Giáo viên quyết định việc cho phép học sinh dùng điện thoại trong lớp

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT, cho hay căn cứ vào bài học cụ thể, giáo viên quyết định cho phép học sinh sử dụng điện thoại trong lớp hay không.
Giáo viên quyết định việc cho phép học sinh dùng điện thoại trong lớp
Vụ trưởng Nguyễn Xuân Thành cho biết giáo viên quyết định cho phép học sinh dùng điện thoại ở nội dung bài học nào. Ảnh: Anh Đức.

Thông tin học sinh được dùng điện thoại trong giờ học, nhưng chỉ phục vụ học tập, với sự đồng ý của giáo viên được dư luận quan tâm với nhiều ý kiến khác nhau.

Trao đổi với Zing, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT, nhấn mạnh cần hiểu đúng quy định này.

Không cấm triệt để việc dùng điện thoại

- Sự điều chỉnh liên quan đến việc sử dụng điện thoại của học sinh trong Thông tư 32 nên được hiểu như thế nào, thưa ông?

- Trước hết, tôi khẳng định “cho phép sử dụng điện thoại trong lớp để phục vụ học tập” không phải là câu đúng trong thông tư.

Quy định chính xác nằm ở mục “các hành vi học sinh không được làm” của Thông tư 32 về ban hành Điều lệ trường THCS, trường THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học.

Thầy cô quyết định với bài học nào, thời điểm nào, việc cho học sinh sử dụng điện thoại để tra cứu là cần thiết - Vụ trưởng Nguyễn Xuân Thành

Trong đó, học sinh không được “sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép”.

Quy định này được đưa ra nhằm hỗ trợ trường hợp học sinh cần truy cứu, tìm nguồn học liệu khi có điều kiện và được sự cho phép, hướng dẫn, giám sát của giáo viên trong giờ học trên lớp.

- Bộ GD&ĐT điều chỉnh quy định dựa trên căn cứ nào?

- Ở Thông tư 12, học sinh không được sử dụng điện thoại trong lớp học.

Tuy nhiên, bây giờ, với việc phát triển công nghệ thông tin, công nghệ 4.0, công tác dạy học trực tuyến, sử dụng nguồn học liệu trên mạng, phát triển nguồn học liệu số dần phổ biến.

Xu hướng quốc tế đã tiến xa. Việt Nam cũng không nằm ngoài làn sóng ứng dụng công nghệ thông tin. Điều này được thể hiện qua Chỉ thị 16 năm 2017 của Thủ tướng về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Giáo dục đổi mới, thực hiện chương trình mới, dạy học phát triển phẩm chất năng lực người học.

Nhiều năm nay, Bộ GD&ĐT chỉ đạo chương trình tổ chức hoạt động học trong và ngoài lớp, phát triển năng lực của người học.

Trong giai đoạn học sinh phải nghỉ học do dịch Covid-19, bộ hướng dẫn học qua Internet, truyền hình. Bộ cũng dự thảo thông tư về dạy online trực tuyến, đang đăng trên cổng thông tin của bộ để xin ý kiến rộng rãi trước khi ban hành.

Những việc này giúp thầy trò tổ chức thực hiện nội dung học tập theo phương châm “tạm dừng đến trường, không dừng việc học”. Cũng nhờ đó, chúng ta hoàn thành chương trình, đảm bảo chất lượng…

Giáo viên, học sinh tương tác qua tin nhắn, điện thoại, mạng xã hội để hướng dẫn học sinh học tập, đặc biệt là trong thời gian phải nghỉ học ở trường vì Covid-19.

Vì vậy, Bộ GD&ĐT quyết định không cấm tuyệt đối việc học sinh dùng điện thoại trong lớp và sửa quy định về những hành vi học sinh không được làm.

Điều này có nghĩa là quyền được giao cho giáo viên. Thầy cô quyết định với bài học nào, thời điểm nào, việc cho học sinh sử dụng điện thoại để tra cứu là cần thiết.

Giáo viên quyết định, quản lý việc học sinh sử dụng điện thoại trong lớp. Ảnh: H.T.P.

Thầy cô kiểm soát việc học sinh dùng điện thoại

- Như vậy, học sinh được phép mang điện thoại đến trường. Trong khi đó, hiện nay, không ít trường lại cấm việc này. Theo ông, ở đây có mâu thuẫn không?

- Học sinh từ lớp 6 đến 12 mang điện thoại đến trường không phải điều xa lại, là công cụ giao tiếp với cha mẹ. Song học sinh mang đến trường và sử dụng trong lớp là hai việc khác nhau.

Hơn nữa, điều lệ ban hành kèm theo Thông tư 12 năm 2011 quy định học sinh không được "sử dụng điện thoại di động hoặc máy nghe nhạc trong giờ học", chứ không cấm các em mang điện thoại đến trường.

Theo tôi, quy định của Thông tư 32 nhân văn, phù hợp cuộc sống xã hội thế kỷ 21. Ở thế giới 4.0, chúng ta không thể cấm học sinh dùng điện thoại.

Trách nhiệm của chúng ta là hướng dẫn, quản lý để các em học sinh sử dụng điện thoại di động nói riêng và các thiết bị ứng dụng công nghệ thông tin khác một cách phù hợp, cả ở nhà và ở trường.

Đó cũng chính là mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông mới nhằm phát triển phẩm chất, năng lực học sinh, trong đó "tự chủ và tự học" là một trong 3 năng lực cốt lõi (tự chủ và tự học, giao tiếp và hợp tác, giải quyết vấn đề và sáng tạo).

- Để đảm bảo thực hiện tốt, hiệu quả điều chỉnh này, Bộ GD&ĐT có đưa ra hướng dẫn cụ thể về tình huống cho phép học sinh sử dụng điện thoại không?

- Bộ không thể hướng dẫn cụ thể cho từng giáo viên viên. Với bài học ở lớp, giáo viên hiểu hơn ai hết việc cần thiết cấm hoặc cho phép học sinh sử dụng. Nếu không cần thiết, giáo viên không cho phép sử dụng.

Như vậy, thay vì việc cấm hoàn toàn, bộ chỉ cấm những việc dùng không đúng mục đích. Giáo viên được trao quyền, toàn quyền của giáo viên.

- Ông có lời khuyên nào đối với giáo viên về việc cho phép học sinh sử dụng điện thoại trong lớp để phục vụ học tập không?

- Giáo viên cần hiểu thật rõ vai trò của mình trong lớp học. Họ là người làm chủ việc học trong lớp, phải tổ chức, hướng dẫn, giám sát, kiểm tra hoạt động học của học sinh, thậm chí ở ngoài lớp.

Đó chính là phương pháp, kỹ thuật dạy học tích cực giáo viên phải sử dụng để đáp ứng yêu cầu dạy học phát triển phẩm chất, năng lực học sinh mà bộ đã hướng dẫn nhiều năm qua.

Căn cứ từng bài học cụ thể, nếu thấy không nhất thiết cần đến điện thoại, thầy cô không việc gì phải cho học sinh dùng cả.

Chẳng hạn, trường có hệ thống LMS (Learning Management System - hệ thống quản lý học trực tuyến) để tổ chức học trực tuyến. Học sinh được giao nhiệm vụ học trực tuyến của bài học đó ở nhà, trước khi đến trường và tiếp tục thảo luận nội dung bài học trong lớp.

Ở trường hợp này, tại sao chúng ta không tạo điều kiện cho học sinh có công cụ truy cập vào bài học mình đã học ở nhà và ở trường.

Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc học sinh được dùng điện thoại không kiểm soát.

Tôi mong muốn thầy, cô giáo, học sinh, các bậc cha mẹ học sinh và toàn xã hội hiểu đúng về quy định của bộ: Học sinh không được sử dụng điện thoại di động khi đang học tập trên lớp mà không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép.

Nguồn Tin:
Tin liên quan: id: 10876
  1. Thấy gì từ trường học đã cho học sinh dùng điện thoại trong 5 năm qua?
  2. Học sinh THCS và THPT sẽ được sử dụng điện thoại trong lớp: Chớ nên vội vàng
  3. Học sinh các nước trên thế giới có được sử dụng điện thoại trong lớp?
  4. Cho học sinh dùng điện thoại: Cần hướng dẫn cụ thể hơn
  5. Học sinh sử dụng điện thoại trong lớp học: Có phải ‘thả gà ra để đuổi’?
  6. Hiệu trưởng ở Lào Cai: ‘Cho học sinh dùng smartphone, chưa thấy em nào hư’
  7. Có nên cho học sinh dùng điện thoại trong giờ học?
  8. Giáo viên toàn quyền quyết định khi nào học sinh được dùng điện thoại
  9. Học sinh được sử dụng điện thoại trong giờ học là phù hợp?
  10. Dùng điện thoại trong lớp học: Không cấm, nhưng không có nghĩa là được dùng thoải mái
  11. Cho học sinh dùng điện thoại thông minh trong lớp học: Quản được không?
  12. Học sinh dùng điện thoại trong lớp - tận dụng hay lợi dụng?
  13. ‘Tranh cãi gay gắt’ trước quy định cho học sinh dùng điện thoại trong giờ học
  14. Học sinh dùng điện thoại trong giờ học như thế nào?
  15. Học sinh được dùng điện thoại trong lớp: Tranh cãi dữ dội, phản đối phần nhiều
  16. Thông tư cho học sinh dùng ĐTDĐ trên lớp: Không kiểm soát được sẽ có hại cho các em!
  17. Học sinh được dùng điện thoại thông minh, giáo viên giảm 3/4 ‘gánh nặng’ sổ sách
Video và Bài nổi bật