Đằng sau việc Ant Group của Trung Quốc bị đình chỉ IPO

Kute Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Thương vụ IPO kỷ lục của Ant Group bị đình chỉ trước khi diễn ra theo kế hoạch. Việc này phản ánh một thực tế đã có nhiều thay đổi từ phía các công ty công nghệ tài chính, cũng như chính sách của Chính phủ. Việc tạo ra sự cân bằng giữa đổi mới và kiểm soát là cần thiết.
Đằng sau việc Ant Group của Trung Quốc bị đình chỉ IPO
 Công ty tài chính của tỷ phủ Jack Ma bất ngờ đưa ra thông báo hoãn kế hoạch IPO trước vài ngày theo kế hoạch. Ảnh: TL

Mọi thứ đã thay đổi

Ngày 3/11/2020, chỉ vài ngày trước khi thực hiện thương vụ phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) kép tại thị trường Hồng Kông và Thượng Hải, Ant Group – công ty tài chính của tỷ phủ Jack Ma bất ngờ đưa ra thông báo hoãn kế hoạch.

Đây thực sự là một cú sốc với thị trường tài chính Trung Quốc, bởi với giá trị thu về có thể lên đến 35 tỷ USD, là thương vụ IPO lớn nhất thế giới từ trước đến nay. Đặc biệt thành công của thương vụ sẽ khẳng định vai trò lãnh đạo mới nổi của Trung Quốc đối với ngành tài chính thế giới. Đằng sau sự việc này là một thực tế: mọi thứ đã thay đổi.

Bắt đầu từ sự lớn mạnh nhanh chóng của các công ty công nghệ tài chính (như Ant), tiền thân là các hãng công nghệ đơn thuần, sau đó cung cấp thêm các dịch vụ thanh toán trực tuyến. Giờ đây, hoạt động của các công ty này đã mở rộng, “lấn sân” nhiều hơn sang lĩnh vực tài chính, cho vay – mảng hoạt động mà trước đây là “sân chơi” riêng của ngân hàng trung ương và các ngân hàng thương mại. Tầm ảnh hưởng của các công ty giờ đây vượt qua giới hạn thông thường của các doanh nghiệp công nghệ, đặc biệt trong giai đoạn phát triển của cuộc CMCN 4.0.

Theo ông Agustin Carstens - Tổng giám đốc Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS), trong khi cuộc CMCN phải mất một thế kỷ để tạo ra sự thay đổi cấu trúc trong các nền kinh tế, thì những tiến bộ công nghệ có thể làm được điều này chỉ trong một vài năm. Ban đầu, các công ty công nghệ lớn quá nhỏ để được quan tâm đến, nhưng chỉ trong vài năm chúng đã trở nên quá lớn để có thể bị lờ đi và giờ đang ở thời điểm, chúng quá lớn để có thể sụp đổ.

Tại Trung Quốc việc áp dụng các dịch vụ tài chính và thanh toán kỹ thuật số đang trở nên rất phổ biến. Hiện có khoảng 30% tổng số giao dịch bán lẻ được thực hiện trực tuyến và thanh toán kỹ thuật số, các giao dịch nhỏ như thanh toán tiền ăn trưa, tiền cà phê cũng được thực hiện trực tuyến, thậm chí tặng phong bao lì xì trong dịp Tết Nguyên đán - một biểu tượng của văn hóa truyền thống Trung Quốc cũng được thực hiện bằng phương tiện điện tử.

Các hoạt động thanh toán thực hiện thông qua việc sử dụng những công nghệ tiên phong của các doanh nghiệp tư nhân như Ant (tiền thân là Alipay), hay WeChat Pay. Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) dịch Cương trong một phát biểu mới đây đã ghi nhận “tính hiệu quả” mà các doanh nghiệp này đưa vào hệ thống tài chính.

Cách tiếp cận trong quản lý các công ty công nghệ tài chính của Chính phủ Trung Quốc cũng thay đổi theo hướng chặt chẽ và có định hướng. Việc đình chỉ IPO của Ant được cho là do các quan ngại của Chính phủ trước sự phát triển bùng nổ của các công ty công nghệ tài chính, trong khi thiếu sự giám sát chặt chẽ của Chính phủ.

Thực tế, Ant và các công nghệ tài chính khác đang phát triển mạnh với tư cách một nền tảng công nghệ và không hề chịu sự rằng buộc của các quy chế giám sát ngân hàng, cho dù cung cấp hàng loạt dịch vụ tài chính.

Ngày 3/11, Sở Giao dịch chứng khoán Thượng Hải tuyên bố đình chỉ vụ IPO của Ant, với lý do có một "sự thay đổi quan trọng" trong môi trường giám sát (cùng với đó, Ant cũng đóng băng kế hoạch phát hành tại Hồng Kông). Đình chỉ IPO của Ant phản ánh nỗ lực của Chính phủ Trung Quốc trong việc bắt kịp tốc độ đổi mới của ngành tài chính.

Cân bằng giữa đổi mới và quản lý

Đổi mới, sáng tạo là cần thiết, là động lực quan trọng để tạo ra sự phát triển. Tuy nhiên, điều này có thể dẫn đến việc mất kiểm soát từ phía các cơ quan nhà nước. Sự sụp đổ của Wirecard – công ty thanh toán Internet khổng lồ của Đức (từng có mặt trong chỉ số DAX của Đức) hồi đầu năm 2020, đã thể hiện một thực tế là có nhiều lỗ hổng trong hệ thống giám sát tài chính, ngân hàng.

Thống đốc PBoC dịch Cương bên cạnh việc ghi nhận những lợi ích mà các công ty công nghệ tài chính mang lại cũng chỉ ra rằng, “các công ty này cũng tạo ra nhiều rủi ro, đặc biệt xung quanh vấn đề bảo vệ dữ liệu”.

Các rủi ro có thể được giải quyết khi Chính phủ ban hành được các quy định phù hợp, rõ ràng và hiệu quả. Theo đó có thể dung hòa trong mối quan hệ giữa ngân hàng truyền thống với các công ty công nghệ tài chính, trên cơ sở phân định rõ ràng phạm vi hoạt động và lợi ích tương ứng.

Theo ông Klaas Knot, Thống đốc ngân hàng Trung ương Hà Lan “các quy định sẽ cung cấp một mức độ tin cậy”. Việc thiết kế các quy định sẽ đặt thêm gánh nặng cho Chính phủ, tuy nhiên điều đó giúp mang lại lợi ích từ sự phát triển của các doanh nghiệp công nghệ tài chính nhiều hơn là cản trở sự mở rộng của chúng.

Việc đưa ra các quy định kiểm soát đảm bảo hiệu quả là không đơn giản, bên cạnh đó là độ trễ trong quá trình triển khai thực hiện, do vậy thời gian tới nhiều cú sốc như Ant có thể còn diễn ra

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật