Tăng cường xử lý lục bình trên sông Vàm Cỏ Đông

Summer Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
BTNO - Sau khi xảy ra tình trạng lục bình ùn ứ cục bộ ở một số địa điểm trên sông Vàm Cỏ Đông, ngày 26.2, Sở Giao thông vận tải tổ chức đoàn công tác liên ngành kiểm tra thực tế trên sông.
Tăng cường xử lý lục bình trên sông Vàm Cỏ Đông
Ảnh minh họa

                         Xem Video: Áp dụng hiệu quả cơ giới hóa trong xử lý bèo lục bình
                         

Đoàn kiểm tra liên ngành ông Nguyễn Hồng Hải-Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải làm trưởng đoàn. Tham gia cùng đoàn công tác còn có đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Cảng vụ đường thủy nội địa Tây Ninh, Công ty Cổ phần Phát triển nông nghiệp thuộc Tập đoàn Thành Thành Công v.v…

Đoàn công tác kiểm tra những địa điểm lục bình thường xuyên ùn ứ từ hạ nguồn đến thượng nguồn sông Vàm Cỏ Đông. Trên đoạn sông chảy qua địa phận ấp Đá Hàng (xã Hiệp Thạnh, huyện Gò Dầu), lục bình bám đầy hai bên bờ, chỉ còn trống khoảng 1/3 diện tích mặt sông. Mặc dù mặt sông bị hẹp lại, nhưng xuồng ghe vẫn có thể di chuyển được.

Chị Huỳnh Thị Thu Thủy, ngụ ấp Đá Hàng cho biết: “Từ Tết âm lịch đến nay, lục bình trên sông có khi ít, khi nhiều. Khi nước lớn, lục bình trôi ngược lên thượng nguồn thì nơi này thông thoáng dễ đi lại. Khi nước ròng, lục bình từ thượng nguồn đổ về nhiều, việc qua lại trên sông gặp khó khăn”.

Một số phương tiện xử lý lục bình ở khu vực cầu Bến Sỏi.

Ở khu vực cầu Bến Đình (nơi huyện Gò Dầu giáp ranh Bến Bầu) cũng tương tự như thế. Tại thời điểm đoàn đến kiểm tra, chỉ phân nửa mặt sông có lục bình dày đặc, nửa mặt sông còn lại khá trống trải. Quan sát thực tế cho thấy khi nước ròng, hầu hết lục bình trên mặt sông đều bị cuốn vào lòng chữ C và như bị “nhốt” trong đó, không thoát ra được.

Ông Cái Văn Hải, ngụ ấp B, xã Tiên Thuận, huyện Bến cầu, có nhà ở tại đầu cầu Bến Đình cho hay: “Tính đến thời điểm này, năm nay, lục bình ít hơn những năm trước, nhưng chưa biết sắp tới, khi vào mùa nước sông thấp xuống, người dân giở chà hai bên bờ sông để thu hoạch cá thì chưa biết ra sao?”.

Tại Cảng Bến Kéo (ấp Bến Kéo, xã Long Thành Nam, thị xã Hòa Thành), loại bèo Tây này phủ kín hết mặt sông và trải dài gần cả cây số. Theo nhận định ban đầu của một số thành viên trong Đoàn kiểm tra liên ngành, nguyên nhân gây ùn ứ nhiều lục bình nơi đây, là do khu vực này có 4 chiếc sà lan tải trọng nặng đang neo đậu để chờ nhận hàng hóa vận chuyển đi nơi khác. Những phương tiện giao thông đường thủy khổng lồ gây cản trở dòng chảy và góp phần ngăn cản lục bình khiến chúng không thoát ra được.

Những địa điểm nêu trên, chưa nơi nào lục bình tập trung nhiều bằng ở khu vực cầu Bến Sỏi (xã Thành Long, huyện Châu Thành). Khi Đoàn kiểm tra liên ngành đến kiểm tra, nơi đây còn có 3 chiếc sà lan của Công ty Cổ phần Phát triển nông nghiệp (thuộc Tập đoàn Thành Thành Công) đang xử lý lục bình trên sông, nên mật độ lục bình ở đây được “nới lỏng” hơn so với những ngày trước đó.

Ông Huỳnh Long Định, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển nông nghiệp chia sẻ, Công ty đã đầu tư 4 thiết bị xử lý lục bình để thực hiện việc xử lý lục bình theo hợp đồng đã ký. Hiện nay,  đang vào mùa cao điểm phát sinh lục bình, vì vậy nơi nào ùn ứ nhiều, Công ty điều phương tiện đến xử lý ngay.

Hiện tại, ở khu vực Bến Bực Lở (xã Phước Vinh, huyện Châu Thành) có nhiều lục bình, Công ty đã điều 1 phương tiện đến đó cắt luồng để người dân đi lại, sau đó xử lý triệt để. Tương tự như thế, khi nghe thông tin thời gian gần đây xung quanh cầu Bến Sỏi lục bình tập trung nhiều, gây ùn tắt giao thông, Công ty đã điều phối 3 phương tiện chuyên dụng đến đây làm nhiệm vụ. Với lượng lục bình nhiều như hiện tại, dự kiến các phương tiện hoạt động hết công suất, khoảng 5- 7 ngày sau sẽ giải quyết hết lục bình ở đây.

Tuy mới tập trung xử lý lục bình được vài ngày, nhưng đã khắc phục được tình trạng tê liệt giao thông đường thủy trên đoạn sông này. Trưa ngày 26.2, một số tàu thuyền đã di chuyển khác dễ dàng. “Sắp tới Sở Giao thông vận tải sẽ tổ chức đấu thầu xử lý lục bình trong thời gian 5 năm. Nếu Công ty trúng thầu, chúng tôi sẽ đầu tư thêm một số phương tiện để xử lý lục bình nhanh hơn”, ông Định bộc bạch.

Giao thông đường thủy trên đoạn sông khu vực cầu Bến Sỏi đã được phục hồi.

Ông Nguyễn Hồng Hải-Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải chia sẻ, Sở được UBND tỉnh giao trách nhiệm xử lý lục bình trên sông Vàm Cỏ Đông. Sở đã ký hợp đồng xử lý lục bình tạm thời với Công ty Cổ phần Phát triển nông nghiệp với thời hạn 6 tháng kể từ tháng 12.2020.

Qua một ngày kiểm tra tình hình lục bình trên sông, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận nhận xét, hiện tại, lục bình tập trung nhiều nhất ở khu vực cầu Bến Sỏi và ở Bến Bực Lở. Sở đã yêu cầu Công ty Cổ phần Phát triển nông nghiệp điều chuyển phương tiện đến những địa điểm này để xử lý gấp, sau đó sẽ tiếp tục giải quyết những điểm ùn ứ khác.

Với phương thức xử lý như hiện tại, sắp tới tình hình lục bình sẽ giảm bớt rất nhiều. Sở không yêu cầu xử lý hết lục bình 100%, chỉ cần xử lý thông thoáng để tuyền bè đi lại được. “Giải pháp sắp tới, Sở  sẽ đề nghị đơn vị trúng thầu sử dụng thiết bị tự hành vớt lục bình trên sông và vận chuyển lên bờ”, ông Hải nói.

Máy trục vớt lục bình của Công ty Cổ phần Phát triển nông nghiệp hoạt động hết công suất để đáp ứng nhu cầu đi lại trên sông.

Nhìn chung, với nỗ lực của ngành chức năng, bước đầu cho thấy lục bình trên sông Vàm Cỏ Đông đã được khắc phục tương đối hiệu quả so với cùng kỳ những năm trước. Nếu sắp tới, đơn vị trúng thầu, đầu tư thêm một số phương tiện để xử lý lục bình nhanh hơn thì vấn nạn lục bình xem như được giải quyết.

Tuy nhiên, việc trục vớt lục bình như hiện tại cũng chỉ là xử lý phần ngọn của vấn đề. Nguyên nhân vì sao, những năm gần đây, lục bình xuất hiện ngày càng nhiều trên sông rạch? Nếu “bắt mạch” đúng thì sẽ trị được tận gốc căn bệnh này mà không phải tốn nhiều kinh phí và bảo vệ tốt môi trường thiên nhiên.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật