Nga từng bước rời Bầu trời Mở trước thượng đỉnh Biden-Putin

Kute Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Chính quyền của ông Biden trì hoãn nối lại Hiệp ước Bầu trời Mở...
Nga từng bước rời Bầu trời Mở trước thượng đỉnh Biden-Putin
Máy bay trinh sát Tu-214ON, loại máy bay được đánh giá là có công nghệ tiên tiến nhất trong lĩnh vực trinh sát của Không quân Nga. Máy bay này đã bị Mỹ từ chối tiếp cận không phận Mỹ từ năm 2018,

Cổng thông tin điện tử của Chính phủ Nga đã chính thức công bố Nghị quyết của Nga về việc bãi bỏ Hiệp ước Bầu trời Mở. Nghị quyết nêu rõ: "Chính phủ thông qua đề xuất về việc bãi bỏ Hiệp ước Bầu trời Mở được ký kết tại Helsinki vào ngày 24/3/1992, và trình Tổng thống Nga để đệ trình lên Duma quốc gia Nga”.

Theo thủ tục pháp lý, Tổng thống Putin sau đó sẽ trình dự luật lên Quốc hội Nga để thảo luận và thông qua và cuối cùng ký thành luật, chính thức đưa Moscow ra khỏi hiệp ước trên.

Ngay từ đầu năm 2021, Nga đã thông báo về việc khởi động các thủ tục để rút khỏi Hiệp ước Bầu trời Mở, nguyên nhân là do Mỹ đã đơn phương từ bỏ Hiệp ước này vào tháng 11/2020 và không có động thái nào cho thấy sẽ quay lại Hiệp ước.

Đây có thể là động thái thúc giục từ phía Moscow trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin vào tháng 6 tới.

Hiệp ước Bầu trời Mở được ký vào ngày 24/3/1992 tại Helsinki, Phần Lan. Văn kiện này đã trở thành một trong những biện pháp xây dựng lòng tin ở châu Âu sau chiến tranh Lạnh khi cho phép 34 quốc gia tham gia công khai thu thập thông tin về lực lượng và hoạt động quân sự của nhau.

Ngày 22/5/2020, Mỹ đưa ra thủ tục rút khỏi Hiệp ước và chính thức rút vào ngày 22/11. Theo bản ghi nhớ ngày 31/3 gửi tới các “đối tác quốc tế” bị rò rỉ, chính quyền Tổng thống Biden thẳng thắn bày tỏ “lo ngại việc nhất trí tái tham gia một hiệp ước mà Nga tiếp tục vi phạm sẽ gửi thông điệp sai lầm đến Nga và làm suy yếu quan điểm của chúng tôi trong chương trình nghị sự kiểm soát vũ khí”.

“Mặc dù chúng tôi nhận ra các vi phạm Hiệp ước Bầu trời Mở của Nga không cùng mức độ với việc vi phạm nghiêm trọng trong Hiệp ước Các Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF), nhưng nó cũng phản ánh việc Nga coi thường các cam kết quốc tế về kiểm soát vũ khí. Hơn thế nữa, điều đó đặt ra nghi vấn về mức độ sẵn sàng của Nga tham gia hợp tác xây dựng lòng tin”, đài Sputnik trích dẫn bản ghi nhớ bị rò rỉ.

Bộ Ngoại giao Nga lưu ý rằng, sau việc này, "sự cân bằng lợi ích của các quốc gia tham gia đạt được khi ký kết Hiệp ước, đã bị phá vỡ”.

Ngày 15/1 năm nay, Moscow thông báo khởi động các thủ tục trong nước để rút khỏi Hiệp ước này.

Đảng Dân chủ từng gọi hành động của cựu Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi Hiệp ước Bầu trở Mở là “bất hợp pháp”, song cho đến nay chính quyền Tổng thống Joe Biden vẫn chưa có động thái nào để đảo ngược quyết định của người tiền nhiệm.

Trong nhiều năm qua, Washington liên tục cáo buộc Moscow duy trì cách tiếp cận có chọn lọc để thực hiện Hiệp ước Bầu trời Mở và vi phạm một số điều khoản của Hiệp ước này. Nga đã đưa ra các tuyên bố phản đối cáo buộc vi phạm Hiệp ước Bầu trời Mở.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật