Bắc Kinh chuẩn bị thế hệ ngoại giao cứng rắn mới

Kute Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Nếu không có ngoại lệ, hai quan chức đứng đầu ngành ngoại giao là Dương Khiết Trì và Vương Nghị sẽ về hưu sau Đại hội XX của đảng cộn‌g sả‌n Trung Quốc, để lại khoảng trống lớn.
Bắc Kinh chuẩn bị thế hệ ngoại giao cứng rắn mới
Ông Dương Khiết Trì (trái) và ông Vương Nghị (phải) dự kiến sẽ nghỉ hưu trong thời gian tới. Ảnh: Reuters.

Sau Đại hội XX của đảng cộn‌g sả‌n Trung Quốc vào mùa thu, hai nhà ngoại giao lão thành nhất của Bắc Kinh là Dương Khiết Trì và Vương Nghị nhiều khả năng sẽ về hưu, đánh dấu thời kỳ chuyển giao đáng chú ý nhất trong bộ máy của nền ngoại giao Trung Quốc trong hàng chục năm qua, theo Nikkei Asia.

Tre đã già

Sau 9 năm trên cương vị người đứng đầu bộ máy ngoại giao, ông Dương Khiết Trì, năm nay 72 tuổi, sẽ rời Bộ chính trị cũng như chức Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác ngoại sự Trung ương Trung Quốc.

Và nếu như không có ngoại lệ, ông Vương Nghị, năm nay 68 tuổi, Bộ trưởng Ngoại giao đương nhiệm và là nhân vật số hai trong ngành ngoại giao Trung Quốc, cũng sẽ về hưu. Nhiệm kỳ của ông Vương kết thúc vào tháng 3/2023 khi bộ máy chính phủ được kiện toàn.

Ông Vương Nghị đã là Bộ trưởng Ngoại giao trong 10 năm. Trong khi đó, ông Dương Khiết Trì là Bộ trưởng Ngoại giao trong 6 năm trước thời ông Vương Nghị, và là ủy viên Bộ Chính trị phụ trách đối ngoại trong 5 năm qua.

Việc hai quan chức ngoại giao đầu ngành về hưu chỉ trong vòng vài tháng sẽ cho phép Chủ tịch Tập Cận Bình bổ nhiệm dàn lãnh đạo mới phụ trách chính sách đối ngoại. Lựa chọn nhân sự mới sẽ làm sáng tỏ các ưu tiên toàn cầu trong tính toán của Bắc Kinh.

Ông Vương Nghị và Dương Khiết Trì đều không lạ lẫm với "ngoại giao chiến lang" - thuật ngữ miêu tả việc các nhà ngoại giao Trung Quốc đáp trả mạnh mẽ khi nước ngoài chỉ trích Bắc Kinh. Nhưng có một thực tế là hai nhà ngoại giao kỳ cựu này thăng tiến tới chức vụ cao nhất của họ trong thời kỳ mà Trung Quốc theo đuổi chính sách đối ngoại tương đối ôn hòa.

Ông Dương Khiết Trì giỏi tiếng Anh, chuyên gia trong quan hệ với Mỹ, từng cùng cố Tổng thống Mỹ Bush "cha" thăm Tây Tạng năm 1977, và tham gia hòa giải quan hệ Bắc Kinh - Washington khi làm Đại sứ Trung Quốc ở Mỹ trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Bush "con".

Ông Vương Nghị được truyền thông Trung Quốc đặt biệt danh "cáo bạc" nhờ vẻ ngoài điển trai. Ông là chuyên gia về Nhật Bản, từng là Đại sứ Trung Quốc tại Tokyo thập niên 2000. Dù thường xuyên thể hiện thái độ cứng rắn với Nhật, các nguồn tin cho thấy Vương Nghị luôn sẵn sàng "mềm nắn rắn buông" để Tokyo giữ thể diện.

Tuy vậy, thế hệ ngoại giao kế cận thay thế hai ông Vương và Dương lại có những đặc điểm rất khác, mà tiêu biểu là Triệu Lập Kiên - người hiện giữ chức phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc nổi tiếng với phong cách cứng rắn.

Trong khi hai ông Vương và Dương thăng tiến trong thời gian Trung Quốc vẫn "thao quang dưỡng hối" (giấu mình), thế hệ ngoại giao kế cận họ trưởng thành trong thời kỳ Bắc Kinh đã trở nên giàu có hơn, nhiều quyền lực hơn, tràn đầy tự tin phô diễn sức mạnh hơn.

Kỷ nguyên đối ngoại mới

Người thay thế hai ông Dương Khiết Trì và Vương Nghị sẽ là những nhà ngoại giao dày dạn kinh nghiệm. Bất kể người đó là ai, họ cũng sẽ phải theo đuổi đường lối đối ngoại quyết liệt.

Phát biểu trước toàn đảng năm ngoái, ông Tập từng tuyên bố các đảng viên phải "dám chiến đấu" và "bảo vệ chủ quyền, an ninh, lợi ích phát triển của đất nước với một phẩm chất ý chí chưa từng có".

Trong thời gian dài kể từ Đặng Tiểu Bình, Bắc Kinh chủ yếu theo đuổi chiến lược "giấu mình chờ thời", làm hòa với Mỹ và phương Tây, gia nhập WTO, hội nhập vào hệ thống kinh tế quốc tế do phương Tây dẫn dắt, dần tích lũy nội lực và vươn lên trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Nhưng những ngày "giấu mình" ấy đã qua. Bắc Kinh và Washington hiện đã bước vào cuộc cạnh tranh chiến lược toàn diện. Trung Quốc có danh sách dài các lợi ích, một chương trình nghị sự toàn cầu riêng, được hỗ trợ bởi sức mạnh quân sự ngày càng mở rộng.

Bắc Kinh không hề che giấu tham vọng của mình. Trong phát biểu năm 2020, Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố Trung Quốc nên "mở rộng sức mạnh toàn diện của quốc gia, đặt nền tảng cho một tương lai" nơi Bắc Kinh nắm thế chủ động và quyền dẫn dắt.

Trung Quốc ngày càng hành theo đuổi chính sách đối ngoại quyết liệt. Ảnh: AFP.

Ông Tập yêu cầu các quan chức phải nuôi dưỡng tinh thần chiến đấu, bảo vệ các lợi ích cốt lõi của quốc gia khi thế giới "trải qua những biến động chưa từng có trong một thế kỷ".

Những sự kiện như Brexit, ông Trump nắm quyền ở Mỹ, hay cách phương Tây chật vật trước Covid-19, càng cổ vũ cho niềm tin của Bắc Kinh rằng đã có sự thay đổi trong cán cân quyền lực quốc tế.

Giai đoạn này, Trung Quốc ngày càng sẵn sàng va chạm với Mỹ và các đồng minh của Washington. Bắc Kinh không ngần ngại dùng sức mạnh kinh tế để trừng phạt các nước bất đồng về chính trị, ngoại giao như Hàn Quốc hay Australia.

Trung Quốc cũng hành xử quyết liệt hơn trong các tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải như biên giới Ấn - Trung, eo biển Đài Loan, quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, hay tranh chấp ở Biển Đông.

Quy tắc về tuổi

Các chuyên gia quốc tế nhận định rất khó để đưa ra dự đoán nhân sự đối với bộ máy chính trị của Trung Quốc. Tuy vậy, nhiều khả năng lựa chọn nhân sự mới tham gia Bộ chính trị sẽ tiếp tục tuân theo nguyên tắc "bảy lên, tám xuống" đã có từ 2002.

Theo nguyên tắc này, một cán bộ 67 tuổi hoặc trẻ hơn có thể được bổ nhiệm giữ vị trí nhiệm kỳ 5 năm trong Bộ chính trị - cơ quan hoạch định chính sách cấp cao nhất của đảng cộn‌g sả‌n Trung Quốc. Những cán bộ từ 68 tuổi trở lên phải về hưu. Ngoại lệ duy nhất đến nay là Chủ tịch Tập Cận Bình.

Ở tuổi 72, ông Dương Khiết Trì sẽ về hưu. Nhưng với Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị, vẫn có thể có kịch bản khác.

Về lý thuyết, ông Tập có thể tạo thêm một ngoại lệ và đề bạt ông Vương vào Bộ chính trị để thay thế ông Dương Khiết Trì. Có nhiều lý do cho quyết định này, đó là tình hình bất ổn tại châu Âu, căng thẳng leo thang ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, vì vậy kinh nghiệm ngoại giao và quan hệ phong phú của ông Vương với các đối tác sẽ là tài sản quý giá.

Chủ tịch Tập Cận Bình ngồi giữa hai ông Dương Khiết Trì và Vương Nghị. Ảnh: Reuters.

Tuy vậy, việc có thêm trường hợp ngoại lệ tại Bộ chính trị có thể ảnh hưởng tới vốn liếng chính trị của ông trong bối cảnh bùng phát Covid-19 và tăng trưởng kinh tế Trung Quốc không như kỳ vọng.

Ông Tập cũng có thể loại bỏ hoàn toàn vị trí của ông Dương Khiết Trì, kịch bản này đồng nghĩa Bộ chính trị Trung Quốc sẽ không có đại diện của ngành ngoại giao, điều từng kéo dài 15 năm trước khi ông Dương được bổ nhiệm năm 2017.

Nhưng kịch bản này đi ngược với nỗ lực củng cố vai trò của bộ máy đối ngoại trong đảng cộn‌g sả‌n Trung Quốc, cũng như nỗ lực thúc đẩy hoạt động ngoại giao để phục vụ các mục tiêu toàn cầu của Bắc Kinh.

Các ứng viên tiềm năng

Cả hai ông Vương Nghị và Dương Khiết Trì đều chưa có ứng viên tiềm năng thay thế rõ ràng.

Về thâm niên, cán bộ có tiềm năng thay thế ông Dương Khiết Trì nhất là Tống Đào, Chủ nhiệm Ban liên lạc đối ngoại Ủy ban Trung ương đảng cộn‌g sả‌n Trung Quốc (ILD), cơ quan phụ trách quan hệ với hơn 500 đảng phái chính trị nước ngoài.

Ông Tập đã thúc đẩy đối ngoại giữa các đảng chính trị theo các kênh của ILD, nhằm bổ sung cho đối ngoại nhà nước, coi đối ngoại đảng phái là một cách trực tiếp tác động tới giới lãnh đạo chính trị nước ngoài.

Ở tuổi 67, ông Tống còn đủ năm công tác để vào Bộ chính trị. Ông này cũng có lợi thế từng làm việc dưới quyền Chủ tịch Tập tại tỉnh Phúc Kiến trong giai đoạn 1980-1990.

Một gương mặt tiềm năng khác là Lưu Kết Nhất, Ủy viên Trung ương đảng, Chủ nhiệm Văn phòng Sự vụ Đài Loan.

Ông Tống Đào (trái) và ông Lưu Kết Nhất (phải). Ảnh: Reuters.

Hiện mới 65 tuổi, ông Lưu có hồ sơ công tác ấn tượng, khi từng kinh qua các chức vụ Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc, Phó chủ nhiệm ILD, Trợ lý bộ trưởng Ngoại giao. Ông Lưu thành thạo tiếng Anh, Pháp và Tây Ban Nha.

Nếu lựa chọn ông Lưu, đây sẽ là tín hiệu mạnh mẽ cho thấy Bắc Kinh quan ngại quan hệ giữa hai bờ eo biển Đài Loan đang xấu đi, đòi hỏi sự quản lý chặt chẽ hơn từ cấp cao nhất.

Dựa trên kinh nghiệm từng làm việc tại các thiết chế đa phương, việc lựa chọn ông Lưu cũng có thể cho thấy Bắc Kinh muốn tập hợp lực lượng các nước đang phát triển để chống lại phương Tây.

Nếu ông Lưu không kế nhiệm ông Dương, hoặc vị trí của ông Dương trong Bộ chính trị bị gạt, ông Lưu sẽ là ứng viên tiềm năng cho vị trí ủy viên Quốc vụ viện phụ trách đối ngoại hoặc Bộ trưởng Ngoại giao.

Với chức vụ Bộ trưởng Ngoại giao, có nhiều ứng viên tiềm năng thay thế ông Vương Nghị.

Ngoài Lưu Kết Nhất, Thứ trưởng Ngoại giao Mã Triêu Húc là một cái tên đáng chú ý. Ông Mã từng kinh qua các vị trí Trưởng phái đoàn thường trực Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc, Đại sứ Trung Quốc tại Australia, sau khi đã có thời gian công tác nhiệm kỳ ở EU và Anh.

Ông Mã là một trong các nhà ngoại giao có kinh nghiệm đa phương đa dạng nhất, có thể giúp thúc đẩy mục tiêu định hình lại các thiết chế và luật chơi quốc tế của Bắc Kinh.

Những cái tên khác có thể kể đến như Thứ trưởng Ngoại giao Tạ Phong, Thứ trưởng Ngoại giao Đặng Lệ.

Trước đó, một ứng viên nặng ký thay thế ông Vương Nghị là cựu Thứ trưởng Ngoại giao Lạc Ngọc Thành. Ông Lạc là kiến trúc sư cho chính sách đối ngoại hướng Nga của Bắc Kinh. Tuy vậy trong tháng 6 vừa qua, ông Lạc đã bị điều về Tổng cục Quảng bá phát thanh và truyền hình quốc gia, nhiều khả năng do vấn đề Ukraine.

Dàn lãnh đạo mới của ngành ngoại giao Trung Quốc, bất kể là ai, nhiều khả năng tiếp tục theo đuổi quan hệ nồng ấm hiện nay với Nga, thúc đẩy một trật tự thế giới mới không do phương Tây lãnh đạo, con đường này chắc chắn dẫn tới gia tăng cạnh tranh chiến lược với Mỹ và các đồng minh.

Đồng thời, giới lãnh đạo ngành ngoại giao sẽ thúc đẩy quảng bá mô hình chính trị của Bắc Kinh, các tuyên bố chủ quyền gây tranh cãi, cũng như tăng cường sử dụng công cụ kinh tế để gây sức ép, phục vụ mục tiêu chính trị đối ngoại.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật