1 giờ khuya vẫn học, điểm trung bình 9.6 đạt hạng 3, nữ sinh lớp 7 vẫn bị bố mẹ chê ‘Có gì đâu mà giỏi’

Kute Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Khen ngợi trẻ là phần thưởng tinh thần giá trị, tạo động rất nhiều cho các con trong học tập, nhưng không phải bố mẹ nào cũng hiểu được điều đó.
1 giờ khuya vẫn học, điểm trung bình 9.6 đạt hạng 3, nữ sinh lớp 7 vẫn bị bố mẹ chê ‘Có gì đâu mà giỏi’
Ảnh minh họa

Lời khen chỉ mất vài giây nhưng những lợi ích mà nó mang lại có thể kéo dài đến nhiều năm sau, thậm chí quyết định sự thành công của trẻ trong tương lai. Thế nhưng, nhiều bố mẹ rất kiệm lời khen với con cái. Một số họ cho rằng khen ngợi trẻ sẽ làm con chủ quan, sinh ra tâm lý tự cao, mất đi ý chí phấn đấu; Còn nếu chê trẻ, chúng sẽ có động lực để vượt qua giới hạn hiện tại. Song đây là một quan niệm hoàn toàn sai lầm, có thể làm trẻ nản chí, thui chột sự cố gắng ở trẻ vì bao nỗ lực của con đã không được người lớn nhìn nhận.

Tâm sự của cô bé nữ sinh lớp 7 sẽ giúp bố mẹ hiểu chính xác con cái chúng ta bị tổn thương đến thế nào khi con nỗ lực ngày đêm học tập, đạt 9.6 xếp hạng 3 cuối năm nhưng chỉ nhận được lời chê bai từ gia đình.

Đầu tiên, cô bé nhắc lại chuyện hồi em học lớp 6, em đạt 9.3 nhưng ai cũng bảo "học càng ngày càng dở, hồi cấp 1 hạng 1 thế mà giờ hạng 3, ôm điện thoại tối ngày"; mà không nghĩ rằng học cấp 2 bao giờ cũng khó lấy điểm cao hơn ở cấp 1. Thế là lên lớp 7 em cố gắng để học tốt hơn. Em thường xuyên thức đến 1 giờ khuya và sáng dậy lúc 4g30 để học bài. Kết quả là cuối năm em đạt 9.6, hạng ba. Khi em đưa bảng điểm về gia đinh, câu nói của bố như tạt một gáo nước lạnh vào em: "Có gì đâu mà giỏi, chỉ giỏi với những đứa học khá và dở thôi chứ kết quả không được 10 hết thì con cũng không có giỏi giang gì!" 

Và em đã chạy vào phòng khóc rất nhiều. Cô bé viết: “Em hụt hẫng, không còn một chút niềm hy vọng gì cho năm học lớp 8 sắp tới, kiểu như công sức của em bấy lâu nay chẳng có ý nghĩa gì cả”.

Vậy là thêm một đứa trẻ bị tổn thương và mất phương hướng vì sự kỳ vọng, đòi hỏi từ gia đình. Chúng ta nói nhiều về tình yêu với con cái cũng như chắc chắn chúng ta đang làm mọi điều để mang lại các giá trị tốt nhất cho con. Nhưng sẽ là thiếu sót nghiêm trọng nếu chúng ta quên bồi bổ cho con về tình thần bằng lời khen ngợi. 

Lời khen ngợi chính là phần thưởng tinh thần vô giá, đôi khi có thể thay đổi cuộc đời của một con người. Nếu ai đó đã đọc về Lư Tô Vỹ, một chuyên gia nổi tiếng trong lĩnh vực khai thác và phát triển năng lực tiềm ẩn hẳn sẽ hiểu tại sao từ một đứa trẻ bại não, ông có thể thành công như hôm nay.

Mặc dù trên lớp giáo viên luôn “chê” Vỹ, gọi Vỹ là “con lợn bị chấn thương sọ não” nhưng cha Vỹ luôn khen ngợi con trai: “Vỹ rất thông minh, đã thế còn ngày càng thông minh hơn” Khi Vỹ kiểm tra toàn “trứng ngỗng”, ông vẫn tấm tắc khen: "Không tồi chút nào, bài này con có điểm”. Khi Vỹ được điểm "1" đầu tiên (trên thang điểm 100), ông đã hét lên sung sướng: “Vỹ, con thi được điểm thật rồi! Thật rồi này”. 

Lời khen ngợi của bố đã gieo vào lòng Vỹ niềm tin mãnh liệt rằng Vỹ không ngốc, chỉ là thông minh theo một cách khác. Và Vỹ không ngừng cố gắng, vượt ra khỏi giới hạn người ta vẫn quen mặc định đối với một đứa trẻ bại não.

Bố mẹ hãy nghĩ xem có phải chúng ta cũng thích được khen ngợi? Chúng ta sẽ làm việc hăng say hơn khi được sếp biểu dương? Vậy thì đứa trẻ cũng vậy. Chúng luôn muốn được khen, được ghi nhận vì sự cố gắng. Lời khen ngợi sẽ giúp trẻ hào hứng trong học tập và làm mọi thứ tốt hơn nữa. Đồng thời nó giúp trẻ tự tin, đánh giá cao bản thân, hình thành lòng tự trọng ở trẻ.

Mặt khác, khen ngợi cũng là một cách giúp đẩy lùi những hành vi không tốt. Vì lời khen giúp trẻ nhận thức đâu là việc tốt cần phát huy. Từ đó mà chúng giảm đi các hành vi tiêu cực, chỉ chú trọng làm điều tích cực.

Vậy nên, để con không tắt đi động lực phấn đấu và sống tốt hơn, bố mẹ hãy thường xuyên dành tặng con lời khen ngợi nhé.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật