Phập phồng sốt đất ở Y Tý

Baoanh Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Nhà nhà bán đất, người người đi mua đất. Chưa bao giờ ở vùng núi Tây Bắc có một cơn sốt đất gây ồn ào đến thế. Ngay sau khi bản Quy hoạch chung xây dựng đô thị du lịch Y Tý (huyện Bát Xát, Lào Cai) được công bố, nhà đầu tư từ khắp nơi đổ về mua đất nông nghiệp, đất rừng. Dù chính quyền địa phương đã vào cuộc gắt gao nhưng tình trạng này vẫn âm thầm diễn ra.
Phập phồng sốt đất ở Y Tý
Ngôi nhà lụp xụp được rao giá 2,5 tỷ đồng.

Cơn sốt đất chưa từng có

Y Tý được nhiều người ví là một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp, nơi có những khu rừng già nguyên sinh, thung lũng ruộng bậc thang.Cùng với nét đẹp văn hóa của người Hà Nhì, nơi đây còn là điểm săn mây nổi tiếng của khách du lịch. Bên cạnh đó, với dự kiến triển khai hệ thống giao thông, xây dựng mới và sửa sang các con đường huyết mạch, dự án sân bay Cam Cọn Bảo Yên - Bảo Hà - Lào Cai, Y Tý sẽ có cơ hội phát triển du lịch cao và thu hút khách quốc tế.

Theo Quyết định số 2012/QĐ-UBND ngày 29-6-2020 của UBND tỉnh Lào Cai về việc quy hoạch chung xây dựng đô thị du lịch Y Tý, khu đô thị du lịch Y Tý nằm trong địa giới hành chính xã Y Tý trên diện tích hơn 8.600 ha. Trong đó tập trung phát triển đô thị vùng lõi trên 3.100 ha. Nhìn từ quy hoạch, trong tương lai sẽ hình thành một khu đô thị du lịch, hành chính mới mang tên Y Tý, phát triển phân thành 2 vùng, 7 phân khu rõ rệt, bao gồm: Khu bảo tồn, phát triển du lịch cộng đồng; khu công viên chuyên đề và du lịch nghỉ dưỡng; khu thể thao, nghỉ dưỡng; khu trung tâm hành chính; khu du lịch thực nghiệm, khám phá thiên nhiên; khu phát triển đô thị; khu phát triển, sản xuất nông, lâm nghiệp.

Chính bởi có nhiều dự án nên đất Y Tý sốt lên trông thấy. Chúng tôi vừa đặt chân đến trung tâm xã Y Tý đã có nhiều người hỏi: “Lên mua đất à? Mua nhiều không?”. Theo người dân ở đây, khoảng 2 năm nay có nhiều người từ khắp nơi đến với ý định tìm mua cho mình một mảnh đất với nhiều lý do khác nhau. Một số người kinh doanh bất động sản thì lên Y Tý để thu gom đất, đón đầu cơ hội kiếm tiền. Người thì tìm cho mình một miếng đất đắc địa để đầu tư khu nghỉ dưỡng, homestay... Chính vì thế, đất ở Y Tý nóng lên từng ngày, giá lên cao chưa từng có.

Một cò đất tên Có chia sẻ: “Các anh chị thích miếng đất kiểu gì em cũng tìm cho được. Thích gần trung tâm xã hay xa hơn nữa để làm nghỉ dưỡng kiểu khám phá, em cũng tìm được. Các anh chị không mua nhanh là không còn nữa đâu vì gần đây nhiều khách từ các nơi về săn lùng ghê lắm.Khách tận trong miền Nam đợt này về cũng nhiều, mảnh nào có view đẹp (cảnh quan đẹp), ngắm được mây là họ ôm cả rồi”.

Người dân ở đây cho biết, khoảng 2 năm nay có rất nhiều người từ thành phố Lào Cai, thậm chí từ Hà Nội lên thuê nhà “ăn dầm nằm dề” cả năm trời để đi thu gom đất. Họ chạy đi khắp trong thôn ngoài bản, ai có nhu cầu bán đất là gom, sẵn sàng xuống tiền đặt cọc sau đó bán lướt. Anh Có cho biết: “Bọn em là dân bản địa ở đây nên nắm được hết các khu vực, ở đâu có “view” đẹp, ở đâu có nhu cầu bán là biết hết. Nếu có miếng nào vào mắt, có thể bán lướt được là bọn em sẵn sàng xuống tiền cọc vài chục triệu, thậm chí vài trăm triệu. Sau 2 tháng mà chưa lướt được, mình mất số tiền đó cũng vô tư. Như miếng đất ở bản Mò Pú Chải có diện tích khoảng 850m2, nhìn thấy đẹp quá em xuống luôn 200 triệu để cọc. Giá mong muốn của em là 850 triệu.Nếu anh chị có nhu cầu, em sẽ dẫn lên tận nơi để xem địa hình và cảnh quan”.

Anh Pao cho hay, những miếng đất ở vị trí đẹp gần trung tâm xã đều đã có chủ.

Sau khi đi khảo giá, chúng tôi bất ngờ bởi miếng đất chỉ khoảng 250m2 nhưng có giá tới 1,1 tỷ đồng. Theo như anh Pó (chuyên môi giới đất) giải thích thì do ở giữa mảnh đất này có một cái chuồng trâu của chủ đất. Khi có sẵn chuồng trâu, người mua đất có thể dựa vào đó để xây dựng nhà mà không sợ cơ quan chức năng xử lý.“Nếu như các anh chị muốn xây dựng homestay ở đây thì phải để dân bản địa bọn em giúp, người ngoài khó xây dựng lắm.Những khu đất nào có nhà của người dân sẵn thì dễ dàng hoặc chí ít cũng phải có cái chuồng trâu, kho đựng đồ. Nhưng, anh chị an tâm, trước đây người ta đi kiểm tra, cưỡng chế, gần đây họ cũng thôi rồi”.

Việc mua bán đất ở Y Tý chủ yếu là đất ruộng, đất rừng nên việc giao dịch chủ yếu là giấy tờ viết tay giữa người mua và chủ đất. Việc xin công chứng, tách sổ của chính quyền địa phương là hoàn toàn không được.

Qua tìm hiểu của phóng viên được biết, giá đất tại Y Tý tăng đến mức người dân còn không nắm được. Trước đây bà con bán theo khu, theo miếng, thậm chí bán cả nửa quả đồi, thế nhưng khi thị trường ở đây nóng lên, đất đã bắt đầu được bán theo mét vuông. Những người nông dân quanh năm lam lũ với ruộng lúa, nương ngô bỗng dưng có trong tay số tiền lớn. Nhiều gia đình chỉ cần bán một miếng đất vườn hoặc rừng thì đã có ngay vài trăm triệu. Chưa kể những gia đình có đất ở vị trí thuận lợi để ngắm mây có thể bán được vài tỷ đồng.

Đứng bên ngôi nhà đang xây dựng anh Vừ A Lệ không giấu được niềm vui: “Tôi mới bán một miếng đất mặt đường đấy. Cũng được 1 tỷ, xây ngôi nhà này hết 900 triệu, còn lại tiền để mua xe máy. Trước bán được có mấy chục triệu thôi, không ăn thua”. Nói về vấn đề này, ông Hà Ngọc Linh, Phó Chủ tịch UBND xã Y Tý lo lắng: “Nhiều hộ khi có tiền bán đất là sắm ngay ô tô, đa phần là xe bán tải để chạy “cho vui” chứ cũng chả phục vụ mục đích, công việc gì. Khi thấy bà con có tiền, nhiều công ty bảo hiểm đã nhảy vào, maketing dụ dỗ bà con mua bảo hiểm. Bây giờ có tiền thì còn đóng được nhưng sau tiêu hết tiền thì lấy gì để đóng tiếp”.

Nhiều thửa ruộng bậc thang đã được người dân bán cho các nhà đầu tư.

Chưa xử lý được?

Nhiều người lên Y Tý mua đất tạo nên cơn “sốt” đất đồng nghĩa với việc công tác quản lý đất đai của huyện Bát Xát nói chung và của chính quyền xã Y Tý nói riêng ngày càng trở nên khó khăn. Hầu hết giao dịch đất đai trên địa bàn xã Y Tý thời gian qua đều diễn ra ngấm ngầm giữa người dân, người môi giới và khách theo hình thức thỏa thuận mua bán viết tay chứ không được sự xác nhận, cấp phép của chính quyền xã. Thậm chí, đã có người lợi dụng tình trạng này để lừa đảo, bán một mảnh đất cho nhiều người.

Trước tình hình đó, Huyện ủy Bát Xát đã ra Quyết định số 139-QĐ/HU, ngày 11-8-2020, về việc thành lập tổ công tác tuyên truyền, vận động người dân không xây dựng công trình trái phép, không mua, bán đất trong khu quy hoạch đô thị du lịch Y Tý và các xã lân cận. Tổ công tác đã phối hợp với UBND xã Y Tý, A Lù tổ chức tuyên truyền tại 10 thôn thuộc khu quy hoạch đô thị du lịch Y Tý về các quy định của Nhà nước.

Theo phong tục, tập quán của đồng bào dân tộc Hà Nhì, nhà nào cũng có một cái chuồng trâu, chuồng lợn ở gần nhà hay dưới sàn nhà, sau đó họ đổ trần lên và ở. Việc xác định đấy là nhà hay chuồng trại là vô cùng khó khăn. Chính vì điều này mà có nhiều người lợi dụng, xây dựng nhà cửa, homestay khiến chính quyền địa phương rất khó xử lý.

Sau khi bán đất, gia đình anh Vừ A Lệ xây ngôi nhà mới với chi phí khoảng 900 triệu đồng.

Thượng úy Lê Ngọc Khánh, Phó Đội trưởng Đội Tổng hợp, Công an huyện Bát Xát cho biết: Khi tình trạng sốt đất ở Y Tý lên cao, các lực lượng chức năng phải phối hợp nắm tình hình để đảm bảo an ninh trật tự và có biện pháp ổn định, ngăn chặn những hành vi vi phạm Pháp Luật. Khi biết lực lượng Công an có mặt tại địa phương thì các giao dịch trái phép đã giảm bớt. Tuy nhiên, việc giao dịch chỉ diễn ra dân sự giữa người mua và người bán nên khó kiểm soát.Cơ quan chức năng đã tuyên truyền, động viên bà con ngừng bán đất vì nếu bán hết đi rồi sẽ không còn đất canh tác, sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống sau này.

Việc người dân bán đất ào ào vì mối lợi trước mắt, người mua thì không cần giấy tờ hợp pháp và tìm cách lách luật, xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp sẽ kéo theo nhiều hệ lụy khó lường. Bà con bản địa vốn mưu sinh trên những mảnh đất đồi nương sẽ lấy gì canh tác? Cuộc sống của họ sẽ ra sao khi tiêu hết những đồng tiền “ăn xổi”? Thiên nhiên, môi trường ở vùng đất tuyệt đẹp này sẽ bị hủy hoại ra sao khi việc xây dựng, khai thác du lịch tràn lan? Mong rằng chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng sớm có biện pháp ngăn chặn tình trạng trên.   

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật