được thừa hưởng ở cha mẹ một thâ‌n hìn‌h quá chuẩn, thật quý phái, nuột nà trắng muốt. Giời còn thiên vị cho Liễu một cặp mi dài dày đen cong vút dưới đôi mày cánh cung mềm mại thanh thoát như cánh én mùa xuân nơi vầng trán thanh tao và chiếc mũi dọc dừa thật xinh xắn.

Mỗi khi ngắm trộm gương mặt đẹp đẽ, hiền hậu của cô bạn thân, trong đầu tôi luôn vang lên những lời ca của Phạm Duy: “Em hiền như ma soeur vết thương ta bốn mùa, trái tim ta bệnh hoạn, ma soeur này ma soeur…”. Bởi vẻ đẹp của Liễu có cái gì đó rất thanh cao, dung dị và trong sáng.

Liễu là con gái duy nhất lại được sống trong một gia đình khá sung túc, sang chảnh so với dân Hà Nội thời ấy. Tôi đến chơi nhà mà lóa mắt vì dàn A kai, máy lạnh mát rượi, giường nệm lò xo trải ga trắng muốt. Mẹ Liễu làm Trưởng phòng Hành chính ở một cơ quan văn chương. Thảo nào bà đặt tên con gái có mùi văn vẻ Tự lực văn đoàn.

Năm 1978, sau khi tốt nghiệp phổ thông, Liễu vào luôn cơ quan của mẹ làm nghề đánh máy. Làm cái nghề này, Liễu càng có cơ hội để lãng mạn. Nhưng cái chất lãng mạn ngấm vào Liễu nhiều nhất là các nhạc phẩm của Trịnh Công Sơn. Cô mê nhạc Trịnh, mê nhất là băng “Sơn Ca số 7”. Mê đến mức, cô còn có một cuốn sổ chép tất cả các bài hát trong băng nhạc. 

Đặc biệt, cô còn chép nguyên cả đoạn “Lời giới thiệu” đầu băng không thiếu một từ của nữ nghệ sĩ Tú Trinh: “Xin hân hạnh giới thiệu cùng quý vị 1 chương trình ca nhạc đặc biệt: “Sơn ca số 7”… sẽ đưa ta về một khung trời hoa bướm ngày xưa với tiếng hát nồng nàn tình ái…”. Tôi chưa từng được nghe một lời giới thiệu nào tuyệt vời hấp dẫn mê mị đến thế. 

Nên với tâm hồn mướt mát lãng mạn, Nguyệt Liễu nghiện nhạc Trịnh Công Sơn cũng là điều dễ hiểu. Nhưng Liễu không thể ngờ, và cũng chẳng ai ngờ nổi rồi sau này, những giai điệu liêu trai, lời giới thiệu mê mị ấy đã cuốn Liễu đi vào một “khung trời tình ái” chẳng thấy hoa bướm đâu, chỉ thấy thật hoang dã, khổ ải.

Vượt qua đến cả nửa thành phố đi từ Phú Nhuận về phía Hàng Xanh, vào giờ tan tầm, chúng tôi đúng là phải giao chiến trên giao thông. Người đông nhung nhúc vì kẹt xe. Đường phố rất ồn ào, náo động nên muốn nghe và nói được chuyện chúng tôi luôn phải dướn lên hoặc nghiêng mặt lại với nhau. Đang đi tìm nhà Liễu nên câu chuyện nào rồi cũng quay về với Liễu:

- Hồi xưa, sau lần đầu được bạn giới thiệu làm quen, để cảm ơn mình mua hộ vé máy bay cho bố Liễu ra Hà Nội gấp, Liễu đã mời mình đi uống cà phê cùng anh Quảng. Hai đứa mình ngồi ngang nhau như thế này mà đi đường nói chuyện với nhau nghe còn khó, đoán ý là chính. Vậy mà nó với anh người yêu, đèo nhau trên cái xe đạp mi ni KANSUN của Nhật bé xíu như con vịt vác cọc yên cao nghêu. Một người ngồi trên yên như đầu thang, một người ngồi dưới boocbaga như cuối thang mà chuyện trò thật rôm rả, tâm đắc. Hơ hơ…- Loan cười kinh ngạc -  Chỉ có điều mình đạp xe bên cạnh nghe rõ mồn một, hai người nói hai chuyện khác hẳn nhau.

Tôi bật cười:

- À thấy cái xe đạp trẻ con đó rồi! Hi Hi… 

Tôi nhớ hồi vào Sài Gòn lần đầu, đôi tình nhân ấy cũng đèo nhau trên chiếc xe đạp mi ni này đến mời tôi đi xem phim cùng. Ngồi trong rạp cả ba cùng vừa xem phim vừa ăn bưởi. Ăn xong, Liễu lịch sự đưa cho người yêu chiếc khăn mùi xoa. Tôi choáng váng thấy anh Quảng gạt chiếc khăn trắng ướp hương nước hoa đi rồi cúi xuống lộn gấu quần lên lau miệng.

- Mình không thể tưởng tượng làm sao cái Liễu lại có thể yêu nổi một người phóng khoáng đến mức hoang dã như thế? - Tôi băn khoăn.

- Có lẽ vì anh Quảng chơi ghi ta và hát nhạc Trịnh rất hay. Tối nào anh Quảng cũng đến hàng cà phê trước cửa cơ quan của Liễu, đàn và hát cho nó nghe.

- Ờ, nó cũng kể với mình anh ấy luôn hát bài “Tình nhớ”: “… Một người về đỉnh cao... Một người về vực sâu, để cuộc tình chìm mau, như cánh chim cuối trời...” - Tôi nói tiếp: - Rằng giọng anh ấy ấm lắm, ngọt ngào vô cùng! 

 - Rồi thì đúng là “một người ở đỉnh cao”, “một người ở vực sâu” còn gì! - Loan cười.

- Một anh chàng không nghề nghiệp, không nhà cửa, chỉ có một cây đàn ghi ta… - Tôi kết luận: - Mình không thể tưởng tượng nổi cái tổ ấm của Liễu sẽ như thế nào!

- Chuyện! Yêu mà lị! - Bích Loan kết một câu như chân lý. - Mình chỉ gặp Liễu có đôi lần khi nó đến nhờ mua vé máy bay nên mình không biết rõ lắm về chu‌yện tìn‌h yêu sau đó của Liễu.

Thực ra Loan còn không biết nhiều chuyện. Hồi còn ở ngoài Hà Nội, tôi đã giới thiệu cho Nguyệt Liễu một anh bạn của anh trai tôi. Anh Trần Hiệp đẹp trai như tài tử điện ảnh Ý, đang học năm cuối Đại học An ninh. Bố mẹ anh là Công an nên anh cũng theo nghiệp gia đình làm Công an. 

Một hôm tình cờ, anh Hiệp đến nhà chơi với anh tôi. Bỗng thoáng thấy dáng Liễu thướt tha lướt qua cửa sổ buông lời chào anh tôi để ra về, thế là anh Hiệp như bị sét đánh. Sau đó, anh nhất định đòi tôi đưa anh đến nhà Liễu để được làm quen với Liễu. 

Tôi nhớ mãi hình ảnh: Liễu mời khách vào nhà xong, cứ đứng ở ngoài chậu lavabo vỗ nước lên mặt. Mặt Liễu đỏ rực, nóng bừng bừng vì ngượng ngập. Mãi đến khi anh Hiệp chờ lâu quá, phải chạy ra gọi chủ nhà thì Liễu mới dám vào nhà tiếp khách. Hôm ấy họ cho nhau địa chỉ để viết thư vì hôm sau anh Hiệp đã phải về trường để đi thực tập tốt nghiệp, còn Liễu theo gia đình chuyển vào Nam. 

Trên đường về, anh Hiệp cứ khen mãi: “Bạn em đúng là một ma souer đầy ngây thơ và trong sáng!”. Anh tâm sự: “Anh sẽ khắc sâu mãi trong tim hình ảnh nàng ma souer Liễu dịu dàng vỗ nước lên khuôn mặt e thẹn đỏ rực vì ngượng ngùng. Hình ảnh ấy chắc sẽ theo anh đến hết cuộc đời…”.

Tôi không biết sau đó, họ thư từ, yêu đương nhau theo kiểu nào, chỉ biết anh Hiệp yêu Liễu ghê gớm. Năm 1983, sau khi tôi tốt nghiệp đại học ngồi chờ xin việc, rảnh rỗi nên vào Sài Gòn thăm nhà anh chị mình. 

Anh Hiệp tìm được đến nhà tôi. Trông anh hơi phong trần với nước trắng nay rám nắng. Hóa ra anh Hiệp đã vào nhận công tác ở thành phố Hồ Chí Minh được 3 năm và đang đi tham gia phá một vụ án ở Tây Nguyên. Anh nhờ tôi đến can ngăn Liễu đừng vội vàng nhận lời lấy cái anh chàng có tài đàn ca sáo nhị kia. 

“Xin em hãy khuyên giải Liễu: Hãy chờ anh hoàn thành nốt nhiệm vụ... - Anh nói giọng ngàn ngạt nhưng đầy vẻ kiên định và ánh mắt buồn bã nhìn xoáy vào mắt tôi đầy vẻ ký thác, - Chỉ còn khoảng một năm nữa thôi, hoàn thành nhiệm vụ xong anh sẽ về tổ chức cưới với Liễu… Xin Liễu hãy tin anh!... Nhưng ngay bây giờ thì anh không thể... Anh đang làm dở nhiệm vụ...”.  Tôi đã đến nhà Liễu và nói lại lời khẩn cầu tình yêu của anh Hiệp với Liễu. Liễu lặng người một lát rồi bảo:

- Nếu anh Hiệp bảo yêu Liễu say đắm sao anh không đủ mạnh mẽ và nghị lực để cưới Liễu ngay hồi mới vào Sài Gòn? Sao cứ phải chờ năm này lại năm nữa?… Liễu đã chờ đợi anh ấy suốt hai năm, đã cho anh ấy cơ hội được lựa chọn. Nhưng anh ấy đã buông cho thời gian trôi qua. Lúc nào cũng “Nhiệm vụ! Nhiệm vụ!”. Vậy, liệu có còn là tình yêu thật sự nữa không khi anh còn có quá nhiều thứ để đặt lên bàn cân tính đếm so đo với tình yêu?… Giờ thì đã quá muộn rồi! Không còn cách nào khác nữa! Thôi, bạn đừng nhắc chu‌yện ấ‌y nữa. Mình đã nhận lời yêu anh Quảng rồi… 

Tôi e ngại:

- Nhưng bạn kể anh ấy rất nghèo vì đã từng vượt biên ba lần nhưng không thoát. Bây giờ của nả mất sạch, giờ phải đi ở nhờ nhà bà chị họ. Anh ấy cũng chẳng có nghề gì cụ thể. Vậy cưới nhau xong bạn sẽ sống thế nào? Cuộc sống chắc bấp bênh lắm!

Liễu cười thật tươi:

- Chẳng có gì phải sợ cả! Lương của mình cũng đủ để thuê một gian phòng nhỏ. Mình còn có 2 chỉ vàng. Cưới xong mình sẽ mua một cái tủ làm kem để vợ chồng kiếm thêm hàng ngày. Anh Quảng sẽ không phải đi làm thợ quét vôi nữa. Rồi anh ấy sẽ đi học trung cấp xây dựng. Chuyên ngành trang trí nội thất là công việc mơ ước của anh ấy…

Tôi đâm hoang mang: Liễu đã bị cuộc sống thương trường sôi động ở Sài Gòn đào luyện trở nên quá thực tế rồi? Hay vẫn là ma soure Liễu nhưng đã quá mơ mộng chạy theo một thứ tình yêu khác thường như trong tiểu thuyết, bất chấp đời thường?

Sau đó hai tuần, tôi lại đến chơi nhà Liễu. Mẹ Liễu ra mở cửa cho tôi, mắt sưng vù, đỏ hoe. Bà kéo vội tôi vào buồng, thì thào:

- Nó bỏ trốn đi theo thằng Quảng rồi!... Cô chỉ có mỗi mình nó, vậy mà! Hu hu…- Bà òa khóc xen tiếng tức tưởi: - Cô vừa giận vừa thương nó quá! Sao nó lại mê đắm cái thằng khố rách áo ôm, chẳng có cái gì ngoài cái đàn cũ rích ấy đến mức đó chứ! Hu hu...

- Chắc tại Liễu nghe nhạc tình nhiều quá nên đâm ra lẫn lộn thật mơ - Tôi chẳng biết an ủi bà bằng cách nào, ngoài cách đổ lỗi cho mấy bản tình ca buồn.

Mẹ Liễu cau mày:

- Nó không lẫn lộn đâu cháu ơi! Nó quyết liệt hẹn thằng kia đến đứng dưới nhà để nó lên trước xin phép cha mẹ cho phép nó được lấy thằng kia làm chồng. Hu… hu… Bố nó giận phát điên, phát cuồng khi biết tin sự đã rồi... Nó đã có bầu cháu ạ!...

 Tôi nghe mà choáng váng. Có lẽ nào Liễu đã mê Quảng đến mức mù quáng đau đớn đến vậy! Mong rằng đời bạn chỉ buồn đến mức này thôi.

- Bố nó cảm thấy nhục nhã, đau đớn, xót xa quá… - Mẹ Liễu vẫn vừa khóc sụt sịt vừa kể lể - Thế là trong cơn cuồng giận, ông ấy đã lột sạch quần áo của nó, kéo ra ban công tầng hai, đá, đạp điên cuồng để dằn mặt cả cái thằng đang đứng ở bên kia đường ngóng lên. Ông muốn thằng kia biết luôn rằng ông không chấp nhận một thằng con rể không tương xứng với gia đình ông. 

Ông hành xử con gái tàn bạo để thằng kia hiểu ông có thể giết chết đứa con gái duy nhất của mình, chứ không bao giờ chấp nhận thằng đó lén lút chui vào nhà ông dưới cái danh đánh cắp “là con rể”... 

Cái Liễu rất lì không một tiếng khóc. Nó chỉ nghiến chặt răng ráng chịu đau đớn co quắp che chắn cho cái thai. Đêm hôm ấy, nó lặng lẽ cuộn mấy bộ quần áo, lẻn khỏi nhà trốn đi theo luôn thằng kia... Cô chỉ thương con gái cô bụng mang dạ chửa, không có của nả dắt theo, rồi đến lúc sinh nở cửa mả không biết sống chết ra sao... Hu hu... 

Mẹ Liễu lại òa khóc. Bà xua tôi về đi và nhớ đừng có phạm sai lầm như con gái bà, cái sai lầm của con gái khiến lòng người mẹ đau tan nát gấp vạn lần cái chết. Tôi ra về mà cứ nghĩ thế là thôi, cũng xong một đời con gái. Thương bạn giờ bỗng giống câu hát của Trịnh Công Sơn. Chỉ có khác là cả hai người cùng về vực sâu mà thôi.

Nhưng thực ra phải hơn 4 năm sau, khi Liễu bất ngờ xuất hiện trước cửa nhà tôi ở Hà Nội, tay dắt theo một bé trai khôi ngô, xinh xắn tầm 4 tuổi, tôi mới được nghe bạn gái kể: “Hôm bỏ nhà ra đi mới chỉ là bắt đầu những chuỗi ngày khổ ải cơ cực như địa ngục của mình…”.

Hóa ra đêm ấy anh Quảng đưa luôn Liễu ra tàu hỏa đi về quê nhà anh ở Đà Nẵng, cách thị trấn Tam Kỳ 30km. Ở đó anh còn bà mẹ 80 tuổi cô đơn gày gò kiếm sống nhì nhằng trong một quán nước bé tẹo, hẻo lánh bên đường quốc lộ. Bà cũng cấy mấy vạt lúa loi thoi bên đường kiếm thêm gạo ăn. Nhà anh nghèo thê thảm, chỉ có 1 tấm ván làm giường. Tối đến, anh Quảng nhường giường cho mẹ và vợ, còn anh mắc võng vào hai cái cột nhà để nằm ngủ.

Anh Quảng ở lại cùng Liễu và bà mẹ già một tuần rồi bảo: “Liễu ở lại với má chờ ngày sinh nở. Anh đi làm kiếm tiền về cho Liễu nuôi con”. Thế rồi anh đi, đi mãi. Một tháng, hai tháng rồi ba tháng, đến khi Liễu sinh một đứa con trai bụ bẫm, đẹp đẽ anh vẫn chưa về. Rồi con đầy năm, cũng chẳng thấy anh đâu. Đồng tiền cuối cùng của hai chỉ vàng Liễu đưa cho mẹ chồng bán đi để mua gạo ăn khi đẻ cũng đã hết. 

Liễu phải ăn vào những hạt lúa để dành của bà. Biết là không nên ăn chạc của người già, những hạt cơm tủi nhục hòa trong nước mắt. Nhưng không ăn không được. Thằng nhỏ bú rất khỏe. Lúc nào Liễu cũng bị đói. Thiếu sữa, thằng nhỏ khóc quằn quại. Cứ đến bữa bà mẹ lại nhắc: “Cái thằng Quảng chết dẫm ở đâu, không về mà mang hai cái của nợ đi”.

Đến ngày mùa, mẹ Quảng bảo: “Tui già rồi run lắm không cắt lúa được. Để tui trông thằng nhỏ cho, cô đi cắt lúa đi. Chưa biết thì hỏi người ta cách làm. Ở làng này, mọi đàn bà đi làm đồng cả! Không ai ở nhà nhông nhổng ôm con đâu!”. Thế là Liễu cầm cái liềm đi ra mấy thẻo lúa của mẹ chồng bên đường quốc lộ. 

Cô đứng đó nhìn những đoàn tầu Bắc - Nam, Nam - Bắc xình xịch, tu tu kéo còi chạy qua mà mơ: cô thấy mình ngồi trên đó ra Hà Nội quay về với tuổi thơ vô tư lự; cô thấy mình ngồi trên đó cùng con về Sài Gòn phục xuống dưới chân cha mẹ mà sám hối. Cô không còn chờ ngóng Quảng nữa. Có lẽ anh lại vượt biên lần thứ tư, đã yên vui ở bên kia bờ đại dương, hoặc anh đã mất xác dưới đáy biển sâu, để lại cô bơ vơ bên lề đường xa lạ này với đứa con đỏ hỏn và bản tình ca “Tình nhớ” đã lâu cô không còn nhớ đến nữa.

Rồi lại một mùa lúa nữa đã qua đi, con trai Liễu đã được hai tuổi. Thằng bé gầy quắt xanh xao, buồn bã bên hai người đàn bà câm lặng như hai cái bóng. Mỗi lần buồn quá Liễu lại bế con ra đứng ở bên đường đau đáu nhìn theo các đoàn tàu. 

Cho đến một ngày, bà mẹ Quảng không biết đã theo hai mẹ con Liễu từ lúc nào, đến bên khẽ khàng nói: “Mày đi về nhà mày với bố mẹ mày đi con ạ. Đừng ở lại đây nữa. Khổ lắm. Tội nghiệp! Thằng Quảng không về nữa đâu. Nó bị đi tù từ lâu rồi. Anh họ nó ở Sài Gòn nhắn về từ hồi mày sinh thằng nhỏ kia. Nó bị đi tù mấy năm không biết vì làm kem đánh răng giả. Nó muốn làm giầu lớn để lấy tiền về nuôi mẹ con mày đấy!”. 

Liễu òa khóc. Cô cúi lạy xin mẹ chồng tha thứ mọi tội lỗi, rồi cứ thế bế con chạy bộ, thẳng ra ga Tam Kỳ. Không có đồng nào trong túi, cô bôi mặt làm người ăn xin, hai mẹ con vật vờ trong sân ga. Rồi cũng đến một ngày, một gã phụ trách một toa trên đoàn tầu vào Sài Gòn đồng ý cho mẹ con Liễu trốn vé trong phòng công tác bé xíu trên toa của gã. 

“Nhưng đêm hôm đó gã ép mình phải cho gã thỏ‌a mã‌n xác thịt. Những nỗi tủi nhục kinh hoàng nơi trần thế này không bao giờ Liễu còn muốn nhớ lại nữa ngoại trừ duy nhất kể với bạn thôi… - Liễu vừa kể vừa khóc với tôi hôm dắt con trai ra thăm Hà Nội. - Lúc đó Liễu ước gì đời mình chỉ dừng lại ở giây phút vã nước lạnh lên mặt, cái hôm đầu tiên anh Hiệp đến nhà...”.

Nhìn thấy hai mẹ con Liễu gày giơ xương, thảm hại rách rưới như hai mẹ con ăn mày quỳ ở trước cửa, mẹ Liễu òa khóc. Bà ôm cả hai vào lòng hôn tới tấp lên cái đầu bẩn thỉu của con gái và thằng cháu, rồi lại cười, rồi lại khóc. Bố Liễu quay đi lén đưa tay chấm mắt. Ông không nói gì, để mặc mẹ con, bà cháu chăm sóc nhau.

Rồi năm sau Quảng được ra tù, và được làm thợ sơn vôi do Chương trình hòa nhập cộng đồng, giới thiệu việc làm cho những người sa cơ lỡ bước, rồi được ông chủ Công ty tín nhiệm cho làm đội trưởng. Cha mẹ Liễu thấy Quảng chăm chỉ, lại yêu thương vợ con mà nên nỗi sa chân vào tù, nên cũng rộng lòng tha thứ mua cho 40 mét đất ở ngoại ô. 

Chồng Liễu vay bạn bè xây được căn nhà cấp 4. Những ngày ấy, Liễu rất vui. Nhân dịp bà mẹ của Liễu có việc phải ra Hà Nội một ngày, bà cho hai mẹ con Liễu đi theo. Liễu tranh thủ đưa con trai đến thăm tôi một tiếng đồng hồ.  Cuộc gặp gỡ của hai chúng tôi hôm ấy tuy ít ỏi thời gian nhưng thật ríu rít, cảm động nhiều tâm tình và cũng không ngăn được những giọt nước mắt buồn vui xen lẫn. 

Đến khi Liễu ra về rồi tôi mới ngẫm lại: có phải Liễu vượt qua mấy ngàn cây số, tranh thủ đến với tôi 1 tiếng đồng hồ chỉ để xả sì trét, hay muốn thông qua tôi gửi tới anh Hiệp một lời ân hận muộn màng của một trái tim lầm lỗi? Ôi những lời tâm sự buốt lòng, thật cay đắng. Vậy Liễu có yêu anh Hiệp không, hay có lẽ chỉ vì mê giai điệu lời ca mà ngộ nhận có một tình yêu với Quảng mà sa ngã! Rồi tự thấy mình không còn xứng đáng với anh Hiệp nữa, mà Liễu buộc phải chia tay với anh? Tình yêu! Ôi tình yêu!?

Thuở ấy muốn biết tin tức về nhau chỉ có mỗi cách viết thư. Nhưng rồi tôi chuyển nhà vài lần, những bức thư tôi gửi đến Liễu thông báo địa chỉ mới của tôi chẳng có hồi âm gì cả. Chúng tôi biệt tin nhau hơn chục năm rồi.

*

Đi mãi, đến sẩm tối, chúng tôi mới rẽ được vào phố Chùa Y. Tiếng ồn ào cùng ánh sáng rực rỡ của phố lớn đã hết. Nhà cửa ở đây đã mang hơi hướng thôn quê, vườn tược xen đan cùng phố xá. Số nhà 67 à? Kia rồi! Ngôi nhà mái lợp Ốtxnam hiện ra dưới bóng một cây v‌ú sữa cao hơn nóc nhà, bóng tỏa xuống thật đẹp. Và kìa! Lại tiếng hát Khánh Ly đang dìu dặt: “… Người ngỡ đã quên lâu nhưng người vẫn bâng khuâng…”. Tôi hồi hộp níu Loan lại ngoài cửa:

- Đúng nhà Liễu rồi! Để mình vào trước! - Rồi bước vào giữa cửa, nơi ánh sáng đèn nê on rực rỡ của căn nhà hạnh phúc sau biết bao chông gai của Liễu, tôi cất tiếng thật to và dõng dạc:

- Xin chúc mừng “một khung trời hoa bướm ngày xưa với tiếng hát nồng nàn tình ái” của bạn!

 - Dạ! Thưa cô tìm ai? - Một ông già đứng khuất ngay mé cửa bước ra sát mặt tôi hỏi nhỏ nhẹ.

-Dạ! ... Bác! - Tôi giật mình, lùi phắt lại ngượng ngùng, lắp bắp – Thưa bác... cho cháu hỏi đây có phải nhà anh Quảng không ạ?

- Không! Đây là nhà tôi!... - Ông già lắc rồi lại gật đầu.  - Ờ, ờ mà phải... Nhưng mà xưa lắm rồi! 

- Thế là thế nào ạ? - Tôi sững sờ, ngơ ngác - Giờ nhà anh ấy chuyển đi đâu rồi ạ? Bác có biết không ạ?

-Tôi là chủ thứ hai, mua lại nhà của chủ thắng bạc căn nhà này cách đây bảy năm rồi. Sau khi chú ấy thua bạc phải gá rẻ căn nhà này, vợ chồng cô chú ấy đã đem theo thằng con nhỏ xuống tầu vượt biên. Nhưng nghe nói chuyến đi ấy con tầu gặp bão. Chẳng còn ai sống sót... Tội nghiệp quá!

Tôi đã ngã khuỵu xuống đất nếu không có Loan đến bên đỡ vội, rồi chào chủ nhà, dìu tôi ra ngõ...

*

Chuyện đã trôi qua nhiều năm, đau thương dù chỉ của bạn bè cũng chẳng muốn nhớ lại nhiều làm gì cho đau đớn. Nhưng sáng nay, tình cờ đến thăm nhà anh trai, tôi bỗng gặp anh Hiệp ở đó. Đại tá an ninh đã nhiều tuổi, mái tóc đã ngả bạc, nhưng vẫn đẹp trai phong độ như một quý ông, duy đôi mắt như ẩn chứa một nỗi buồn xa vắng. Tôi đã có lần nghe anh trai kể: anh Hiệp lập gia đình rất muộn và cuộc sống riêng của vợ chồng anh Hiệp cũng không được hạnh phúc cho lắm. Sau giây phút ngần ngại, thừa dịp anh tôi bận đi đun nước thêm để pha trà, anh Hiệp hỏi:

- Lâu nay em có gặp Liễu ma souer không?

Tôi lặng người một lát rồi mới rụt rè:

- Không ạ!...

Anh Hiệp hỏi tiếp giọng lạc đi dù cố tỏ vẻ bâng quơ:

- Không biết cuộc sống của em ấy bây giờ thế nào? Có hạnh phúc không?

Tôi định kể cho anh Hiệp nghe về cuộc đời đau thương của Liễu; tôi cũng định kể cho anh nghe rằng: “Liễu ước gì đời mình chỉ dừng lại ở giây phút… cái hôm anh Hiệp đến nhà”. Song, tôi vội kìm lại vì sợ  rằng: Chắc gì anh đã vui khi cuộc đời người anh yêu thương lại quá bất hạnh. Bởi một khi đã quá yêu thì tình thương còn lớn hơn nỗi giận hờn rất nhiều. Vậy, sự trung thực có ích gì khi nó làm tổn thương thêm một trái tim đã tan nát vì yêu? Tôi dối trá một cách trơn tru:

- Bạn ấy và cả gia đình đã được ông chú bảo lãnh sang Mỹ hết cả rồi ạ! Nghe nói ở bên đó cả gia đình bạn ấy đang rất hạnh phúc bên nhau!           

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật