Đảo lộn kế hoạch tuyển sinh đại học

Summer Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Mỹ, Anh, Pháp hủy các kỳ thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển vào đại học trong khi Hàn Quốc, Trung Quốc lùi kỳ thi do tác động của Covid-19.
Đảo lộn kế hoạch tuyển sinh đại học
Học sinh tại Anh tham gia kỳ thi GCSE. Ảnh: PA.

Tại Na Uy, ngày 25/3 Bộ Giáo dục ra thông báo hủy kỳ thi tự luận tốt nghiệp THPT nhưng vẫn đang thảo luận việc tổ chức kỳ thi nói. Học sinh sẽ nhận chứng chỉ tốt nghiệp THPT.

Đối với học sinh cuối cấp THPT, ảnh hưởng của việc hủy bỏ kỳ thi không lớn. Trong chương trình giáo dục Na Uy, kỳ thi tốt nghiệp chỉ chiếm 20% quyết định xét tuyển đại học. 80% còn lại dựa vào điểm trung bình học tập ba năm THPT.

Tại Mỹ, hai kỳ thi chuẩn hóa dùng để xét tuyển vào đại học, cao đẳng là SAT (dự kiến tổ chức vào tháng 5) và ACT (dự kiến ngày 4/4) đã bị hủy. 

51 trường đại học tại Mỹ, trong đó có Boston, California, Washington, thông báo không sử dụng điểm chuẩn hóa SAT hoặc ACT để tuyển sinh. Thí sinh có thể phải làm bài kiểm tra riêng của từng trường để ứng tuyển.

Tại Anh, cuối tháng 3, Bộ Giáo dục thông báo hủy kỳ thi GCSE (chứng chỉ giáo dục THPT), A-level (chứng chỉ giáo dục THPT bậc cao). Giáo viên sẽ chấm điểm học sinh dựa trên điểm các bài kiểm tra, bài tập về nhà, tại lớp kết hợp điểm trung bình học tập ở từng môn. Điểm do giáo viên đánh giá sẽ được gửi về Ban khảo thí quốc gia để đưa ra kết quả chính thức, thay thế điểm thi GCSE và A-level.

Tại Indonesia, kỳ thi quốc gia dành cho học sinh tiểu học, THCS, THPT đã bị hủy. Chính phủ đang xem xét biện pháp thay thế kỳ thi quốc gia như sử dụng kết quả đánh giá dựa trên điểm học tập 3 năm học đối với học sinh THCS và THPT, 6 năm học đối với học sinh tiểu học hoặc tổ chức thi trực tuyến.

Tại Pháp, ngày 3/4 Bộ Giáo dục thông báo hủy kỳ thi tốt nghiệp THPT dự kiến diễn ra vào tháng 6 do ảnh hưởng của Covid-19. Jean-Michel Blanquer, Bộ trưởng Giáo dục Pháp, cho biết học sinh sẽ nhận điểm trung bình học tập cả năm ở từng môn dựa trên điểm số bài kiểm tra và bài tập về nhà. Số điểm này sẽ được dùng để xét tuyển đại học.

Nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ từng là tâm Covid-19 nhưng chỉ lùi lịch thi đại học. Bộ Giáo dục Trung Quốc cho biết kỳ thi tuyển sinh đại học, còn gọi là gaokao, sẽ diễn ra từ ngày 7 đến 8/7, muộn hơn một tháng so với mọi năm. Tỉnh Hồ Bắc và thủ đô Bắc Kinh, hai tâm dịch Covid-19, được tự quyết định lịch thi.

Năm 2020, hơn 10,71 triệu thí sinh tại Trung Quốc sẽ tham dự gaokao. 

Hong Kong tổ chức kỳ thi tuyển sinh đại học vào ngày 24/2, muộn một tháng so với dự kiến. Cơ quan giáo dục Hong Kong đã chuẩn bị kế hoạch thay thế phòng trường hợp Covid-19 diễn tiến phức tạp. Phương án 1 là hoãn kỳ thi đến ngày 22/5, hoặc nếu cần thiết đến 11/6. Phương án 2 là hủy bỏ kỳ thi. Học sinh sẽ xét tuyển đại học bằng điểm trung bình học tập.

Tại Hàn Quốc, kỳ thi đánh giá năng lực đại học, còn gọi là suneung, sẽ bắt đầu từ ngày 3/12, chậm hơn hai tuần so với lịch dự kiến vào ngày 19/11. Trong cuộc họp về Covid-19 ngày 31/3, Bộ trưởng Giáo dục Yoo Eun-hae nói: "Đây là quyết định không thể tránh khỏi nhằm giảm bớt khó khăn do năm học mới bị trì hoãn vì Covid-19. Học sinh sẽ có thêm thời gian để chuẩn bị cho kỳ thi đại học".

Năm 2019, Hàn Quốc có gần 550.000 thí sinh tham dự kỳ thi đại học. 

Tại Malaysia, kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào đại học (SPM) thường diễn ra vào cuối năm đã được lùi đến quý I/2021. 

Tại Nga, kỳ thi THPT quốc gia (EGE) dự kiến tổ chức vào ngày 25/5 sẽ lùi đến 8/6. Bộ Giáo dục nhấn mạnh sẽ tổ chức kỳ thi nhẹ nhàng, thuận lợi nhất cho học sinh. 

Hội đồng khảo thí vùng Caribe (CXC), gồm 16 quốc gia và vùng lãnh thổ ở Tây Ấn, đã hoãn kỳ thi THPT dự kiến vào tháng 5, 6 sang tháng 7. Hội đồng khảo thí Tây Phi, gồm các quốc gia Tây Phi, cũng lùi kỳ thi lấy chứng chỉ THPT (WASSCE) dự kiến vào tháng 5, 6, nhưng chưa thông báo thời gian cụ thể.

Đến ngày 17/4, Covid-19 đã lan ra 210 quốc gia và vùng lãnh thổ, khiến gần 2,2 triệu người nhiễm bệnh và hơn 146.000 người chết. UNESCO ước tính đại dịch khiến 188 quốc gia đóng cửa toàn bộ trường học, làm gián đoạn học tập của 91% học sinh toàn cầu, tương đương 1,6 tỷ trẻ em và thanh thiếu niên.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật