Nghiên cứu khoa học sai lầm vì ảnh chụp cá mập đồ chơi

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Một tấm ảnh chụp cá mập yêu tinh đăng trên mạng từng được dùng làm bằng chứng khoa học, nhưng mới đây đã bị phát hiện chỉ là đồ chơi hình cá mập.
Nghiên cứu khoa học sai lầm vì ảnh chụp cá mập đồ chơi
Cá mập yêu tinh trong tấm ảnh giả (A) và cá mập yêu tinh thật (B). Ảnh: Gizmodo.

Tháng 5/2022, tạp chí khoa học Mediterranean Marine Science công bố nghiên cứu về ảnh chụp mẫu vật của cá mập yêu tinh trưởng thành đã chết trên một bờ biển ở Hy Lạp. Nghiên cứu này gây chấn động vì là lần đầu tiên loài cá mập sống dưới biển sâu được phát hiện ở vùng biển Địa Trung Hải.

Trong bài nghiên cứu, các nhà khoa học cho biết họ nhận được tấm ảnh chụp tiêu bản cá mập từ một người dân. Họ chưa hề tận mắt nhìn thấy chú cá mập yêu tinh đã chết này.

Tuy nhiên, theo điều tra và phỏng vấn các chuyên gia trong ngành của Gizmodo, tấm ảnh này có thể chỉ là trò lừa đảo.

Họ cho rằng đây chỉ ảnh chụp đồ chơi hình cá mập. Nếu nghi ngờ này đúng, đây sẽ là một huyền thoại trong lịch sử “khoa học cộng đồng” (citizen science) bởi khả năng làm giả tinh vi, đánh lừa cả những chuyên gia trong ngành, Gizmodo nhận định.

Qua mắt cả những nhà khoa học

Theo trang tin, cá mập yêu tinh là một sinh vật hiếm, ít khi được bắt gặp trong tự nhiên. Theo NOAA (Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ), chỉ có khoảng 10 người trong thập kỷ trước từng nhìn thấy cá mập yêu tinh.

Chúng sống rải rác khắp nơi trên thế giới, từ Đại Tây Dương, Thái Bình Dương đến Ấn Độ Dương. Tuy nhiên, từ trước đến nay vẫn chưa có bằng chứng khoa học nào cho thấy cá mập yêu tinh sống ở biển Địa Trung Hải.

Phần vây được cho là kỳ lạ khi xuất hiện rất nhiều nếp nhăn. Ảnh: Matthew McDavitt.

Sau khi nghiên cứu về mẫu vật cá mập yêu tinh công bố trên tạp chí Mediterranean Marine Science, tháng 11/2022, một nhóm các nhà khoa học đã đặt nghi vấn về tính chính xác của kết luận trước đó.

“Đào sâu phân tích về tấm ảnh, chúng tôi càng nghi ngờ về độ xác thực của nó”, các nhà khoa học viết. Họ còn liệt kê 10 lý do họ nghi ngờ từ hình dáng bộ răng, những vết cắn xuất hiện trên mẫu vật được chụp, cho đến số lượng mang, hình dạng vây bất hợp lý cùng với những thông tin sơ sài của bài báo khoa học.

Sau đó, tháng 1/2023, các tác giả gốc đã phản bác bằng một bài viết khác, chống lại từng lập luận một của họ. “Theo tôi, đây chỉ là mẫu cá mập giả”, nhà nghiên cứu cá mập độc lập Jũrgen Pollerspock nói với Gizmodo.

Ông nói rằng đã nhận ra sự kỳ lạ của chú cá mập ngay từ cái nhìn đầu tiên. Những động vật bị mắc cạn thường xuất hiện vết thương hoặc dấu hiệu phân hủy nhưng chú cá này thì không như vậy.

Ông chỉ ra rằng trong bài báo gốc, các nhà nghiên cứu đã phân tích một mẫu vật cá mập yêu tinh thông thường dài khoảng 80 cm.

Nhưng trong bài phản bác tháng 1/2023, họ lại nói rằng người dân phát hiện mẫu vật ước tính tổng chiều dài của nó là 17-20 cm và cho rằng mẫu vật có thể chỉ là cá mập con. Theo Pollerspock, chiều dài 20 cm không thể là cá mập yêu tinh dù là chưa trưởng thành hay đã lớn.

Mọi bí ẩn đã được giải đáp: Cá hiếm hóa ra chỉ là cá đồ chơi

Ngoài cuộc thảo luận giữa các nhà khoa học, trên Internet cũng rộ lên nhiều bàn luận liên quan đến chú cá mập yêu tinh đáng ngờ này. Nhà sinh vật học David Shiffman đã đăng 2 bài viết dài trên trang Twitter cá nhân.

Trong một bài viết, ông đính kèm đường dẫn đến trang eBay bán mô hình cá mập yêu tinh trông rất giống với tấm ảnh. Nhà sinh vật học Andrew Thaler cũng đồng ý với điều này. “Mọi bí ẩn đã được giải đáp. Hóa ra nó chỉ là đồ chơi hình cá mập”, ông viết trên trang Twitter riêng.

Chú cá đồ chơi giống với tấm ảnh gốc trong bài nghiên cứu. Ảnh: eBay.

Nhiều người yêu thích cá mập cũng bình luận bên dưới bài viết của Shiffman, nói rằng họ thấy tấm ảnh chụp chú cá mập rất giống cá đồ chơi. Matthew McDavitt, luật sư thương mại đồng thời là nhà nghiên cứu độc lập về cá mập, đã tổng hợp tất cả hình ảnh so sánh mẫu vật đăng trên tạp chí khoa học và hình ảnh trên eBay.

“Tấm ảnh gốc nhìn rất giả”, McDavitt nói với Gizmodo. Ông nói rằng phần mỏ, miệng và đuôi cá không hề giống với những gì ông hiểu biết về loài cá mập yêu tinh. Ông cũng đồng ý với nghi ngờ của Pollerspock về kích thước chú cá.

“Tôi nghĩ đây chỉ là cá đồ chơi đã bị hỏng”, Joana Sipe, nhà nghiên cứu về vật liệu nhựa tại Đại học Duke, nói với Gizmodo. Cô cho biết có rất nhiều chi tiết đáng nghi, cho thấy rằng đây chỉ là một vật liệu được làm từ nhựa.

Ảnh so sánh chú cá trong ảnh với cá đồ chơi. Ảnh: Matthew McDavitt.

Cô đồng ý rằng vết tích xuất hiện cạnh phần miệng rất có thể là đường nối các mảnh nhựa với nhau khi sản xuất. Còn những đốm màu mà mọi người cho là cát có thể là phần màu sơn bị dư dính vào chú cá đồ chơi.

Bên cạnh đó, dấu hình chữ L trên đuôi cá lại trông rất giống vết in màu. Độ rũ của đuôi và mỏ cá, độ phai màu trên chú cá cũng có thể là do nhiệt độ ảnh hưởng hay bị cũ qua thời gian, Joana Sipe cho biết.

McDavitt cho biết đây không phải là lần đầu tiên một tấm ảnh giả xuất hiện và được sử dụng làm bằng chứng trong các nghiên cứu khoa học về cá.

Trước đó, một bức ảnh chụp cá vẩu châu Phi (wedgefish) quý hiếm xuất hiện ở bờ biển đảo São Tomé đã bị phát hiện là thiếu chính xác. Loài cá này chưa bao giờ xuất hiện ở đảo São Tomé. Trên thực tế, chú cá trong tấm ảnh chỉ là một loài khác thuộc họ cá vẩu và được chụp ở một công viên thủy sinh tại Bồ Đào Nha.

Theo McDavitt, những sai lầm như vậy sẽ ảnh hưởng xấu đến các nhà nghiên cứu. Đơn cử như bức ảnh cá vẩu thiếu xác thực đã dẫn đến một cuộc thám hiểm ở São Tomé nhằm tìm ra những chú cá khác thuộc giống loài quý hiếm này. Nhưng kết quả chỉ là con số 0.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật