Thầy cô giáo rớt nước mắt thương cậu học trò nghèo nằm nhà chờ chết

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Đến bệnh viện rồi, không có tiền mẹ con Trường lại dắt díu nhau về nhà chờ vào vận may của số phận. Chứng kiến hoàn cảnh gia đình, thầy cô giáo kêu gọi các nhà hảo tâm dang tay cứu cậu học trò nghèo.
Thầy cô giáo rớt nước mắt thương cậu học trò nghèo nằm nhà chờ chết
Ảnh minh họa

Xem Video: Hình ảnh cô giáo vùng cao bên học trò nghèo

Theo chân thầy cô giáo, trường THPT Thọ Xuân 4, (huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa), tôi tìm đến căn nhà của chị Trần Thị Lương (SN 1974), ở thôn 5, xã Lam Sơn, huyện Ngọc Lặc, Thanh Hóa.

Em Trần Văn Trường thường xuyên khó thở, không đi lại được.

Dù đã chuẩn bị sẵn tinh thần nhưng tôi vẫn bất ngờ, khó có thể cầm lòng khi tận mắt nhìn thấy căn nhà nhỏ nằm sâu trong rừng, là chỗ chui ra chui vào của 2 mẹ con chị Lương.
Đã mấy ngày nay, em Trần Văn Trường (SN 2004), học sinh lớp 10A7, trường THPT Thọ Xuân 4, huyện Thọ Xuân đã không đến lớp. Khi chúng tôi đến nhà, Trường đang nằm co quắp, thu lu nép mình vào mép giường.

Dáng người gầy gò đến tội nghiệp, từng hơi thở nặng nhọc và ánh mắt mệt mỏi của cậu nam sinh 15 tuổi bị bệnh tim bẩm sinh đến giờ vẫn ám ảnh tâm trí tôi.
Từ khi được sinh ra, Trường đã thiếu vắng tình cảm của người bố. Một mình chị Lương mang nặng đẻ đau và nuôi con bao nhiêu năm qua. Thằng bé lại còn đau yếu thường xuyên.

Chị quá nghèo, đến nỗi mỗi khi con ốm đau, không có tiền để đưa con đi bệnh viện khám chữa bệnh. Nhiều hôm, nhìn con nằm thở dốc, chị cũng chỉ biết khóc mà không biết phải làm sao?

Nhìn con ốm đau, chị Lương chỉ biết khóc.

Nhà cửa chật chội, xuống cấp, mỗi khi mưa gió nước dột khắp nơi phải lấy chậu hứng. Tôi nhìn quanh, chẳng có một vật dụng gì đáng giá trong túp lều ấy cả.

Những lúc khỏe, chị Lương đi làm thuê, ai thuê gì chị làm nấy. Trong khi đó, bản thân chị cũng bị đau lưng, đau gối nhiều khi bước đi không nổi. Không có đất sản xuất, nguồn thu nhập chính là đi làm thuê, không thì đành chịu đói.
Hàng ngày hai mẹ con chủ yếu đi mò cua, bắt ốc kiếm tiền, khi nào khỏe tranh thủ đi soi mới có con cá, còn không thì cũng chẳng có gì ăn.

Không thể lo nổi cái ăn cái mặc, nhiều bữa, hai mẹ con chỉ ăn cơm với ít nước mắm. Thằng bé cứ cúi đầu lặng im, những lúc như vậy, nghĩ thương con, nước mắt chị cứ từng dòng mặn chát.

“Muốn đi viện thì phải có tiền, mà giờ nhìn quanh chỉ hai mẹ con nương tựa vào nhau. Bố mẹ thì mất sớm, anh em neo người lại khó khăn nên không giúp được gì cả. Có những ngày không làm được đồng nào, tôi đành xin cho con ít nước mắm về ăn. Ốm đau không có tiền lấy thuốc uống, cứ mỗi lần nhìn con đau yếu, ruột gan tôi như thắt lại… Tôi biết phải làm gì đây…”, chị Lương nghẹn ngào.

Nhìn mẹ, thằng bé cũng rơm rớm nước mắt. “Con thương mẹ lắm, nhưng…nhưng con đau lắm, con không thở được…”.
Những giấc ngủ ban đêm của cậu bé cũng trở nên mệt nhọc. Một nỗi sợ cứ đeo bám chị Lương, mỗi sáng mai thức giấc, thấy con vẫn còn ở đó, vẫn có thể nói chuyện một cách yếu ớt như thế, cũng giúp chị nhẹ nhõm phần nào.

Thương mẹ, nhưng Trường cũng đau ốm nên bất lực.

Bây giờ, cậu bé đã vào lớp 10. Sức khoẻ quá yếu, đi lại khó khăn nên việc nghỉ học trở nên thường xuyên hơn. Dù vẫn muốn được đến trường với cô thầy và các bạn, dù vẫn muốn được tiếp tục học hành, nhưng không ít lần Trường đã xin mẹ bỏ học.

“Mẹ cháu khổ quá rồi. Nghỉ học, cháu sẽ giúp đỡ được mẹ nhiều hơn. Nhưng mẹ không cho, mẹ bảo con phải học tiếp, học để thoát nghèo, để ít nhất cũng không như bây giờ”, Trường sụt sùi nói.

Thương mẹ, nhưng Trường cũng đau ốm nên bất lực.

Còn chị Lương thì thú nhận, nhiều lúc chị đã có ý nghĩ muốn chết đi vì bế tắc, nhưng chị chết rồi thì ai lo cho con chị? “Mẹ đau, con đau nhưng không có tiền. Mỗi lần thấy con đau, muốn đưa đi khám nhưng ăn còn không đủ…”.
Mới đây, các thầy cô giáo gom góp được ít tiền giúp đỡ hai mẹ con đi viện khám. Sau khi khám xong, bác sĩ khuyên nên nhập viện để điều trị bệnh, nhưng vì không có tiền nên hai mẹ con lại phải đưa nhau về.

“Chỉ có căn nhà tồi tàn, lụp xụp này có ai mua cũng bán đi để lo cho con thôi”, chị Lương thở dài, nhìn quanh căn nhà trống hoác.

Cô Đỗ Thị Hòa, giáo viên chủ nhiệm lớp 10A7, chia sẻ: Trong quá trình nhận lớp thấy có trường hợp học sinh hay nghỉ học. Qua tìm hiểu mới biết hoàn cảnh gia đình em Trường quá khó khăn, em lại ốm đau bệnh tật thường xuyên. Nhiều hôm đến nhà trời mưa, thấy nước dột khắp nơi mà thương hai mẹ con.

“Tôi đã đề xuất với ban giám hiệu nhà trường hỗ trợ hoàn toàn tiền đóng học, mua xe đạp điện, sách vở cho em. Không biết cháu có đủ sức khỏe để đi hết 3 năm học hay không. Có những đợt khỏe thì mỗi tuần Trường đến lớp được 3 buổi, có tuần chỉ đến lớp 1 buổi.

Cháu đến trường ngoan, đi học thực hiện kỷ cương, nề nếp tốt, cố gắng làm tốt bài tập thầy cô giao”, cô Hòa chia sẻ.

Căn nhà chật chội, dột nát phải dùng chậu hứng nước mưa.

Thầy Hoàng Văn Dũng, Phó hiệu trưởng Trường THPT Thọ Xuân 4 cũng cho hay: Qua thông tin của giáo viên chủ nhiệm, có học sinh hoàn cảnh khó khăn, không có khả năng đi học. Để động viên cháu đi học, ban giám hiệu nhà trường đã kêu gọi hỗ trợ hai mẹ con cháu.
Vừa rồi, cháu đi khám thì phát hiện bị bệnh tim bẩm sinh, còn mẹ cháu cũng không thể lao động nặng vì thoái hóa cột sống. bệnh viện đề nghị 2 mẹ con ở lại, nhưng vì không có điều kiện nên xin về chờ chết.

Nhà trường thực sự không đành, nhưng vì kinh phí chữa bệnh lớn và vì tương lai đi học sau này của cháu, nhà trường chỉ còn biết mong chờ vào sự chung tay, giúp đỡ của các nhà hảo tâm. Trước hết phải chữa bệnh, sau đó mới tính đến con đường đi học…

Ánh mắt của chị Lương như đang muốn cầu cứu cho số phận của hai mẹ con chị.

Thương cảnh cậu học trò tội nghiệp, các thầy cô giáo vừa ủng hộ, vừa kêu gọi các mạnh thường quân cứu lấy cậu học trò đáng thương của mình.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật