Cứ để yên cho Huế buồn‘May mắn ở giữa hai đợt bùng phát dịch, tôi và em kịp đến Huế một lần’.

Summer Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Thực ra việc nhiều người không thích Huế không làm cho tôi bất ngờ. Trong tất cả các thành phố lớn ở Việt Nam, phải nói một câu chân thành rằng: Huế là nơi có khí hậu khắc nghiệt nhất. Phần lớn mọi người đến Huế vào mùa hè, đi bộ trong Đại Nội lúc nhiệt độ bên ngoài 38-40 độ C làm cho hầu hết du khách chỉ muốn nhanh nhanh đi về khách sạn. Còn vào cái mùa trời bắt đầu mưa, thì Huế mưa ngày-đêm-không-dứt…
Cứ để yên cho Huế buồn‘May mắn ở giữa hai đợt bùng phát dịch, tôi và em kịp đến Huế một lần’.
Ảnh minh họa

Thực ra việc nhiều người không thích Huế không làm cho tôi bất ngờ. Trong tất cả các thành phố lớn ở Việt Nam, phải nói một câu chân thành rằng: Huế là nơi có khí hậu khắc nghiệt nhất. Phần lớn mọi người đến Huế vào mùa hè, đi bộ trong Đại Nội lúc nhiệt độ bên ngoài 38-40 độ C làm cho hầu hết du khách chỉ muốn nhanh nhanh đi về khách sạn. Còn vào cái mùa trời bắt đầu mưa, thì Huế mưa ngày-đêm-không-dứt…

Tính cả lần vừa rồi, là tôi đã đến Huế tổng cộng là 5 lần. Huế không cho tôi cái sự háo hức phải trở lại bằng được mỗi lần tôi rời đi, ấy vậy, đây lại là một trong những địa điểm tôi đã quay lại nhiều nhất.

Lần nào có ai rủ đi Huế tôi cũng đồng ý rất nhanh, cái sự kiêu hãnh tinh tế và cảm giác nhẹ nhàng khi được ở đây luôn gợi cho tôi những cảm xúc tốt - điều khiến tôi không bao giờ ngại trở lại. Kiểu như mấy câu ca Huế hay bắt đầu như thế này: "Ai ra xứ Huế thì ra …" - thành phố này sẽ không thay đổi (nhiều) để thoả mãn những nhu cầu của một ai đó, mà nó mặc sự mến yêu cho lựa chọn của người ta. Nếu ai đã thích Huế, thì bản thân Huế cũng không cần thay đổi. Họ muốn ra thì sẽ vẫn ra. Còn nếu ai đã không ra… Thì chắc là thôi.

Trong chuyến đi vừa rồi, chắc phải nhiều hơn 3 lần, tôi nói với em là: "Anh thích Huế thật". Một địa điểm hay nói rộng ra là một thành phố để có sức hút thì không thể không có câu chuyện. Người ta gần đây mượn những câu chuyện của Huế để làm phim, để làm video âm nhạc nhưng có lẽ mới chỉ chạm đến lớp vỏ rất bên ngoài.

Lần đầu tiên đi Huế là năm tôi học lớp 6 hay 7 gì đó, mẹ mua cho tôi một cuốn sách về lịch sử các vị vua triều Nguyễn để làm quà lưu niệm. Tôi đọc nó suốt trong chuyến tàu ra Bắc, rồi cả thời gian còn lại của mùa hè năm ấy. Sau này trong các chuyến đi sau, lúc bập bẹ được vài kiến thức nhớ lại từ cuốn sách ấy, các cô hướng dẫn viên du lịch hẳn là cũng thấy chút ấn tượng. Mặc dù không nhớ được quá nhiều chi tiết, nhưng có một thứ còn ám ảnh tôi từ lần đầu đọc những câu truyện của Huế, cho đến vừa rồi khi nghe lại giữa Khiêm Lăng. Chắc cũng không quá khó đoán, chính là Nỗi Buồn.

Nhiều người than phiền sau khi trở về từ đây rằng: Sao Huế buồn quá vậy? Tôi chỉ không hiểu, chứ không trách họ. Để trân trọng nỗi buồn, hay lịch sử nói chung, có lẽ con người ta cũng cần phải có những câu chuyện riêng. Họ có lẽ đã mong muốn tìm thấy những thứ mà thành phố này không (cần) có.

Bản thân mình, ngoài những lúc mặt đỏ tía tai vì những món ăn siêu cay khủng khiếp của nơi này, tôi đến Huế chắc là để tìm sự yên bình. Sau khi chú General Manager của khách sạn chúng tôi ở tới bắt chuyện và biết tôi trước đây đã tới thành phố, chú nói một câu mà có vẻ đã được lặp lại nhiều lần cho những người đã-từng-tới-Huế: "Mọi thứ ở Huế cũng không thay đổi nhiều lắm…" - như thể nó là một điều không tốt. Tôi cười mỉm rồi trả lời: "Dạ vâng, may quá chú ạ".

Thú thực, ngày nay, tôi cảm thấy may mắn vì chúng ta còn có Huế. Và trong suốt những chuyến đi vừa rồi, tôi chỉ ước là Huế đừng thay đổi, đừng vì mong muốn có thứ niềm vui dễ dãi mà bắt thành phố này phải chuyển mình.

Hãy cứ để yên cho Huế được buồn.

Năm lần tới Huế, tôi không biết bao giờ sẽ là lần thứ 6. Nhưng tôi biết là chắc chắn là mình sẽ còn quay lại, bởi vì kết thúc của bài hát "Ai ra xứ Huế thì ra…" lại là một lời mời mà phải khéo léo đảm bảo chắc chắn người nghe đủ thích để nghe hết bài tác giả mới chịu nói ra:

"Có nhớ xin trở về".

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

Xin cảm ơn Quang Đạt và Hà Trúc - chủ nhân bài viết và bộ ảnh này!

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật