Món quà bất ngờ của cặp vợ chồng 4 lần mất con

Summer Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Joy là em bé thứ 5 của vợ chồng Trang, nhưng là em bé đầu tiên họ được nghe được tiếng tim đập của con.
Món quà bất ngờ của cặp vợ chồng 4 lần mất con
Vợ chồng chị Trang - anh Quyết, cùng 32 tuổi, từng mất 4 con, trước khi có được em bé Joy. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Xem Video: Món quà bất ngờ của cặp vợ chồng 4 lần mất con
//

6h30’ sáng mỗi ngày, câu bé Joy thức giấc bằng cách ngồi nhổm dậy nhìn ngang dọc cho đến lúc bắt gặp ánh mắt và nụ cười của mẹ. Cu cậu rúc vào lòng bố mẹ chơi đùa một lúc mới xuống nhà với bà nội. Lúc này những người bạn đạp xe của ông nội cũng đang chờ Joy dậy để được nhìn ngắm, cười đùa với em một lúc. "Em như một bữa sáng ngon lành với mọi người vậy", chị Vũ Thị Huyền Trang, ở Thuận Thành chia sẻ.

Kết hôn năm 2015 và khoảng 1,5 năm sau chị Trang và anh Nguyễn Hữu Quyết đón tin vui. Song niềm vui ngắn chẳng tày gang khi nhận tin thai ngừng phát triển. Lúc đó họ chưa tìm hiểu về hiếm muộn nên khi có thai lần hai vẫn chỉ theo hướng dẫn thông thường của bác sĩ. Cái thai bị đình chỉ khi 8 tuần.

Hai lần mất con một cách lạ lùng khiến cặp vợ chồng đưa nhau đi khắp các bệnh viện Hà Nội để để tìm nguyên nhân, mà không tìm được lý do. Năm 2018, có bầu lần 3, Trang phải tiêm một mũi nội tiết mỗi ngày. Thuốc khan hiếm, cô lùng sục khắp các hội hiếm muộn, còn chồng hỏi khắp các hiệu thuốc ở Hà Nội để tìm mua, nhiều lúc bị hét giá gấp 5 lần bình thường.

Mọi cố gắng của họ chỉ nhận được kết quả là lần thứ ba không giữ được con.

Không tìm được nguyên nhân, họ quyết định làm thụ tinh ống nghiệm (IVF). Quá trình khám, kích trứng, chọc trứng mệt mỏi cả thể xác lẫn tinh thần. Ngày chuyển phôi, mọi chỉ số đều đẹp, các bác sĩ ai cũng khen. Đôi trẻ cũng hào hứng mong chờ ngày siêu âm, nhưng một lần nữa họ như rơi xuống vực thẳm vì lại không có tim thai.

"Tôi từng suýt chấp nhận số phận làm người đàn bà ’điếc’. Thậm chí từng nghĩ đến việc ly hôn để giải thoát cho chồng. Nhưng trong sâu thẳm, tôi chưa bao giờ ngừng khao khát có một em bé", Huyền Trang, công tác trong một công ty nước ngoài ở Bắc Ninh, chia sẻ.

Ám ảnh bốn lần phải bỏ thai ở tuần thứ 8 như một quả núi đè lên cặp vợ chồng trẻ. Sau lần thứ tư, anh Quyết bảo vợ: ’Thôi nhé, không cần con nữa. Anh chỉ cần vợ khỏe mạnh thôi".

Nguôi nỗi đau, Trang lại thủ thỉ với chồng sang năm 2020 sẽ trữ sẵn phôi tìm người mang thai hộ. Hai vợ chồng cùng nhất trí sẽ "cày cuốc" cật lực để kiếm tiền. Qua Tết dịch căng thẳng nên kế hoạch bị lùi. Đó là những ngày cô trăn trở vì dự trữ buồng trứng sau lần IVF đã xuống thấp, nghĩa là rất có thể không còn cơ hội làm mẹ. Cô giấu chồng đánh cược một lần nữa.

"Tôi nhận ra sự hiện diện của con sau gần ba tháng. Tâm trạng lúc đó vô cùng ngổn ngang", cô nhớ lại. Lúc được vợ thông báo, anh Quyết nín lặng không thể nói lên lời. Ôm vợ vào lòng, anh lo nhiều hơn mừng.

Ngày đi siêu âm tim thai, hai vợ chồng nửa muốn nửa không. Anh Quyết không dám lên phòng siêu âm. Một mình Trang bước vào, tim đập loạn đến nỗi nằm trên giường vẫn thở dốc, không thể siêu âm đầu dò. Vị bác sĩ quen vờ hốt hoảng: "Ô, phôi đâu mất rồi".

Nghe câu này, ngược lại Trang thấy yên tâm vì biết phôi thai không thể tự mất. Lòng cô nghĩ "bác sĩ đùa vậy có phải là tin vui không", nhưng lại không dám nói gì, kể cả lúc nhìn thấy một đốm nhỏ phập phồng. "Mãi đến khi bác sĩ đo tim thai, nhìn thấy dòng đồ thị lên xuống kèm tiếng đập thình thịch từ máy siêu âm, mình mới dám thở, dám khóc. Lúc ấy, giống như tâm hồn bị giam cầm dưới 49 tầng địa ngục bỗng được soi sáng bởi ánh mặt trời", cô hồi tưởng.

Bao nhiêu uất ức, dồn nén vỡ òa thành những tiếng nức nở, chân muốn nhấc khỏi giường mà không thể đứng lên, tay muốn nhắn tin báo cho người thân mà không thể bấm nổi. "Tôi khóc đến 15 phút không thể dừng", Trang kể.

Qua được cột mốc đầu tiên nhưng phía trước vẫn còn muôn trùng cửa ải. Có tim thai cũng là lúc Trang phải uống và đặt thuốc nội tiết, tiêm chống đông máu. Ngày nào cũng một mũi tiêm vào bụng, một mũi vào bắp tay, ba bữa thuốc uống, 2 bữa thuốc đặt, chưa tính thuốc bổ. Đó cũng là lúc cơn nghén ập đến. Cô không ăn uống được gì ngoài cháo trắng, mỳ chay, nên có vài ngày đã giảm 4 kg. Thuốc nhiều trong khi không ăn uống được, gây ra hàng loạt tác dụng phụ như huyết áp thấp, đau dạ dày, men gan cao, táo bón... Tất cả diễn ra cùng lúc làm cô vật vờ, thiếu sức sống.

Chị Trang trải qua một thai kỳ khó khăn, suốt 32 tuần tự tiêm vào tay, vào bụng để giữ thai. Người mẹ cuối cùng được ôm con trong lòng giữa tháng 11/2020. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Thai lớn hơn đồng nghĩa tiêm thuốc vào bụng cũng khó hơn. Lần nào thai phụ này cũng phải loay hoay lúc lâu không biết bấu véo chỗ nào để cắm kim, chỉ sợ đâm phải con. Trước lúc chọc kim, bao giờ cô cũng thủ thỉ: "Mẹ xin lỗi em nha".

Trần Thu Hường, một đồng nghiệp của Trang kể: "Nhìn nó bên ngoài hiền dịu vậy mà có con trở nên kiên cường lắm. Cứ buổi trưa là ra cổng công ty cho người ta lấy máu xét nghiệm. Nó phải ở lại ký túc, tự mình tiêm cho mình ngày hai lần".

Mỗi tuần một lần phải siêu âm. Có lần bác sĩ bảo nhiều ối, hay não thất phải có nguy cơ bị giãn, toàn là nguy cơ gây lưu thai, nên cặp vợ chồng chưa bao giờ thôi thấp thỏm. Vì mải để ý con ngủ thức lúc nào mà Trang không thể yên giấc. Hễ lâu không thấy con đạp, cô lại sợ hãi. "Tôi chỉ có thể ngủ khi con ’cho phép’ bằng cách đạp vào bụng mẹ để ra hiệu", cô kể.

Sang tuần thứ 36, hai vợ chồng sang Hà Nội thuê trọ cạnh bệnh viện, sẵn sàng mọi tình huống cho ngày sinh. Hai tuần sau xuất hiện những cơn đau đầu, chóng mặt, bác sĩ liền chỉ định mổ gấp. Nằm trên bàn mổ, người mẹ lo cho bản thân một, lo cho em bé mười.

Giây phút con chào đời oe oe tiếng khóc, nghe bác sĩ nói: "Em bé xinh xắn lắm" thì Trang cũng tuôn trào những giọt nước mắt hạnh phúc. Đến khi con đã nằm vào lòng, cô vẫn không dám tin là sự thật. "Cảm giác như ôm cả thế giới. Con lóng lánh và thơm lừng", người mẹ kể.

Đó cũng là ngày đáng nhớ với tất cả người thân và bạn bè của cặp vợ chồng. Thu Hường kể, cô và vài đồng nghiệp được thêm vào một nhóm "Chào đón em Joy ra đời" cùng với người thân của gia đình. "Từ lúc Trang nhập viện mổ sáng hôm đó, mình đi ra đi vào, không rời điện thoại. Đến 7h tối gia đình gửi cho bức ảnh mẹ tròn, con vuông thì rơi điện thoại, sụp xuống òa khóc. Các đồng nghiệp xung quanh ai cũng rơm rớm", Thu Hường kể.

Em bé Joy như ánh mặt trời với hai bên gia đình nội, ngoại. Trong ảnh là bé với bà ngoại (trái) và cố nội (phải). Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Nhìn lại chặng đường đã qua, Trang cho biết bên cạnh cô ngoài chồng, còn có một "đội quân hùng hậu yêu thương". Em gái luôn là người bạn thân nhất của chị, là người ngày hai lần phải qua thăm cháu, thức đêm bế cháu những lần phải đi viện. Hai người bạn thân nhất theo sát thai kỳ của cô như của họ. Cụ nội và bà nội lo cho hai mẹ con từng miếng ăn, giấc ngủ. Bố chồng luôn là người "xử lý" tất cả những ai tạo áp lực cho con dâu. Và cha mẹ Trang, luôn dang rộng vòng tay che chở khi con buồn, con vui.

"Đối với hai bên gia đình, 8 tháng qua có Joy là niềm vui lớn nhất. Chỉ cần nhìn thấy em, cả nhà đã cảm thấy cuộc đời đủ bừng sáng", cặp vợ chồng hạnh phúc nói.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật