Vỡ nợ của doanh nghiệp Trung Quốc vượt 15 tỷ USD ba năm liên tiếp

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Liên tục vay nợ mới để đắp vào nợ cũ, tổng lượng nợ khó đòi từ các công ty Trung Quốc phá sản hàng năm dự kiến tiếp tục vượt 100 tỷ nhân dân tệ kể từ năm 2018.
Vỡ nợ của doanh nghiệp Trung Quốc vượt 15 tỷ USD ba năm liên tiếp
Nợ tín dụng của doanh nghiệp Trung Quốc sắp vượt 100 tỷ NDT trong ba năm liên tiếp. Ảnh: Bloomberg.

Theo Bloomberg, tổng các khoản vỡ nợ doanh nghiệp của Trung Quốc dự kiến vượt 100 tỷ nhân dân tệ (15,2 tỷ USD) trong năm thứ ba liên tiếp, nhấm mạnh tình hình tài chính đáng báo động của các công ty từ lâu đã chìm trong nợ nần.

Dữ liệu từ Bloomberg cho thấy các khoản nợ phải trả trong năm 2020 của các công ty Trung Quốc tăng mạnh trong hai tuần qua đã đẩy nợ trong nước lên tới 104 tỷ nhân dân tệ (15,8 tỷ USD) trong năm nay. Số nợ phải trả ra nước ngoài cũng tăng vọt lên 8,1 tỷ USD, gấp 2,1 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Tổng các khoản vỡ nợ ở Trung Quốc tăng dần kể từ năm 2017. Năm 2018, các khoản vỡ nợ trong nước chạm 122 tỷ NDT (18,5 tỷ USD), cao gấp 4 lần so với một năm trước đó. Đến năm 2019, tổng vỡ nợ tiếp tục leo thang tới hơn 141,9 tỷ NDT (21,5 tỷ USD). Trong năm nay, mặc dù nhiều dấu hiệu cho thấy căng thẳng trong khu vực tư nhân đã dịu hơn, một loạt vụ vỡ nợ ở các công ty liên kết với nhà nước đã làm lung lay niềm tin của các nhà đầu tư.

Nguy cơ vỡ nợ của các công ty nhà nước

Trong năm 2018-2019, cuộc trấn áp đối với hoạt động cho vay của các "ngân hàng bóng tối" và các quy định chặt chẽ hơn về quản lý tài sản của chính quyền Trung Quốc đã khiến nhiều người khó vay vốn mới để trả nợ tồn đọng, dẫn đến tỷ lệ vỡ nợ cao trong giai đoạn này.

Trở lại năm nay, trong nỗ lực ngăn chặn nền kinh tế sụp đổ bởi tác động của Covid-19, các ngân hàng Trung Quốc ồ ạt mở các gói tín dụng. Tuy nhiên điều này lại làm gánh nặng của hệ thống tài chính tương lai căng thẳng hơn. Sau khi nền kinh tế Trung Quốc phục hồi, giới hoạch định chính sách bắt đầu đẩy mạnh siết nợ thay vì các biện pháp tiền tệ nhằm kíc‌h thí‌ch kinh tế như trước, thúc đẩy hàng loạt vụ vỡ nợ có nguy cơ bùng nổ trong những tháng cuối năm.

Khi đại dịch nhấn chìm hoạt động kinh doanh hồi đầu năm 2020, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc vội vã can thiệp nhằm ngăn chặn làn sóng vỡ nợ vì đại dịch. Các vụ phá sản tại khu vực tư nhân có dấu hiệu giảm xuống, nhưng danh sách công ty nhà nước gặp khó khăn lại tăng lên. Tín hiệu rủi ro mới làm chao đảo thị trường tín dụng Trung Quốc.

Theo dữ liệu từ Bloomberg, số công ty phá sản hoặc vỡ nợ của Trung Quốc đã giảm 20% trong ba quý đầu năm 2020, xuống còn 85,1 tỷ nhân dân tệ (13 tỷ USD). Tuy nhiên, tỷ lệ này giảm là do các công ty có tình hình tài chính khó khăn trì hoãn vỡ nợ thông qua các biện pháp hỗ trợ đại dịch. Theo báo cáo, có hàng chục công ty giảm áp lực tài chính bằng cách trì hoãn trả nợ, hoán đổi trái phiếu hoặc hủy trả nợ trước hạn nhờ lợi dụng sự khó khăn chung từ Covid-19.

Tuy nhiên, những biện pháp này chỉ giúp các công ty duy trì trong ngắn hạn, trong khi rủi ro tín dụng vẫn còn đó. Tỷ lệ vỡ nợ tăng trở lại trong nửa cuối năm nay, trong khi nhà đầu tư dự đoán Trung Quốc sẽ ghi nhận năm thứ 3 liên tiếp có lượng nợ khó đòi vượt 100 tỷ NDT.

Nếu như trong năm 2016, hầu hết doanh nghiệp vỡ nợ nằm trong ngành công nghiệp than, thép thì năm nay, nguy cơ vỡ nợ bao trùm các công ty thuộc nhiều lĩnh vực hơn. Trong đó, ngành giao thông, du lịch và bán lẻ đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch.

Tập đoàn Yongcheng Coal & Electric, công ty khai thác than do nhà nước điều hành, đã vỡ nợ vào tháng 11 do thiếu khả năng xoay vòng vốn. Tsinghua Unigroup và Brilliance Auto là hai doanh nghiệp có quan hệ với chính phủ khác cũng không có khả năng thanh toán các khoản nợ trong nước.

Cơ quan quản lý tài chính Trung Quốc tuyên bố sẽ áp dụng cách tiếp cận không khoan nhượng đối với các vi phạm trên thị trường trái phiếu sau một loạt các vụ vỡ nợ của những công ty lớn có liên hệ mật thiết với chính phủ.

Vay nợ mới để trả nợ cũ

Các công ty Trung Quốc đã ở trong tình trạng vay nợ ít nhất một thập kỷ kể từ cuộc khủng hoảng năm 2008 bằng cách vay nợ mới để trả các khoản nợ cũ. "Mánh khóe" này giúp nền kinh tế Trung Quốc duy trì, nhưng kèm theo một cái giá nhất định. Tỷ lệ nợ doanh nghiệp trên GDP đã tăng lên mức kỷ lục 160% vào cuối năm 2017, từ mức 101% của 10 năm trước đó.

Hàng loạt công ty Trung Quốc đối mặt với quá trình điều tra sau nhiều năm chìm trong nợ nần chồng chất. Với tỷ lệ nợ doanh nghiệp trên GDP lên đến 160%, chính quyền Chủ tịch Tập Cận Bình và phụ tá kiên quyết ban hành chỉ thị về cho vay và quản lý tiền. Chính quyền Bắc Kinh đã đặt mục tiêu hạn chế hệ sinh thái ngân hàng đen trị giá 10.000 tỷ USD của nước này nhằm hạn chế các khoản vay không được kiểm soát.

Tổng lượng nợ tới hạn của doanh nghiệp Trung Quốc từ tháng 11/2020 đến tháng 11/2021. Ảnh: Bloomberg.

Tuyên bố này càng gây thêm căng thẳng cho các công ty trong áp lực huy động đủ vốn để trả nợ. Có tổng cộng 172,6 tỷ NDT (26,2 tỷ USD) nợ đáo hạn vào tháng 11/2021, và thêm hơn một nửa con số này tới hạn vào tháng 3 năm sau. Khoảng 63,9 tỷ NDT, tương đương 37%, trong số các khoản nợ có kỳ hạn sắp tới đến từ những công ty lớn được nhà nước hậu thuẫn như Henan yongcheng Coal & Electric, Tsinghua Unigroup và Brilliance Auto.

Theo Yewei Yang, chuyên gia phân tích từ Guosheng Securities, áp lực tái cấp vốn sẽ tăng lên khi làn sóng trái phiếu doanh nghiệp nhà nước đáo hạn. rủi ro tài chính sẽ lớn hơn đối với các doanh nghiệp có trụ sở tại các khu vực kém phát triển, áp lực nợ lớn hơn và phụ thuộc nhiều vào doanh thu bán đất để trả nợ.

Mặt khác, các khoản thanh toán cả gốc và lãi cộng dồn trong năm nay đã lên tới 34 tỷ NDT (5,1 tỷ USD) là nguyên nhân lớn thứ hai khiến các công ty đối mặt nguy cơ vỡ nợ cao.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật