Trồng nhiều lúa vẫn nghèo: Tổ chức lại liên kết sản xuất, tiêu thụ

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng sản xuất lúa trọng điểm của cả nước, tuy nhiên việc liên kết sản xuất còn nhiều bất cập nên người nông dân và doanh nghiệp chưa tìm được tiếng nói chung để cùng chia sẻ lợi ích cũng như rủi ro trong sản xuất, kinh doanh... Mặc dù trồng nhiều lúa, nhưng đời sống của người nông dân vẫn gặp nhiều khó khăn.
Trồng nhiều lúa vẫn nghèo: Tổ chức lại liên kết sản xuất, tiêu thụ
Thu hoạch lúa vụ Đông Xuân 2019 tại TP. Cần Thơ. Ảnh: H.C

Đó là vấn đề đặt ra cho các ngành chức năng cùng nhau tháo gỡ khó khăn, giúp nâng cao thu nhập cho người nông dân và hướng đến một nền nông nghiệp bền vững, được đề cập tại Diễn đàn khuyến nông @ nông nghiệp với chủ đề “Liên kết sản xuất lúa”. Diễn đàn do Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp Cục Trồng trọt, Sở NNPTNT TP.Cần Thơ tổ chức hôm 10.5.

Còn nặng tính hình thức

Ông Trần Văn Khởi - quyền Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho biết: Vùng ĐBSCL có diện tích đất trồng lúa khoảng 1,9 triệu ha, với diện tích gieo trồng hàng năm khoảng 4,2 triệu ha, năng suất bình quân ước đạt 57 tạ/ha. Sản lượng lúa ước đạt 24 triệu tấn, trong đó khoảng 50% cho tiêu dùng nội địa và 50% phục vụ cho xuất khẩu.

Mô hình liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp với hợp tác xã (HTX) và người nông dân (ND) đang phát huy được hiệu quả tích cực. Tuy nhiên việc xây dựng mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa tại các tỉnh ĐBSCL vẫn còn nhiều hạn chế, chưa ổn định, thậm chí có chiều hướng giảm sút trong thời gian gần đây.

Theo thống kê của Cục Trồng trọt, trong năm 2018 cả nước có 6.800 mô hình với khoảng 1 triệu ha diện tích liên kết. Nổi bật là mô hình “Cánh đồng lớn” trên cây lúa diện tích hơn 516.000ha, với 619.000 hộ tham gia.

Riêng vùng ĐBSCL, “Cánh đồng lớn” liên kết sản xuất lúa có khoảng 380.000ha, chiếm 9,2% diện tích gieo trồng lúa của vùng. Theo tính toán, ở ĐBSCL, mỗi ha lúa tham gia “Cánh đồng lớn” có thể giảm chi phí sản xuất từ 10-15%, sản lượng tăng từ 20-25%, thu lãi thêm 2,2-7,5 triệu.

Tuy nhiên, hiện nay việc hợp tác, liên kết sản xuất lúa nói chung và "Cánh đồng lớn" nói riêng ở nhiều nơi vẫn còn mang tính hình thức nên chưa thu hút hộ ND tự nguyện tham gia; đầu ra hạt lúa chưa thật sự ổn định. Hơn nữa, việc liên kết tiêu thụ lúa giữa doanh nghiệp với ND còn lỏng lẻo, chưa tìm được tiếng nói chung để cùng chia sẻ lợi ích cũng như rủi ro trong sản xuất, kinh doanh...

Nông dân ĐBSCL thu hoạch lúa. Ảnh: H.C

Theo đại diện Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, việc phát triển HTX liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa gạo gắn với với truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu là hướng đi tất yếu trong nền sản xuất nông nghiệp hiện đại.

“Tỷ lệ lúa được tiêu thụ qua hợp đồng liên kết còn rất thấp, hầu hết ND vẫn phải bán lúa qua thương lái; ND và doanh nghiệp chưa tìm được tiếng nói chung để cùng chia sẻ lợi ích cũng như rủi ro trong sản xuất, kinh doanh. Tình trạng bẻ kèo, tranh chấp trong mua bán giữa người sản xuất và các đầu mối tiêu thụ chưa dứt.

Nhiều nơi người dân không tuân thủ quy trình kỹ thuật sản xuất của doanh nghiệp yêu cầu. Bên cạnh đó, việc thiếu các tổ chức ND đủ mạnh như các HTX nông nghiệp tham gia vào chuỗi liên kết nên người ND trồng lúa chủ yếu vẫn phải tự sản xuất và bán sản phẩm cho thương lái, chịu nhiều thua thiệt và rủi ro…”- ông Khởi nói.

Cần tổ chức lại liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa

Tại Diễn đàn, nhiều ý kiến cho rằng, để việc hợp tác, liên kết sản xuất lúa thêm hiệu quả và bền vững, thời gian tới, các địa phương cần tiếp tục rà soát điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch chuyển đổi cơ cấu giống lúa sao cho phù hợp với lợi thế, cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu...

Để làm được điều đó, theo ông Nguyễn Tấn Nhơn - Phó Giám đốc Sở NNPTNT TP.Cần Thơ, cần tập trung huy động nguồn lực kiên trì tổ chức lại sản xuất theo hướng hợp tác hóa, xây dựng lại vùng sản xuất, vùng nguyên liệu gắn với doanh nghiệp và thị trường.

“Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ nguồn vốn đầu tư cho phát triển sản xuất có hiệu quả, phát triển công nghệ bảo quản chế biến sau thu hoạch, chế biến sâu; Tạo điều kiện khuyến khích doanh nghiệp liên kết vùng sản xuất theo hướng an toàn ổn định, bền vững; Đảm bảo đầu ra cho ND để ND yên tâm sản xuất, từ đó nâng cao được hiệu quả sản xuất, đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP...”-ông Nhơn nói.

Bà Võ Thị Thanh Vân - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh An Giang chia sẻ kinh nghiệm của địa phương mình, đó là chú trọng thực hiện đồng bộ các giải pháp trọng tâm: Tích cực mời gọi, hỗ trợ các doanh nghiệp có tiềm năng để tham gia đầu tư và ký kết hợp đồng tiêu thụ nông sản.

“Ngoài ra, nên tập trung nâng chất các HTX nông nghiệp hiện có, thành lập mới các HTX nông nghiệp tại các địa bàn có triển khai liên kết theo chuỗi giá trị. Thường xuyên tập huấn cho hộ ND, tổ hợp tác và HTX về các kỹ năng”- bà Vân nhấn mạnh...

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật