Đường lên xứ Lạng…

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Ngày 18-2 vừa qua, tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn chính thức đưa vào vận hành thu phí. Hạ tầng giao thông đường bộ đất nước có thêm 64 km đường cao tốc, nối tiếp từ TP Bắc Giang tiến về xứ Lạng, kết nối vùng đất phên dậu Tổ quốc với các trung tâm kinh tế lớn của đất nước, rút ngắn thời gian di chuyển về Thủ đô Hà Nội chỉ còn khoảng hai giờ đồng hồ.
Đường lên xứ Lạng…
Một đoạn tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn.

Xem Video: Mặc khó khăn, cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn vận hành 0 đồng

//

Cung đường đẹp giữa núi rừng Đông Bắc

Trên thực tế, tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn đã hòa mình vào huyết mạch giao thông đất nước từ hơn một tháng trước. Ngày 15-1, nhà đầu tư chính của dự án là Tập đoàn Đèo Cả đã chủ động đề xuất UBND tỉnh Lạng Sơn với vai trò cơ quan nhà nước có thẩm quyền, chấp thuận đưa dự án vào vận hành khai thác miễn phí phục vụ người dân đi lại dịp Tết Nguyên đán vừa qua trong thời gian 30 ngày. Từ trên cao nhìn xuống, cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn như một dải lụa mềm vắt qua những triền đồi, băng qua những cánh đồng, con sông. Hơn 60 km cao tốc “về đích” chỉ trong thời gian hai năm kể từ khi tiếp nhận, sớm hơn so với kế hoạch được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, vẽ nên cung đường đẹp giữa núi rừng Đông Bắc.

Dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn được Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư từ tháng 10-2014 và Bộ Giao thông vận tải (GTVT) phê duyệt đầu tư tháng 4-2015, tổng mức đầu tư toàn dự án 12.189 tỷ đồng do Công ty cổ phần BOT Bắc Giang - Lạng Sơn thực hiện. Dự án gồm hai hợp phần: hợp phần quốc lộ 1 (tăng cường mặt đường quốc lộ 1 đoạn Km 1+800 - Km 106+500) với chiều dài 110 km; hợp phần cao tốc (tuyến cao tốc Bắc Giang - TP Lạng Sơn đoạn Km 45+100 - Km 108+500) với chiều dài 64 km. Dự án được khởi công từ năm 2015, tuy nhiên do các nhà đầu tư trước đây yếu kém về năng lực quản trị, không thu xếp được vốn tín dụng cho nên dự án bị chậm tiến độ gần hai năm (đến tháng 6-2017, hợp phần quốc lộ 1 mới đạt 13% sản lượng và chưa triển khai hợp phần cao tốc). Sau khi tăng cường năng lực nhà đầu tư theo đề nghị của Bộ GTVT, Tập đoàn Đèo Cả đã xử lý các vướng mắc, thu xếp tín dụng, nhất là giải quyết nhiều rắc rối, hệ lụy từ nhà đầu tư cũ để hoàn thành dự án. Tháng 3-2018, hợp phần quốc lộ 1 đã hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng, giúp nâng cao năng lực vận tải, kéo giảm số vụ tai nạn, bảo đảm an toàn giao thông trên tuyến quốc lộ 1 đoạn qua địa bàn hai tỉnh Bắc Giang và Lạng Sơn.

Tết Nguyên đán vừa qua được bà con sống ven tuyến nhận xét là cái Tết an toàn chưa từng có trên cung đường từ Bắc Giang đến Lạng Sơn. Trong quá khứ, tuyến quốc lộ 1 cũ kỹ, xuống cấp trầm trọng này thường xuyên xảy ra tai nạn, chưa kể ùn tắc liên miên do đây là tuyến đường khá nhộn nhịp chở hàng hóa thông thương giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc, kìm hãm phát triển kinh tế - xã hội của cả vùng. Hiện nay, tuyến Chi Lăng - Hữu Nghị vẫn chưa hoàn thành, điểm đầu Chi Lăng của tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn còn cách TP Lạng Sơn khoảng 30 km và cách cửa khẩu Hữu Nghị khoảng 43 km. Với phương châm “tìm lối đi thay vì lối thoát”, Tập đoàn Đèo Cả cam kết sẽ tiếp tục cùng UBND tỉnh Lạng Sơn và ngân hàng tháo gỡ các vướng mắc còn lại.

Cần chính sách hỗ trợ ổn định

Tuy nhiên, ngay sau khi tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn chính thức thu phí, tỉnh Lạng Sơn cũng điều chỉnh mức thu trên tuyến quốc lộ 1 đoạn Bắc Giang - Lạng Sơn, nhiều lái xe và người dân phản ánh mức phí của hai tuyến đường này cao hơn nhiều so các tuyến khác. Theo đó, trên tuyến cao tốc, mức phí thấp nhất dành cho xe loại 1 (xe dưới 12 chỗ, xe tải dưới hai tấn; xe buýt) là 2.100 đồng/km; mức phí cao nhất cho loại xe nhóm 5 (xe tải từ 18 tấn trở lên; xe công-ten-nơ 40 phít) là 8.100 đồng/km. Tuyến quốc lộ 1 (đoạn Km 1+800 - Km 106+500) áp dụng hình thức thu phí lượt, được điều chỉnh tăng lên rất nhiều: xe loại 1 từ 35 lên 52 nghìn đồng/lượt, xe nhóm 5 lên tới 200 nghìn đồng/lượt. Theo phản ánh, mức thu trên đường cao tốc và trên quốc lộ 1 đều rất cao. Đơn cử, đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng gồm sáu làn xe, hai làn dừng khẩn cấp, mức phí ở mức 2.000 đồng/km, còn cao tốc Nội Bài - Lào Cai dài 245 km cũng chỉ thu 1.500 đồng/km). Lý giải vấn đề này, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần BOT Bắc Giang - Lạng Sơn Vũ Minh Hoàng cho biết: “Theo hợp đồng BOT đã ký, dự án được thu phí từ ngày 1-1, nhưng để chia sẻ với người dân, tỉnh Lạng Sơn và nhà đầu tư cho lưu thông miễn phí hơn một tháng trong dịp Tết Nguyên đán. Mặt khác, so các đường cao tốc khác khi phê duyệt dự án sau năm 2015 như tuyến Hạ Long - Vân Đồn, mức phí thu của Bắc Giang - Lạng Sơn ở mức tương đương. Còn trên quốc lộ 1, nếu so sánh mức phí bình quân tính trên số km lưu thông trên cả tuyến, mức thu vẫn thấp hơn các tuyến khác. Cụ thể, quốc lộ 1 đoạn Bắc Giang - Lạng Sơn dài 110 km, mức phí 52 nghìn đồng, bình quân 472,73 đồng/km, so BOT quốc lộ 91 (Cần Thơ) và quốc lộ 15 (An Giang) dài 52 km, mức phí lên tới 82.600 đồng (bình quân 1.588 đồng/km), BOT quốc lộ 1 qua Khánh Hòa dài 37,5 km có mức phí 41 nghìn đồng (bình quân 1.093 đồng/km),...Chưa kể, theo hợp đồng gốc, các bên tham gia dự án xác định có hai trạm thu phí trên quốc lộ 1 hoàn vốn cho dự án. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, nhằm tạo sự đồng thuận với người dân, các bên đã thống nhất bỏ một trạm thu phí trên quốc lộ 1 và miễn giảm gần 6.000 phương tiện khác.

Tổng Giám đốc Vũ Minh Hoàng cho biết, khi đưa vào khai thác, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, lưu lượng phương tiện trên cả hai tuyến quốc lộ 1 và cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn sụt giảm khoảng 40%, trước đây bình quân 11 nghìn lượt xe/ngày xuống còn khoảng 7.000 lượt xe/ngày so với trước khi có dịch, càng khiến phương án tài chính của dự án thêm khó khăn. Với mức phí đang áp dụng, nhà đầu tư thu cả hai tuyến nâng cấp quốc lộ 1 và tuyến cao tốc, dự án vẫn âm dòng tiền hơn 5.000 tỷ đồng trong chín năm đầu khai thác so với phương án tài chính ban đầu. Các yếu tố này đã được Kiểm toán Nhà nước, ngân hàng và các bên liên quan xác định là nguyên ngân chính làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến phương án tài chính, phương án tín dụng của dự án. Trước thực trạng này, vừa qua, Tập đoàn Đèo Cả đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh Lạng Sơn, Bộ GTVT sớm báo cáo cơ quan chức năng về các khó khăn liên quan phương án tài chính của dự án và có các giải pháp bổ sung nguồn vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ cho dự án giống như những dự án cao tốc khác, tránh việc phải tạm dừng khai thác, hướng tới việc vận hành ổn định, lâu dài.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật