Dạy con biết giá trị của lao động và đồng tiền

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Tập cho trẻ biết giá trị của lao động và đồng tiền không chỉ là mối quan tâm của gia đình mà là một đường hướng chung của toàn xã hội, nhất là ở đại học.
Dạy con biết giá trị của lao động và đồng tiền
Ảnh minh họa

Khi tôi đi học ở Mỹ những năm 1950, tôi vô cùng ngạc nhiên thấy mấy chú nhóc 9-10 tuổi không phải con nhà nghèo mà ngày nào cũng đi bỏ báo kiếm tiền túi. Tới mùa Noel, khi lượng thư phát ra tăng gấp 10 bình thường hay hơn nữa thì các học sinh trung học tham gia phát thư. Các em trai lớn còn đi cắt cỏ, làm vườn cho hàng xóm còn các em gái thì đi giữ trẻ.

Các gia đình Mỹ không có người giúp việc. Tối, khi đi chơi hay đi ăn tiệc thì họ thường gọi nữ sinh hay sinh viên tới giữ nhà, trông trẻ rồi trả thù lao theo giờ.

Tôi vừa đến trường thì bà cố vấn sinh viên cho biết: “Em được học bổng toàn phần. Nhưng để làm quen với lao động em phải tự lo tiền túi cho mình. Trong năm học, trường sẽ giới thiệu em đi làm bán thời gian. Đến hè, khi nào không học hè thì em làm toàn thời gian”. Thế rồi như các bạn Mỹ, tôi nếm qua đủ thứ công việc: giữ trẻ, quản gia, bệnh viện, thư viện…

Những ngày đầu ở ký túc xá, tôi vô cùng xấu hổ khi lần đầu tiên giặt áo quần cho bản thân. Qua sự vụng về của tôi, cô phụ trách hiểu, cười tủm tỉm và giúp đỡ tôi, vì tôi chưa bao giờ giặt áo quần. Chăm sóc em bé, phục vụ ăn cho bệnh nhân nặng (có người gần chết), quản lý một đàn con nít quậy phá lại càng khó khăn vất vả hơn.

Có những đêm tôi không ngủ được vì vừa nhắm mắt thì hình ảnh những cụ già hấp hối hiện ra trong đầu. Có khi mệt nhừ sau một ngày giữ trẻ từ 3 đến 6 tuổi. Mùa hè, tôi thường làm việc ở một câu lạc bộ sinh viên quốc tế.

Ở đó, việc rửa chén của các bữa ăn cho 50-70 người là bình thường. Như các sinh viên nước ngoài khác, tôi thành “chuyên gia rửa chén”. Quý nhất là cơ hội học nghề làm thư viện, từ khâu lau bụi đến phân loại sách.

Sau này về nước, nơi nào tôi làm việc tôi cũng thành lập những thư viện nho nhỏ. Sau giải phóng có lúc thư viện thông tin tư liệu suýt trở thành nghề chính của tôi, nếu tôi không may mắn trở lại với nghề chuyên môn khoa học xã hội. Ngoài kiến thức, hơn là những kỹ năng quý báu, hay sự tháo vát, tôi về nước với một nhân cách trưởng thành.

Ngày đầu tiên về nhà, sau bữa cơm gia đình, ba tôi không nói gì về cái bằng cử nhân xã hội học của tôi mà lại nhận xét về sự thay đổi của tôi vì xong bữa, tôi dọn dẹp đâu ra đó như một phản xạ tự nhiên, điều mà tôi không hề quan tâm trước khi rời Việt Nam.

Tôi sống ngăn nắp hơn và đối xử với người giúp việc lễ phép hơn vì tôi đã có kinh nghiệm “đi ở đợ”! Tôi xài tiền biết tính toán và dè xẻn hơn cho đến bây giờ. Tập cho trẻ biết giá trị của lao động và đồng tiền không chỉ là mối quan tâm của gia đình mà là một đường hướng chung của toàn xã hội, nhất là ở đại học.

Khu đại học là một tổ chức toàn diện, không chỉ có trường lớp, thư viện, labo… mà có cả nhà sách, siêu thị, căn-tin, dịch vụ thể thao vui chơi giải trí… Ở những nơi này, ngoài một số ít người phụ trách là nòng cốt, còn lại đa số nhân viên là sinh viên được sắp xếp giờ lao động phù hợp cho từng người.

Ở ta, có thể có người mắc cỡ vì phải làm việc khi đi học vì điều đó chứng tỏ mình thiếu thốn, nhưng xung quanh tôi lúc đó không làm việc mới mắc cỡ vì sợ bị chê cười là bám váy mẹ.

Có lẽ thời đó Mỹ cũng trải qua kinh nghiệm của ta hiện nay. Khi cha mẹ giàu lên mà cưng con quá thì trẻ đâm ra ỉ lại. Thực tế tôi không biết trước đó ra sao nhưng khi qua Mỹ thì tôi thật cảm ơn cuộc đời đã dạy tôi biết giá trị của đồng tiền mà mình có được từ lao động của bản thân. Những kinh nghiệm sống tôi đã trải qua thì không có tiền nào mà mua được. Giáo dục là giúp con mau thành người lớn nhưng không ít cha mẹ quên điều đó và “úm” con mình quá lâu.

Tôi không có con nên không có kinh nghiệm dạy con sử dụng đồng tiền ở các độ tuổi khác nhau. Xin đề nghị các bậc phụ huynh là doanh nhân tham gia chia sẻ kinh nghiệm để dấy lên một diễn đàn thật sôi nổi!

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật