Tết cận kề, nhiều công nhân vẫn loay hoay trong cảnh ‘giáp hạt’

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Đồng lương công nhân ít ỏi, làm tháng nào trang trải tháng đó nên đa số không có tích lũy. Do đó chỉ cần giảm giờ làm, mất việc, ốm đau... xảy ra là khó khăn, phải chạy vạy vay mượn. Đáng buồn là cảnh đó đang xảy ra với nhiều công nhân.
Tết cận kề, nhiều công nhân vẫn loay hoay trong cảnh ‘giáp hạt’
viện Công nhân Công đoàn khảo sát trên 6.200 công nhân ở ba miền - Đồ họa: TẤN ĐẠT

Tết cận kề và đây là cái Tết thứ hai đời sống công nhân lâm vào cảnh khó khăn. Để vượt qua mùa "giáp hạt", công nhân phải cắt giảm chi tiêu, doanh nghiệp cố gắng duy trì việc làm dù ít ỏi.

Lay lắt bám trụ

Giờ tan ca, khu trọ khoảng 90 phòng ở xã Trung An, huyện Củ Chi (TP.HCM) không còn nườm nượp công nhân đi làm về như trước. Khu trọ với mấy dãy phòng dài hun hút vắng phân nửa vì nhiều người đã về quê sau khi công ty cho nghỉ việc vì thiếu đơn hàng.

Anh Khánh - người quản lý khu trọ - giọng rầu rầu: "Phòng trống nhiều lắm. Sau dịch người ta lên cũng kha khá. Thế nhưng từ tháng 7, tháng 8 tới giờ nhiều công ty cắt giảm nhân công, người ta lại trả phòng. Cũng không biết họ đi đâu. Người thì về quê, người kiếm việc nơi khác thì thuê chỗ khác".

Chị Nguyễn Thị Đến (41 tuổi, quê Bạc Liêu) hiếm khi có mặt ở phòng vào tầm 4h chiều, nhưng hôm nay chị nghỉ phép năm nên ở phòng trọ cả ngày.

"Công ty cho nghỉ một lượt những người mới ký hợp đồng chưa đủ một năm. Tôi cũng mới vào công ty làm bảy tháng nhưng may mắn được giữ lại vì công ty xét hoàn cảnh khó khăn và ưu tiên cho tôi, nếu không cũng không biết xoay xở như thế nào", chị Đến kể.

Cho nghỉ một lượt nhưng công ty vẫn khó khăn, đơn hàng vẫn không đủ, nhà máy vẫn cho công nhân nghỉ phép năm và mới đầu tuần trước đã thông báo để công nhân bắt đầu nghỉ làm ngày thứ bảy. Công việc dẫu vẫn còn nhiều khó khăn, thu nhập giảm 2 - 3 triệu đồng so với bình thường, đến giờ chỉ chừng gần 6 triệu đồng/tháng nhưng với chị Đến là "vẫn còn may mắn hơn những người bị mất việc".

Chị Đến là mẹ đơn thân có ba đứa con, hai đứa mười chín, đôi mươi đều đã nghỉ học đi làm công nhân, đứa nhỏ thì mới lớp 5. Sau đợt dịch đi qua, cả ba mẹ con đi làm công nhân nuôi nhau nhưng rồi đùng một cái con gái chị Đến bị tông xe, lái xe bỏ chạy.

"Con bị thương nằm ở đường, tôi chạy ra đưa con vào viện, chi phí hết 40 triệu đồng phải vay mượn khắp mọi nơi. Rồi từ đó đến nay cũng đã tính bằng năm nhưng con vẫn chưa đi lại bình thường để đi làm được", chị Đến kể.

Cùng dãy trọ với chị Đến, vợ chồng chị N.K.T. (42 tuổi) cũng chật vật xoay xở khi công ty cắt giảm nhân công. "Sau đợt dịch, hai vợ chồng cùng vào làm một lượt, rồi công ty thông báo thiếu đơn hàng, nghe nói sắp tới sẽ không còn đơn nên cho cắt giảm những người hợp đồng dưới một năm.

Mà công ty xét nhà tôi có hai người, nghỉ một lượt chịu không thấu nên giữ lại một người. Công ty gần dãy trọ, tôi lại không biết chạy xe nên chồng "nhường" cho tôi làm. Ảnh đi kiếm việc làm mới nhưng kiếm hoài không được nên tạm về quê rồi. Ở quê, ảnh cũng chưa tìm được việc mần", chị T. kể.

Mất việc, về quê rau cháo qua ngày

Những người nghỉ việc cùng đợt với chồng chị T. hầu như cũng đều đã về quê, chỉ còn vài người bám trụ để ráng kiếm việc làm mới. Anh Đoàn Văn Nhơn - công nhân cũ Công ty TNHH Việt Nam Samho (Củ Chi) - đã nghỉ việc hơn tháng và cũng loay hoay đi tìm việc nhưng vẫn chưa có việc.

"Hồi tháng 3 năm nay xin vào làm được ở công ty này, lúc đó cả hai vợ chồng mừng lắm. Nhưng mà chưa được mấy tháng thì công ty thiếu đơn hàng nên cho nghỉ", anh Nhơn chia sẻ.

Còn chị Trần Thị Bổng, ngụ xã Lạc Quới, huyện Tri Tôn, An Giang, do mất việc, đã về nhà hơn một tháng nay. Dù về quê rau cháo qua ngày nhưng chị Bổng vẫn canh cánh nỗi lo thiếu trước hụt sau. Chị Bổng đã có gần tám năm làm tại công ty may mặc ở Bình Dương nhưng gần đây thiếu đơn hàng xuất khẩu nên công ty giảm giờ làm nên chị đã về quê.

Về quê nhưng chị Bổng vẫn kêu bạn bè tạm ứng đóng tiền nhà trọ hằng tháng ở Bình Dương, mong khi nào có việc đột xuất sẽ quay lại làm ngay.

Tương tự, anh Lý Công Danh, ngụ phường 9, TP Cà Mau, cho hay anh đã lên Khu công nghiệp 2 thuộc tỉnh Đồng Nai làm nhiều nghề, nhiều công ty khác nhau. "Trước đây tôi thường làm ca 12 - 14 giờ/ngày đêm, có thu nhập 12 - 14 triệu đồng/tháng. Trừ các khoản chi phí ăn ở thì dư ra được khoảng 7 triệu đồng", anh Danh nói.

Tuy nhiên, những tháng gần đây công ty anh Danh làm công nhân thường xuyên giảm giờ làm xuống còn 8 giờ/ngày đêm.

Từ đó thu nhập của anh cũng tụt xuống còn 4,5 triệu đồng/tháng. Không thể sống nổi với mức lương thấp, anh Danh đã liên hệ với nhiều công ty khác nhưng cũng không có việc nên đành về quê, đợi qua Tết sẽ trở lại Đồng Nai tiếp tục xin việc.

Đa số những công nhân bị mất việc đều hiểu được cái khó của công ty và chỉ ước mong công ty có đơn hàng để sớm gọi đi làm lại. "Công ty không có đơn hàng thì phải cho nghỉ. Mà công nhân ai nghỉ cũng khó như ai.

Nghỉ việc tháng trước, tháng sau chưa đi làm được là phải vay mượn. Giờ chỉ mong công ty cũ sớm có nhiều đơn hàng, thâu nhận lại công nhân cũ để tôi được đi làm lại", anh Đoàn Văn Nhơn bày tỏ và ước mong như bao công nhân khác.

Người lao động tại huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang nghe tư vấn giới thiệu việc làm do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh tổ chức - Ảnh: MINH KHANG

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật