Chu‌yện tìn‌h của Nguyệt

Kute Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Mười giờ đêm Nguyệt gọi điện cho tôi. Chưa kịp nói gì đã nghe chị thút thít khóc: “Phương ơi, Ca bỏ chị rồi! Bỏ chị thật rồi!”. Tôi định an ủi câu gì đó nhưng chị tắt máy. Gọi lại… Chỉ những tiếng tút tút kéo dài vô tận. Biết tính Nguyệt, dù coi tôi thân thiết như một đứa em gái song hiếm khi chị nhờ vả gì, làm phiền lại càng không. Nói vội với chồng vài câu rồi tôi lao nhanh ra ngoài.
Chu‌yện tìn‌h của Nguyệt
Tranh minh họa: Hoàng A Sáng

Không biết chuyện gì sẽ có thể xảy ra đây? Tôi chỉ lo chị làm điều gì đó dại dột. Bởi vì bao năm qua, Ca là thế giới, là lẽ sống, là cả cuộc đời của chị.

Ngoài năm mươi tuổi người ta dứt áo đường ai nấy đi không phải là chuyện hiếm. Nhưng với vợ chồng Nguyệt thì đó thực sự là một chuyện khó tin. Mối tình của họ gần hai mươi năm qua đã dệt nên một áng thơ lãng mạn, đẹp lung linh về tình yêu.

Trước khi đến với Ca, Nguyệt là người đàn bà đẹp và nổi tiếng trong giới nghiên cứu lịch sử. Trời cho chị thâ‌n hìn‌h thanh tân, căng nõn. Khuôn mặt thanh tú, ngũ quan hài hòa, đạt tỉ lệ vàng theo cách nói của ngành nhân trắc học. Nhan sắc chị vừa toát lên vẻ cao quý, quyền uy vừa thẳm buồn, huyền bí. Nhưng chị sống giản dị, khiêm nhường, luôn thân thiện, hết lòng giúp đỡ mọi người. Chị là biểu tượng sinh động đủ đầy công dung ngôn hạnh của giới nữ…

Mươi năm trước, thật trớ trêu, người đàn ông Nguyệt yêu từ thời sinh viên, rồi chọn làm chồng nỡ phụ chị. Trong lúc ở nhà chị phải xoay như đèn cù lo cho bố mẹ chồng, hai đứa con nhỏ thì anh ta rửng mỡ với một cô ả cùng lớp nghiên cứu sinh ở nước ngoài. Họ lại còn có con với nhau. Chị đã khóc đến bạc cả tóc, nhưng rồi chị dứt khoát. Nguyệt bảo chị có thể san sẻ nhiều thứ với người đời.

Nhưng chồng thì không, tuyệt đối không. Chị gạt nước mắt kí tờ đơn ly hôn khi anh ta khóc lóc, quỳ gối trước chị. Hành động đó càng làm chị thêm đau và coi thường.

Sau ly hôn, rất nhanh Nguyệt tự cân bằng trở lại. Lại nói, lại cười, lại rực rỡ như vầng trăng đương độ viên mãn. Hơn mười năm làm mẹ đơn thân. Không biết thời gian, sức lực đâu mà chị vẫn có thể làm đẹp, chăm sóc từng chi tiết nhỏ cho bản thân mỗi khi ra khỏi nhà, trong khi phải chăm lo chu toàn cho hai đứa con, tham gia các công trình nghiên cứu lớn nhỏ ở viện, thuyết trình, giảng dạy ở các trường đại học, viết sách, đan lát, thuê thùa, dưa cà mắm muối... Và ti tỉ thứ việc có tên và không tên. Mà tính chị thì luôn cầu toàn, làm cái gì cũng phải tươm tất, hoàn hảo. Một dạo rất nhiều địa phương, cơ quan mời Nguyệt nói chuyện cả về chuyên môn lẫn nghệ thuật sống. Nhan sắc và tài năng của chị càng được nhiều người biết đến. Vài ba chính khách cỡ bự ao ước được làm chỗ dựa cho chị. Giới văn nghệ sĩ dăm bảy ông say chị như điếu đổ. Nhiều anh tài trong giới lịch sử mê mụ trước chị. Sinh viên các trường khoa học xã hội thì coi chị là một hình mẫu hoàn hảo, là thần tượng…

Như con chim sợ cành cong, Nguyệt dè dặt, cẩn trọng trước những ngọt ngào, ân cần, ve vuốt hay mãnh liệt, cuồng si từ những người đàn ông vây quanh. Bao người đến rồi đi. Kẻ đớn đau. Người thất vọng. Nhưng tuyệt không ai oán trách, thù ghét chị. Đùng một cái, Nguyệt quyết định kết hôn với Ca, cậu sinh viên mới tốt nghiệp tổng hợp văn, kém chị hơn một giáp. Hai con chị sốc. Bố mẹ chị sốc. Đồng nghiệp sốc. Những “cây si” từng theo chị sốc. Người quen và người nghe tiếng chị sốc. Nói tóm lại là sốc toàn tập, sốc cả thế giới. Câu chuyện của chị và Ca thành đề tài bàn tán suốt một thời gian dài trong và ngoài giới nghiên cứu lịch sử.

…Tầng thứ 19. Căn hộ 196. Ánh sáng nhợt nhạt lọt qua lỗ thoáng. Định gõ cửa thì tôi nghe rõ tiếng thút thít bên trong. Cửa không chốt, chỉ khép hờ, tôi đẩy cửa bước vào. Trước mắt tôi không phải chị, bà viện phó thông minh, tài sắc hơn người, luôn tràn đầy năng lượng, mà là người đàn bà tiều tụy với mái tóc xổ tung, đôi vai đang rung lên từng chặp.

- Chị! - Gọi chị, tôi nghe giọng mình như lạc đi.

- Phương à em?... Lần này Ca bỏ chị thật rồi. Sáng nay, mọi chuyện đã kết thúc ở tòa. Trời ơi, sao ông trời lỡ phụ chị!... Nói rồi chị lại khóc như một cô bé bị đòn oan.

- Duyên còn thì giữ, duyên hết thì buông chị à!

Tôi an ủi Nguyệt bằng một câu từng nghe ở đâu đó. Nhưng vừa dứt lời tôi thấy mình vô duyên và chả hiểu gì về chị.

Với chị, mọi thứ đều có vẻ rất dễ dàng.Vất vả, khó khăn nào rồi mau qua đi. Mà với chuyện này khó lắm thay. Một người tài sắc vẹn toàn, biết bao nhiêu anh tài mơ ước được nâng niu chiều chuộng cuối cùng chị chọn Ca, chàng sinh viên ngoại tỉnh mới tốt nghiệp văn khoa với tấm bằng trung bình khá còn đang loay hoay chưa biết xin việc ở đâu, thì tình yêu ấy nó lớn đến mức nào. Tôi lại nhớ, có lần hỏi chị để mong được sự giải tỏa những băn khoăn, nghi hoặc trong mình, Nguyệt bẹo nhẹ vào má tôi, cười bảo: “Em chả hiểu gì về tình yêu, cô bé ạ. Trái tim chị đang đập nhịp tim nàng thiếu nữ nghìn năm trước. Chị đã đợi Ca một nghìn năm”. Ôi, chỉ có thể là chị, người đàn bà nồng nàn và cũng hết sức kì lạ trong suy nghĩ của tôi. Nhìn vào đôi mắt long lanh mà nghiêm nghị của Nguyệt tôi không thể tiếp tục hoài nghi về mối tình của chị.

Tôi gọi điện cho chồng rồi ở lại với Nguyệt. Kể chán, khóc chán chị thiếp đi trong mê man. Tôi ngồi ôm chị vào lòng, vẫn cảm nhận được những nhịp thổn thức trong cơn mơ đứt gãy của chị. Có lúc chị ú ớ gọi Ca. Tim tôi nhói đau, nỗi đau của giống đàn bà. Tài tình chi lắm, lụy tình chi lắm để chuốc lấy khổ đau. Trong ánh sáng vàng mờ của cây đèn ngủ, tôi thấy căn hộ này không có gì xáo trộn như lúc Ca vẫn còn ở đây. Mọi thứ vẫn sạch sẽ, gọn gàng, đúng vị trí. Có chăng bao trùm lên tất cả là bầu không khí rỗng rễnh, lạnh lẽo, lụi tàn...

Lùa vào mái tóc suôn mượt, óng ả của Nguyệt, tay tôi thấy đau khi tưởng tượng những ngón thuôn dài, trắng nõn như tay các chàng nhạc công piano của Ca từng ấp iu những sợi tóc lụa là này. Đã nhiều lần tôi thấy Ca làm như thế. Đấy là khi chị nằm trên giường bệnh, hai chân treo ngược lên để cố giữ lại giọt máu của Ca trong mình. Ca ngồi đầu giường, bóc từng múi cam đút cho chị. Rồi Ca đan những ngón thuôn dài vào tóc chị, ru chị bằng thơ Ca, bằng những giấc mơ đầy ắp tiếng trẻ trong một ngôi nhà nào đó miên mải gió, vi vút tóc phi lao ở miền biển quê Ca. Đó là nơi Ca từng muốn chối bỏ vì đói nghèo. Nhưng rồi anh không thể làm được. Ca là con út trong một gia đình có tám chị em. Bảy người chị đều quây quần quanh cái vùng biển ấy. Nhưng không ai làm được, không ai có thể gánh vác được thay Ca việc nối dòng. Vì đạo hiếu, vì dòng tộc, Ca thường xuyên phải quay về. Chị cũng đã nhiều lần cùng Ca về miền quê ấy. Chị luôn giữ trọn đạo dâu con. Nhiều đêm chị đã thao thức bởi đôi mắt mòn mỏi như biển xám của cha Ca, một ông già bảy mươi tuổi chỉ còn một mong ước duy nhất trong đời là trước lúc chết được nhìn thấy mặt thằng cháu đích tôn. Lại có những lần ngồi ngắm lũ trẻ chơi trong công viên, chị lặng đi, không ngăn được nước mắt. Câu nói da diết của mẹ chồng văng vẳng bên tai chị: “Con dâu có thương thằng Ca, thương mẹ không?”.

Bao năm qua, tiền bạc Nguyệt làm ra, mọi vốn liếng dành dụm chị chỉ tập trung vào hai việc: chữa chạy để sinh con và in thơ cho Ca. Dăm bảy lần chị hy vọng rồi lại thất vọng, tan nát cõi lòng. Có lần vì hỏng thai chị mắc chứng trầm cảm một thời gian dài. Nhưng chị vốn mạnh mẽ và còn có Ca bên cạnh, chị đã vượt qua. Ca làm thơ tặng chị nhiều hơn. Những vần thơ bỏng cháy, đắm say hơn cả lúc mới yêu. Có lẽ vì thế chị lại tươi vui, lại tràn trề hy vọng bắt đầu cuộc kiếm tìm đứa con máu thịt với Ca. Và những đứa con tinh thần của Ca, những bài thơ tình hương lửa, lại được chị bỏ tiền in, rồi rưng rưng đem tặng bạn bè.

Lần này vầng trăng tình yêu của Nguyệt vỡ nát thật rồi sao?

Tôi nhìn qua ô cửa sổ, trăng ngoài kia đã triệu triệu năm trên bầu trời. Tôi muốn một câu trả lời. Nhưng trăng câm nín trong gương mặt nhợt nhạt, úa tàn.

… Những ngày sau, thi thoảng tôi đến với Nguyệt, tặng chị một cuốn sách tôi mới săn được hay nấu một món chị thích. “Phương ơi, em tốt với chị quá! Giờ bên chị chỉ còn mình em thôi”. Chị rưng rưng, tôi cũng rưng rưng. Tôi biết chị thật lòng. Ca đã phụ chị. Hai đứa con chị đều có gia đình riêng, đứa Sài Gòn, đứa mãi tận trời Tây. Nguyệt năng đi chùa, chị tĩnh tâm trở lại. Chị không rực rỡ như trước, nhưng đã không còn tiều tụy, ngơ ngác.

Chồng tôi có nhiệm kì công tác ngoại giao ba năm ở một nước Đông Âu. Tôi và con trai lại khăn gói theo anh. Tiễn tôi tại một quán cà phê ven hồ, chị bảo: “Phật dạy chị cách buông bỏ. Chị đã đốn ngộ phần nào nên thấy lòng thanh thản, Phương à. Chị không có quyền níu giữ Ca. Cả thanh xuân Ca đã dành cho chị. Sẽ có lỗi với Ca và rất nhiều người, nếu chị cố níu giữ anh ấy cho riêng mình. Nhưng chị biết, kiếp sau Ca vẫn đợi chị và chị cũng vậy”. Tôi nắm bàn tay chị. Bàn tay lạnh lẽo, cô đơn như vầng nguyệt bạch im lìm giữa đỉnh trời trên đầu chúng tôi. Thấy tôi rơm rớm, chị lại cười: “Rồi sẽ mau quen với cuộc sống bên đó thôi. Đàn bà chúng ta có thể đi bất cứ đâu, chỉ cần có người đàn ông của đời mình bên cạnh. Và nơi đến luôn là cánh đồng hoa em ạ… Sống thật hạnh phúc cho cả phần chị nhé, em gái!”.

Tôi ôm Nguyệt, vùi những giọt nước mắt vào suối tóc lụa là của chị. Tôi nhớ và thương chị.

Kì nghỉ đông thứ hai của con trai gia đình tôi mới có dịp về nước. Người đầu tiên tôi tìm đến là Nguyệt. Chị gầy, xanh xao, đôi mắt an nhiên mà lạnh lẽo. Tôi chưa kịp lấy chiếc vòng tay ra tặng, chị đã kéo đi. Thấy tôi còn chần chừ, chị bảo: “Chị cũng đang chuẩn bị đi gặp Ca. Phương thăm anh ấy với chị nhé!”. Tôi bối rối không biết chị với Ca đang như thế nào? Trong một email hơn năm trước chị kể với tôi tình cờ chị phát hiện ra Ca đã có vợ và một cậu con trai gần hai tuổi. Thì ra trước khi chia tay chị anh ta đã đi lại với người đàn bà khác. Họ thuê nhà không xa chỗ chị ở. Nhưng chị tha thứ hết cho Ca. Vì chiều ấy, lúc anh nâng thằng bé lên nựng nó, chị nhận ra chưa khi nào Ca có nụ cười ấy bên chị. Đó là nụ cười của nam thần Hạnh Phúc. Anh thuộc về ngôi nhà, người đàn bà và thằng bé ấy…

… Ngôi chùa cổ nép mình dưới những tán bồ đề cổ thụ. Hương hoa mộc quyện lẫn mùi nhang thoảng nhẹ trong gió chiều. Chúng tôi vào thắp hương tam bảo. Nguyệt quỳ gối, chắp tay thành kính, miệng lầm rầm khấn vái. Xong rồi chị kéo tôi ra một gian bên cạnh giếng chùa. Trước hàng trăm di ảnh, tôi thảng thốt nhận ra Ca với gương mặt điển trai, ánh mắt xa xăm, mái tóc lãng tử bồng bềnh.

Chị đặt bó cúc và bao thuốc trước di ảnh người quá cố.

… “Ca đã chuẩn bị rất kĩ cho sự ra đi của mình em ạ. Phát hiện bị ung thư máu mà Ca cố giấu chị. Trong những trang nhật kí cuối cùng anh ấy để lại, Ca bảo để chị nhìn thấy anh ấy chết sẽ là một tội ác đối với chị. ly hôn, cả buổi chiều trong ngôi nhà lạ với thằng bé con chỉ là màn kịch hoàn hảo… Chị đã quá ngây thơ. Phần đời còn lại của mình chị sẽ sống nốt cho Ca. Chị biết ở nơi nào đó anh ấy vẫn đang đợi chị…”.

Hai hàng lệ tủi của người đàn bà đa truân tuôn rơi như ngọc.

Gió qua vườn xào xạc.

Tôi nhìn về những cây bồ đề phía đông, ở trên đó, trăng thượng tuần mong manh mà lung linh tựa những mối tình đẹp nhất cõi nhân gian.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật