Vụ án thư sinh thanh bạch

Kute Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Ông Dương cười ha ha nói: “Ôn Văn, anh là người thư sinh thanh bạch nhất mà tôi đã gặp. Không cần nói đến cái hòm bạc mà có đến 18 cái hòm bạc như vậy cũng không mua được tấm lòng vàng của anh”. Nói xong ông bước đến trước mặt người con của mình nghiêm mặt nói: “Mi là thằng súc sinh, sao không cúi đầu nhận tội đi!”.
Vụ án thư sinh thanh bạch
Minh họa: Lê Trí Dũng

Dưới thời nhà Thanh, vào năm Càn Long thứ ba, sĩ tử Ôn Văn người Đằng Châu lên Kinh Đô để tham gia kỳ thi. Giữa mùa hè oi bức khi anh đang cõng hành trang đi vào đất Tế Nam thì khát nước khô cổ họng nên vào một cái quán trọ ven đường để uống nước. Ôn Văn đang uống trà thì thấy một ông lão dắt xe ngựa mồ hôi nhễ nhại cũng đi vào quán trọ.

Có lẽ ông lão quá mệt cộng với trời quá nóng nên khi vừa đến cửa quán trọ là ông lão lảo đảo ngã xuống. Vốn là người nhiệt tình, tốt bụng, Ôn Văn vội chạy đến đỡ ông lão dậy dìu vào trong quán rồi gọi chủ quán mang cho một chậu nước lạnh để cho ông lão rửa mặt, sau đó bưng tách trà đưa cho ông lão uống. Ông lão dần dần hồi phục và tỏ lòng cảm ơn Ôn Văn.

Ôn Văn cười nói: “Đi ra bên ngoài làm sao tránh được điều bất ngờ xảy ra bác không nên khách khí”.

Ông lão rất cảm động lập tức lấy bạc ra đặt một bữa tiệc thịnh soạn rồi hai bác cháu vừa ăn vừa trò chuyện. Giữa chừng, ông lão tự giới thiệu mình tên là Dương Phúc, chủ cửa hàng Thiên Tường ở Dương Châu đi lên Kinh Thành lấy hàng. Đằng Châu và Dương Châu cách nhau không xa nên Ôn Văn cũng biết tiếng cửa hàng Thiên Tường là một cửa hàng lớn. Ông chủ Dương là một người có tiền sao lại một mình đi đường xa để lấy hàng. Ôn Văn hỏi ông Dương: “Thiên Tường có người giúp việc sao ông chủ không đưa người đi theo để giúp trên đường đi?”. 

Ông Dương hai mắt đỏ hoe, thở dài nói: “Nhà tôi thật bật hạnh!”, nói xong uống hết ly rượu này đến ly rượu khác. Ôn Văn nghĩ ông chủ Dương có điều gì đó khó nói nhưng vì hai người mới gặp nhau nên không tiện hỏi.   

Ôn Văn lo rằng trên đường đi sẽ còn xảy ra những chuyện bất ngờ với ông chủ Dương và mình cũng đang lên Kinh Thành nên đề nghị cùng đi với ông Dương để giúp đỡ ông trên đường. Ông Dương vui vẻ gật đầu. Ngày hôm sau, hai người cùng khởi hành đi Kinh Thành.

Khi trời nhá nhem tối thì đến thị trấn Du Khẩu, hai người vào trong trấn tìm quán trọ để sáng hôm sau sẽ đi tiếp. Hai người ăn cơm tối, tắm rửa và chuẩn bị đi ngủ thì đột nhiên có bóng người thấp thoáng bên ngoài cửa sổ. Ông Dương mặt biến sắc nói: “Đúng là hắn đã đến rồi! Cháu ơi, cháu hãy để ý đến cái hòm ở trên giường cho bác, đây là toàn bộ số bạc của bác mang đi Kinh Thành để mua hàng”. Nói xong ông Dương vội vàng đi ra bên ngoài nhà trọ.

Người bên ngoài cửa sổ là ai và vì sao ông Dương lại căng thẳng như vậy? Trong lòng Ôn Văn đầy những câu hỏi, anh nhìn cái hòm gỗ nếu đúng như ông Dương nói là trong hòm đựng đầy bạc thì ít nhất cũng đến mấy ngàn lạng. Tục ngữ có câu “Trước mặt người lạ không nên lộ của cải” nhưng tại sao ông Dương lại phó thác cho mình nhiều tiền như vậy làm cho anh vô cùng cảm động. Ôn Văn không dám rời khỏi gian phòng vì nếu để xảy ra sơ suất thì có lỗi với sự tín nhiệm của ông Dương.

Đúng lúc này bỗng nhiên ở bên ngoài có tiếng người kêu rất to: “Cháy rồi! Cháy rồi! Nhanh cứu lấy tính mạng!”. Ôn Văn chưa kịp phản ứng thì thấy lửa đã cháy đến cửa phòng của mình. Ôn Văn nhấc cái hòm gỗ nhưng cái hòm quá nặng anh không thể nhấc nó lên được. Anh định gọi ông Dương vào cùng bê cái hòm nhưng không biết lúc này ông ấy ở đâu? Trong lúc bất lực, anh đành phải bỏ cái hòm lại chạy khỏi nhà trọ. Sau vụ cháy, anh quay lại nhà trọ tìm cái hòm của ông Dương nhưng cái quán trọ đã trở thành một đống tro tàn không thấy hình bóng của cái hòm gỗ đâu nữa?

Liền mấy ngày sau đó Ôn Văn đi hỏi thăm tin tức của ông Dương nhưng không thấy chút manh mối gì và khi nghĩ đến việc mình không làm tròn nhiệm vụ được ông Dương giao phó Ôn Văn rất day dứt. 

Ôn Văn ở lại đây mấy ngày liền tìm kiếm trong đống đổ nát nhưng vẫn không tìm thấy dấu vết gì của cái hòm và số bạc trong hòm. Mặc dù vậy anh vẫn không hết hy vọng, anh đi mượn xẻng đào sâu xuống ba thước đất để tìm bạc, không ngờ vừa đào được một lúc thì đụng phải một vật cứng, Ôn Văn vô cùng vui mừng tưởng là mình đã đào thấy cài hòm gỗ nhưng khi đào lên thì nó lại là một cái hộp sắt bên trong là một con ngựa bằng ngọc rất đẹp. Con ngựa bằng ngọc được chạm khắc rất tinh xảo sống động như thật.

Ôn Văn là người có kiến thức về cổ vật nên biết đây là báu vật thời Hán có giá rất cao, anh rất vui vì con ngựa này có thể dùng để đền được cái hòm bạc của ông Dương. Ôn Văn mang theo con ngựa bằng ngọc đến Dương Châu hỏi thăm đến cửa hàng Thiên Tường nhưng Ôn Văn có nằm mơ cũng không nghĩ đến khi anh trình bày sự việc với Dương Luân, con của ông Dương và đưa con ngựa ra để đền bù cho gia đình họ thì Dương Luân lại trừng mắt nhìn anh nói: “Chính ngươi là người đã nhìn thấy số bạc của bố tôi nên âm mưu giết người để lấy của cải bây giờ lại mang cái đồ không có giá trị đến để lừa tôi, người đâu bắt nó mang lên quan để trị tội”.   

Dương Luân không biết gì về đồ cổ, thậm chí anh ta còn coi con ngựa bằng ngọc thời Hán là một vật vô giá trị. Mặc cho Ôn Văn dùng hết lời lẽ để giải thích nhưng Dương Luân vẫn một mực cho rằng Ôn Văn đã giết cha mình để lấy của cải. Dương Luân sai người trói Ôn Văn lại giải lên nha môn. Tri huyện Dương Châu là một quan tham đã nhận bạc hối lộ của Dương Luân nên không cần biết trái phải ra sao ông ta vội vàng kết tội Ôn Văn giết người cướp của phạm tội chết tống vào nhà lao chờ ngày hành quyết.

Lòng tốt không được đền đáp mà còn bị tội oan, Ôn Văn ngửa cổ lên trời kêu lên: “Trời ơi, tôi có lòng nhân hậu nhưng kết quả lại như thế này!”.

Ngày Ôn Văn bị đưa ra pháp trường, khi đao phủ chuẩn bị hành quyết thì đột nhiên phía dưới có người hét lên: “Xin đừng giết người oan!”.

Người vừa kêu lên chính là ông chủ Dương đã mất tích nhiều ngày. Ôn Văn thấy ông Dương thì bật khóc nói: “Ông chủ Dương, ông đã trở về … nhưng cái hòm ông phó thác cho cháu đã bị cháy ra tro rồi, xin ông thứ lỗi cho cháu”.

Ông Dương cười ha ha nói: “Ôn Văn, anh là người thư sinh thanh bạch nhất mà tôi đã gặp. Không cần nói đến cái hòm bạc mà có đến 18 cái hòm bạc như vậy cũng không mua được tấm lòng vàng của anh”. Nói xong ông bước đến trước mặt người con của mình nghiêm mặt nói: “Mi là thằng súc sinh, sao không cúi đầu nhận tội đi!”.

Dương Luân nhìn thấy ông Dương lập tức mặt biến sắc run lẩy bẩy nói: “Bố … Sao bố lại không bị lửa thiêu cháy?”. 

Kỳ thực Dương Luân không phải là con đẻ của ông chủ Dương. Vợ ông mất từ lúc trẻ chưa có con cái, sau đó ông tái giá với mẹ của Dương Luân lúc hắn mới lên 8 tuổi. Khi trưởng thành, Dương Luân đã có dã tâm giết bố dượng để thừa hưởng toàn bộ tài sản. Lần này, thừa lúc ông Dương đi mua hàng, Dương Luân câu kết với một số kẻ xấu phóng hỏa đốt nhà trọ để giết ông Dương nhưng may thay là ông Dương đã biết được dã tâm của Dương Luân. Đêm hôm đó, khi thấy bóng người ngoài cửa sổ ông biết ngay là Dương Luân đã theo ông để âm mưu hãm hại mình nên ông đã cảnh giác trốn khỏi nhà trọ …   

Ông Dương thuật lại câu chuyện xảy ra ở nhà trọ đêm hôm đó với các chứng cớ rõ ràng làm cho Dương Luân phải cúi đầu nhận tội và Tri huyện đành phải bắt Dương Luân và tha cho Ôn Văn.

Lúc này Ôn Văn vẫn nhất quyết đưa con ngựa bằng ngọc để đền số bạc cho ông Dương nhưng ông Dương lại tỏ ra ngượng ngùng nói: “Ôn Văn, xin cháu thứ lỗi, hôm đó bác đã lừa cháu, cái hòm mà bác phó thác cho cháu không phải là hòm bạc mà là cái hòm đựng toàn đá”.

Ôn Văn vô cùng kinh ngạc: “Nhưng lúc đó bác nói với cháu là bạc mang đi Kinh Đô mua hàng mà”.

Ông Dương chỉ vào Dương Luân nói: “Bác đã đề phòng thằng súc sinh này từ lâu rồi nên làm sao lại dám mang nhiều bạc như thế ra khỏi nhà một mình được? Lúc ở nhà trọ bác cố ý nói to để cho thằng súc sinh này nghe thấy, không ngờ cháu lại tin là thật làm cháu cũng suýt nữa mất mạng, bác xin lỗi cháu”.

Lúc này Ôn Văn mới hiểu tại sao mình đã tốn rất nhiều công sức mà vẫn không tìm thấy cái hòm bạc ở nhà trọ thị trấn Du Khẩu. Sự chân thành của Ôn Văn được mọi người hết sức ngưỡng mộ và ngày hôm sau ông Dương đích thân đánh xe ngựa đưa Ôn Văn lên Kinh Đô để tham gia kỳ thi, may mà khi lên đến Kinh Đô vẫn còn kịp kỳ thi, năm đó, Ôn Văn thi đỗ Tiến sĩ. Sau này câu chuyện về cái hòm bạc không biết tại sao lại truyền được đến tai vua Càn Long, vị vua rất khen ngợi tấm lòng chân thành của Ôn Văn và vị vua đã hạ bút đề bốn chữ “Thư sinh thanh bạch” tặng cho Ôn Văn, nghe nói đề từ này của vua Càn Long vẫn lưu giữ trong nhà của con cháu họ Ôn ở Đằng Châu cho đến ngày nay. 

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật