Đảng Cộng hòa chia rẽ gay gắt thời hậu Trump

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Cuộc nội chiến gay gắt, giữa một bên là người ủng hộ trung thành với ông Trump và nhóm ngày càng chống đối cựu tổng thống, sẽ định hình tương lai đảng Cộng hòa.
Đảng Cộng hòa chia rẽ gay gắt thời hậu Trump
Ảnh minh họa

Xem Video: Điều tra gian lận bầu cử kích động chia rẽ đảng phái

//

"Ông Donald Trump rời khỏi Nhà Trắng hôm 20/1 và để lại một đảng Cộng hòa hỗn loạn", đó là cách New York Times miêu tả những chia rẽ bên trong đảng Cộng hòa sau nhiệm kỳ của ông Trump.

Tờ báo này đúc kết rằng nội bộ đảng Cộng hòa phân chia thành 3 nhóm rõ rệt sau bốn năm. Đó là nhóm chống đối ông Trump quyết liệt, nhóm không chống đối cũng chẳng ủng hộ, và nhóm rất trung thành với cựu tổng thống.

Ở nhóm đầu tiên, nhiều đảng viên Cộng hòa tuyên bố không để ông làm đảo lộn phe bảo thủ, không bỏ phiếu, không làm việc trong chính quyền của ông. Trước công luận, họ công khai chỉ trích các chính sách và cá nhân ông Trump.

Nhóm thứ 2 gồm những người Cộng hòa chỉ giữ im lặng, bỏ qua những hành động gây tranh cãi của ông Trump, nhưng cũng không ủng hộ nỗ lực lật ngược cuộc bầu cử của vị cựu tổng thống.

Bộ phận còn lại gồm cả những chính trị gia dân cử có tiếng nói nhất và khối cử tri không nhỏ giúp ông giành số phiếu bầu đáng kể hồi tháng 11/2020. Đến nay, họ vẫn sát cánh cùng cựu tổng thống.

Điều này cho thấy sự ảnh hưởng của ông Trump với đảng Cộng hòa sẽ không sớm biến mất.

Biển quảng cáo công kích gia đình ông Trump do Lincoln Project tài trợ. Ảnh: AP.

Nhóm không bao giờ ủng hộ ông Trump

Đây là những người công khai chỉ trích chính quyền của cựu Tổng thống Trump, hai lần phản đối đại hội toàn quốc đảng Cộng hòa, gây quỹ hàng triệu USD và xây dựng các chiến dịch nhằm đánh bại ông Trump cùng đồng minh trong cuộc bầu cử.

Với những người có ác cảm, nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump là nguồn cơn của sợ hãi.

Họ lo sợ sự tự cao tự đại và khinh suất của ông Trump, với quyền lực to lớn từ chức vụ tổng thống Mỹ, là công thức tạo ra thảm họa.

Trong nhóm này có một cái tên gây bất ngờ: George Conway. Vợ của ông là Kellyanne Conway, chiến lược gia trong đội ngũ tranh cử của ông Trump năm 2016. Đến nay, bà Conway vẫn trung thành với cựu tổng thống.

Cùng phe với ông Conway là những chính trị gia mà đội ngũ của cựu Tổng thống Trump gắn cho cái mác "tập đoàn chính trị".

Đại diện cho nhóm này là Lincoln Project, một ủy ban hành động chính trị được thành lập vào năm 2019 nhằm thuyết phục các cử tri Cộng hòa không bỏ phiếu cho ông Trump trong kỳ bầu cử tổng thống năm 2020.

"Chỉ mượn danh Cộng hòa"

RINO (Republican in name only - Chỉ mượn danh Cộng hòa) là cụm từ vốn được sử dụng để gọi những chính trị gia thuộc đảng Cộng hòa nhưng không hành động theo lợi ích của đảng.

Tuy nhiên, kể từ khi ông Trump lên nắm quyền, bất cứ quan chức Cộng hòa nào làm trái ý ông Trump đều bị coi là một RINO.

Một trong những RINO nổi danh nhất theo cách hiểu trên là Mark Brnovich, Tổng chưởng lý bang Arizona.

Tổng chưởng lý tiểu bang Arizona Mark Brnovich. Ảnh: AFP.

Ông trở thành cái gai trong mắt người ủng hộ cựu Tổng thống Trump sau khi ông - trên cương vị người đứng đầu cơ quan thực thi Pháp Luật tiểu bang Arizona - từ chối ủng hộ các nỗ lực nhằm lật ngược kết quả bầu cử.

"Đơn giản đây là vấn đề thượng tôn Pháp Luật, không phải chỉ vì lợi ích chính trị", ông Brnovich giải thích quyết định của mình.

Không chỉ riêng Brnovich, nhiều chính trị gia từng thiên về phía cực hữu trong đảng Cộng hòa, giờ đang bị người ủng hộ ông Trump chỉ trích là "nhu nhược" và "mềm yếu"; bởi họ không gây sức ép buộc chính quyền các tiểu bang, cũng như quốc hội, trao chiến thắng cuộc bầu cử cho ông Trump.

Tại Georgia, Thống đốc Brian Kemp và Tổng thư ký tiểu bang Brad Raffensperger trở thành mục tiêu công kích. Phe ủng hộ ông Trump kêu gọi loại bỏ hai chính trị gia này trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2022.

Trong khi đó, Hạ nghị sĩ Liz Cheney, con gái của cựu Phó tổng thống dic‌k Cheney, đứng trước nguy cơ mất vị trí trong ban lãnh đạo phe Cộng hòa tại Hạ viện, sau khi bà bỏ phiếu ủng hộ luận tội ông Trump.

Cựu Phó tổng thống Mike Pence, đồng minh trung thành với ông Trump suốt 4 năm nhiệm kỳ, bị gọi là kẻ "phụ bạc".

Các phần tử quá khích gọi ông Pence là kẻ "phản bội" và đòi "hành quyết" cựu phó tổng thống, sau khi ông từ chối can thiệp vào quá trình xác nhận kết quả bỏ phiếu của đại cử tri đoàn.

Sau 4 năm im lặng dù bất đồng với Nhà Trắng, ngày càng nhiều chính trị gia Cộng hòa ra mặt chống đối ông Trump.

Họ tuyên bố hành động của phe ông Trump có thể tạo ra tiền lệ xấu, khi các quan chức dân cử bất chấp luật pháp để hành động theo lợi ích chính trị đảng phái.

"Tôi hết sức quan ngại rằng chúng ta đang sử dụng những công cụ Pháp Luật tinh vi để bẻ cong những thứ không nên bị uốn nắn vì lợi ích chính trị", Dave Yost, Tổng chưởng lý tiểu bang Ohio, nói.

Giống như Brnovich ở Arizona, ông Yost là một trong 7 tổng chưởng lý tiểu bang của phe Cộng hòa không tham gia vụ kiện nhằm lật ngược kết quả bầu cử do người đồng cấp ở bang Texas Ken Paxton phát động.

Phe trung thành với ông Trump

Cuộc biểu tình hôm 6/1 tại thủ đô Washington là bằng chứng sắc nét nhất cho thấy ảnh hưởng của ông Trump đối với các nhà lập pháp Cộng hòa.

Trong cuộc tuần hành trước khi vụ bạo loạn xảy ra, người ta nhìn thấy sự tham gia của các nhà lập pháp đến từ Missouri, West Virginia, Tennessee, và các bang truyền thống bảo thủ khác. Ken Paxton, Tổng chưởng lý Texas, cũng có mặt lắng nghe bài phát biểu của ông Trump bên ngoài Nhà Trắng.

Quỹ Bảo vệ Thượng tôn Pháp Luật, cánh tay nối dài của Hiệp hội Tổng chưởng lý Cộng hòa, thậm chí còn trả tiền cho dịch vụ nhắn tin điện tử, gửi đi thông điệp kêu gọi cử tri "tuần hành về Điện Capitol và kêu gọi quốc hội ngăn chặn vụ đánh cắp (cuộc bầu cử)".

Tổng chưởng lý tiểu bang Texas Ken Paxton và ông Trump. Ảnh: Reuters.

Hai nguồn tin cho biết đã có những tranh cãi quyết liệt giữa các tổng chưởng lý sau khi nội dung tin nhắn bị rò rỉ. Một nhà tài trợ gây sức ép để tin nhắn phải được gửi đi nếu quỹ này muốn tiếp tục nhận được hỗ trợ tài chính.

Mối đe dọa giờ đã hiển hiện trước mắt giới lãnh đạo của đảng Cộng hòa, đến từ những ứng cử viên ít tiếng tăm nhưng có nguồn hậu thuẫn tài chính không thể bị xem nhẹ.

Họ, có thể là những thành phần cực hữu tức giận trước thất bại của ông Trump, tham gia bầu cử sơ bộ và đánh bại các ứng viên mà giới lãnh đạo Cộng hòa ủng hộ.

Theo nhà sử học Geoffrey Kabaservice, phe cực hữu là một bộ phận nòng cốt của đảng Cộng hòa trong mọi cuộc bầu cử, nhưng ảnh hưởng thường bị lấn át bởi những tiếng nói trung dung, chính thống hơn.

Tình hình nay đã bắt đầu thay đổi.

"Đảng Cộng hòa cần những người ấy (phe cực hữu) ở tận gốc rễ nếu muốn chiến thắng. Nhưng đảng này cũng biết cần kiểm soát phe cực hữu để có thể thu hút thêm khối cử tri ôn hòa. Cách làm đó đang có dấu hiệu thất bại", ông Kabaservice nói.

Ai sẽ giành chiến thắng?

"Tương lai của đảng Cộng hòa không phải là những người chống đối ông Trump, họ đã rời khỏi con tàu. Cuộc chiến hiện giờ là giữa những chính trị gia RINO mới và các đảng viên Cộng hòa ủng hộ ông Trump", New York Times bình luận.

Sự phẫn nộ của người dân nhắm vào các nhà lập pháp "phản bội" cựu Tổng thống Trump khiến không còn nhiều chính trị gia Cộng hòa dám lên tiếng.

Sau khi ông Brnovich từ chối thách thức kết quả bỏ phiếu ở Arizona, các nhà bình luận cực hữu tuyên bố ông tự tay phá hủy tương lai chính trị của bản thân trong đảng Cộng hòa.

Một nhà lập pháp Cộng hòa cho biết đã nhận được 500.000 USD từ một nhà tài trợ để mở cuộc điều tra riêng đối với phiếu bầu ở Arizona.

Người này còn đe dọa sẽ cản trợ công việc của văn phòng tổng chưởng lý bằng cách cắt các khoản tài trợ cần thiết.

Người biểu tình xông vào Điện Capitol hôm 6/1. Ảnh: AP.

Tại cuộc bạo loạn ở Điện Capitol, người ủng hộ ông Trump kêu gọi quốc hội bác bỏ kết quả bầu cử cùng ý nguyện của 81 triệu cử tri bầu cho ông Biden.

Brnovich cho biết ông không thể chấp nhận thói "đạo đức giả" của một số thành phần trong nội bộ đảng Cộng hòa.

"Chúng ta tự nhận là người theo chủ nghĩa liên bang, và chúng ta không muốn can thiệp quá sâu. Tôi không hiểu vì sao một số người lại muốn can thiệp vào cuộc bầu cử. Đó là ý tưởng ngu ngốc", ông Brnovich nói, ám chỉ một số tổng chưởng lý tiểu bang.

Tổng chưởng lý Yost của Ohio là người ban đầu phản đối ông Trump trong chiến dịch tranh cử năm 2016, nhưng sau đó chấp nhận quy thuận tổng thống vì lợi ích của đảng.

Giờ đây, ông Yost vẫn lo lắng mỗi khi nghĩ về hậu quả của lời kêu gọi trước vụ bạo loạn ở Điện Capitol.

"Một người đàn ông tên Brian Sicknick đã thiệt mạng", ông Yost nói về sĩ quan Cảnh sát Điện Capitol t‌ử von‌g vì bị người biểu tình đánh vào đầu.

"Tôi không biết ai đã vung bình cứu hỏa lên, nhưng tôi vẫn thao thức vào ban đêm, băn khoăn liệu đó có phải là một trong những người đã nhận được tin nhắn (kêu gọi biểu tình) hay không?", ông Yost nói.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật