3 năm tình nguyện vá đường

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
3 năm qua, Đội dặm vá đường huyện Chợ Mới (An Giang), nơi tập hợp những con người đủ mọi ngành nghề, như: y sĩ, lái xe, giáo viên, nông dân, thợ mộc... đã không quản nắng mưa, tình nguyện đi vá lại những con đường ở địa phương. Chỉ với mong muốn duy nhất là giúp người dân đi lại an toàn, không còn cảnh bị tai nạn giao thông vì những “ổ gà”, “ổ voi”.
3 năm tình nguyện vá đường
Đội vá đường huyện Chợ Mới lấp những “ổ gà”, “ổ voi” giúp bà con đi lại an toàn

Người đưa ra ý tưởng, đi đến thành lập Đội dặm vá đường huyện Chợ Mới là ông Tạ Ngọc Cường và ông cũng chính là đội trưởng. Ông Cường là y sĩ có gần 40 năm kinh nghiệm công tác ở Khoa ngoại thuộc bệnh viện Đa khoa huyện Chợ Mới. Ngày làm việc, ông Cường gắn liền với công việc khâu may vết thương, gây mê, khi ra ca trực, ông tập hợp mọi người cùng nhau đi vá đường.

Theo ông Cường, mỗi ngày đi làm, phải chạy xe ngoài đường, gặp “ổ gà” rất nguy hiểm, khi trời mưa không thấy mà tránh là “té như chơi”. Còn trong bệnh viện, mỗi ngày ông đều tiếp xúc nhiều cas bị tai nạn giao thông như: gãy chân, gãy tay, chấn thương sọ não do sụp “ổ gà”. Đây cũng là động lực để ông Cường đi đến quyết định thành lập đội dặm vá đường như hiện nay.

Khi mới bắt đầu công việc, các thành viên của đội chỉ là dân tay ngang, chưa có nhiều kinh nghiệm nên ông Cường mua nhựa đường được trộn sẵn bán trên thị trường để vá những tuyến đường ở huyện Chợ Mới. Sau thời gian ngồi tính toán lại, ông và các thành viên trong đội nhận thấy, vá đường bằng nhựa trộn sẵn chi phí cao mà chất lượng không tốt như mong đợi. Vậy là mọi người bàn bạc, tính toán phương án tối ưu nhất để lớp vá đường đạt chất lượng mà tiết kiệm được chi phí nhiều nhất. “Cũng đôi ba lần thất bại, cuối cùng mới tìm ra được cách nấu nhựa đường tại chỗ, vừa tiết kiệm mà chất lượng nhựa sau khi tráng xong rất tốt, anh em ai nấy đều mừng” - ông Cường cho hay.

Theo đó, nhựa được nấu trực tiếp trên xe tải, đi đến đâu dặm vá đến đó, cơ động và nhanh chóng. Mỗi ngày, đội sử dụng từ 1-2 phuy nhựa, mỗi phuy nặng 190kg, giá từ 2,2-2,5 triệu đồng/phuy. Chi phí này được các thành viên trong đội hùn lại với nhau và người dân tình nguyện đóng góp, giúp công việc được duy trì nhiều năm qua. Khi chuẩn bị có chuyến đi, ông Cường sẽ thông báo trên nhóm được tạo sẵn trên Zalo để nắm số lượng, thời gian, địa điểm để mọi người tập hợp cùng đi vá đường.

“Nắm được số lượng là tôi báo cho vợ ở nhà để sắp xếp phần ăn cho anh em có sức làm việc. Hôm nào có mấy chị phụ nữ, vợ của các thành viên trong đội đi theo thì có thêm vài món mới, làm mệt, ăn d‌ã chi‌ến nhưng đông vui nên ai cũng thấy ngon miệng” - ông Cường chia sẻ.

Những ngày khi mới bắt đầu công việc, đội dặm vá đường của ông Cường có khoảng 5-6 thành viên, đều là những bạn bè thân thiết có cùng mục đích làm việc có ích giúp đời. Dần dà, hoạt động được lan rộng, nhiều người có tấm lòng xin tham gia hoạt động cùng với đội. Hiện nay, số lượng thành viên của đội dặm vá đường sau gần 3 năm hoạt động đã gần 30 người, có cả nam và nữ, mọi người đều được phân công công việc cụ thể tùy vào sức khỏe và sở trường của mình.

Là thành viên của Đội dặm vá đường huyện Chợ Mới, ông Cao Văn Cường đã đồng hành cùng ông Tạ Ngọc Cường từ những ngày đầu thành lập. Ông Cao Văn Cường chia sẻ, từ nhiều năm nay, ông phụ trách lái xe chuyển bệnh của Hội Chữ thập đỏ, trên những chuyến đi, đoạn đường “ổ gà” nhiều, xe lớn nên không thể nào né được, người bệnh bị “xóc lên, xóc xuống” nhìn rất xót. Ngay lúc đó, ý muốn vá lại những “ổ gà”, “ổ voi” trên đường đã hình thành, nhưng chưa thực hiện được.

“Đến khi anh Tạ Ngọc Cường nói muốn thành lập đội dặm vá đường để đi vá những đoạn đường hư hỏng ở địa phương, tôi nhanh chóng đăng ký tham gia” - ông Cao Văn Cường giải thích. Ông Cao Văn Cường phụ trách lái xe tải, phía sau thùng xe chở dụng cụ, phuy nhựa nên hầu như chuyến đi nào cũng có mặt. Xe đến nơi, mỗi người mỗi việc, người nấu nhựa, người rải đá, đầm đá... nên công việc nhanh chóng hoàn thành.

“Bà con ở những nơi đội dặm vá đường đến đều rất vui mừng, thấy mọi người làm việc mệt là đem nước uống, đồ ăn lại tiếp sức. Công việc mình làm mà được mọi người ủng hộ, bà con đi lại thuận tiện, đỡ nguy hiểm nên anh em trong đội ai nấy đều vui mừng và hạnh phúc” - ông Cao Văn Cường chia sẻ.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật