Hai ông cháu lái đò đè lũ dữ, cứu sống gần 100 người

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Lũ! Lũ về! Ới bà con! Chạy thôi! Bà con ơi… Những tiếng kêu thảng thốt vang vọng khắp nơi. Ở thôn Đồng Tư, xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình, nhiều hàng xóm quanh nhà ông Võ Văn Bình đã chạy lũ.
Hai ông cháu lái đò đè lũ dữ, cứu sống gần 100 người
Ông Võ Văn Bình bên chiếc thuyền máy của gia đình đã bị hư hỏng nặng sau đợt lũ dữ. Ảnh: Dương Phong.

Ngôi nhà nhỏ của ông cũng mỗi lúc một chìm sâu hơn trong lũ. Lòng ngổn ngang trăm mối tơ vò, ông định lái đò đi trốn lũ. Nhưng những tiếng kêu cứu của bà con đã níu ông ở lại, cả ngày ngược xuôi đè lũ dữ, cứu sống gần 100 người dân. Lúc trở về thì con đò bị dòng nước xoáy nuốt mất và rách nát, may mà ông bơi được vào bờ, thoát chết…

Hai ông cháu quên mình cứu dân

Hôm ấy là ngày 18-10-2020, lũ về khiến thôn Đồng Tư, xã Hiền Ninh thành một trong những địa phương bị ngập sâu nhất của huyện Quảng Ninh. Nước lũ bủa vây khắp chốn chỉ chực chờ ập tới đe dọa tính mạng, tài sản của người dân.

Ngôi nhà nhỏ của ông Võ Văn Bình cùng đứa cháu trai 14 tuổi bắt đầu có dấu hiệu ngập. Mấy ngày liền khi bão về, tâm trí ông Bình như lửa đốt. Bởi lẽ căn nhà này của hai ông cháu nằm ở vùng trũng thấp, nếu lũ về, sẽ chịu cảnh ngập sâu hàng mét. Đang trăn trở với nhiều mối lo, chưa kịp ăn sáng thì tiếng chuông điện thoại của ông Bình đã réo rắt. “A lô! Đây có phải số của ông Bình không ạ? Tôi đang bị kẹt bởi nước lũ ngoài đường quốc lộ không thể về nhà để di chuyển đồ đạc đến nơi an toàn… Tút… Tút?” Cuộc điện thoại chưa kết thúc đã bị ngắt.

Tiếng người đàn ông trong máy điện thoại vô cùng gấp gáp. Không chần chừ, ông Bình gọi đứa cháu trai: “Thanh ơi, lên thuyền nghe con, có người đang bị kẹt nước lũ cần mình cứu”. Hai ông cháu lật đật lên đò, chẳng kịp thu dọn đồ đạc, con đò tròng trành lao vút đi về nơi có những tiếng gọi thảng thốt. Tưởng là chỉ phải cứu một người nhưng điện thoại reo liên tục. Liên tiếp những tiếng kêu thất thanh trong tiếng nước sôi réo. Hai ông cháu cứ thế lăn lộn ngày đêm với lũ, cứu trợ an toàn gần 100 người dân…

Chèo thuyền giữa dòng nước lũ chảy xiết, ông Võ Văn Bình cũng có nhiều pha thót tim: “Nước lũ chảy xiết, xoáy mạnh, nhiều lần thuyền của tôi như muốn cuốn theo cơn lũ dữ. Những lúc đó, hai ông cháu, người thì cầm lái, người thì quan sát xung quanh sao cho vừa tránh được chướng ngại vật do nước lũ dâng cao che lấp hết, vừa phải tránh đi vào vòng nước xoáy”.

Ông Võ Văn Bình trải lòng: “Đâu có kịp ăn uống gì đâu, cũng chẳng kịp thay quần áo, vì người cần cứu thì nhiều, có gia đình chỉ toàn người già và trẻ nhỏ, ông cụ già đã gần 100 tuổi rồi, gọi điện cho tôi cầu cứu. Nhận những cuộc điện thoại như vậy, làm sao tôi nỡ chậm một giây một phút nào. Vì mình chậm giây phút nào là nước lũ dâng cao lên tới ấy, gây nguy hiểm tính mạng đến bà con”. Ông Bình cho biết, trong số bà con được ông cứu nạn, phần lớn là người già, trẻ nhỏ, phụ nữ, "tôi tuy yếu nhưng còn sức thì còn phải cứu họ", ông Bình bộc bạch.

Còn em Võ Nhật Thanh (14 tuổi, cháu ngoại ông Bình), người đồng hành cùng ông trong suốt hành trình ngược xuôi cứu trợ bẽn lẽn chia sẻ: “Lúc đầu em cũng thấy hơi sợ, nhưng thấy ông đi một mình, lo lắng nên em xin đi theo. Thường thì hai ông cháu sẽ đi cả ngày cho đến tối mới về, rồi đêm lại ngủ lại luôn trên thuyền vì nhà bị ngập hết. Nhiều hôm tối muộn, em cũng sợ nước lên thì về không được nên hối ông về, nhưng ông lại bảo: “Thôi cứu người đã, cứu người quan trọng hơn”, thế là hai ông cháu lại hối hả tiếp tục hỗ trợ bà con trong thôn". Sống cùng ông ngoại từ khi còn nhỏ, nên em Võ Nhật Thanh hiểu rất rõ tính của ông, đã làm gì là sẽ làm đến cùng, không ngại khó khăn, vất vả. Tấm gương từ ông cũng tiếp thêm sức mạnh giúp cậu trai còn đang ở độ tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” sẵn sàng xông pha, rẽ cơn lũ dữ mà cứu đồng bào.

Ông Võ Văn Bình và cháu ngoại Võ Nhật Thanh.

“Tôi chỉ thương thằng nhỏ, đêm về, ngủ trên thuyền, quần áo không có để thay, phải cởi trần ra để ngủ, còn áo thì mang hong khô mai còn có cái mặc tiếp. Chỉ sợ cháu ốm thôi, chứ tôi thì đã quen với sương gió”, ông Võ Văn Bình vừa cười vừa chia sẻ.

Cứu dân không kịp cứu nhà, vẫn chẳng chịu nhận tiền cảm ơn

Gương mặt khắc khổ bởi những khó khăn, lam lũ của cuộc sống mưu sinh nên ông Võ Văn Bình trông già hơn so với tuổi thật. Sinh năm 1954, từng bươn chải ngược xuôi, làm nghề đò ngang từ nhiều năm nay, ông Võ Văn Bình dựa vào chiếc thuyền máy cole nặng gần 3 tấn với sức chở 25-30 người để kiếm sống. Ai gọi gì thì ông đi, việc gì ông cũng nhận, từ chở khách hay chở hàng hóa qua sông Long Đại, đoạn qua xã Hiền Ninh.

Vất vả là thế nhưng trong suốt quá trình chèo thuyền ngang dọc vùng Hiền Ninh, kịp thời cứu giúp nhiều bà con trong thôn, trong xã thoát khỏi cảnh nước lũ bủa vây, ông Võ Văn Bình không nhận bất kỳ một khoản tiền cảm ơn nào từ mọi người.

“Họ đưa tôi nhiều tiền lắm, ai cũng năn nỉ tôi cầm coi như chút lòng cảm ơn của họ, nhưng tôi nhất quyết không nhận. Ngày thường, tôi chở đò để mưu sinh thì tôi nhận tiền ngay nhưng những ngày này, cùng là đồng bào, tôi giúp được chi thì tôi giúp. Làm sao tôi có thể ngửa tay nhận những đồng tiền của bà con làng xóm trong hoàn cảnh này. Có những người được tôi cứu khỏi nước lũ đang ngập sâu trong nhà, còn chắp tay vái tôi để cảm ơn. Hành động đó của bà con khiến tôi vừa cảm động lại vừa thấy thêm trách nhiệm, thấy mình phải cố gắng mang hết sức mình có, phương tiện mình có ra mà cứu giúp bà con”, ông Võ Văn Bình tâm sự. 

Vì suốt ngày lênh đênh trên chiếc thuyền cứu hộ mà ngôi nhà của ông Võ Văn Bình và người cháu trai ngập sâu trong nước, toàn bộ đồ đạc, nồi niều xoong chảo, vật dụng gia đình đều bị hư hỏng hoàn toàn, không sao “cứu” được. “Mọi thứ trong nhà đều ngập trong bùn đất và nước. Không còn dùng được gì hết”, ông Bình chia sẻ.

Người bình thường nhưng rất…anh hùng

“Tôi chỉ nói một câu thôi: “Bác Bình là người rất bình thường nhưng rất anh hùng”. Đó là trải lòng của chị Nguyễn Thị Luyến (sinh năm 1982), trú tại thôn Đồng Tư - một người vừa được cứu sống khi nói về hành động nghĩa hiệp của ông Võ Văn Bình.

Chị Nguyễn Thị Luyến-người được ông Võ Văn Bình cứu khỏi cơn lũ dữ chụp ảnh cùng ông.

Hồi tưởng lại ngày ngâm mình trong dòng nước lạnh ngắt, chị Nguyễn Thị Luyến vẫn chưa hết ám ảnh: “Hôm đó là ngày 18-10, nước lũ lên rất nhanh. Lúc đầu chỉ đứng đến mắt cá chân nhưng sau đó thì dâng dần lên đến tận bụng, rồi tới ngang người. Gia đình tôi lúc đó có tôi, con trai cùng một người em con nhà dì. Ba người hoảng hốt, tháo chạy khỏi nước lũ bằng cách leo qua cửa sổ, đứng trú chân trên bể nước của nhà bên cạnh. Nhưng nước lũ ngày một dâng cao, tôi bảo con trai cùng người em con nhà dì bơi ra phía trước cổng xem có thuyền cứu hộ nào không thì cầu cứu. Còn tôi phải vin vào một hộp xốp đựng bánh bột lọc đang trôi nổi để đi ra phía ngoài cổng. Nhưng ngâm mình mãi dưới dòng nước lạnh giá vẫn chưa thấy có xuồng hay thuyền cứu hộ nào đi qua. Chúng tôi dần chìm trong tuyệt vọng. Nỗi lo sợ ngày càng dâng cao lên. Đúng lúc đó, chúng tôi nhìn thấy thuyền cứu hộ của bác Bình đang đi cứu hộ cho gia đình bên cạnh. Ba người gọi cầu cứu đến lạc cả giọng giữa mênh mông biển nước. May sao tiếng kêu cứu của chúng tôi đã vọng tới chỗ bác Bình. Bác không ngần ngại quay thuyền cứu chúng tôi”.

Chân dung ông Võ Văn Bình-người cứu sống gần 100 người dân trong cơn lũ dữ. Ảnh: Dương Phong.

Giống như chị Nguyễn Thị Luyến, gia đình chị Trương Thị Hồng Diện, cũng ở thôn Đồng Tư có tới 6 thành viên, trong đó có cả cụ già đã 90 tuổi và cháu nhỏ mới 4 tuổi vẫn chưa hết bàng hoàng khi nghĩ lại cảnh nước lũ bủa vây. “Nước lên nhanh quá, gia đình tôi lại nhiều người. Tôi gọi điện thoại cho mấy thuyền cứu hộ nhưng vì còn quá nhiều người cần cứu trợ mà chờ mãi vẫn chưa thấy có thuyền cứu hộ nào qua nhà mình. Lúc đó chúng tôi gần như chìm trong tuyệt vọng. May sao, khi tôi bốc máy gọi cho ông Bình thì chỉ 15 phút sau, thuyền cứu hộ của ông Bình đã qua nhà để đưa chúng tôi đi tránh lũ. Ơn của ông Bình, gia đình tôi cả đời cũng không bao giờ quên”, chị Diện tâm sự trong xúc động…

“Thuyền vỡ nhưng lòng tôi không vỡ”

Ngang dọc nhiều ngày liền trong mưa lũ, không thể tránh khỏi những nguy hiểm luôn rình rập. Khi ông Võ Văn Bình đang chở thuyền đi tiếp nhiên liệu phục vụ cho công tác cứu trợ thì thuyền đi đúng vào dòng nước xoáy, không thể bẻ lái, ông Võ Văn Bình đành ngậm ngùi nhìn chiếc thuyền, cũng là “con trâu đầu cơ nghiệp” của mình chìm dầm xuống dòng nước lũ. Ông chỉ kịp thời bơi vào bờ, may mắn thoát chết. Trở về nhà, ông Bình buồn bã mấy ngày liền, lo lắng không biết lấy gì để mưu sinh cũng là để cứu người.

Sau đó mấy ngày, khi nước rút dần, chiếc thuyền mới được kéo về thì đã bị vỡ, hư hỏng nặng, không thể sử dụng được. Nghe tin mưa lũ chưa hết, bão số 9 sắp về, lòng ông Bình lại như lửa đốt. Người thân hỏi tại sao, ông trả lời cần có thuyền để nếu lũ về còn cứu được mọi người. Ông bảo: “Thuyền vỡ nhưng lòng tôi không vỡ. Chỉ mong có thuyền mới để vừa tiếp tục chở đò, vừa cứu bà con nếu chẳng may lũ lại về”.

Người đàn ông đè lũ dữ cứu gần 100 đồng bào.

Nghe những câu nói của cha mình, chị Võ Hoàng Thị Kim Anh, con gái ông Võ Văn Bình không giấu được niềm tự hào. Chị cho biết, bản thân chị đi làm xa gia đình, không có điều kiện ở gần chăm sóc cho cha, mặc dù biết việc đi cứu hộ, cứu nạn là rất nguy hiểm, có khi ảnh hưởng đến cả tính mạng, rất lo lắng cho cha nhưng không thể ngăn được ông. “Nhiều lúc tôi cầm điện thoại gọi cha không được vì lúc đó cha còn đang bận đi cứu hộ, nước mắt tôi cứ trào ra, chỉ sợ có điều gì không may xảy tới với cha. Nhưng nhìn những việc cha đã làm được, tôi thật sự tự hào về ông. Ông đã cho tôi hiểu thế nào là tình làng nghĩa xóm, tình đồng bào, quê hương”, chị bộc bạch.

Ông Trần Văn Lai, Chủ tịch UBND xã Hiền Ninh cho biết, trong đợt lũ vừa rồi, toàn xã Hiền Ninh đã huy động được vài chục gia đình, cá nhân sử dụng phương tiện là thuyền máy tự đi cứu hộ, cứu nạn giúp bà con trong thôn, xóm. Đây là lực lượng vô cùng quan trọng, là biểu hiện sinh động của “bốn tại chỗ” trong phòng, chống bão lụt. Trong những người tham gia cứu hộ cứu nạn thì ông Võ Văn Bình là người cao tuổi nhất, lại có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khi chỉ ở cùng với người cháu trai. “Đảng ủy, chính quyền xã Hiền Ninh rất hoan nghênh tinh thần “tương thân tương ái”, hết mình vì đồng bào của ông Võ Văn Bình cũng như nhiều cá nhân khác tại xã Hiền Ninh. Hiện nay, xã cũng đã nắm được hoàn cảnh gia đình cũng như khó khăn của các hộ dân trong xã trong đó có gia đình ông Võ Văn Bình để hỗ trợ trong thời gian tới”, ông Trần Văn Lai nhấn mạnh.

Cảm động câu chuyện người lái đò dũng cảm chiến đấu với lũ dữ cứu gần 100 người, những người hảo tâm đã tìm đến ông, trao tặng ông một chiếc thuyền cole mới và 10 triệu đồng. Ông vui ra mặt, nói: "Ri là có kế mưu sinh, được bà con giúp tui mừng rớt nước mắt".

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật