Nhiều dự án chưa tiêu được đồng nào nhưng vẫn đề nghị ‘rót’ thêm 100 tỉ đồng

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Gần 20 dự án đầu tư công ở Hà Nam, Sơn La, Cần Thơ, Nghệ An… có tỉ lệ giải ngân rất thấp, thậm chí chưa tiêu được đồng nào dù đã hết nửa năm. Tuy nhiên, mỗi dự án được Bộ Kế hoạch và đầu tư đề xuất bổ sung vài chục đến cả trăm tỉ đồng.
Nhiều dự án chưa tiêu được đồng nào nhưng vẫn đề nghị ‘rót’ thêm 100 tỉ đồng
Nhiều dự án đường giao thông có tỉ lệ giải ngân rất thấp, thậm chí có dự án đến hết tháng 6 mà chưa tiêu được đồng nào nhưng vẫn đề nghị ‘rót’ thêm từ vài chục đến cả trăm tỉ đ

Theo đề nghị của Văn phòng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc vừa có văn bản trả lời phiếu lấy ý kiến thành viên Chính phủ về danh mục và các mức vốn dự kiến bố trí cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội năm 2022.

Theo đó, về đề xuất của địa phương điều chỉnh kế hoạch năm 2022, lãnh đạo Bộ Tài chính cho rằng đến tháng 6, nhiều dự án giải ngân đạt tỉ lệ thấp nhưng vẫn được đề xuất bổ sung kế hoạch đầu tư công nguồn ngân sách trung ương.

Cụ thể: dự án đầu tư xây dựng khu du lịch quốc gia Mộc Châu - Sơn La (tỉnh Sơn La) và dự án đầu tư xây dựng tuyến đường kết nối từ quốc lộ 38 đến đê sông Hồng (thuộc tỉnh Hà Nam) đều chưa giải ngân được đồng nào, song Bộ Kế hoạch và đầu tư đề xuất bổ sung cho 2 dự án này là 100 tỉ đồng và 60 tỉ đồng.

Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường 482 kết nối quốc lộ 1A với quốc lộ 10, quốc lộ 12B (tỉnh Ninh Bình) có tỉ lệ giải ngân chỉ đạt 1,6%. Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và đầu tư đề xuất bổ sung 100 tỉ đồng.

Một loạt dự án trên địa bàn Cần Thơ cũng có tỉ lệ giải ngân rất thấp nhưng cũng được Bộ Kế hoạch và đầu tư đề xuất bổ sung vốn 100 tỉ đồng/dự án. 

Chẳng hạn, dự án đường tỉnh 918 (giai đoạn 2) có kế hoạch vốn là 100 tỉ đồng, nhưng giải ngân mới được 8%. Đường tỉnh 921 cũng giải ngân được 5,68% vốn kế hoạch; dự án xây dựng và nâng cấp mở rộng đường tỉnh 917 giải ngân mới được 10,6%.

2 dự án trên địa bàn tỉnh Nghệ An là đường nối quốc lộ 1C (Đô Lương) đến đường Hồ Chí Minh (Tân Kỳ) giải ngân được 3,28% kế hoạch; dự án đường nối Vinh - Cửa Lò (giai đoạn 2) chưa giải ngân. Bộ Kế hoạch và đầu tư đề xuất bổ sung cho mỗi dự án 100 tỉ đồng.

Dự án đường kết nối quốc lộ 53 với đường cây ăn trái mới giải ngân được 7,6% nhưng Bộ Kế hoạch và đầu tư đề xuất bổ sung 65 tỉ đồng…

Từ tình hình trên, để đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn, tránh việc bố trí vốn nhưng không giải ngân hết kế hoạch năm nay, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Kế hoạch và đầu tư phối hợp với các địa phương rà soát, cam kết giải ngân hết 100% kế hoạch vốn được giao mới đề xuất bổ sung vốn mới.

Hôm 18-8, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và đầu tư chuyển những nội dung góp ý trên của Bộ Tài chính và đề nghị Bộ Kế hoạch và đầu tư xử lý theo quy định.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật