Xem xét đề xuất 5 phương án xây cầu thay phà Cát Lái

Kute Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Sở GT-VT TP.HCM đã có đề nghị Văn phòng UBND TP.HCM sớm tham mưu lãnh đạo thành phố xem xét đề xuất 5 phương án xây cầu thay phà Cát Lái, kết nối TP.HCM - Đồng Nai.
Xem xét đề xuất 5 phương án xây cầu thay phà Cát Lái
Mô hình phối cảnh dự kiến của cầu Cát Lái. Ảnh: P.Tùng

* Phương án tránh cảng Cát Lái có nhiều ưu điểm

Cầu Cát Lái có ý nghĩa rất quan trọng trong việc kết nối Đồng Nai và TP.HCM cũng như toàn khu vực Đông Nam bộ. Đặc biệt, cây cầu này có ý nghĩa rất lớn đối với việc phát triển đô thị mới Nhơn Trạch.

Thời gian qua, UBND tỉnh, đơn vị được Thủ tướng Chính phủ giao là cơ quan nhà nước có thẩm quyền triển khai thực hiện dự án, đã phối hợp với đơn vị tư vấn, các cơ quan chức năng của TP.HCM để xây dựng các phương án xây dựng cầu Cát Lái.

Theo đó, Đồng Nai đã đưa ra 5 phương án xây dựng cầu Cát Lái thay thế phà Cát Lái. Phương án 1, hướng tuyến bắt đầu từ nút giao Mỹ Thủy (đường Vành đai 2), đi dọc đường Nguyễn Thị Định, vượt sông Đồng Nai. Phương án 2 có hướng tuyến từ nút giao trên đường vành đai 2, cách đường dẫn cầu Phú Mỹ 1km và cách nút giao Mỹ Thủy 2,3km; cầu đi dọc nhánh rạch Kỳ Hà, vượt sông Đồng Nai, sang xã Phú Hữu (H.Nhơn Trạch), sau đó kết nối đường cao tốc Bến Lức - Long Thành. Phương án 3 có hướng tuyến cầu bắt đầu từ nút giao trên đường vành đai 2, cách cầu Ba Cua khoảng 300m; tuyến đi thẳng vào cổng C cảng Cát Lái, vượt sông Đồng Nai sang xã Đại Phước (H.Nhơn Trạch) sau đó rẽ phải đi trùng đường tỉnh 25B, nối đường cao tốc Bến Lức - Long Thành. Phương án 4 có điểm đầu trên đường trục Bắc - Nam, qua Rạch Dĩa, cắt đường Nguyễn Lương Bằng và đi trùng với đường Hoàng Quốc Việt, cắt đường Huỳnh Tấn Phát, vượt sông Đồng Nai sang 2 xã Phú Hữu, Phú Đông (H.Nhơn Trạch) sau đó rẽ phải đi trùng đường quy hoạch kết nối đường cao tốc Bến Lức - Long Thành tại cuối dự án. Phương án 5 có điểm đầu tuyến nằm trên trục đường Bắc - Nam, vượt qua Rạch Dĩa, đi theo đường trục quy hoạch kho B, cắt đường Huỳnh Tấn Phát, đi qua Kho xăng dầu Nhà Bè, vượt sông Đồng Nai sang 2 xã Phú Hữu, Phú Đông (H.Nhơn Trạch), sau đó rẽ phải đi trùng đường quy hoạch và nối đường cao tốc Bến Lức - Long Thành tại cuối dự án.

Tháng 5-2017, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chấp thuận bổ sung Quy hoạch phát triển GT-VT TP.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 theo đề nghị của Bộ GT-VT. Theo đó, đồng ý xây cầu thay thế phà Cát Lái, vị trí tại Q.2 (nay là TP.Thủ Đức) và H.Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai) vượt sông Đồng Nai. Đến tháng 8-2019, Thủ tướng Chính phủ có văn bản chính thức đồng ý giao UBND tỉnh Đồng Nai là cơ quan nhà nước có thẩm quyền triển khai thực hiện dự án xây dựng cầu Cát Lái thay thế phà hiện hữu.

Mới đây nhất, vào ngày 1-7, Sở GT-VT TP.HCM đã có đề nghị Văn phòng UBND TP.HCM sớm tham mưu lãnh đạo thành phố xem xét đề xuất 5 phương án xây cầu thay phà Cát Lái.

Trước đó, vào ngày 25-5, Sở GT-VT TP.HCM cũng đã có văn bản gửi UBND thành phố về việc phương án đầu tư xây dựng cầu thay phà Cát Lái. Trong đó, Sở GT-VT TP.HCM đã có đánh giá về các phương án nghiên cứu cầu thay phà Cát Lái.

Cụ thể, Sở GT-VT TP.HCM đánh giá phương án 4 là phương án có nhiều ưu điểm như: tạo mạng lưới kết nối giao thông mới, thu hút lưu lượng giao thông từ trung tâm thành phố, biển Cần Giờ thông qua tuyến metro số 4 và các tuyến trục chính giao thông hướng tâm như: đường Nguyễn Hữu Thọ, Nguyễn Lương Bằng, đi qua H.Nhơn Trạch, cảng hàng không quốc tế Long Thành và ngược lại, phù hợp định hướng.

Sở Quy hoạch - kiến trúc TP.HCM cũng đánh giá phương án 4 có tính khả thi trong việc nghiên cứu điều chỉnh các quy hoạch liên quan trên địa bàn, đồng thời một phần đường dẫn phía TP.HCM đi qua khu đất trống nên thuận lợi trong công tác giải phóng mặt bằng.

* Sẽ phải điều chỉnh nhiều quy hoạch

Trong khi Sở GT-VT TP.HCM đánh giá phương án 4 có nhiều ưu điểm thì trước đó, theo báo cáo phương án đầu tư xây dựng cầu thay phà Cát Lái của đơn vị tư vấn là Tổng công ty Tư vấn thiết kế GT-VT (TEDI) cho rằng phương án 2 có nhiều ưu điểm hơn.

Cụ thể, theo TEDI, phương án 2, cầu Cát Lái có tổng chiều dài toàn tuyến hơn 10,6km, trong đó chiều dài cầu hơn 3,5km. So với quy hoạch đã được duyệt, dự án phải dịch về hạ lưu so với vị trí quy hoạch nên phải điều chỉnh quy hoạch TP.Thủ Đức, quy hoạch vị trí cầu Cát Lái.

Phương án này có ưu điểm là chia sẻ được lưu lượng và giảm tải cho đường Nguyễn Thị Định; khoảng cách từ cuối tuyến tới trung tâm TP.HCM (Q.1) gần nhất, khoảng 20km; không ảnh hưởng đến Tân cảng Cát Lái; không tạo thêm kết nối; đảm bảo tính chất cầu thay phà; diện tích giải phóng mặt bằng ít nhất (39,2ha khi không kết nối với đường ven sông và 42,9ha khi có kết nối với đường ven sông); tổng mức đầu tư thấp nhất, khoảng 9 ngàn tỷ đồng. Do đó, TEDI đề xuất lựa chọn phương án 2 để đầu tư xây dựng cầu Cát Lái.

Đối với phương án 4, TEDI đánh giá vị trí dự án cách quá xa so với quy hoạch nên sẽ phải thực hiện điều chỉnh quy hoạch H.Nhà Bè, Q.7 và quy hoạch vị trí cầu Cát Lái. Cũng theo phương án này, dự án có hướng tuyến đi dưới 5 tuyến điện cao thế từ 110-220KV, ảnh hưởng tới khu xử lý nước thải, cảng Phú Hữu, khu dân cư dọc tuyến. Đồng thời, do có vị trí quá xa với quy hoạch nên phương án này cũng không đảm bảo giá trị của cầu thay phà Cát Lái.

Về giải phóng mặt bằng, phương án 4 cũng có diện tích cần giải phóng mặt bằng lớn hơn với khoảng gần 53ha. Tổng mức đầu tư của phương án 4 hơn 10 ngàn tỷ đồng, lớn hơn so với phương án 2.   

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật