Khám phá nghề làm nồi đất “độc nhất vô nhị” ở Nghệ An

Lumia Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Qua bàn tay tài hoa của người dân Trù Sơn, những sản phẩm nồi đất, sanh đất, siêu sắc thuốc... được hình thành.
Khám phá nghề làm nồi đất “độc nhất vô nhị” ở Nghệ An
Xã Trù Sơn (huyện Đô Lương) là địa phương duy nhất có nghề làm nồi đất ở tỉnh Nghệ An.

Ngoài việc duy trì nghề truyền thống, giải quyết lao động nông nhàn, nâng cao thu nhập, sự hồi sinh của làng nghề thủ công truyền thống này đang trở thành một điểm hút khách du lịch trong và ngoài nước...

Trải qua nhiều biến thiên lịch sử, cùng với sự phát triển đa dạng về mẫu mã, chủng loại, nguyên liệu sản xuất đồ gia dụng, làng nghề nồi đất Trù Sơn cũng phải vật lộn để tìm cách duy trì, tái phát triển...

Hiện chỉ còn chưa đến 100 hộ dân thuộc các xóm 10, 11, 12, 13 còn duy trì nghề làm nồi đất. 

Nguyên liệu để sản xuất ra những chiếc nồi đất là loại đất sét trắng.

Phần lớn là sản xuất thời vụ bởi những sản phẩm làm từ đất có giá trị không cao, bởi vậy, người dân chủ yếu vẫn sản xuất nông nghiệp để kiếm sống và cố gắng duy trì nghề ông cha để lại.

Loại đất sét này thường phải đào sâu dưới lòng đất khoảng 1m mới có thể khai thác. 

Đất sét để làm nồi đất phải là loại sét "trong", mịn, không tạp chất. Để có thể tạo ra những sản phẩm mang đặc trưng của gốm Trù Sơn, đất sét phải trả qua một quá trình nhào nặn rất công phu.

Từ những nắm đất sét dẻo mịn, các "nghệ nhân" làng nồi đất bắt tay vào quá trình tạo hình, chế tác những sản phẩm theo nhu cầu của thị trường.

Quá trình tạo hình ra các sản phẩm từ đất sét cần những bàn tay khéo léo. 

Một điều đặc biệt là nghề làm nồi đất Trù Sơn có sự phân công công việc theo giới. Nếu như đàn ông có trách nhiệm lấy và nhào đất sét, thồ nồi đất đi bán thì việc chế tạo ra những chiếc nồi đất, sanh, siêu đun thuốc... lại là công việc của người phụ nữ.

Chỉ với đôi bàn tay khéo léo và chiếc bàn xoay bằng đá, dưới bàn tay tài hoa của người dân Trù Sơn đã tạo ra hàng nghìn sản phẩm giống nhau như được sản xuất bằng dây chuyền công nghiệp tự động.

Điều đặc biệt là tất cả các công đoạn để sản xuất ra các sản phẩm đều được làm thủ công. 

Với việc dùng chân để xoay bàn đá trong quá trình tạo hình, hoàn thiện các sản phẩm, bàn chân của những người phụ nữ gắn bó với nghề tổ tiên truyền lại mang dấu ấn riêng biệt, những ngón chân bám vào bàn xoay tõe ra.

Sau phần tạo hình, những người thợ bắt tay vào công đoạn "chuốt" sản phẩm. Những chiếc sanh, nồi, ấm đun thuốc, chậu cây cảnh trước khi mang vào nung phải được phơi thật khô. Điều đặc biệt là sản phẩm gốm Trù Sơn không được tráng men nên có màu đất rất đặc trưng, dân dã, mộc mạc như chính con người nơi đây.

Lò nung gốm Trù Sơn hết sức đơn giản, được đắp ngoài trời và không có mái che. 

Những sản phẩm làm từ đất sét sau khi phơi khô được xếp chồng lên nhau, phủ bằng rơm rạ, lá thông khô và đun. Vì không có mái che nên công đoạn nung gốm phải diễn ra vào ngày nắng.

Mỗi mẻ gốm phải đun liên tục từ 4-5 tiếng đồng hồ. Việc duy trì ngọn lửa, điều chỉnh nhiệt độ của lò đun ảnh hưởng đến chất lượng, độ cứng, bền và màu sắc của từng sản phẩm.

Tù 5 năm trở lại đây, nồi đất Trù Sơn được khách hàng ưa chuộng trở lại do khả năng giữ nguyên vị thức ăn khi chế biến. 

Những chiếc sanh đất, nồi đất Trù Sơn xuất hiện nhiều hơn trên các bàn tiệc, các khách sạn, nhà hàng lớn, gắn với các món ăn dân dã. Người dân Trù Sơn cũng "tức thời" hơn khi biết nắm bắt nhu cầu thị trường. Thay vì sản xuất nồi, sanh đất truyền thống, ngày nay, mặt hàng gốm Trù Sơn đã được mở rộng đa dạng hơn với lợn đất, bình, chậu cây cảnh, chậu trồng phong lan...

Nồi đất Trù Sơn đã theo chân các thương lái đi khắp nơi nhưng thảng hoặc, hình ảnh những chiếc xe đạp thồ chở theo 2 sọt nồi đất vẫn xuất hiện trên các đường làng, con phố như điểm chấm phá giữa cuộc sống ồn ã, sôi động.

Không chỉ hồi sinh mà làng nghề nồi đất Trù Sơn hiện đang trở thành một điểm thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến thăm thú, trải nghiệm công việc có thể nói là "độc nhất vô nhị" này.

Khách du lịch ngoại quốc tỏ ra lạ lẫm, thích thú khi được chứng kiến quá trình tạo ra một sản phẩm từ đất sét hoàn toàn thủ công ở Trù Sơn.

Phát triển du lịch trải nghiệm cũng là một trong những hướng đi mà những người có trách nhiệm và tâm huyết với việc khôi phục, phát triển nghề nồi đất Trù Sơn đang triển khai.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật