‘Normandy ở Paris’: Khi những vùng đất Pháp chưa mang hòa bình đến Ukraine

Kute Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Thứ Hai vừa rồi, lãnh đạo 4 nước Nga, Ukraine, Pháp và Đức đã tụ họp tại Paris để bàn về việc chấm dứt xung đột vũ trang ở miền Đông Ukraine theo cái gọi là Định dạng Normandy - tên gọi của một vùng thuộc Pháp, nơi diễn ra những trận chiến đẫm máu giải phóng Paris khỏi Đức quốc xã, tiền đề giải phóng toàn châu Âu.
‘Normandy ở Paris’: Khi những vùng đất Pháp chưa mang hòa bình đến Ukraine
Cuộc gặp Bộ tứ chứng kiến sự chạm trán trực tiếp lần đầu tiên giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.

Chạm trán lịch sử nhưng không kịch tính

Theo Politico, cuộc gặp Bộ tứ này có thể coi là dấu ấn lịch sử khi chứng kiến sự chạm trán trực tiếp lần đầu tiên giữa Tổng thống Vladimir Putin, cựu quan chức tình báo Nga, người có thâm niên lãnh đạo Liên bang này trong hai thập kỷ và Tổng thống Volodymyr Zelensky, diễn viên hài nổi tiếng từng đóng vai tổng thống trước khi ông đắc cử trở thành nhà lãnh đạo Ukraine thực sự.

Hồi tuần trước, Tổng thống Zelensky nói rằng, ông muốn “nhìn thẳng vào mắt ông Putin” để kiểm tra người đồng cấp Nga: "Tôi mới chỉ nói chuyện với Tổng thống Nga qua điện thoại. Tôi muốn nhìn thấy ông ấy. Tôi muốn đem về Ukraine sự hiểu biết và thấu cảm ở Hội nghị Normandy đối với mong muốn thực sự của người dân Ukraine là dần chấm dứt cuộc chiến bi thảm này. Tôi sẽ có thể hiểu chính xác điều đó tại bàn đàm phán".

Nhà lãnh đạo Ukraine được thỏ‌a mã‌n mong muốn đối mặt với người đồng cấp Nga nổi tiếng, nhưng cũng ngay lập tức, ông phải tự mình trải nghiệm cảm giác khi phải nghe Tổng thống Nga nói về vai trò của nước này trong các vấn đề nội bộ của nước mình, mà trước hết, là đề cập một cách kiên quyết về việc thay đổi hiến pháp Ukraine: "Trước hết, chúng ta đang nói về việc đưa ra một số sửa đổi hiến pháp, sửa đổi lại quy chế đặc biệt của Donbass một cách từ từ. Cần phải gia hạn hiệu lực của thỏa thuận về quy chế đặc biệt đối với một số vùng nhất định của Donbass và cuối cùng, đưa quy chế này thành luật lệ".

Rốt cục, ông Zelensky đã phải tặng người đồng cấp Nga ‘một cái nhếch mép’ vì kết quả của trải nghiệm không được vui vẻ lắm này.

Kết quả tượng trưng

Politico đánh giá, có vẻ như Hội nghị Thượng đỉnh Normandy lần này không giải quyết được quá nhiều vấn đề, ít ra là không đủ để Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel có thể đề nghị lên Hội đồng châu Âu chấm dứt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga vào thứ Năm tới tại Brussels, “chưa đủ” với Tổng thống Ukraine Zelensky đang mong muốn “giải quyết nhiều vấn đề hơn", nhưng Tổng thống Putin “hài lòng”.

Sau khoảng năm giờ thảo luận, những nội dung đáng chú ý mà 4 nhà lãnh đạo đạt được là: cam kết thực thi đầy đủ lệnh ngừng bắn cho tới cuối năm nay; nhất trí tiến hành trao đổi tù binh theo hình thức "tất cả đổi lấy tất cả", trong đó chính quyền Kiev sẽ trao trả 250 tù binh để đổi lấy 100 tù binh từ Cộng hòa tự xưng Donetsk cũng như Luhansk ở Donbass trước cuối năm; tiếp tục rút lực lượng vũ trang tại các điểm xung đột cho tới cuối tháng 3/2020, tiến hành phi quân sự hóa thêm 3 điểm nữa, thực thi các bước nhằm thu dọn bom mìn và trong vòng 30 ngày sẽ thiết lập các điểm chuyển tiếp (cửa khẩu) mới cho nhân dân qua lại ở khu vực biên giới phục vụ mục đích nhân đạo; nhất trí tiếp tục gặp thượng đỉnh nhóm Bộ Tứ chậm nhất vào 4 tháng nữa.

Các nhà lãnh đạo cũng nhấn mạnh việc thực thi "Công thức Steinmeier" - công thức gây tranh cãi ở Ukraine liên quan vấn đề trao quy chế đặc biệt cho hai vùng Luhansk và Donetsk ở Donbass - mà Ukraine, Nga và Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) đã đồng ý về nguyên tắc từ tháng 10.

Theo Công thức này, lãnh thổ do các nước cộng hòa tự xưng Donetsk và Luhansk kiểm soát cần được trao quy chế đặc biệt tạm thời để có thể tiến hành các cuộc bầu cử địa phương. Những cuộc bầu cử này phải được Cơ quan về các định chế dân chủ và nhân quyền của OSCE đồng ý. Nếu cơ quan này xác nhận các cuộc bầu cử đã diễn ra theo đúng các nguyên tắc dân chủ, các cấp chính quyền địa phương sẽ được công nhận là hợp pháp và các cộng hòa tự xưng sẽ nhận quy chế đặc biệt lâu dài trong thành phần Ukraine.

Hội nghị Bộ tứ Normandy hôm thứ Hai “chưa đủ” với Tổng thống Ukraine Zelensky đang mong muốn “giải quyết nhiều vấn đề hơn", nhưng Tổng thống Putin “hài lòng”. (Nguồn: TASS)

Tuy nhiên, “Công thức Steinmeier” không đề cập đến việc trao cho Kiev quyền kiểm soát biên giới với Nga mà Donbass và Moscow chỉ chấp nhận để Ukraine thêm quy chế đặc biệt của Donbass vào hiến pháp và các luật khác của nước này.

Sau Hội nghị lần này, những điều mà Tổng thống Zelensky và người dân nước này mong muốn đều chưa hoặc có vẻ chưa đạt được. Tuyên bố về vùng Donbass của Bộ tứ Normandy không đề cập các điều kiện mà ông Zelensky mang đến Hội nghị rằng, các cuộc bầu cử này sẽ chỉ được tổ chức theo luật Ukraine và chỉ tổ chức một khi các lực lượng nước ngoài rút hết khỏi Donetsk và Lugansk. Về căng thẳng quanh vấn đề vận chuyển khí đốt tự nhiên, sẽ hết hạn vào ngày 31/12 tới, hai nước chưa đạt được tiến triển cụ thể dù các quan chức hai bên đã có cuộc đàm phán “mang tính xây dựng”. Thậm chí, vấn đề bán đảo Crime không hề được đề cập trong cuộc họp báo. Dù thế, ông Zelensky vẫn tự tin vấn đề này sẽ được giải quyết trong những cuộc gặp tới.

Sau cuộc họp báo chung, Tổng thống Ukraine đã phải ngay lập tức trấn an cử tri ở quê nhà rằng ông không từ bỏ bất kỳ nguyên tắc hay chủ quyền nào của đất nước mình: "Tôi nhấn mạnh sự cần thiết khôi phục quyền kiểm soát trên tất cả các lãnh thổ của Ukraine. Ukraine là một quốc gia độc lập, đó là một điều bất biến của Hiến pháp Ukraine và là một nguyên tắc bất khả xâm phạm”.

Vai trò của Pháp

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, người chủ trì cuộc họp gọi Hội nghị lần này là "sự tái khởi động đáng tin cậy", trong khi Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố bản thân hài lòng và “cảm thấy có thiện chí để giải quyết các vấn đề khó khăn” mặc dù “vẫn còn rất nhiều việc phải làm”.

Đối với ông Macron, hội nghị Bộ tứ vừa rồi là một trong những nỗ lực gần đây nhằm mở rộng vai trò của Pháp là một cường quốc ngoại giao trên thế giới, đặc biệt là theo đuổi việc mở rộng mối quan hệ với Moscow, bên cạnh việc tìm cách đi đầu trong giảm bớt căng thẳng giữa Mỹ và Iran, cũng như mở ra các cuộc đối thoại tại NATO để tìm kiếm mục đích và sự gắn kết của liên minh.

Các cuộc đàm phán hôm thứ Hai là minh họa để ông Macron nhận thức được rằng, để tháo gỡ một số nút thắt địa chính trị chặt chẽ nhất thế giới là vô cùng khó khăn.

Tên gọi Định dạng Normandy được đặt sau cuộc gặp gỡ lần đầu tiên giữa Tổng thống Ukraine khi đó Petro Poroshenko, ông Putin, bà Merkel và cựu Tổng thống Pháp François Hollande diễn ra vào tháng 6/2014 bên lề buổi lễ kỷ niệm 70 năm cuộc đổ bộ D-Day của Đồng minh trong Thế chiến II. Normandy có lịch sử quá đẫm máu nhưng cũng đưa Pháp và châu Âu đến tự do, nhưng mặt khác, Pháp và Đức cũng có thể lưu ý đến quan điểm của Nga được Người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước này tuyên bố hồi tháng 6 năm ngoái rằng, cuộc đổ bộ D-Day không đặc biệt quan trọng.

Điều này thể hiện những nhìn nhận, đánh giá khác nhau giữa Nga và phương Tây về cùng một sự kiện. Và theo cả hai cách nhìn nhận này, có lẽ việc đặt tên cho cuộc đàm phán hòa bình Ukraine là “Hội nghị Thượng đỉnh Bộ tứ Normandy’ thực sự là một ý tưởng tệ.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật