Thừa Thiên Huế xem xét các loại hình được kinh doanh trở lại

Summer Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Ngày 13/4, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị các ban ngành sớm đề xuất các phương án, nêu rõ biện pháp nào cần bãi bỏ, nới lỏng, biện pháp nào phải thắt chặt trong thời gian tới.
Thừa Thiên Huế xem xét các loại hình được kinh doanh trở lại
Ảnh minh họa.

Loại hình kinh doanh có thể mở cửa hoạt động lại

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường, tại tỉnh Thừa Thiên Huế, ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã tác động đến nhiều mặt của đời sống kinh tế, xã hội. Nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa phải thu hẹp sản xuất kinh doanh hoặc tạm ngừng hoạt động. Hoạt động du lịch gặp khó khăn do tình trạng hủy tour, hủy phòng, các dịch vụ ăn uống, lưu trú, vận chuyển giảm sút; sức mua tại các siêu thị và chợ trung tâm cũng bị ảnh hưởng…

Ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế khẳng định, thời gian qua tỉnh đã chủ động trong việc thực hiện tốt việc ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch và đặc biệt là triển khai nghiêm túc việc cách ly xã hộị, trong đó có những quyết sách đã triển khai trước khi có Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, nhờ vậy hình dịch bệnh trên địa bàn đã được kiểm soát tốt.

Chủ tịch tỉnh gợi mở, đời sống của người dân trên địa bàn vẫn còn khó khăn, nhiều hộ gia đình chủ yếu dựa vào buôn bán nhỏ lẻ. Vì vậy tỉnh cần đánh giá lại những dịch vụ, kinh doanh hàng hóa nào có thể mở cửa hoạt động trở lại, những mặt hàng nào có thể cho phép người dân kinh doanh buôn bán. Từ đó giúp người dân sớm vượt qua giai đoạn khó khăn, đảm bảo ổn định cuộc sống.

Huế sẽ xem xét các mặt hàng được kinh doanh trở lại sau đợt thời gian cách ly xã hội đến 15/4

Các biện pháp như giãn cách xã hội, tỉnh hiện vẫn duy trì các chốt kiểm soát y tế, đảm bảo các khu cách ly vận hành tốt, nâng cao năng lực xét nghiệm...

Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các sở ngành, địa phương, trên tinh thần bám sát chỉ đạo của Chính phủ, đồng thời dựa vào tình hình cụ thể, đặc thù của địa phương để tham mưu các quyết sách phù hợp trong giai đoạn tiếp theo.

“Phải sẵn sàng kịch bản mới về phòng chống dịch cho giai đoạn tiếp theo. Chúng ta phải làm tốt trách nhiệm trước quốc gia và trước nhân dân, phòng chống dịch là nhiệm vụ quan trọng; chăm lo sức khỏe và đời sống của người dân là nhiệm vụ phải được đặt lên hàng đầu” - ông Thọ nói.

Ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế chỉ đạo "Cần đánh giá lại những dịch vụ, kinh doanh hàng hóa nào có thể mở cửa hoạt động trở lại, những mặt hàng nào có thể cho phép người dân kinh doanh buôn bán. Từ đó giúp người dân sớm vượt qua giai đoạn khó khăn, đảm bảo ổn định cuộc sống"

tiết kiệm 10% chi thường xuyên để chống dịch 

Trên cơ sở ý kiến của Thường trực HĐND tỉnh, bắt đầu từ 13/4 Thừa Thiên Huế bắt đầu thực hiện tiết kiệm thêm 10% dự toán chi thường xuyên 8 tháng cuối năm 2020 của các đơn vị sử dụng ngân sách (trừ ngành y tế) cấp tỉnh và các huyện, không bao gồm các khoản: Chi tiền lương, phụ cấp theo lương, chi cho con người; chi thực hiện các chính sách an sinh xã hội và các khoản chi đặc thù khác.

Ông Thọ lưu ý “Các đơn vị thực hiện tiết kiệm các khoản chi thường xuyên, chi cho bộ máy quản lý nhà nước, chi hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập. Trong đó, thực hiện nghiêm quy định về chế độ đón tiếp khách nước ngoài, chế độ chi tổ chức các hội nghị, hội thảo quốc tế và chế độ chi tiếp khách trong nước. Hạn chế tình trạng phô trương, hình thức, tiếp khách gây lãng phí ngân sách nhà nước. Giảm tối đa các khoản chi khánh tiết, hội nghị, hội thảo”.

Trước mắt, Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh điều hành, sử dụng dự phòng ngân sách trong phạm vi 50%, tạm giữ lại 50%; UBND cấp huyện điều hành, sử dụng 40% dự phòng ngân sách và tạm giữ lại 60%. Nguồn ngân sách để lại này nhằm chủ động xử lý khi nguồn thu ngân sách giảm lớn, chi phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật