Thành phố Kon Tum: Tuổi trẻ chung tay làm du lịch

Baoanh Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Với mục đích bảo tồn giá trị văn hóa độc đáo của các dân tộc, đồng thời thu hút khách du lịch đến với thành phố Kon Tum, vừa qua, Thành đoàn Kon Tum đã triển khai mô hình “Đầu tư và xây dựng Làng du lịch cộng đồng tại thôn Kon Klor, phường Thắng Lợi”. Bước đầu đi vào hoạt động, mô hình đã tạo được điểm nhấn, để lại nhiều ấn tượng trong lòng du khách.
Thành phố Kon Tum: Tuổi trẻ chung tay làm du lịch
Ảnh minh họa

Xem Video: Đêm thành phố Kon Tum

//

Tết này, cũng như nhiều gia đình khác, gia đình chúng tôi chọn nhà rông Kon Klor làm điểm đến. Đã từng đến với nơi này nhiều lần, nhưng lần này, không gian văn hóa nơi đây thật sự mang lại nhiều cảm xúc. Khách du lịch đông hơn, khung cảnh tươi trẻ hơn nhưng tổng thể vẫn giữ được nét mộc mạc, gần gũi, thân thiện, ấm cúng.

Dưới những làn gió, hàng trăm chiếc chong chóng trên đường vòm xoay vòng, nhịp nhàng đón khách bước vào. Nhìn về phía xa, bên gốc cổ thụ râm mát, nhà rông Kon Klor cao vút vừa được tu bổ khang trang, uy nghi như dang tay chào đón.

Vừa dẫn khách đi tham quan, chị Đỗ Thị Hồng Hạnh – Phó Bí thư Thành đoàn, Chủ tịch Hội LHTN thành phố Kon Tum giới thiệu: Vừa qua, Thành đoàn – Ủy ban Hội LHTN Việt Nam thành phố đã triển khai thực hiện mô hình Làng du lịch cộng đồng thôn Kon Klor. Mô hình này được triển khai theo 3 giai đoạn. Hiện tại, chúng tôi đang thực hiện giai đoạn 1 là trưng bày các sản phẩm, mô hình, hiện vật mang đậm nét văn hóa của người Ba Na, tạo điểm nhấn, ấn tượng cho du khách đến tham quan. Bước đầu mô hình đã tạo được ấn tượng trong lòng du khách.

Các hoạt động văn hóa thu hút du khách. Ảnh: Nguyễn Quang

Được giao nhiệm vụ trực tiếp điều hành, triển khai mô hình, Câu lạc bộ kỹ năng Sao Thái Dương (Hội LHTN thành phố Kon Tum) đã sử dụng tranh, tre, gỗ theo phong tục truyền thống của dân tộc Ba Na để trang trí mô hình nhà sàn, nhà rông, cây nêu, các sản phẩm dệt, đan lát thổ cẩm, bình rượu ghè, cồng chiêng… Đồng thời xây dựng khu văn hóa ẩm thực với những món ăn đặc sản của người Ba Na: gà nướng, cơm lam, gỏi lá…; các mặt hàng dược liệu, các sản phẩm từ thiên nhiên để du khách trải nghiệm, tận hưởng, thấy được nét độc đáo của địa phương.

Anh Phan Duy Thương – Chủ nhiệm Câu lạc bộ kỹ năng Sao Thái Dương cho biết: Chúng tôi thiết kế và xây dựng không gian mang đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc. Ngoài ngôi nhà rông làm điểm nhấn, những sản phẩm thổ cẩm đủ màu sắc, các sản phẩm đan lát bằng mây tre, rượu ghè… trong các gian hàng sẽ là điểm nhấn cuốn hút du khách. Tất cả những quầy hàng, tiểu cảnh đều được làm bằng các  vật liệu như tre, nứa, tranh và được làm hoàn toàn bằng thủ công để tạo cho du khách cảm giác thoải mái, nhẹ nhàng, gần gũi.

Với diện mạo mới, không gian văn hóa tại nhà rông Kon Klor đã thu hút hàng ngàn lượt khách đến tham quan, vui chơi. Cùng gia đình đến tham quan tại nhà rông Kon Klor, chị  Y Việt Sa (Tổ dân phố 2, phường Thắng Lợi, thành phố Kon Tum) cho biết: Cảnh  quan nơi đây rất đẹp. Đây là một điểm rất tuyệt vời để mọi người đến tham quan.

Không gian văn hóa tại nhà rông Kon Klor trở thành điểm đến vui chơi hấp dẫn. Ảnh: Nguyễn Quang

Sống ở thôn Kon Klor đã lâu, bà Y Dứt rất vui mừng khi thấy không gian trong nhà rông Kon Klor có sự thay đổi lớn. “Bây giờ vào nhà rông, khách du lịch vừa được tìm hiểu về không gian văn hóa, vừa có thể mua đồ lưu niệm, vừa được vui chơi, ăn uống… Tôi thấy nhiều du khách nước ngoài cũng tìm đến đây tham quan, vui chơi” – bà Y Dứt cho hay.

Mô hình làng du lịch cộng đồng Kon Klor mới được triển khai nhưng bước đầu đã tạo được điểm nhấn, ấn tượng cho du khách khi đến tham quan. Hoạt động này không chỉ giúp cho đoàn viên thanh niên phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo mà còn giúp phát triển kinh tế từ du lịch và nâng cao sự ủng hộ của cộng đồng đối với việc phát triển du lịch bền vững.

“Thực hiện xong giai đoạn 1, chúng tôi sẽ  xin ý kiến các cơ quan chức năng để tiếp tục triển khai các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, văn hóa cồng chiêng, giao lưu ca hát, hoạt động homestay; tổ chức nhiều hoạt động gắn với đời sống của đồng bào DTTS đang sinh sống tại làng Kon Klor để khách du lịch cùng trải nghiệm như làm rẫy, làm ruộng, dệt vải…” – chị Hạnh cho biết.

Với sự năng động, nhiệt huyết của sức trẻ, hi vọng tuổi trẻ thành phố Kon Tum sẽ cùng chính quyền địa phương phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, qua đó, góp sức xây dựng, phát triển du lịch tại địa phương.         

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật