Giải mã “khu vườn kỳ lạ” ở Đức Hòa, Long An: Niềm tin giúp một số người chiến thắng bệnh tật

Vista Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
PGS.TS Nguyễn Hữu Đức - Giảng viên ĐH Y Dược TPHCM (một người am tường về dụng thuật tâm lý trong điều trị) khẳng định, nguyên lý chung là “niềm tin có thể chữa được bệnh”. Tuy nhiên, với những bệnh mà y học hiện đại đã nghiên cứu kỹ lưỡng, đưa ra khái niệm phải tận dụng “thời gian vàng chữa trị” thì người bệnh cần tuyệt đối tuân thủ để y học can thiệp kịp thời
Giải mã “khu vườn kỳ lạ” ở Đức Hòa, Long An: Niềm tin giúp một số người chiến thắng bệnh tật
Nhiều người đang thư giãn ngoài vườn. Ảnh: Thanh Giang

“Hào quang” là do chụp ngược sáng

Từ TPHCM xuôi theo QL22 rẽ vào tỉnh lộ 8, chỉ 2 giờ đồng hồ chạy xe gắn máy, chúng tôi đến “khu vườn kỳ lạ” ở Đức Hòa. Người đầu tiên chúng tôi gặp ở đây là ông N.V.T, một người gốc Vũ Thư (Thái Bình) đang sinh sống tại Hà Nội. Ông là cán bộ đã nghỉ hưu, tìm đến “khu vườn kỳ lạ” này để cải thiện sức khỏe gần 2 năm qua. Ông T hiện là “thủ lĩnh” của Tổ Tự quản khu vườn, bao gồm một số tổ viên khác cũng là những người đồng cảnh.

Ông T chia sẻ: “Chúng tôi tự thu xếp mọi việc trong vườn, từ vận động mọi người giữ gìn vệ sinh, hướng dẫn người mới cách thức lấy nước, tổ chức giao lưu chia sẻ kinh nghiệm chữa bệnh vào sáng thứ Năm hàng tuần… Tóm lại là vận hành mọi hoạt động trong khu vườn. Gia chủ không thu đồng nào từ người đến đây chữa bệnh”.

“Ở đây, tôi thấy khỏe hơn. Chưa bàn đến chuyện kỳ lạ gì, chỉ với khí hậu trong lành hơn ở Hà Nội là thấy dễ chịu nhiều rồi. Tôi đã cắt hết lá gan bên phải, lại bị xẹp mấy đốt xương sống, người cứ yếu quặt, vào đây lại thấy khỏe ra nên cứ ở đây thôi”, ông T cho biết thêm.

Thời điểm “khu vườn kỳ lạ” mở cửa là 6h sáng, đóng cửa lúc 17h45. Lúc chúng tôi tới đã thấy khoảng 50 người trong vườn. Một số người trải chiếu ngồi dưới gốc cây, một số người ngồi trong ngôi nhà ở vị trí trung tâm khu vườn. Hành lang bên hông nhà tráng xi măng, cũng sạch bóng, đang có người đàn ông trung niên ngồi bấm điện thoại. Sau vài lời chào hỏi, chúng tôi biết anh tên là Bình, đưa vợ bị ung thư lợi từ Hà Nội vào đây được hơn 9 tháng với hy vọng hồi phục sức khỏe. “Sức khỏe vợ tôi chưa có tiến triển gì cụ thể, vẫn phải chờ thêm, cái này cũng phải tùy duyên chú ạ. Được cái trước mắt là khi vào đây, tâm lý vợ tôi ổn hơn trước nhiều...", Người chồng nói.

Anh Bình cũng cho chúng tôi xem những hình ảnh anh chụp được bằng điện thoại di động, mà anh muốn kiểm chứng những đồn đại về “hào quang năng lượng” ở khu vườn này. Qua điện thoại của anh, chúng tôi thấy "hào quang" đó chẳng qua là những vầng sáng do chụp ngược nắng mà thôi.

Từ năm 2003, “khu vườn kỳ lạ” đã thu hút nhiều người đến đây với mong muốn hết bệnh, hồi phục sức khỏe. Cao điểm có lúc lên đến 10.000 người/ngày. Tình trạng này buộc chính quyền địa phương phải can thiệp bằng nhiều hình thức nhằm gìn giữ sự bình yên vốn có của vùng quê. Trong một động thái lớn hơn, các đoàn khảo sát nghiên cứu được thành lập từ Trung ương đã tiến hành tìm hiểu để đưa ra chứng cứ khoa học. Các kết luận nghiên cứu cho thấy, đây là khu vườn bình thường như bao khu vườn khác, không có gì đặc biệt.

Giới hạn của niềm tin

Là người từng tham gia đoàn khảo sát “khu vườn kỳ lạ này”, PGS.TS Nguyễn Hữu Đức lý giải: Đối với một số bệnh, niềm tin mạnh mẽ có được bằng cách này hay cách khác đều tốt. Nó sẽ giúp bệnh nhân có thêm nghị lực chống chọi lại bệnh tật. Tuy nhiên, đối với những loại bệnh mà y học hiện đại đã nghiên cứu kỹ lưỡng, đưa ra khái niệm phải tận dụng “thời gian vàng chữa trị” thì bệnh nhân cần tuyệt đối tuân thủ để y học can thiệp kịp thời mới hy vọng có cơ hội sống. Đây chính là giới hạn của “niềm tin có thể chữa được bệnh”.

TS Đức chia sẻ: “Trong trường hợp này, “khu vườn kỳ lạ” dù không hề kỳ lạ đi nữa (theo kết quả nghiên cứu đã được công bố cách đây nhiều năm), nhưng đã giúp được nhiều bệnh nhân hình thành niềm tin trong “cuộc chiến” chống bệnh tật”. Tuy nhiên, TS Đức cũng đưa ra khuyến cáo liên quan đến “khu vườn kỳ lạ” rằng: “Đối với những bệnh nhân cần “thời gian vàng” để điều trị mà lại đến “dưỡng sinh” ở “khu vườn kỳ lạ” với niềm tin khỏi bệnh thì sẽ thất vọng, thậm chí là mất mạng, vì niềm tin trong trường hợp này đã “vượt quá giới hạn” phát huy tác dụng”.

PGS.TS Nguyễn Hữu Đức trong một lần trò chuyện với chúng tôi cũng đã đề cập đến “hiệu ứng Placebo” như một minh chứng mà y học hiện đại đã thừa nhận và khuyến khích chuyên gia y tế vận dụng. “Trong chừng mực nào đó, có thể ghi nhận “hiệu ứng placebo” để giải thích những chuyện liên quan việc chữa bệnh “kỳ lạ” mà nhiều người cho rằng khoa học khó có thể giải thích được”, TS Đức trao đổi. Theo chuyên gia này, “Placebo” có nghĩa là “Tôi làm vui lòng”. Ý nói bác sĩ sẽ tác động đến tâm lý của người bệnh, tạo cho họ sự phấn khởi, tin tưởng là bệnh tình sẽ nhanh khỏi.

TS Đức chia sẻ: “Quá trình điều trị bệnh, bác sĩ có thể cho một số thuốc để khai thác hiệu năng Placebo. Ví dụ, bệnh nhân không cần dùng đến thuốc nhưng lại có tâm lý không thể cưỡng là phải được uống thuốc, bác sỹ có thể cho họ dùng vitamin để khai thác tác dụng tích cực của yếu tố tâm lý. Thuốc trong trường hợp này là chất không có tác dụng chữa bệnh thật sự, được gọi là Placebo. Người bệnh áp dụng Placebo do tin tưởng đó là thuốc thật sự và có thể khỏi bệnh”.

Liên quan đến hiệu ứng Placebo, TS Nguyễn Hữu Đức cho rằng, trong quá trình điều trị bệnh, thầy thuốc thường khai thác tối đa yếu tố tâm lý để giúp quá trình điều trị diễn tiến tốt. Nếu bác sĩ có mối quan hệ tốt với bệnh nhân, cung cách khám, chữa bệnh đúng mực, nói năng nhẹ nhàng, thân tình, giải thích rõ ràng, cặn kẽ sẽ giúp bệnh nhân ổn định về mặt tâm lý, việc điều trị bằng thuốc hoặc bằng phương thức trị liệu nào đó sẽ hiệu quả hơn nhiều! Thực tế đã chứng minh, có một số phương thức điều trị không cần dùng thuốc mà dựa hẳn vào yếu tố tâm lý như thôi miên, thiền định... vẫn giúp người bệnh ổn định tâm lý, từ đó nhiều người khỏe hẳn.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật