Loạt cổ phiếu ít tên tuổi tăng như tên lửa, nhà đầu tư chứng khoán choáng váng

Kute Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Nhiều cổ phiếu ít tên tuổi trên thị trường gần đây bỗng tăng trưởng thần tốc khiến nhiều nhà đầu tư choáng váng.
Loạt cổ phiếu ít tên tuổi tăng như tên lửa, nhà đầu tư chứng khoán choáng váng
Nhiều cổ phiếu nhỏ tăng bốc đầu thời gian gần đây. (Ảnh minh họa).

Cổ phiếu nhỏ tăng bốc đầu

Một trong những mã chứng khoán thu hút sự chú ý của nhà đầu tư nhờ tăng giá thần tốc là VKC của Công ty cổ phần Cáp - Nhựa Vĩnh Khánh. Trước ngày giao dịch 23/9, cổ phiếu VKC có 14 phiên liên tục tăng điểm, trong đó 13 phiên vượt trần.

Cụ thể từ 31/8 - 22/9, mã VKC tăng 273% lên 28.000 đồng/cổ phiếu, tương đương mỗi cổ phiếu thêm 20.50 đồng. Thị giá tăng mạnh song thanh khoản cổ phiếu này trồi sụt thất thường, ngày cao nhất đạt hơn 1,8 triệu đơn vị, song ngày thấp nhất chỉ 50.610 đơn vị. Thêm nữa, sau chuỗi ngày tăng trưởng bất ngờ, phiên hôm qua, mã này quay đầu giảm 10%, hiện giao dịch mức 25.200 đồng.

Đáng chú ý, trước diễn biến tăng giá của cổ phiếu, hàng loạt lãnh đạo muốn thoái một phần vốn tại VKC. Cụ thể, Chủ tịch Hội đồng quản trị Lâm Quy Chương muốn bán 2,9 triệu cổ phiếu từ 15/9 đến 14/10. Tổng Giám đốc Võ Thiên Chương cũng đăng ký bán 1 triệu cổ phiếu VKC từ 17/9 đến 15/10 thông qua phương thức thỏa thuận và khớp lệnh. Hai Phó Tổng giám đốc là ông Lương Minh Tuấn và Đỗ Ngọc Nam lần lượt bán ra 500.000 và 200.000 đơn vị tại ngày 10/9 và 16/9.

Mã TGG của Công ty cổ phần Louis Capital gần đây cũng bước vào cuộc đua tăng giá phi mã. Theo tính toán, từ 30/8 -21/9, cổ phiếu TGG tăng trần 173% từ mức 27.000 đồng/cổ phiếu lên 73.800 đồng/cổ phiếu, tức tăng 46.800 đồng mỗi cổ phiếu. Tương tự như mã VCK, trong phiên giao dịch 23/9, cổ phiếu TGG bất ngờ tụt dốc 6,95%, và chốt phiên mức 69.600 đồng/cổ phiếu.

Louis Capital là đơn vị chuyên thi công xây lắp các công trình dân dụng, khu du lịch nghỉ dưỡng, cơ sở hạ tầng. Hiện, doanh nghiệp mở rộng thêm ra các lĩnh vực vật liệu xây dựng, thực hiện các dự án chăn nuôi gia súc, đầu tư bảo tồn phát triển rừng.

TGG hiện có vốn điều lệ gần 273 tỷ đồng, cổ đông lớn là Louis Holdings nắm 6,44% vốn. Năm 2020, công ty lỗ 44 tỷ đồng và quý I/2021 lỗ thêm 344 triệu đồng, trong khi doanh thu ghi nhận 34 triệu đồng.

Thêm cổ phiếu tăng trưởng quá nhanh gần đây là SMT của Công ty cổ phần SAMETEL. Theo thống kê, mã SMT vừa có 17 ngày giao dịch liên tục phá trần, với mức tăng gần 300%. Thanh khoản bình quân mỗi phiên gần đây vào khoảng 80.000 cổ phiếu, trong khi các phiên trước đó ghi nhận khối lượng khoảng 1.000 đơn vị, thậm chí không phát sinh giao dịch.

Quan sát thị trường có thể thấy, chuỗi tăng giá mạnh của cổ phiếu SMT diễn ra sau khi Louis Capital thông báo muốn đầu tư tối đa 56 tỷ đồng để mua 51% cổ phần Sametel để nắm quyền chi phối.

Báo cáo tài chính cho thấy, 6 tháng đầu năm, doanh thu SMT giảm 13% về còn 88 tỷ đồng, lỗ 4,2 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ năm trước. Tính đến 30/6, lỗ lũy kế gần 1 tỷ đồng, công ty còn gần 7 tỷ quỹ đầu tư phát triển và 4 tỷ thặng dư vốn cổ phần. Quy mô tài sản hiện ở mức 172 tỷ đồng, giảm 11% so với đầu năm. Tài sản ngắn hạn chiếm 66%, chủ yếu là hàng tồn kho 66 tỷ đồng và các khoản phải thu khách hàng 33 tỷ đồng.

Mã POB của Xăng dầu Dầu khí Thái Bình cũng gây bất ngờ cho giới đầu tư với chuỗi tăng sốc gần đây. Chốt phiên 23/9, mã POB tăng trần 14,6% lên 26.600 đồng. Trước đó, mã này có đợt phá trần liên tiếp vào cuối tháng 8 đầu tháng 9. Thậm chí trong hơn 1 tuần giao dịch đầu tháng 9, mã này tăng 185,7%, tương ứng mỗi cổ phiếu thêm 32.500 đồng.

Nhưng dù giá cổ phiếu tăng mạnh thì điều bất ngờ là thanh khoản POB không cao, trung bình chỉ hơn 4.000 cổ phiếu/phiên, trong đó có phiên thấp nhất chỉ 100 cổ phiếu được giao dịch.

Theo báo cáo, POB hiện có tổng tài sản hơn 162 tỷ đồng, nợ phải trả hơn 51 tỷ đồng. Nửa đầu năm nay, doanh nghiệp đạt doanh thu 394 tỷ đồng, lãi sau thuế 1,5 tỷ đồng.

thanh tra các trường hợp nghi thao túng, làm giá cổ phiếu

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) cho biết đang kiểm tra để làm rõ các dấu hiệu bất thường, đặc biệt là trường hợp thao túng, làm giá cổ phiếu. Động thái này diễn ra sau khi xuất hiện hiện tượng một số cổ phiếu có dấu hiệu tăng giá bất thường trên thị trường chứng khoán gần đây.

Theo lãnh đạo SSC, căn cứ kết quả giám sát thường xuyên và thông tin phản ánh từ thị trường, các đơn vị giám sát, thanh tra của ủy ban đang phối hợp với cơ quan chức năng để tìm hiểu, nắm bắt và thu thập thông tin về các hiện tượng có dấu hiệu đáng nghi trong giao dịch chứng khoán gần đây.

Thời gian qua, dịch bệnh COVID-19 bùng phát khiến nhiều địa phương phải giãn cách xã hội kéo dài và ảnh hưởng tới việc triển khai các kế hoạch thanh, kiểm tra, giám sát cũng như sự phối hợp với cơ quan chức năng liên quan. Tuy nhiên, công tác giám sát, xử lý vi phạm vẫn được tiến hành thường xuyên, liên tục, hoạt động thanh kiểm tra được điều chỉnh linh hoạt hơn phù hợp với điều kiện thực tế.

“Khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn, các tỉnh, thành nới lỏng giãn cách, cơ quan quản lý sẽ đẩy mạnh việc triển khai thanh, kiểm tra trực tiếp. Qua đó, nếu phát hiện vi phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định Pháp Luật, thậm chí chuyển cơ quan điều tra xử lý nếu có dấu hiệu Hình Sự”, đại diện SSC cho hay.

Theo nhiều nhà đầu tư chuyên nghiệp, một số dấu hiệu có thể xem là giao dịch bất thường, nghi vấn có bàn tay của “đội lái”. Chẳng hạn như mã cổ phiếu liên tục sụt giảm do hoạt động doanh nghiệp thua lỗ nhưng bỗng dưng có hàng loạt phiên tăng trần, khiến giá đạt đỉnh. Nếu không tỉnh táo "ôm" vào, nhà đầu tư dễ xả hàng không kịp nếu cổ phiếu này đảo chiều. Theo giới phân tích, những chuỗi tăng trần và giảm sàn với những cú kéo và xả hết biên độ cho phép là điều không bình thường, nhà đầu tư cần thận trọng.

Theo ông Nguyễn Hoàng Hải, Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam, trên sàn chứng khoán thời gian qua có hiện tượng làm giá, thổi giá để giá trị cổ phiếu cao gấp hàng trăm lần giá trị thực.

Những thủ đoạn thường được “đội lái” sử dụng như tạo lập hàng ngàn tài khoản để tạo cung cầu giả tạo, làm giả tài khoản nước ngoài, làm giả báo cáo tài chính, tạo doanh thu lợi nhuận giả, vốn điều lệ cao gấp hàng chục hàng trăm lần số vốn thực có… để thực hiện hành vi bán giấy lấy tiền thực. Thậm chí có cá nhân mua công ty chứng khoán nhỏ để làm công cụ làm giá, hay thành lập nhiều công ty ma để thực hiện các hành vi giao dịch giả tạo để đẩy giá cổ phiếu.

“Những cổ phiếu kém chất lượng có đủ chiêu trò làm giá, thổi giá, thổi vốn…Hàng vạn nhà đầu tư nhỏ lẻ không am hiểu chứng khoán bị dụ lao vào giao dịch để từ đó những chủ doanh nghiệp này có cơ hội bán giấy thu lợi hàng nghìn tỷ đồng”, ông Hải cho hay.

Từ đó ông Hải cho rằng cần thiết phải có đợt thanh tra toàn diện để tình trạng thao túng, trục lợi cổ phiếu giảm dần, bảo đảm thực thi Pháp Luật chứng khoán nghiêm minh và củng cố niềm tin cho các nhà đầu tư và cộng đồng các công ty niêm yết.

"Có như vậy thị trường chứng khoán Việt Nam mới thực sự nâng hạng", đại diện VAFI khẳng định. 

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật