Tuyên Quang: Tết đầu tiên của cụ bà 85 tuổi sau khi viết đơn xin được ra khỏi hộ nghèo

Lovelife Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Mặc dù đã ở ngưỡng tuổi “gần đất xa trời” nhưng bà Phạm Thị Trà (85 tuổi) là người phụ nữ cao tuổi điển hình ở Tuyên Quang đã tự nguyện viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo.
Tuyên Quang: Tết đầu tiên của cụ bà 85 tuổi sau khi viết đơn xin được ra khỏi hộ nghèo
Cụ bà Phạm Thị Trà (85 tuổi, ở xã Tứ Quận, huyện Yên Sơn) bên vườn rau của mình. Ảnh: Giang Lam

Cụ bà 85 xin được trả lại sổ hộ nghèo

Vào thời điểm cận kề khoảnh khắc giao thừa, những người phụ nữ ở vùng đất Tuyên Quang tất thảy đều bận rộn. Khắp phố lớn ngõ nhỏ, ai nấy đều hối hả.

Thế nhưng, với cụ bà Phạm Thị Trà (85 tuổi, ở xã Tứ Quận, huyện Yên Sơn), không khí đón xuân của người dân tại Tuyên Quang lại náo nhiệt lạ thường. Bởi đây là cái Tết đầu tiên mà cụ Trà "khước từ" những món quà hỗ trợ của nhà nước vào mỗi dịp Tết, xuân về, kể từ khi "đệ" đơn xin được ra khỏi hộ nghèo.

Xem Video: Những lá đơn xin ra khỏi “hộ nghèo”

Mặc dù đã ở tuổi "gần đất xa trời" nhưng trò chuyện với PV, cụ Trà vẫn nhớ như in từng dòng ý ức về những ngày cơ hàn. 

Cụ Trà kể: "Để chồng an tâm tham gia kháng chiến chống giặc ngoại xâm, một mình tôi nuôi nấng, chăm bẵm 5 người con. Bây giờ, 5 người con đều đã lập gia đình, tự lực tự chủ về kinh tế, tôi không còn lo nữa. 

85 tuổi, tôi có già nhưng tôi vẫn trồng được luống rau, nuôi được đàn gà mà không cần đến sự trợ giúp của con cháu. Không cần đến sự trợ giúp không có nghĩa là tôi cô đơn, mà là tôi vẫn rất khỏe và chưa cần đến sự trợ giúp của ai. Chính vì vậy, gần cuối năm 2019, tôi quyết định làm đơn xin được trả lại sổ hộ nghèo và xin thoát nghèo".

Lý giải cho việc tự nguyện xin được thoát nghèo của mình, cụ Trà dó dỏm: "Tôi được Nhà nước trợ cấp tiền người cao tuổi hàng tháng, tôi có đất vườn trồng rau và nuôi gà, tôi nghèo làm sao được".

Vợ chồng chị Nguyễn Trần Thị Kiều (ở thôn 68, xã Yên Lâm, huyện Hàm Yên) cũng tương tự.

Đơn xin ra khỏi hộ nghèo của vợ chồng chị Nguyễn Trần Thị Kiều, ở thôn 68, xã Yên Lâm, huyện Hàm Yên. Ảnh: Giang Lam

Giữa năm 2019, chị Kiều cùng chồng là anh Phạm Công Minh đã tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo do… "không muốn Nhà nước giúp mình mãi".

Chị Kiều cho biết: "Những ngày mới kết hôn, vợ chồng tôi ra ở riêng, cuộc sống vô cùng khó khăn. Có những ngày, đến 50.000 đồng tiền mua dầu ăn cho gia đình cũng phải đi mượn. Do thiếu đất canh tác và để có tiền lo cho cuộc sống, hai vợ chồng tôi đã bươn trải đủ các nghề làm thuê, làm mướn như chăm sóc cam, thu hoạch cam, thậm chí là lái xe, cấy lúa… 

Xoay xở đủ nghề, hai vợ chồng có chút vốn liếng thì đầu tư vào buôn bán cam, sau đó thì mở cửa hàng tạp hóa. Nhờ có chút thu nhập, vợ chồng tôi quyết định xin được ra khỏi hộ nghèo".

Chị Nguyễn Trần Thị Kiều bên quầy hàng tạp hóa của mình. Ảnh: Giang Lam

Anh Phạm Công Minh (chồng chị Kiều) bày tỏ: "Nhà nước nuôi mình mãi sao được. Nếu nuôi mãi thì tâm lý con người sinh ra ỷ lại. Tôi coi những hỗ trợ của Nhà nước là giải pháp trước mắt và bước đệm để hai vợ chồng cố gắng phấn đấu. Muốn ra khỏi hộ nghèo như tôi từng mong muốn thì cần phải có quyết tâm. Ở Yên Lâm, còn rất nhiều những hộ gia đình nghèo, tôi muốn những hoàn cảnh khó khăn hơn được nhận hỗ trợ từ Nhà nước".

"Phong trào" viết đơn xin thoát nghèo ở Chiêm Hóa

Thôn Ngầu 2 (thuộc xã Hùng Mỹ, huyện Chiêm Hóa) là địa phương có đến 97% người dân là đồng bào dân tộc thiểu số. Cuộc sống của người dân nơi đây chủ yếu dựa vào việc canh tác theo mùa vụ.

Thế nhưng, năm 2019, thôn Ngầu 2 có đến 4 hộ gia đình tự nguyện xin ra khỏi danh sách hộ nghèo trong khu vực.

Anh Phạm Công Minh bên chiếc taxi của mình.

Trao đổi với PV, bà Đặng Thị Ngoãn (54 tuổi), trưởng thôn kiêm Bí thư chi bộ thôn Ngầu 2 cho biết: "Khi là hộ nghèo, người dân nhận được một số hỗ trợ đặc biệt từ Nhà nước như con em đi học được miễn học phí, hỗ trợ tiền điện là 165.000 đồng/quý/hộ gia đình, hưởng 100% bảo hiểm y tế…

Tuy nhiên, thôn Ngầu 2 có đến 4 hộ gia đình tự nguyện xin ra khỏi hộ nghèo. 3 trong 4 hộ đó là dân tộc Dao, 1 hộ dân tộc Tày. 1 trong 4 hộ gia đình điển hình có ý chí vươn lên thoát nghèo chính là ông Đặng Văn Thường. Do có bệnh từ nhỏ, đôi chân lại có tật nên ông Thường không thể mang vác những vật nặng, trong khi ông Thường lại là trụ cột trong gia đình. Mọi vất vả, lo toan đều dựa vào ông Thường".

"Từ khi hai người con của ông Thường trưởng thành và cuộc sống bắt đầu được cải thiện nhờ những đồng lương của hai cậu con trai, ông Thường đã tự nguyện xin ra khỏi hộ nghèo, để nhường những "đặc ân" từ Nhà nước cho các hộ khó khăn khác", bà Ngoãn cho hay.

Thông tin tới PV Báo Gia đình & Xã hội, ông Đỗ Văn Hiếu, Chủ tịch UBND xã Hùng Mỹ cho biết, đầu năm 2019, tổng số hộ nghèo trên địa bàn xã Hùng Mỹ có 494/1.374 hộ gia đình. Tuy nhiên, với việc đẩy nhanh xóa đói giảm nghèo bằng việc thí điểm và tăng cường các dự án khoa học trên địa bàn, kết hợp chăn nuôi, trồng rừng, trong năm 2019, số hộ nghèo đã giảm 35,95%, còn 396 hộ nghèo trong tổng số 1.374 hộ gia đình.

Đại diện Phòng Lao động Thương binh xã hội huyện Chiêm Hóa cho, Chiêm Hóa là địa phương dẫn đầu phong trào viết đơn xin thoát nghèo. Trong năm 2019, huyện Chiêm Hóa có 19 trường hợp tự nguyện xin ra khỏi hộ nghèo.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật