Đức đối mặt nguy cơ khủng hoảng kinh tế do thiếu hụt năng lượng: “”Bom nổ chậm“” cần tháo gỡ

Summer Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Đức ước tính chỉ đủ dự trữ khí đốt trong 1 hoặc 2 tháng tới giữa bối cảnh dòng chảy khí đốt từ Nga bị ngưng trệ, khiến giới phân tích quan ngại về một cuộc khủng hoảng kinh tế toàn diện. Đây được ví như quả “bom nổ chậm“ cần sớm tháo gỡ để không xảy ra hậu quả nghiêm trọng cho nền kinh tế, xã hội của nước Đức.
Đức đối mặt nguy cơ khủng hoảng kinh tế do thiếu hụt năng lượng: “”Bom nổ chậm“” cần tháo gỡ
Ảnh minh họa

Nga khẳng định vẫn sẵn sàng cung cấp khí đốt cho châu Âu, mô tả sự gián đoạn lần này là một “cuộc khủng hoảng nhân tạo”.

Sự lo lắng bùng nổ khi Gazprom thông báo giảm 60% nguồn cung cấp khí đốt qua hệ thống đường ống Dòng chảy Phương Bắc (Nord Stream), từ 167 triệu mét khối/ngày xuống 67 triệu mét khối/ngày. Theo công ty độc quyền xuất khẩu khí đốt của Nga, nguyên nhân là bởi các tua-bin của Siemens Energy ở trạm bơm Portovaya (Vyborg) đưa đi bảo dưỡng đã mắc kẹt tại Montreal (Canada) do thuộc nhóm hàng hóa bị điều chỉnh bởi lệnh trừng phạt của Canada đối với Nga. Gazprom cũng dự kiến tạm dừng cung cấp khí đốt qua Nord Stream để phục vụ bảo trì từ ngày 11-7 tới 21-7.

Việc gián đoạn nguồn cung khí đốt từ Nga ngay lập tức đẩy Đức vào thế khó, khi nỗ lực nạp đầy các kho khí đốt nhằm chuẩn bị cho mùa đông bất ngờ đứng trước nguy cơ sụp đổ. Theo Bộ Kinh tế Đức, các cơ sở dự trữ khí đốt tự nhiên của nước này mới chỉ lấp đầy gần 61% - mức chỉ đủ dùng 1 đến 2 tháng tới.

Trước thực tế trên, Bộ trưởng Năng lượng Đức Robert Habeck cảnh báo, nền kinh tế số 1 châu Âu sẽ đối mặt với suy thoái nếu Nga ngừng cung cấp hoàn toàn khí đốt vào giữa tháng 7 như kế hoạch. Về phần mình, Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner nhấn mạnh nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng kinh tế rất nghiêm trọng vì giá năng lượng tăng mạnh.

Để gỡ ngòi “bom nổ chậm” hiển hiện trước mắt, Đức đang gấp rút xúc tiến đàm phán với Canada và Ủy ban châu Âu (EC) về cách thức trả lại các tua-bin của Nga. Tuy nhiên, nếu kịch bản xấu xảy ra, việc cung cấp khí đốt bị gián đoạn nghiêm trọng có thể buộc Đức ban bố tình trạng khẩn cấp cấp độ III - cấp độ cao nhất. Khi đó, Berlin sẽ phải can thiệp trực tiếp vào thị trường khí đốt, cắt giảm tiêu thụ khí đốt công nghiệp để bảo đảm nguồn cung cho các "khách hàng được bảo vệ" - gồm các hộ gia đình tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và bệnh viện (tiêu thụ khoảng 37% lượng khí đốt của Đức). Động thái này sẽ tàn phá nền kinh tế và dẫn đến mất việc làm. Thực tế, từ cuối tháng 6, Berlin đã áp dụng cấp độ II, khi nhận thấy nguy cơ cao về thiếu hụt nguồn cung khí đốt trong dài hạn.

Theo các chuyên gia kinh tế, tin xấu lần này sẽ tác động đến tâm lý tiêu dùng, là‌ּm tìn‌ּh hình trở nên tồi tệ trong bối cảnh lạm phát tăng vọt. Gánh nặng lớn sẽ đè lên vai các công ty sử dụng nhiều năng lượng và khí đốt, khiến sản lượng sản xuất công nghiệp của Đức giảm khoảng 5%, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) giảm 1%. Các chuyên gia của Deutsche Bank - tập đoàn ngân hàng tư nhân lớn nhất của Đức, cũng bày tỏ bi quan về tình hình năng lượng tại Đức.

Nghiêm trọng hơn, rắc rối năng lượng của Đức được dự báo có thể lan rộng ra khắp châu Âu. Trước diễn biến mới, một số nước Liên minh châu Âu (EU) - vốn nhận 40% lượng khí đốt qua các đường ống của Nga - đã công bố các biện pháp khẩn cấp nhằm giảm tiêu thụ, tăng dự trữ. Italia - nước mua khí đốt Nga lớn thứ hai trong EU - đã cho phép Công ty nhà nước Gestore dei Servizi Energetici vay 4 tỷ euro để mua khí đốt tăng dự trữ. Áo và Hà Lan cũng để ngỏ khả năng duy trì các nhà máy nhiệt điện, sẵn sàng bù đắp cho việc cắt giảm nguồn cung cấp khí đốt từ Nga.

Có thể thấy, cuộc xung đột Ukraine tiếp tục tạo ra những hạn chế đối với nền kinh tế châu Âu nói riêng và thế giới nói chung - mà theo Quỹ Tiền tệ quốc tế có thể làm giảm tăng trưởng toàn cầu khoảng 2%, đòi hỏi sớm có những quyết sách tháo gỡ vướng mắc, hạn chế tối đa những thiệt hại phát sinh.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật