Bảo tồn cọn nước xã Tân An

Baoanh Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Nhìn từ trên cao, xã Tân An (Chiêm Hóa) nằm nép mình dưới chân dãy Cham Chu hùng vĩ. Nước trên núi đổ xuống tạo ra những dòng suối chảy qua địa bàn xã, tưới cho những cánh đồng phì nhiêu.
Bảo tồn cọn nước xã Tân An
Chiếc cọn nước ở xã Tân An. Ảnh: Thu Hằng
Dưới chân núi, thung lũng, gần các dòng suối là những làng bản của đồng bào Tày cư trú với những ngôi nhà sàn cột gỗ, lợp lá cọ truyền thống. Do đặc điểm lựa chọn vị trí cư trú gần các dòng suối nên từ xa xưa, đồng bào Tày Tân An đã sớm biết chế tạo và sử dụng cọn nước như một chiếc máy dẫn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt.

Đa số người Tày Tân An sử dụng cọn nước đều không nhớ và không biết cọn nước có từ bao giờ, chỉ biết khi họ được sinh ra đã thấy cọn nước. Theo cuốn Tấu sách Tuyên Quang tỉnh (Sách tấu về tỉnh Tuyên Quang) niên hiệu Đồng Khánh thứ 3, năm 1888 có ghi: “Người Mán, người Nùng, người Thổ ở nhà sàn; người Thổ, Nùng ở chỗ thấp, sống bằng nghề khai khẩn trồng trọt, dùng bánh xe (cọn nước) dẫn nước vào ruộng,...”. Như vậy có thể khẳng định người Tày, Nùng, Dao Tuyên Quang nói chung và người Tày xã Tân An nói riêng đã biết làm cọn nước từ rất xa xưa…

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, xã Tân An là địa phương còn giữ được nhiều cọn nước nhất, có đến 40 chiếc, chủ yếu tập trung ở thôn An Vượng với 37 chiếc cọn. Thôn An Vượng có 118 hộ dân, gần 500 nhân khẩu, trong đó 99% là đồng bào dân tộc Tày. Thôn có hơn 30 ha đất ruộng, trong đó quá nửa số diện tích ruộng không có nước. Để có nước sản xuất, người dân trong thôn đã làm những chiếc cọn đưa nước suối vào các cánh đồng. Đoạn suối chỉ dài khoảng hơn 3 km có tới 37 cọn nước như những chiếc bánh xe khổng lồ nối đuôi nhau nép mình bên bờ suối đang miệt mài quay dẫn nước vào ruộng.

Bước vào tháng Chạp hằng năm, bà con dân tộc Tày thôn An Vượng lại nô nức đổi công làm cọn. Đàn ông lớn tuổi phụ trách khâu kỹ thuật, thanh niên trai tráng, phụ nữ phụ chặt gỗ, chặt tre, chẻ lạt, đan phên. Ông Hà Văn Thọ, một trong những người cao tuổi nhất của thôn An Vượng kể lại: “Những chiếc cọn nước đã gắn bó từ đời ông, đời cụ của tôi cho đến bây giờ. Trước kia, chúng tôi không chỉ sử dụng cọn nước để lấy nước sinh hoạt, tưới cho đồng ruộng, mà nó còn là công cụ để tạo ra cối giã gạo. Với nhịp quay đều đều, mỗi lần nước đổ xuống từ vòng quay, chiếc chày giã lại được nâng lên hạ xuống theo lực đẩy của nước. Cứ thế, gạo sẽ được giã trắng. Bây giờ, có máy xay xát, có giếng, cọn nước chỉ dùng để dẫn nước phục vụ cho đồng ruộng”. 

Theo ông Thọ, để làm hoàn chỉnh một chiếc cọn phải cần thời gian gần một tháng, việc chế tạo hết sức cầu kỳ. Muốn tạo được một chiếc cọn lớn cân bằng quay được phải cẩn thận từng công đoạn. Vào cuối vụ gặt, bà con lại sửa chữa lại cọn hoặc làm mới để chuẩn bị lấy nước cho vụ sau. Thông thường, mỗi chiếc cọn chỉ sử dụng được 1-2 năm. Nhờ những chiếc cọn, việc cung cấp nước phục vụ sản xuất của nhân dân thôn An Vượng luôn được đảm bảo. 

Ông Hà Văn Ngâm cho biết, thôn An Vượng nằm ở ngã ba giao nhau giữa hai con suối Ngòi Ba và Ngòi Thân. Mùa mưa thường bị lũ lụt, mùa khô thiếu nước. Địa hình cũng không thích hợp để xây dựng mương, phai. Vì vậy, bao đời nay, nhân dân An Vượng duy trì theo nếp truyền thống dùng cọn dẫn nước. Hiện nay, toàn thôn có 37 cọn nước, bình quân cứ 1 đến 3 gia đình sử dụng chung 1 cọn. 

Cọn nước không đơn thuần chỉ là một công trình thủy lợi mà đã trở thành một nét văn hóa độc đáo của người Tày, không gian của di sản Then xã Tân An. Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hải, Giám đốc Bảo tàng tỉnh, để bảo tồn di sản văn hóa cọn nước, Bảo tàng tỉnh đã cử cán bộ khảo sát, làm hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể “Tri thức sử dụng cọn nước của người Tày tỉnh Tuyên Quang”. Hồ sơ khoa học đã hoàn thành, trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xét công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể tiếp theo của tỉnh trong thời gian tới.

Việc bảo tồn và phát huy giá trị cọn nước xã Tân An nói riêng và cọn nước toàn tỉnh nói chung sẽ có giá trị pháp lý để cộng đồng cùng chung tay bảo vệ.                

Xem Video:  Bảo vệ nguồn nước là bảo vệ mạch máu của cuộc sống

//

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật