Cung thủ Lộc Thị Đào: ‘Sau SEA Games tôi mới nhận lời yêu bạn trai’

Kem Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Trở về quê đón Tết Canh Tý, nhà vô địch SEA Games 2019 mang theo 3 tấm HCV bắn cung và chuẩn bị ra mắt người yêu với gia đình.
Cung thủ Lộc Thị Đào: ‘Sau SEA Games tôi mới nhận lời yêu bạn trai’
Ảnh minh họa

Trở về quê đón Tết Canh Tý, nhà vô địch SEA Games 2019 mang theo 3 tấm HCV bắn cung và chuẩn bị ra mắt người yêu với gia đình.

Ngày 27 Tết, cung thủ Lộc Thị Đào vượt quãng đường 200 km bằng xe máy để trở về nhà ở huyện Sơn Động, Bắc Giang. Khác với mọi năm, hành trang về quê ăn Tết của Đào có thêm niềm vui là 3 tấm HCV vừa giành được tại .

Năm Kỷ Hợi đã mang lại nhiều thành công và vinh quang cho Lộc Thị Đào. Tuy nhiên, cô gái người Bắc Giang không coi đó là điểm dừng sau nhiều năm thi đấu chuyên nghiệp. Điều mà cô hướng tới trong năm Canh Tý là một suất tham dự Olympic tại Tokyo và dành thêm thời gian cho chu‌yện tìn‌h cảm mới chớm nở sau SEA Games 2019.

Trong những ngày giáp Tết, Báo có buổi trò chuyện với Lộc Thị Đào để lắng nghe cô chia sẻ về những thất bại, thành công trong thi đấu, cũng như những mục tiêu ở thì tương lai.

3 HCV SEA Games và 2 đầu gối kêu lạch cạch

- Chào Lộc Thị Đào, cảm xúc của bạn như thế nào sau khi giành tới 3 tấm HCV bắn cung tại SEA Games 2019?

- Tôi thực sự rất bất ngờ và hạnh phúc. Trước khi thi đấu, tôi chỉ nghĩ bản thân cố gắng lấy được 1-2 HCV. Sau khi giành được vàng đồng đội, tôi lại quyết tâm ở nội dung đôi nam nữ để hoàn thành chỉ tiêu đề ra.

Tôi từng có cơ hội tranh vàng ở Singapore năm 2015, nhưng sau cùng chỉ giành HCB, trước đó cũng chưa từng được vàng SEA Games. Sau khi đoạt 2 HCV năm nay, lúc bắn cá nhân mệt lắm, nhưng trong đầu tôi lại nghĩ đây là tấm HCV duy nhất của riêng mình. Nếu bây giờ mình không làm được thì sẽ mất cơ hội.

Lộc Thị Đào có kỳ SEA Games 2019 thành công rực rỡ với 3 tấm HCV. Ảnh: Minh Chiến.

Trong trận chung kết, tôi còn phải thi đấu với đối thủ Myanmar, họ đã chơi không đẹp từ vòng ngoài rồi. Khi đang giương cung, VĐV cần yên tĩnh cực độ để tập trung và rất dễ bị giật mình khi bị tác động từ bên ngoài. Kết cục là tôi dẫn tới 4-0 mà bị bật lại thành 4-4. Lúc đấy, tim đập nhanh lắm, cảm giác mình đang dẫn mà để đối thủ gỡ hòa.

Tôi phải tự trấn an rằng không sao cả, khi quay về mốc xuất phát thì không ai hơn ai, coi như mình làm lại từ đầu. Lúc này tôi chỉ biết tập trung, làm hết sức có thể. Nếu mình làm tốt, họ còn tốt hơn thì mình cũng không hối hận, nhưng nếu tôi không làm hết khả năng thì sẽ phải nuối tiếc.

Trong quá khứ, tôi từng chạm trán VĐV Myanmar này trên sân nhà của họ và để thua 4-6. Đây có thể coi là màn phục thù ngọt ngào.

- Giành được thành tích cao như vậy, chắc hẳn Đào phải trải qua cường độ tập luyện rất cao. Bạn từng gặp chấn thương nào chưa?

- Tôi gặp chấn thương ở khớp vai, khi trở trời thường lên cơn đau nhức. Khi tập thể lực, tôi có thể đẩy được 10 kg, nhưng hiện tại chỉ dám đẩy 7 kg. Nhiều lúc đang làm việc, nếu có cảm giác đau tôi cũng dừng lại, không cố nữa. Trong khi mọi người hít đất bình thường, tôi đẩy người lên sẽ bị đau vai nên phải chống đầu gối xuống cho đỡ đau.

Tôi cũng gặp vấn đề cả ở gối và khớp chân. Ngày trước phải tập chạy nhiều, tôi chưa ý thức được nguy cơ dính chấn thương, nhưng quan trọng hơn là cũng chưa có tiền mua giày bảo đảm để tập luyện. Có những hôm cuối tuần phải chạy đến 8 km bằng giày đế cứng trên nền đường bê tông, hậu quả là bây giờ đi bộ khớp gối cũng kêu lạch cạch.

Một lần đi thử quần, mình ngồi xuống xem có thoải mái không mà đầu gối kêu "roạch" một cái, mấy chị cứ tưởng tôi bị rách quần (cười).

- Đó là vấn đề thể lực, đã bao giờ Đào gặp khó khăn về yếu tố tâm lý chưa?

- Thời gian đầu tôi bị tâm lý khá nặng nề bởi cứ khi tập ở nhà đều đạt thành tích rất cao nhưng mỗi khi thi đấu là kém. Đến gần đây tôi mới nhận ra nguyên nhân là tôi hay tự tạo ra áp lực cho mình, nghĩa là ở nhà tập tốt, khi thi đấu tôi sẽ yêu cầu mình chỉ được phép bằng hoặc phải hơn thế. Đó là lý do khiến thành tích thi đấu thường không được như mình kỳ vọng.

Tôi nhớ ở Đại hội Thể thao toàn quốc 2014, thành tích tập luyện thậm chí không thua kém VĐV Hàn Quốc, tôi đã rất kỳ vọng có thể giành từ 4-7 HCV. Nhưng cũng chính giải đấu đó, tôi không lấy được HCV nào hết, thậm chí chỉ có 1-2 HCB trong khi thi đấu tới 8 nội dung.

Tôi cảm thấy thất vọng về bản thân kinh khủng, không muốn ra ngoài hay nói chuyện với ai, chỉ muốn ở lỳ trong phòng. Có thể người ngoài không nghĩ nặng nề đến vậy, nhưng tôi lại tự nhủ: “Mình bắn không được, ra ngoài người ta còn cười cho. Trước đó đã có thành tích quốc tế, giờ một tấm HCV trong nước cũng không giành được”. Ngay cả cầm cung lên tôi cũng sợ, nhìn thấy đã nổi da gà.

Lộc Thị Đào (giữa) cùng các đồng đội hướng đến tấm vé dự Olympic 2020. Ảnh: Minh Chiến.

- Vậy Đào đã tự trấn an mình bằng cách nào?

- Lúc thi đấu không tốt, tôi cứ tự an ủi rằng "không sao cả, còn mấy nội dung nữa", nhưng sau đó vẫn không giành vàng, người cứ lâng lâng nửa thực nửa mơ, tôi còn không tin đã hết giải. Có những lúc đang ngủ, bỗng dưng tôi nghĩ đến thành tích vừa qua mà nước mắt cứ thế chảy ra. Đến lúc ngủ say tự nhiên tỉnh dậy, tôi cảm giác như thể bị mất đi một điều gì đó quan trọng mà không định nghĩa được là mất cái gì. Ăn không buồn ăn, ngủ không muốn ngủ.

Khoảng thời gian đó kéo dài khá lâu, cho đến khi tôi nghĩ cứ thế mãi chẳng thay đổi được gì, bản thân cũng không tốt lên được. Chính mình là người bắn chứ chẳng phải tại ai cả, vậy thì phải tự tìm cách khắc phục. Tôi tự lấy tay đập vào trán để ghi nhớ hôm nay đã làm không tốt, chỉ cho phép bản thân buồn 1-2 ngày thôi. Sau đó phải bỏ suy nghĩ tiêu cực để đứng lên, mặt dày một chút, sống tưng tửng để bắt đầu lại từ đầu.

Lúc ấy tôi phải tập đến 200% sức của bản thân, không cho phép mình lười một phút giây nào. Phong độ mình đang xuống, không cố gắng nhiều hơn mà vẫn tập mức độ như cũ thì chỉ có đi xuống tiếp.

- Mục tiêu sắp tới của Đào có phải là tranh tấm vé tham dự Olympic 2020?

- Tôi sẽ lên đường sang Đức để tranh cúp thế giới vào tháng 6 tới. Ngoài những đội đã có vé như Mỹ, Hàn Quốc,... top 3 đồng đội có thành tích cao nhất giải đấu này sẽ được tham dự Olympic tại Nhật Bản. Đã bước vào thi đấu thì cơ hội dành cho các đội là như nhau. Tôi không đặt ra mục tiêu thành tích gì cả, chỉ nghĩ là bản thân sẽ cố gắng hết sức.

Nhận lời yêu sau kỳ tích SEA Games

- Sau một năm thi đấu thành công, Đào chuẩn bị đón Tết Canh Tý như thế nào?

- Tôi vừa vượt qua quãng đường khoảng 200 km, đi xe máy hết gần 4 tiếng đồng hồ để về nhà ăn Tết. Tết này gia đình tôi đang xây nhà mới, dự kiến khoảng tháng 5-6 sẽ xong. Nhà tôi vẫn còn đồi thông và một căn chòi trong rừng, nuôi mấy con dê, gà... Ngày thường, cả nhà chỉ ở trong rừng, Tết mới tập trung ra ngoài này. Mỗi khi tôi về thăm nhà, bố mẹ mới ra ngoài này chơi với tôi.

Cuối năm ngoái, tôi để dành được một ít tiền tiết kiệm, cộng với tiền thưởng sau SEA Games đủ để cho chị gái vay không lãi xây nhà, phần còn lại tôi cũng đưa cho bố mẹ cất nhà mới.

Nhà vô địch SEA Games tất bật chuẩn bị mâm cơm khi về nhà ăn Tết. Ảnh: Đỗ Hải.

- Sang năm mới Đào đã 27 tuổi, hẳn là bố mẹ rất quan tâm đến chuyện yêu đương của bạn?

- Tôi đã có bạn trai rồi. Anh ấy hiền lắm, sinh năm 1991, kinh doanh điện thoại, không liên quan gì đến thế thao cả. Chúng tôi gặp nhau vô tình bên ngoài thôi. Tôi đi uống nước rồi gặp anh ấy ở quán, đang đi ra thì gặp tình cờ, cũng không có bạn chung nào cả. Anh ấy là người chủ động trước.

Tôi mới nhận lời yêu từ sau SEA Games về thôi. Trước đấy, anh ấy cũng mở lời 2 lần rồi nhưng tôi bảo đợi thi đấu về rồi tính tiếp. Điểm khiến tôi quyết định nhận lời yêu là bởi anh ấy nhường được tôi. Công việc của tôi rất vất vả, đi lại nhiều, áp lực. Lúc thi đấu, tôi thường bị stress, nói chuyện hay gắt lắm nhưng gắt với bố mẹ không được, với bạn bè không xong. Thế nên người tán mình mà tôi chưa thích thì tôi nói chuyện cứ gắt gỏng, chắc anh ấy lúc đó cũng mặt dày một chút.

Anh ấy đợi tôi đến giờ cũng 4 giải rồi. Những lúc chuẩn bị thi đấu tôi hay cáu gắt nhưng anh ấy chẳng để ý. Nhiều lúc tôi còn nói những câu làm tổn thương người khác, có lần còn quát: "Anh cút đi!" nhưng người ta vẫn ân cần, không giận, thế là tôi lại cảm thấy ấm áp.

- Đã bao giờ Đào nghĩ đến việc sẽ yêu người không liên quan gì đến thể thao?

- Ngày trước, tôi chưa quan tâm đến chuyện yêu đương vì muốn có nhiều thời gian tập luyện hơn, nhưng bây giờ cũng đến tuổi nghĩ đến chuyện đó. Rất nhiều người hỏi sao tôi không yêu người trong ngành thể thao, dễ hiểu nhau hơn, nhưng lúc có thì mình không muốn yêu, giờ muốn thì toàn trẻ con. Đội của tôi, nam già nhất sinh năm 1996. Bây giờ chả lẽ lại đi yêu đồng nghiệp toàn sinh năm 2000 (cười).

Tôi nghĩ là với mối quan hệ này tôi đã tính đường dài rồi vì cũng đã đến tuổi, bị giục nhiều. Tết năm ngoái tôi gần như còn ở trong chòi suốt, không dám về nhà vì bị hỏi han liên tục.

Bố mẹ đến giờ chưa vẫn gặp bạn trai tôi, nhưng cũng sắp rồi. Anh ấy sẽ về ra mắt nhà tôi vào mùng 4 Tết rồi cùng tôi trở lại Hà Nội.

- Xin cảm ơn Đào đã nhận lời phỏng vấn!

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật