Tổng thư ký NATO nói về ‘trọng tâm Trung Quốc’ trong suy tính tương lai khối này

Kute Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Ông Stoltenberg nói Trung Quốc hiện đã tác động đến an ninh châu Âu thông qua khả năng mạng, công nghệ mới và tên lửa tầm xa.
Tổng thư ký NATO nói về ‘trọng tâm Trung Quốc’ trong suy tính tương lai khối này
Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), ông Jens Stoltenberg. Ảnh: REUTERS

Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), ông Jens Stoltenberg cho biết việc chống lại mối đe dọa an ninh từ sự trỗi dậy của Trung Quốc sẽ là một phần quan trọng trong tính toán tương lai của NATO.

Phát biểu này đánh dấu sự “suy nghĩ lại” đáng chú ý về các mục tiêu của liên minh phương Tây vốn phản ánh sự xoay trục địa chiến lược của Mỹ sang châu Á.

Trong cuộc phỏng vấn với tờ Financial Times ngày 18-10, ông Stoltenberg nói rằng Trung Quốc hiện đã tác động đến an ninh châu Âu thông qua khả năng mạng, công nghệ mới và tên lửa tầm xa của nước này.

Làm thế nào để bảo vệ các đồng minh NATO khỏi những mối đe dọa đó sẽ được đề cập “thấu đáo” trong học thuyết mới của liên minh trong thập niên tới, ông nói.

NATO đã dành nhiều thập niên tập trung vào việc đối phó Nga và, kể từ năm 2001, là chủ nghĩa khủ‌ng b‌ố. Việc đặt trọng tâm mới vào Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh Mỹ chuyển định hướng địa chính trị từ châu Âu sang một cuộc tranh giành ảnh hưởng với Bắc Kinh.

“NATO là một liên minh của Bắc Mỹ và châu Âu. Nhưng khu vực này phải đối mặt với những thách thức toàn cầu như khủ‌ng b‌ố, không gian mạng và cả sự trỗi dậy của Trung Quốc. Vì vậy, khi nói đến việc tăng cường khả năng phòng thủ tập thể của chúng ta, điều đó cũng liên quan đến cách xử lý sự trỗi dậy của Trung Quốc” – ông nói.

“Điều chúng ta có thể dự đoán là sự trỗi dậy của Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến an ninh của chúng ta. Ảnh hưởng đó đã có rồi” – ông nhấn mạnh.

NATO sẽ thông qua Khái niệm chiến lược mới của mình tại hội nghị thượng đỉnh của liên minh này vào mùa hè tới, vốn sẽ vạch ra mục đích của liên minh trong 10 năm tiếp theo. Khái niệm hiện tại, vốn được thông qua vào năm 2010, không đề cập Trung Quốc.

NATO đang tìm kiếm một hướng đi mới sau khi kết thúc 20 năm triển khai binh sĩ đến Afghanistan, trong khi các cuộc thảo luận về tương lai sự hiện diện quân sự của Mỹ ở châu Âu vẫn đang tiếp diễn.

Ông Stoltenberg, người sẽ rời chức Tổng thư ký NATO vào năm tới sau gần tám năm tại vị, cho biết các đồng minh của NATO sẽ tìm cách “giảm bớt” các hoạt động bên ngoài biên giới của họ và “tăng cường” việc khôi phục khả năng phòng thủ nội khối để đối phó tốt hơn các mối đe dọa bên ngoài.

“Trung Quốc đang đến gần chúng ta hơn… Chúng ta nhìn thấy họ ở Bắc Cực. Chúng ta nhìn thấy họ trong không gian mạng. Chúng ta thấy họ đầu tư rất nhiều vào cơ sở hạ tầng quan trọng ở các quốc gia của chúng ta” – người đứng đầu NATO nói.

“Và tất nhiên họ ngày càng có nhiều vũ khí tầm cao có thể vươn tới tất cả các nước đồng minh NATO. Họ đang xây dựng rất nhiều hầm chứa tên lửa liên lục địa tầm xa” – ông cho biết thêm.

Trung Quốc đã thử nghiệm một tên lửa siêu thanh có khả năng mang đầu đạn hạt nhân hồi tháng 8, theo Financial Times. Động thái trên được cho là đã thể hiện năng lực vũ khí tầm xa tiên tiến của Bắc Kinh khiến tình báo Mỹ phải bất ngờ và cho thấy rõ thêm tiến bộ quân sự nhanh chóng mà Trung Quốc đã đạt được liên quan vũ khí thế hệ tiếp theo.

Nhưng bất kỳ đề xuất nào về việc chuyển hướng từ việc ngăn chặn sự xâ‌m lấ‌n của Nga sẽ vấp phải sự phản đối từ các quốc gia thành viên Đông Âu vốn coi Moscow là một mối đe dọa hiện hữu và NATO là thế lực bảo đảm an ninh duy nhất cho họ.

Ông Stoltenberg nói Nga và Trung Quốc không nên được xem là những mối đe dọa riêng rẽ. “Thứ nhất, Trung Quốc và Nga làm việc chặt chẽ với nhau. Thứ hai, khi chúng ta đầu tư nhiều hơn vào công nghệ, tất cả đều liên quan đến cả hai nước đó” – Tổng thư ký NATO nói.

Theo ông, Trung Quốc và Nga hợp thành “một môi trường an ninh lớn” mà NATO phải cùng nhau đối phó.

Tổng thư ký NATO nói rằng việc vội vàng rút quân khỏi Afghanistan hồi tháng 8 của khối này là một “sự lựa chọn rõ ràng” sau khi Mỹ quyết định rời khỏi quốc gia này. Ông nói rằng dù các quân đội châu Âu có thể trụ lại ở Afghanistan mà không cần sự hỗ trợ của Mỹ, các nhà lãnh đạo chính trị không thể biện minh cho việc tiếp tục hiện diện tại đó.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật