‘Tiên nữ’ Lý Tử Thất bị chỉ trích vì phơi bày sự nghèo nàn và lạc hậu của Trung Quốc

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Nhiều người khen ngợi, nhưng không ít người cho rằng Lý Tử Thất đang phơi bày một nông thôn Trung Quốc lạc hậu.
‘Tiên nữ’ Lý Tử Thất bị chỉ trích vì phơi bày sự nghèo nàn và lạc hậu của Trung Quốc
Những video của Lý Tử Thất đều hướng tới cuộc sống bình dị, tự cung tự cấp của người nông dân. Ảnh: Lý Từ Thất.

Xem Video: Thông tin về Lý Tử Thất Tiểu sử Cổ Hương Cổ Thực

Nổi tiếng với các video cuộc sống thường ngày, có thể làm bất cứ việc gì với đôi tay khéo léo, Lý Tử Thất, ở Tứ Xuyên, hiện có 59 triệu người hâm mộ trên toàn thế giới. Trong các video của mình, nữ blogger Trung Quốc thường chia sẻ nội dung dựa trên văn hóa ẩm thực truyền thống, xoay quanh nhu cầu cơ bản ăn mặc, đi lại của người nông dân.

"Dù ở nông thôn hay thành phố, ai cũng có những nỗi khổ riêng. Chỉ là bây giờ áp lực công việc của ai cũng lớn nên tôi hy vọng lúc mọi người mệt mỏi, xem video của tôi có thể được thư giãn và cảm nhận được điều tốt đẹp", Lý Tử Thất chia sẻ.

Tính đến ngày 5/12/2019, Lý Tử Thất đã có 7,35 triệu người theo dõi trên Youtube, trong khi con số này của CNN - kênh truyền thông ảnh hưởng hàng đầu tại Mỹ và trên toàn thế giới - là 7,92 triệu người.

Điều đáng nói, Lý Tử Thất đạt 7,35 triệu với chỉ 104 video trong khi CNN đã đăng tải hơn 140.000 video. Độ thu hút của hai kênh cũng rất chênh lệch khi các video của nữ blogger Trung Quốc thường có hơn 5 triệu lượt xem còn CNN chỉ khoảng một triệu. So với các hãng truyền thông nổi tiếng khác như BBC hay Fox News, lượt người theo dõi kênh của Lý Tử Thất vượt rất xa.

So với những blogger nổi tiếng khác ở Trung Quốc - đa phần chỉ có người hâm mộ trong nước để tâm - thì lượt xem video của Lý Tử Thất lại đến từ người dùng khắp nơi trên thế giới.

"Lý Tử Thất là blogger yêu thích của tôi. Cô ấy là một đầu bếp, nghệ sĩ và người làm vườn tài năng. Tôi hy vọng sẽ có phụ đề tiếng Anh trong các video của Lý. Tôi muốn biết cô ấy đang nói về điều gì", một người dùng mạng đến từ Mỹ bình luận.

Vài tháng trước, Lý Tử Thất dùng tiếng Trung để chia sẻ về cách làm trứng vịt muối, hai tháng sau mới có người dịch video này sang tiếng Anh. Tuy nhiên dường như việc làm này không còn quan trọng bởi trước đó đã có rất nhiều người hâm mộ từ Iran, Nga, Brazil hay Philippines đã để lại bình luận, thể hiện sự ngưỡng mộ và tình yêu của mình cho cô.

Thậm chí có nhiều người nước ngoài cho hay, lúc xem clip của Lý, họ sẽ không bỏ qua bất kì quảng cáo nào bởi muốn cô ấy kiếm được tiền từ Youtube. 

"Tôi vẫn luôn xem mọi video của Lý dù không hiểu cô ấy nói gì. Lý Tử Thất làm các công việc của một người nông dân với sự duyên dáng của một nàng tiên. Cô ấy đang giới thiệu với thế giới về nền văn hóa, nghệ thuật và trí tuệ Trung Quốc, những thứ đã bị lãng quên. Cô ấy đang dạy chúng tôi những gì chúng tôi không biết về Trung Quốc", một người dùng mạng từ Pháp nhận xét.

Thế nhưng với một số người Trung Quốc, sự thành công của Lý Tử Thất không phải là điều gì đáng tự hào.

Những ngày gần đây, người dùng mạng Weibo đang tương tác rất mạnh mẽ một bài viết có tên "Lý Tử Thất có phải là người xuất khẩu văn hoá Trung Quốc không?"

Bài viết này của một tài khoản có hơn một triệu người theo dõi đã thu về 62.000 lượt thích và 9.000 bình luận, trở thành chủ đề được tìm kiếm nhiều nhất trên trang mạng xã hội này thời gian qua. 

Bài viết của một người dùng mạng Weibo đăng tải nói lên quan điểm về việc "Lý Tử Thất có phải là người xuất khẩu văn hóa Trung Quốc hay không?". Ảnh: weibo.

Trong bài, người này viết:

"Lý Tử Thất đẹp không? Đẹp. Video của cô ấy thành công không? Thành công. Vậy Trung Quốc cần xuất khẩu văn hóa như thế này không? Bạn cảm thấy cần thì cần.

Nhưng dưới ống kính của cô ấy, đó không phải là một Trung Quốc thật sự.

Đầu tiên, việc tôi không đồng tình với cái gọi là "xuất khẩu văn hóa" không có nghĩa tôi phủ nhận những giá trị đạt được trong những tác phẩm của cô ấy. Tôi không đồng tình cũng không có nghĩa là tôi đang cản trở cô ấy. Tác phẩm nhẹ nhàng hướng thiện, ai thích thì cứ thích. Nhưng một số người cứ phải tâng bốc sản phẩm của Lý Tử Thất là hiện tượng, là đại diện cho văn hóa Trung Quốc thì điều đó khó ép người khác đồng tình được.

Vì sao người nước ngoài lại ca tụng Lý Tử Thất, bởi cô ấy thể hiện được hình tượng hoàn mỹ phù hợp với ấn tượng ‘ruộng vườn’ cứng nhắc mà người nước ngoài dành cho Trung Quốc. Giống như việc ta mỗi khi nhắc tới nước Anh thì nhắc đến ‘quý ông’, nhắc đến Amazon thì là ‘dã man’ hay nhắc đến Bhutan thì đó là ‘hạnh phúc’... Nhưng cả người Anh, Brazil và Bhutan đều biết, đó là nói dối.

Lý Tử Thất rất đẹp, tác phẩm rất hay, nhưng tác phẩm thế này không phải là Trung Quốc".

Nhiều người Trung Quốc cho rằng, Lý Tử Thất đang phơi bày sự nghèo nàn và lạc hậu của vùng nông thôn Trung Quốc ra thế giới. Ảnh: Lý Tử Thất. 

Dưới bài viết, nhiều người dùng Weibo cũng lên tiếng đồng tình khi cho rằng Lý Tử Thất đang phơi bày sự lạc hậu của Trung Quốc ra nước ngoài, bởi người Trung Quốc hiện đại không sống như vậy.

"Cô ấy là một tội đồ của đất nước. Không thể đưa sự nghèo nàn và lạc hậu của vùng nông thôn Trung Quốc để xuất khẩu ra bên ngoài được", một người dùng Weibo viết.

Cùng quan điểm, một số người khác cho rằng, cuộc sống vùng nông thôn Trung Quốc không tốt đẹp như vậy, Lý Tử Thất đã đẹp đẽ hoá cuộc sống nông thôn. "Tại sao đến giờ trồng rau, nuôi lợn lại được coi là duy mỹ? Tự cung tự cấp như Lý Tử Thất là lý tưởng sống hay sao?", một số người đặt câu hỏi.

Dù nhiều người lên tiếng phản đối, nhưng sự ủng hộ cô lại chiếm ưu thế. 

"Tại sao làm nông không được tính là xuất khẩu văn hóa. Trung Quốc còn tới 200 triệu người là nông dân. Họ vẫn trồng rau, nuôi lợn đó thôi, điều này đáng xấu hổ lắm sao?", một độc giả họ Trương nêu ý kiến.

Cũng theo Trương, trong video của mình Lý Tử Thất không thể hiện sự khó khăn trong cuộc sống nông nghiệp mà cốt lõi là tinh thần vượt khó và sáng tạo của người nông dân dựa vào tài nguyên hiện có để tự cung tự cấp. "Điều đáng học hỏi là ý chí và nghị lực của một cô gái bé nhỏ, chứ không phải nó đại diện cho điều gì đó cao xa", Trương viết.

Cùng quan điểm, một độc giả khác viết: "Rau tươi và cơm ăn hàng ngày của người thành phố không phải do nông dân trồng hay sao?

Tiệc rượu phồn hoa nơi phố thị cao cấp hơn bài ca chăn trâu nơi ruộng vườn ở chỗ nào?". bình luận này đã nhận được rất nhiều lượt yêu thích và ủng hộ trên Weibo.

Ông Lý Bạc Xuân, Giám đốc viện nghiên cứu văn hóa trẻ Trung Quốc có trụ sở tại Bắc Kinh cho hay việc tranh cãi trên weibo về Lý Tử Thất không phải là chuyện công kích cá nhân mà cho thấy người Trung Quốc rất quan tâm đến văn hóa truyền thống.

"Tôi cho rằng người dùng mạng Trung Quốc đang phân vân, không hiểu vấn đề gì mới đủ nặng và chuẩn xác để đại diện cho văn hóa đất nước mà thôi", vị này nhận xét.  

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật