Vì sao cảnh sát trùm mũ đen vào đầu người bị bắt?

Summer Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Khi chưa xét xử, cảnh sát sẽ đội mũ che kín mặt nghi phạm nhằm tránh bị công chúng nhận dạng, đặc biệt khi kẻ đó bị buộc tội nghiêm trọng.
Vì sao cảnh sát trùm mũ đen vào đầu người bị bắt?
Một nghi phạm bị trùm đầu bằng mũ đen ở Hong Kong. Ảnh: SCMP

Ở Hong Kong (Trung Quốc), ai bị bắt cũng được bịt mặt bằng mũ trùm đầu hoặc túi màu đen để bảo vệ danh tính. Về cơ bản, khuôn mặt của nghi phạm sẽ được che giấu cho đến khi tội ác được chứng minh.

Nhiều nơi trên thế giới, kết quả nhận dạng là nguồn chứng cứ pháp lý góp phần chứng minh sự thật của vụ án. Nhân chứng sẽ được yêu cầu xác định thủ phạm trong một nhóm người. Nếu danh tính bị tiết lộ và ảnh bị công khai trên truyền thông trước khi nhân chứng nhận dạng, kết quả có thể bị ảnh hưởng.

Tại phiên tòa, luật sư bào chữa sẽ có lợi thế lớn để bác lời khai nhân chứng, nếu khuôn mặt nghi phạm được công khai. Vì vậy, việc che mặt nghi phạm được cho là cách bảo vệ tính chuẩn xác của bằng chứng.

Nguyên nhân khác của việc che mặt là giữ bí mật điều tra, tránh đồng phạm nhận diện ra kẻ bị bắt.

Những chiếc mũ trùm màu đen kín mít xuất hiện từ nửa đầu của thế kỷ 20, được dùng rộng rãi sau Thế Chiến II trong nhà tù để tr‌a tấ‌n, hành hình tội phạm. Mũ đen được sử dụng ở Nam Phi và Algeria trong những năm 1950; ở Brazil và Tây Ban Nha những năm 1960; ở Bắc Ireland, Chile, Israel và Argentina trong những năm 1970, sau đó phổ biến ở nhiều quốc gia và vũng lãnh thổ.

Một số nơi dùng mũ lộ mắt và miệng, nơi khác lại trùm kín đầu. Loại mũ để lộ mắt và miệng thường sử dụng khi yêu cầu nghi phạm xác nhận và dựng lại hiện trường. Loại trùm kín đầu không lỗ hổng tạo nên hiệu ứng tâm lý sợ hãi, mất phương hướng trong bóng tối, khiến khả năng phản kháng yếu đi. Như vậy cảnh sát sẽ dễ kiểm soát nghi phạm hơn, đồng thời ngăn chúng tiếp xúc với bên ngoài hay ra ám hiệu.

Việc trùm đầu bằng mũ đen kín mít từng gây tranh cãi về tính nhân đạo. Theo Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế, mũ trùm đầu tạo sự cô lập giác quan, cản trở hô hấp. Điều này có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe và tâm lý của nghi phạm. Vì vậy, Anh, Ireland, Mỹ không dùng mũ đen trùm đầu nghi phạm.

Trung Quốc, Ấn Độ, Nepal vẫn sử dụng mũ trùm đầu nhưng có khoảng hở là lộ mắt.

Cảnh sát ở Kent (Anh) diễn tập sử dụng mũ chống khạc nhổ khi bắt nghi phạm. Ảnh: Kentonline

Không dùng mũ đen nhưng cảnh sát một số nơi lại sử dụng mũ làm bằng nhựa trong hoặc vải lưới có dây thun để cố định quanh cổ. Mũ sẽ ngăn nghi phạm khạc nhổ hay cắn người thi hành công vụ gây thương tích hoặc lây lan dịch bệnh. Loại này chỉ dùng trong trường hợp người bị bắt có hành vi hung hăng, cố tình khạc nhổ.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật