Góc khuất trong vụ sa thải Lampard của Chelsea

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Những rắc rối với ban lãnh đạo và các cầu thủ mới là nguyên nhân chính khiến Frank Lampard bật bãi khỏi Stamford Bridge thay vì thành tích bết bát ở mùa này.
Góc khuất trong vụ sa thải Lampard của Chelsea
Ảnh minh họa

"Lampard sẽ không thể tồn tại được lâu nếu phong độ của đội bóng sa sút nghiêm trọng, đặc biệt sau khi ông ấy đã tiêu hết tiền.

Lampard đang ở trong tình cảnh bấp bênh, và tôi chỉ có thể thấy mọi chuyện sẽ diễn ra theo chiều hướng xấu đi", nguồn tin nội bộ tiết lộ với Athletic hồi tháng 8/2020.

Mọi chuyện diễn ra đúng như vậy. Tầm vóc huyền thoại và sự thấu hiểu CLB không đủ để cứu chiến lược gia người Anh khỏi trát sa thải. Cuộc phiêu lưu của ông trên cương vị HLV tại đội bóng quan trọng nhất sự nghiệp khép lại bằng một nốt trầm buồn sau 18 tháng.

"Chúng tôi tin vào Lampard, trước đây, bây giờ và mãi mãi", bức ảnh về tấm biểu ngữ được giăng lên khán đài sân Stamford Bridge trong ngày Lampard nhậm chức cách đây gần 2 năm một lần nữa xuất hiện như một lời nhắc nhở về điều ngược lại, rằng ở Chelsea, không gì là mãi mãi.

Vị thế khi còn là cầu thủ không thể cứu được Lampard trong lần trở lại Chelsea trên cương vị mới. Ảnh: Reuters.

Rắc rối thượng tầng

Năm 2020 chuẩn bị kết thúc, Giám đốc Marina Granovskaia đã chứng kiến đủ. Kết quả của Chelsea sa sút trầm trọng tại Premier League và CLB đứng trước nguy cơ nói lời tạm biệt sớm với cuộc đua vô địch. Granovskaia bắt đầu thảo luận về những giải pháp thay thế. Ban lãnh đạo muốn cho Lampard thời gian, nhưng cảm thấy điều đó là không thể.

Để hiểu về sự sụp đổ trong mối quan hệ giữa Lampard và Granovskaia, cần phải lật lại sự việc từ đầu. Sau khi HLV Maurizio Sarri rời Chelsea năm 2019, việc bổ nhiệm Lampard giống như một chiến lược hợp lý hơn là lý tưởng.

Ban lãnh đạo Chelsea hiểu mùa giải 2019/20 sẽ rất khó khăn khi FIFA ban hành lệnh cấm chuyển nhượng 2 năm, sau đó đã được rút xuống 1 năm, khi đội bóng kháng cáo lên Tòa án Trọng tài Thể thao (CAS), vì vi phạm quy định về việc ký hợp đồng với cầu thủ nước ngoài dưới 1‌8 tuổ‌i.

Việc bổ nhiệm cây săn bàn số một lịch sử đội bóng chỉ sau một năm dẫn dắt Derby County tại Giải hạng Nhất Anh là ý đồ để giữ chân người hâm mộ trong một khoảng thời gian khó khăn của ban lãnh đạo Chelsea.

Lampard hiểu những rủi ro khi chấp nhận một công việc như vậy quá sớm, nhưng không thể từ chối, bởi đây là Chelsea, đội bóng đã làm nên sự nghiệp của cựu tiền vệ người Anh trong suốt giai đoạn 2001-2014.

Song, việc Lampard "bị chọn" chỉ là dạo đầu cho những mâu thuẫn sau này. Sự căng thẳng nơi hậu trường chỉ thực sự nổi lên ở kỳ chuyển nhượng mùa đông năm ngoái, ngay sau khi Chelsea hoàn tất việc thụ án cấm chuyển nhượng.

Timo Werner là mục tiêu dài hạn của CLB. Tuy nhiên, với việc cạnh tranh vị trí cho top 4 để giành vé dự Champions League đang bị đe dọa, Lampard không muốn chờ đến mùa hè để có cầu thủ người Đức. Ông cũng hỏi mua Pierre-Emerick Aubameyang, người đang cân nhắc rời ars‌enal lúc đó và tiền vệ Hakim Ziyech của Ajax Amsterdam.

Không ai trong số họ đến Stamford Bridge lúc ấy. Một trong số thỏa thuận đã được đồng ý vào tháng 2/2020, nhưng khi đó là quá muốn để giúp ích cho mùa giải 2019/20.

Sự thất vọng của Lampard ngày càng tăng lên khi ông nói bóng gió về sự yếu kém của CLB trên thị trường chuyển nhượng. Một nguồn tin tiết lộ chiến lược gia người Anh không hài lòng và miêu tả mối quan hệ với Granovskaia là "không tuyệt vời".

Mối quan hệ giữa Lampard và "cánh tay phải" của Chủ tịch Abramovich đổ vỡ. Ảnh: Getty Images.

Mauricio Pochettino và Julian Nagelsmann đã được cân nhắc như "phương án B" lúc đó, nhưng không ai có thể loại bỏ Lampard sau khi ông giúp CLB vào top 4 và chung kết FA Cup. Việc đặt niềm tin vào những cầu thủ trẻ của học viện cũng là di sản xứng đáng được ghi nhận, tốt hơn so với bất kỳ người tiền nhiệm nào. Trên tất cả, mối quan hệ của Lampard với Chủ tịch Abramovich vẫn rất bền chặt.

Ở kỳ chuyển nhượng hè bận rộn mà Chelsea đã chi hơn 220 triệu euro, Lampard có nhiều quyết sách đi ngược lại mong muốn của ban lãnh đạo. Ông muốn chia tay Fikayo Tomori, Marcos Alonso, Antonio Rudiger và thậm thí cả đội trưởng Cesar Azpilicueta. Song, Chelsea thất bại trong việc tìm đầu ra cho những cái tên này.

Chiến lược gia người Anh cũng muốn có Declan Rice của West Ham, nhưng CLB không ủng hộ việc tái ký với cầu thủ từng rời khỏi lò đào tạo. Athletic từng tiết lộ nếu Lampard còn thúc giục ban lãnh đạo mua Rice, ông sẽ bị sa thải.

Không được lòng cầu thủ

Kepa Arrizabalaga là một trong những nguồn cơn khiến mối quan hệ giữa Lampard và ban lãnh đạo đổ vỡ. Đội chủ sân Stamford Bridge đã chiêu mộ thủ thành người Tây Ban Nha với mức phí 80 triệu euro để biến anh trở thành thủ môn đắt giá nhất thế giới. Song, sau hàng loạt sai lầm, Lampard đẩy Kepa lên ghế dự bị để trao cơ hội cho Willy Caballero.

Trong mùa này, ban lãnh đạo yêu cầu Lampard thử giúp Kepa lấy lại sự tự tin, nhưng khăng khăng đòi giải pháp thay thế. Thủ thành người Tây Ban Nha là một trong số ngôi sao cảm thấy chiến lược gia người Anh không cung cấp những chỉ dẫn chiến thuật cần thiết hay sự hỗ trợ đầy đủ để giúp anh lấy lại sự tự tin.

Granovskaia và Petr Cech hứa giúp bản hợp đồng kỷ lục của CLB vượt qua khoảng thời gian khó khăn. Thực tế việc giao tiếp giữa Kepa và Lampard cũng đã cải thiện. Tuy nhiên, mọi thứ trở nên vô nghĩa khi CLB đưa Edouard Mendy về từ Rennes để biến anh trở thành lựa chọn số một.

Một trong những khía cạnh luôn được nhắc đến khi bất cứ HLV Chelsea nào bị sa thải đó là việc không thể kiểm soát phòng thay đồ. "Lampard đã không nói chuyện với toàn đội mà chỉ làm vậy với những người ông ấy quý. Tôi biết có những cầu thủ đã không nghe tin gì từ Lampard trong nhiều tháng. Điều đó khiến họ khó chịu bởi khi đó bạn không biết mình phải làm gì để tốt hơn. Thật điên rồ", nguồn tin nội bộ tiết lộ với Athletic.

Lampard được cho là gặp vấn đề giao tiếp và không thể giúp học trò lấy lại sự tự tin. Ảnh: Reuters.

Chiến lược gia người Anh được cho là gặp vấn đề về giao tiếp với học trò. Ông từng là cầu thủ, biết cách tiếp cận với những người như vậy nhưng không làm điều đó. Khi CLB trải qua chuỗi 17 trận bất bại, việc không thực hiện nhiều thay đổi là dễ hiểu. Song, Lampard cũng không nói chuyện với nhóm cầu thủ dự bị, và điều đó khiến họ có những suy nghĩ tiêu cực.

Khi phong độ của đội giảm sút, chiến lược gia người Anh lại thực hiện liên tiếp những thay đổi. Điều đó ngăn cản các cầu thủ hòa nhập với hệ thống và xây dựng sự tự tin. Werner là một ví dụ điển hình. Tiền đạo người Đức từng tỏa sáng ở Bundesliga và khoảng thời gian đầu sau khi đến Chelsea, nhưng sa sút phong độ và liên tục bị gạch tên khỏi đội hình xuất phát.

Trong bối cảnh đội bóng phải thi đấu với mật độ khoảng 3 ngày/trận, Lampard vẫn yêu cầu các học trò tập luyện với cường độ cao bất chấp những lo ngại về chấn thương. Đến trận đấu với Fulham đầu tháng 1, các cầu thủ đã kỳ vọng Lampard bị sa thải nếu họ không giành chiến thắng. Chelsea giành 3 điểm nhờ pha lập công của Mason Mount, nhưng trận thua 0-2 trước Leicester sau đó đã đặt dấu chấm hết cho mọi chuyện. Bầu không khí trong phòng thay đồ khi đó "trông giống một lời tạm biệt".

Đi cùng với thành tích bết bát của CLB, ngay cả Chủ tịch Abramovich cũng cảm thấy nóng mắt với Lampard. Sau trận thua trước Leicester, thời gian dành cho Lampard đã hết. Tỷ phú người Nga bốc máy gọi và yêu cầu ban lãnh đạo ngay lập tức tìm một giải pháp thay thế dù chỉ là tạm quyền.

Trát sa thải được đưa ra chưa đầy một ngày sau chiến thắng 3-1 của Chelsea trước Luton Town tại FA Cup. Song, hơn ai hết, Lampard hiểu đây là điều buộc phải tới nếu không đáp ứng được tiêu chuẩn của Abramovich ở một lò xay HLV như Chelsea. Trong suốt sự nghiệp cầu thủ tại Stamford Bridge, ông chứng kiến tới 9 chiến lược gia đến và đi khỏi CLB này.

Có lẽ còn quá sớm để Lampard đảm nhận công việc chèo lái con tàu Chelsea, hoặc ông chưa đủ tầm để trở thành một Pep Guardiola hay Zinedine Zidane khác. Guardian từng nhận định rất khó để các HLV trẻ tuổi được trao cơ hội và đặt niềm tin ở những "siêu CLB" trong bóng đá hiện đại. Và điều đó đã đúng với Lampard.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật