Giải ngân cho dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận: Còn chờ đợi đến bao giờ?

Star Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận được đánh giá là dự án huyết mạch của Đồng Bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL). Qua 10 năm bị trì trệ bởi nhà thầu yếu kém về năng lực, đến khi tập đoàn Đèo Cả được bàn giao lại dự án đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, để hoàn thành đúng tiến độ thông xe trong năm 2020 theo chỉ đạo của Thủ tướng thì các nguồn vốn cần được giải ngân, tiếp cận kịp thời.
Giải ngân cho dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận: Còn chờ đợi đến bao giờ?
Dự án đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận

Dự án đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận có tầm quan trọng đặc biệt vì kết nối 2 trung tâm kinh tế khu vực đồng bằng sông Cửu Long và TP Hồ Chí Minh. Dù Chính phủ rất quan tâm, yêu cầu đẩy nhanh tiến độ xây dựng, quyết tâm thông xe vào cuối năm 2020, nhưng tròn 10 năm kể từ ngày khởi công, những vướng mắc về chủ đầu tư, vốn, thủ tục lặp đi lặp lại, công trình đình trệ, gây lãng phí về cơ hội đầu tư và phát triển của vùng.

Tập đoàn Đèo Cả tiếp nhận, hiệu quả 5 tháng gấp đôi 10 năm trước

Dù được khởi công từ năm 2009 đến nay là 10 năm nhưng tiến độ của dự án chỉ hoàn thành chưa đến 10%. Tháng 3 năm 2019, tập đoàn Đèo Cả được mời tham gia điều hành, quản lý dự án. Với năng lực uy tín và kinh nghiệm điều hành, trong vòng 5 tháng qua tập đoàn Đèo Cả cùng với các nhà thầu thi công đạt gần 30% tiến độ.

Ông Mai Mạnh Hồng - TGĐ dự án BOT Trung Lương – Mỹ Thuận

Ông Mai Mạnh Hồng - TGĐ dự án BOT Trung Lương – Mỹ Thuận cho biết: “Trước khi dự án được tập đoàn Đèo cả tham gia, dự án này mới chỉ thi công được 10%. Đến tháng 8/2019 dự án đã hoàn thành 27, 28%, vượt mức hơn 10 năm trước. Việc triển khai dự án và thực trạng vướng mắc, giải pháp tháo gỡ cho dự án đã được chính phủ và nhà đầu tư phân tích làm rõ, vấn đề còn lại là tiến độ giải ngân nguồn vốn từ ngân sách nhà nước và vốn tín dụng.

Tình hình thực hiện dự án BOT Trung Lương – Mỹ Thuận

Ngân sách Nhà nước chưa xác định được thời gian giải ngân

Sau hơn 3 tháng tái khởi động dự án, các nhà thầu nỗ lực hết sức nhưng vẫn đang gặp nhiều khó khăn. Việc xác định được nguồn vốn cho Dự án từ Ngân sách Nhà nước bao giờ được Quốc Hội thông qua? Nguồn vốn tín dụng từ các ngân hàng bao giờ được định rõ việc thẩm định cho vay? Vẫn đang là những câu hỏi lớn.

Tổng giám đốc Mai Mạnh Hồng cho biết: “Thời gian tới, nếu Dự án không được xác định nguồn vốn thì khả năng chúng tôi sẽ xác điểm dừng để đề nghị tỉnh Tiền Giang báo cáo Chính phủ và Quốc hội xác lập thời gian thông tuyến sẽ không thể là 2020, còn việc hoàn thành Dự án vào năm 2021 tùy thuộc vào nguồn vốn đầu tư, trách nhiệm cam kết với 20 triệu người dân Đồng BSCL… sẽ để cho sự thật phán xét, chúng tôi đã n lực hết sức trong thời gian qua”,

Đối với - nguồn vốn ngân sách nhà nước, được biết Chính phủ đã có các tờ trình xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua 2.186 tỷ đồng hỗ trợ dự án sử dụng nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2018, nhưng đến nay chưa có ý kiến chấp thuận của Uỷ ban TVQH nên chưa thể xác định được kế hoạch bố trí vốn, thời gian giải ngân vốn, làm cơ sở đảm bảo phương án tài chính của dự án, phương án vay vốn.

Nguồn vốn vay tín dụng vẫn chưa đàm phán thông suốt

Ngày 21 tháng 08 tại văn bản 5195/TGĐ-NHCT5 Ngân hàng Vietinbank đại diện cho các Ngân hàng tài trợ vốn đã có báo cáo gửi Ngân hàng Nhà nước qua đó đã xác định: Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VP Bank), không tiếp tục tham gia đồng tài trợ cho dự án, nguồn vốn Chủ sở hữu của Ngân hàng yêu cầu Nhà đầu tư phải đáp ứng là 3.800 tỷ tăng hơn so với mức của UBND Tỉnh phê duyệt là: 2.787 tỷ chênh lệch 1.013 tỷ đồng. Mặc dù Nhà đầu tư đã nêu ra việc có thể chấp nhận đến mức 3.400 tỷ nhưng Ngân hàng chưa thống nhất; ngoài ra Ngân hàng xác định còn thiếu 882 tỷ mới đủ vốn thu xếp cho Dự án; Có thể chốt hạ là hiện nay các Ngân hàng chưa thể thu xếp vốn cho Dự án.

Thường trực Chính phủ đã chỉ đạo, Ngân hàng nhà nước đã cam kết cụ thể thế nhưng “quyền lực mềm” của ngân hàng thương mại được phép đặt ra các “khẩu vị riêng” đã dẫn đến rất nhiều dự án quan trọng hiện nay không thể triển khai, đã đến lúc người dân mong muốn được lắng nghe sự lên tiếng cũng như hành động cụ thể của Ban cán sự Đảng để có câu trả lời rõ ràng về “trách nhiệm” khi được giao trọng trách đại diện quản lý phần vốn của Nhà nước trong việc có ý thức trách nhiệm chính trị, xã hội đối với 20 triệu người dân đồng bào Khu vực ĐBSCL.

Bà Nguyễn Thị Minh Sinh - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Hoàng An – Nhà thầu của dự án

Trao đổi với PV Bà Nguyễn Thị Minh Sinh - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Hoàng An cho biết: “Từ khi thay đổi chủ đầu tư, dự án đã thi công đạt tiến độ do chủ đầu tư đề ra. Tuy nhiên nhà thầu rất khó khăn về nguồn lực tài chính. Nhà thầu kiến nghị chủ đầu tư giãn tiến độ, cấp ban ngành giải quyết nguồn vốn, các vướng mắc để công trình hoàn thiện đúng tiến độ đề ra".

Hi vọng với sự vào cuộc kịp thời của chính phủ, tinh thần quyết tâm của Chủ đầu tư và sự ủng hộ của các nhà thầu, tuyến cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận sẽ hoàn thành đúng tiến độ của Thủ tướng chính phủ giao. Qua đó sẽ góp phần thúc đẩy phát triển nền kinh tế đầy tiềm năng của khu vực ĐBSCL.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật