QLTT phía Nam: Triệt xóa nhiều ổ làm phân bón giả

Baoanh Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Trước thực trạng phân bón giả, phân bón kém chất lượng sản xuất, bày bán tràn lan tại thị trường khu vực miền Nam, Bộ Công Thương đã chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường (QLTT) các địa phương tăng cường kiểm tra và xử lý nhiều vụ sản xuất, kinh doanh phân bón giả trên địa bàn.
QLTT phía Nam: Triệt xóa nhiều ổ làm phân bón giả
Phân bón giả được phát hiện tại thị trường Đồng Nai

Nhiều ổ làm phân bón giả liên tục bị triệt xóa

Ngày 20/10 vừa qua, Tổng cục QLTT đã chỉ đạo Cục Nghiệp vụ QLTT, Cục QLTT Đồng Nai phối hợp với lực lượng công an bắt quả tang xưởng sản xuất thuộc chi nhánh Công ty TNHH Thương mại Châu Rhino, phường Trảng Dài, TP. Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai dùng đá, đất và bột màu sản xuất phân bón giả. Qua kiểm nghiệm, 61,5 tấn phân bón các loại do Cục QLTT Đồng Nai và Cục QLTT Lâm Đồng tạm giữ trước đó đều là phân bón giả.

Không chỉ có địa bàn Đồng Nai, trước đó, ở các địa phương như Tây Ninh, Long An, An Giang, Cần Thơ, Bạc Liêu, Kiên Giang… lực lượng QLTT cũng đã triệt xóa được nhiều vụ sản xuất, kinh doanh phân bón giả có quy mô lớn. Có thể kể như ngày 7/9, Công an quận Thốt Nốt, TP. Cần Thơ khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Văn Bình và vợ Nguyễn Thị Lệ Quyên, ngụ phường Thuận Hưng, quận Thốt Nốt về hành vi "sản xuất, buôn bán hàng cấm". Theo Công an quận Thốt Nốt, vợ chồng ông Bình lập Công ty TNHH MTV Bình Quyên, tại TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang, chuyên sản xuất, buôn bán phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, doanh nghiệp này sau đó dời về phường Thuận Hưng, quận Thốt Nốt, TP. Cần Thơ.

Trước đó, công an và lực lượng QLTT TP. Cần Thơ kiểm tra,phát hiện hơn 20 tấn và gần 5.000 lít phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, trong đó có 7/13 loại phân bón không có thông báo xác nhận bảng công bố sản phẩm, không có chứng nhận cho lưu hành tại Việt Nam. Không chỉ số hàng bị tạm giữ, lực lượng kiểm tra còn phát hiện gần 88 tấn và hơn 3.500 lít phân bón không đủ tiêu chuẩn đã bán cho nông dân sử dụng.

Hay tại địa bàn tỉnh Bạc Liêu, ông Nguyễn Minh Trung - Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Bạc Liêu - cho biết, lực lượng QLTT Bạc Liêu đã phát hiện tình trạng sản xuất, kinh doanh phân bón giả, vi phạm sở hữu trí tuệ hoạt động với hình thức lén lút, núp bóng hoạt động kinh doanh hợp pháp; bán hàng giả, kém chất lượng trộn với hàng thật, có mạng lưới phân phối đến các chợ vùng nông thôn, vì thế công tác kiểm tra và xử lý là không dễ dàng. Mới đây, lực lượng QLTT tỉnh đã phối hợp với cơ quan chức năng tịch thu 23 bao phân kali giả, trọng lượng 1.150kg của cơ sở Huỳnh Gia. Cơ sở này sản xuất phân bón kali từ nguyên liệu muối trộn với bột màu, kết quả kiểm định hàm lượng kali chỉ đạt 0,138 - 0,3%, trong khi tiêu chuẩn cho phép hàm lượng kali là 60%.

Tiếp tục tăng kiểm tra, kiểm soát thị trường

Theo lực lượng QLTT phía Nam, hành vi vi phạm của các cơ sở sản xuất phân bón giả chủ yếu là sản xuất các loại phân bón vi sinh, phân bón tổng hợp không đúng chất lượng như đã đăng ký, mua sản phẩm thật trộn sản phẩm kém chất lượng, dùng nguyên liệu là xơ dừa, đất bùn, trộn hó‌a chấ‌t, phẩm màu để làm phân bón. Để tiêu thụ các loại phân bón giả, các đối tượng cung cấp cho các đại lý kinh doanh phân bón ở vùng sâu, vùng xa; các đại lý này thường bán chịu cho nông dân sử dụng ít ai phát hiện được hàng giả khi đã bón cho cây trồng.

Sản xuất phân bón giả từ nguyên liệu đất pha trộn với phẩm màu

Trước thực trạng như vậy, Bộ Công Thương tiếp tục chỉ đạo lực lượng QLTT tập trung thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 24/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị số 10/CT-CT- BCT ngày 8/9/2017 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực phân bón vô cơ. Tổng cục QLTT cũng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo Cục QLTT các địa phương phối hợp với các lực lượng công an, thanh tra các sở ngành tăng cường kiểm tra tình trạng sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng trên thị trường.

Bên cạnh đó, để triệt tiêu phân bón giả, Tổng cục QLTT cho biết sẽ chỉ đạo lực lượng QLTT cả nước tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các đơn vị liên quan kiểm tra các doanh nghiệp sản xuất, gia công phân bón; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh phân bón.

Cùng với những giải pháp trên, theo các chuyên gia, để ngăn chặn phân bón giả, ngoài sự vào cuộc của cơ quan chức năng thì tại các địa phương cũng cần đưa ra một số hướng dẫn để nông dân có thể nhận biết phân bón giả, kém chất lượng. Chẳng hạn như khuyến cáo nông dân không nên ham rẻ, ham khuyến mại mà mua phân bón không có thương hiệu; không nên mua phân vón cục, đóng rắn hoặc chảy nước vì đã bị biến đổi chất lượng… Riêng người tiêu dùng nên chọn mua các loại phân bón ở những đại lý kinh doanh có uy tín và cam kết về chất lượng để hạn chế sự thiệt hại cho mùa màng. 

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật