Bất chấp tin mừng từ Credit Suisse, cổ phiếu ngân hàng Mỹ vẫn lao dốc

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Cổ phiếu ngân hàng First Republic của Mỹ đã giảm tới 50% hôm 20/3 do lo ngại rằng tổ chức này sẽ cần một cuộc giải cứu thứ hai để duy trì hoạt động, đánh bật đà phục hồi của cổ phiếu ngân hàng có được do việc mua lại Credit Suisse của Tập đoàn UBS.
Bất chấp tin mừng từ Credit Suisse, cổ phiếu ngân hàng Mỹ vẫn lao dốc
Sự hỗn loạn tại First Republic đã làm lu mờ một ngày tích cực đối với các cổ phiếu ngân hàng trên toàn cầu. Ảnh: AFP

Chưa đầy một tuần sau khi một nhóm ngân hàng lớn của Mỹ bơm 30 tỷ USD tiền gửi vào First Republic, các nhà đầu tư vẫn tỏ ra lo ngại rằng việc truyền vốn này sẽ là không đủ. Cơ quan xếp hạng S&P Global cũng đã hạ cấp tín dụng sâu hơn đối với First Republic hôm 19/3, là lần thứ 2 chỉ trong 1 tuần, với lý do rủi ro thanh khoản.

Wall Street Journal dẫn nguồn thạo tin cho biết, Giám đốc điều hành của JPMorgan Chase & Co, Jamie Dimon, đang dẫn đầu các cuộc đàm phán với các ngân hàng lớn khác về những nỗ lực mới nhằm ổn định First Republic bằng một khoản đầu tư khả thi vào người cho vay.

Sự hỗn loạn tại First Republic đã làm lu mờ một ngày tích cực đối với các cổ phiếu ngân hàng trên toàn cầu, khi các nhà đầu tư tưởng như đã trở nên nhẹ nhõm hơn sau khi UBS Group AG tiếp quản Credit Suisse Group AG 167 năm tuổi, giúp ngăn chặn một cuộc khủng hoảng rộng lớn hơn.

Thỏa thuận trị giá 3 tỷ franc (3,2 tỷ USD) cho ngân hàng Thụy Sĩ Credit Suisse đã được các nhà quản lý Thụy Sĩ công bố hôm 19/3. Cổ phiếu ngân hàng châu Âu hôm 20/3 đã có dấu hiệu hồi phục sau những thua lỗ gần đây, trong khi ở Phố Wall, chỉ số ngân hàng S&P 500 phục hồi 0,6%.

Tình trạng hỗn loạn bao trùm các ngân hàng trong tuần qua được kích hoạt bởi sự sụp đổ của các ngân hàng cho vay cỡ trung ở Mỹ là Silicon Valley và Signature, nhanh chóng khiến Credit Suisse của Thụy Sĩ sa lầy theo do các nhà đầu tư lo lắng về những "quả bom hẹn giờ" khác trong hệ thống ngân hàng.

Với những lo lắng xung quanh việc nới lỏng tín dụng Credit Suisse, sự chú ý hiện đang chuyển sang Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) - cơ quan đang dẫn đầu việc tăng lãi suất không ngừng để kiềm chế lạm phát, được tin là nguyên nhân gây ra tình trạng hỗn loạn với ngân hàng lúc này. Fed được kỳ vọng sẽ tạm dừng chu kỳ tăng lãi suất của mình trong cuộc họp chính sách tuần này nhằm đảm bảo sự ổn định tài chính.

Các nhà hoạch định chính sách từ Washington đến châu Âu đã nhấn mạnh rằng tình trạng hỗn loạn hiện nay khác với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 15 năm trước, khi mà các ngân hàng hiện đã được vốn hóa tốt hơn và nguồn vốn sẵn có dễ dàng hơn.

Trong một phản ứng toàn cầu chưa từng thấy kể từ đỉnh điểm đại dịch Covid-19, Fed cho biết họ đã cùng với các ngân hàng trung ương ở Canada, Anh, Nhật Bản, khu vực đồng euro và Thụy Sĩ phối hợp hành động để tăng cường tính thanh khoản bằng đồng USD của thị trường, hòng ngăn chặn sự lo lắng của ngành ngân hàng có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng lớn hơn.

Vẫn còn một vấn đề với trường hợp giải cứu Credit Suisse là việc trái phiếu do các ngân hàng lớn của châu Âu phát hành đã giảm sau khi một số trái chủ của Credit Suisse bị xóa sổ trong thỏa thuận tiếp quản của UBS, mặc dù cổ phiếu của UBS đóng cửa tăng 1,3% - phục hồi từ mức sụt giảm 16% - do lo ngại về lợi ích lâu dài của thỏa thuận và triển vọng đối với Thụy Sĩ, vốn được coi là hình mẫu của lĩnh vực ngân hàng lành mạnh.

S&P cho biết triển vọng của họ đối với UBS đã được sửa đổi thành "tiêu cực" do rủi ro thực thi, nhưng vẫn khẳng định xếp hạng của nó. Trong khi đó, 2 đảng chính trị lớn nhất của Thụy Sĩ đã chỉ trích gay gắt việc tiếp quản Credit Suisse, nói rằng sự hỗ trợ khổng lồ của nhà nước - có thể lên tới 280 tỷ USD - đã tạo ra những rủi ro to lớn cho quốc gia này.

"Đó là một phát súng cảnh báo cho Thụy Sĩ về việc có các ngân hàng quá lớn" - Roger Nordmann, lãnh đạo Đảng Dân chủ Xã hội tại Quốc hội Thụy Sĩ, bình luận.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật